Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

van_dienht's Blog

vua ếch mười thập an giang..!

Tên bài báo: “Vua ếch” Mười Thập
Ngày cập nhật: 17/1/2006
Nguồn tin: BCT, 17/1/2006

   

“Vua ếch” là tên vui mà người dân An Giang đặt cho Mười Thập, người đầu tiên nuôi và nhân giống ếch thành công tại An Giang và ĐBSCL. Từ hai bàn tay trắng, Mười Thập lập nên cơ nghiệp trị giá hàng tỉ đồng: trang trại nuôi ếch, cung cấp ếch giống và bao tiêu đầu ra uy tín tại khóm Đông Thạnh A-phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên.

GIAN NAN ĐƯỜNG KHỞI NGHỆP

Là một thanh niên quê Nga Sơn-Thanh Hóa lại thành công với nghề nuôi ếch tận Miền Tây Nam bộ làm nhiều người không khỏi giật mình. Chính cái nghèo khó đã tôi luyện Phạm Đăng Thập (Mười Thập) thành một con người có bản lĩnh như ngày nay. Đôi lúc nghĩ lại anh cười và nói: “Con cháu Mai An Tiêm mà. Phải làm thế nào cho xứng đáng chứ!”.

Đầu thập niên 1990, đất nước đang trong giai đoạn đầu đổi mới, ở cái tuổi 30, Mười Thập vẫn tay trắng trong khi lòng vẫn nung nấu “phải có danh gì đó với núi sông”. Mười Thập kể: “Lúc đó nghèo lắm. 2 vợ chồng và 1 đứa con vào tới Bến xe miền Tây, trong túi chỉ còn 7.000 đồng. Đón xe về Cần Thơ phải mất 12.000 đồng nên lơ xe đuổi xuống. Mình dắt vợ, con lội bộ đến một cây xăng gần đó thì một ông xe tải thấy tội bèn cho quá giang về Vĩnh Long và gửi một xe đò quen cho về Long Xuyên”. Vợ chồng Mười Thập ở nhờ nhà tập thể của người anh ruột (làm công chức tại An Giang) và tìm hướng làm ăn.

Sau nhiều bận suy tính, anh chọn ngọn kinh Ông Cò, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn để bám trụ và bắt đầu nghề giữ lúa mướn. Khi đến đây, hai vợ chồng chỉ còn cái đồng hồ là vật có giá trị, Mười Thập bán lấy 172.000 đồng để mua 150 con vịt tàu về nuôi... Cuộc sống vô vàn khó khăn. Mùa lũ năm nào người ta cũng thấy anh tập bơi xuồng để bước vào cái nghề hạ bạc của cư dân vùng lũ. Cũng ra giăng lưới, giăng câu nhưng không tài nào dính cá như người địa phương Được cái là đàn vịt đẻ rất sai (anh có bằng trung cấp chăn nuôi). “Chính nó đã giúp mình lập nghiệp”, Mười Thập nói như biết ơn những chú vịt của 15 năm về trước. Cứ thế đàn vịt được gầy lên 500 con rồi 1.000 con và 3.000 con.

Được một số vốn, Mười Thập lại một phen thử thách. Anh lên Long Xuyên mua nhà và xin vào làm tại Công ty Du lịch An Giang, vợ anh thì nấu ăn tại cửa hàng gạo của công ty. Với tấm bằng thuyền trưởng mà anh đã có trong lúc rảnh rỗi theo học ở Thoại Sơn, anh phụ trách lái tàu du lịch cho công ty. Rồi vợ chồng cũng dành dụm mua 30 công đất tại Tri Tôn. Làm du lịch, anh có nhiều dịp đi đây đó, nắm bắt thị trường nhanh nhạy hơn... suy tính kỹ lưỡng anh bàn với vợ trở lại nghề chăn nuôi.

DUYÊN NỢ VỚI CON ẾCH THÁI

Anh bán đất ở Tri Tôn và vay thêm ngân hàng mua 20 công đất tại phường Mỹ Thạnh để mở trang trại nuôi ba ba. Tháng 8-2002, Mười Thập liên hệ khắp nơi để tìm nơi nuôi và cho đẻ ba ba và anh chọn Hà Tĩnh là nơi “tầm sư học đạo”. Mười Thập kể: “Trại giống chỉ đặt vấn đề mua con giống ba ba để nuôi thương phẩm. Nhưng con ếch Thái Lan quả là có duyên nợ với mình. Khi đó đang có một chuyên gia Thái Lan qua chuyển giao công nghệ sản xuất và nuôi ếch Thái cho trại giống này. Mình quyết theo học. Lúc này mình biết có rất nhiều người nuôi nhưng chỉ là ếch đồng nên không lời nhiều”. Mười Thập xin vào làm công nhân tại đây để học nghề nuôi ếch Thái. Với bản tính ham học hỏi, không bao lâu, những tuyệt chiêu từ ông thầy người Thái đã nằm trong đầu Mười Thập. Về An Giang, Mười Thập mang theo 600 con ba ba, 500 con ếch con và 5 cặp ếch bố mẹ. Chính những con ếch đầu tiên này của Mười Thập đã mở ra một phong trào nuôi ếch Thái Lan rầm rộ tại Miền Tây mấy năm qua.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang nhận xét: “Chất lượng ếch giống của trại giống Mười Thập rất đảm bảo. Không bệnh tật cũng như không hao hụt khi mua về nuôi. Chính trung tâm cũng mua con giống từ chỗ anh Thập về để sản xuất giống cung cấp cho bà con”.

Mười Thập thú thật “Không có bí quyết gì ghê gớm. Chỉ áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm thực tế. Nếu chỉ lơ là một công đoạn là coi như hỏng hết”.

...VÀ CUNG CÁCH LÀM ĂN MỚI

Trang trại ếch 2 ha của Mười Thập giờ đã hoàn thiện với 40 bể sản xuất giống và hơn 6.000m2 nuôi ếch thịt. Mỗi năm anh cung ứng gần 2 triệu con ếch giống cho cả đồng bằng và gần 500 tấn ếch thịt xuất khẩu. Nhưng cái hay của Mười Thập là tin tưởng vào khả năng của mình và chất lượng con giống mình sản xuất. Do đó, tất cả ếch giống bán ra anh đều hợp đồng thu mua lại ếch thương phẩm của bà con với mức giá theo giá thị trường. Mười Thập giải thích: “Chỉ có cách làm đó bà con mới an tâm mua ếch giống của mình. Không chỉ vậy mà mình còn đến tận nhà hướng dẫn bà con cách làm bể nuôi, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh để bà con nuôi đạt kết quả. Và hiện nay, với sự phát triển mạnh của phong trào thì bà con sẽ bán ở đâu nếu không có người đảm bảo đầu ra”.

Ngoài ra anh còn đầu tư trang trại 1ha tại Củ Chi - TPHCM để nuôi hỗ trợ cùng với các doanh nghiệp ổn định thị trường xuất khẩu và trữ bán nội địa.

Trong những ngày cao điểm lũ vừa qua, trại giống Mười Thập lúc nào cũng tấp nập người đến tìm mua giống. Chỉ cái bảng ghi chi chít tên và số lượng, Mười Thập nói: “Nhu cầu của bà con lớn quá mình không thể nào cung cấp đủ”. Hơn 15 người với số lượng gần 50.000 ếch giống được ghi lại lên bảng để chờ lứa ếch tới. Còn khu vực nuôi ếch thịt của Mười Thập, 6 tháng qua dùng để nuôi trữ ếch thu mua chờ đưa lên TPHCM.

Với kinh nghiệm và bản lĩnh, Mười Thập không dừng lại. Anh bật mí: đang tận dụng bể đẻ của ếch để sản xuất lươn giống. Nếu không có gì trở ngại thì qua Tết này anh sẽ bắt đầu cung cấp giống ra thị trường.

BÌNH NGUYÊN


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com