Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

o00-Forever in Love-o0o --- VIET

HUẾ TRONG TÔI

User Posted Image


CÓ MỘT DÒNG SÔNG HOA
Hoa biểu tượng cho cái đẹp tiên thiên, cái đẹp thuần khiết giúp hồn người thăng hoa. Hoa xứ Huế thường nhỏ hơn các loài hoa nơi những miền có khí hậu ôn đới. Nhưng hoa xứ Huế có hương thơm đặc trưng, bởi vùng đất Thần Kinh hội tụ đủ các yếu tố núi sông, nắng mưa,… và đặc biệt là con người ở xứ sở này rất yêu cỏ cây hoa lá, cảnh đẹp thiên nhiên và người Huế hầu như không dùng hoá chất để kích thích hoa.

Sông Hương

Truyền thuyết cho rằng dòng sông Hương trong xanh của xứ Huế có cái tên kỳ mộng, gợi cảm như vậy là do chúa Nguyễn thực hiện theo giấc mộng của bà tiên, chúa Nguyễn Phúc Thái thắp hương đi từ đồi Hà Khê dọc theo bờ sông về phía hạ lưu cho đến khi hương tàn thì đóng thủ phủ ở đó. Bây giờ đồi Hà Khê đã trở thành một thắng cảnh danh tiếng với ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính có tháp Phước Duyên uy nghi giữa đất trời. Từ đó dòng sông xanh mượt mà đó mới có tên là Hương giang để nhớ ơn bà tiên báo mộng. Tương truyền từ xa xưa sông Hương còn có tên Lô Dung tên của một huyện thuộc quận Nhật Nam, sau đó mang tên sông Kim Trà do chảy qua quận Kim Trà, rồi địa danh Kim Trà được đổi thành Hương Trà thì tên sông được đổi theo là sông Hương Trà và sau đó được gọi rút gọn là sông Hương, có ý kiến cho rằng xưa kia sông Hương còn có tên là Linh giang, sông Dinh, sông Phú Xuân,...

Tất cả những ý kiến trên đều nhằm lý giải cái tên quyến rũ và hoa mộng của dòng sông. Thật ra, dù cái tên có hay, có đẹp đến mấy đi nữa nhưng trong thực tế không đúng như vậy thì không ai mất thời gian và tâm trí để ngợi ca bao giờ. Thật đáng tiếc nếu ai đó chưa đến sông Hương để cảm nhận những điều mà văn học, thi ca miêu tả về con sông nhạy cảm này và sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa.

Nếu có dịp quý vị nên thử nếm nước sông Hương để cảm nhận vị thanh thoát và phảng phất mùi thơm dìu dặt thật khó mà diễn tả của nắng, gió, cỏ hoa đất trời cố đô. Cách đây khoảng hơn 10 năm, thời đó nước máy rất hiếm, cả xóm mới có vài nhà sử dụng, muốn dùng nước máy thì phải đi mua từ các nhà đó. Thuở đó, cứ vào độ cuối mùa hạ hàng năm, khi mùa nước mặn dâng lên, nước sông Hương có vị lợ lợ. May mà có những chiếc đò của người dân sông nước chở nước ngọt bán dọc sông, mọi người đổ xô nhau đi mua nước ngọt. Nhưng mỗi người chỉ mua được một đôi (hai thùng thường dùng để gánh nước) phải để dành cho người khác. Hỏi ra mới biết những người dân vạn đò đã lấy nước trên tận Vạn Niên, Vọng Cảnh, Tuần… những vùng nước chưa bị nhiễm mặn. Đúng là nước ngọt, ngọt một cách lạ kỳ, không phải cái ngọt của đường, cũng không phải vị ngọt của trái cây mà vị ngọt uyên nguyên của đất trời. Đã có những lúc tôi uống nước sông Hương mà cảm nhận được vị ngọt và thấy ngon hơn cả những loại nước giải khát, nhưng cảm giác đó không nhiều. Hay những lúc ngửa mặc xuôi mình giữa dòng sông ngắm bầu trời xanh thênh thang mây trắng và cứ mặc cho những ngụm nước trôi vào miệng, những thời khắc đó tôi cảm nhận được vị giác thanh thao của nước và hương thơm nhè nhẹ của các loài thực vật dưới đáy sông. Một điều minh chứng là Bắp dọc theo bờ sông Hương đặc biệt là Bắp xứ Cồn ngọt một cách tao nhã và Hến của sông Hương có vị ngọt lạ lùng đượm mùi nắng mưa xứ Huế đã tạo nên cho xứ sở một món cơm Hến lừng danh mà đặc biệt nhất là cơm Hến ở cồn Hến .

Tuổi thơ của tôi gắn bó với miền sông nước, hàng năm bao nhiêu lễ hội được tổ chức trên sông như lễ hội rước Mẫu ở Điện Hòn Chén của Tiên Thiên Thánh Giáo đóng ở cuối đường Chi Lăng gần bến đò chợ Dinh, lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng 4, vào ngày 24, 25 tháng 6 âm lịch lễ rước Hến ở Cồn Hến; một dải đất án ngự ngay trước mặt nhà tôi và thỉnh thoảng lại thấy đám cưới tổ chức trên miền sông nước, những lễ cúng đốt hình nộm để tế thuỷ thần … tiết mục mà những đám trẻ thơ thích nhất là ngắm nhìn những chiếc thuyền hoa và hàng trăm chiếc hoa đăng lênh đênh trên sông, mỗi đứa trẻ tự chọn cho mình một chiếc hoa đăng và bềnh bồng theo ánh sáng vàng của những ước nguyện. Những đêm trăng tôi như bị mê hoặc bởi ánh trăng vàng mông lung lấp loáng trên sông, đưa bước chân tôi tiến dần đến phía sông còn ánh mắt bị hút vào đoá hoa trăng huyễn hoặc, liêu trai giữa một màu sông cô độc. Hoặc những buổi chiều khi ánh nắng khuất về phía núi để lại một gam màu huyền ảo trên sông khiến bao hoạ sĩ phát ghen. Lúc này sông Hương như một đoá hoa lớn với đủ các sắc màu bao phủ khắp cố đô. Những ngày mưa, sông như một dải lụa mềm biên biếc được gắn kết vô số những bông Huệ trắng toả ngát hương quấn quanh phố thị. Những chiều trời trở gió, nước sông cuồn cuộn tạo nên những sóng hoa trắng xoá phả vào hư không. Khi màn đêm bao phủ vô vàn những vì sao in bóng dưới lòng sông và những ánh đèn của nền văn minh đô hội tạo nên những đoá hoa lung linh, hư ảo.

Những buổi sớm sương mù bủa khắp mọi nẻo đường, bất chợt trong màng sương trắng ngà ngọc hé những đoá môi hồng cười nói hồn nhiên của các thiếu nữ trong màu áo dài trắng tinh khôi đang đến trường. Rồi trong chốc lác những tia nắng vàng óng mượt buổi ban mai xuyên qua những kẽ lá chạm vào mặt sông tạo nên những đoá hoa muôn màu rực rỡ.

Xứ Huế, mùa Hạ có hoa Sen toả hương dìu dặt từ các ao hồ lan toả khắp nơi rồi theo gió hoà vào sông nước, hoa Phượng đỏ thắm và hoa Bằng Lăng tím mặn mà dưới nền trời trong xanh , mùa Xuân nở rộ những hoa mai vàng rực rỡ khắp các góc phố, miệt vườn. Ngoài những loài hoa do người dân trồng nên, xứ Huế còn có các loài cỏ dại mọc lên ven các biền sông nở những bông hoa nho nhỏ khoe sắc tím, sắc hồng thơm dịu, hương các loài cỏ hoa góp phần tăng thêm vị thơm của sông Hương.

Khi biết những cái tên mà dòng sông đã khoát lên mình để bây giờ mang tên Hương giang như một định nghiệp, để những người có quê xứ là miền Hương Ngự dù xa xôi ngàn dặm mà lòng cứ ray rức mơ về quê xưa. Xin được trích hai câu thơ không rõ của tác giả nào: “Dù đen bạc là nơi cố xứ / những đi biền biệt cũng không đành” để gửi gắm cho những người con xứ Huế.

Đã từ lâu tôi đã muốn gọi sông Hương là dòng sông Hoa và mong ước dọc theo các triền sông từ ngọn nguồn cho đến cố quận là những vườn hoa lá đủ các sắc màu phủ bóng bên dòng Hương và toả mùi thơm hoà vào không khí, vào nguồn nước trong xanh để thanh lọc hồn người. Ôi, dòng sông Thơm đẹp đến mê hồn đã khiến nhiều văn nhân, thi sĩ cổ kim hết biết bao giấy mực. Cũng trên dòng sông tưởng chừng thơ mộng, nhè nhàng này đã có bao cuộc binh biến và để có được “Hương giang quốc gia chi bảo” hôm nay thì vua Trần Nhân Tông đã phải dằn lòng gã công chúa Huyền Trần cho Chế Bân vua Chiêm Thành đổi lấy châu Ô, châu Rí trong đó có dòng Hương giang. Ôi, một dòng sông thiêng liêng đi vào sử sách bởi nàng công chúa, một kiếp hoa trinh bạch phải cam chịu, hy sinh cái đẹp của phận mình cho nước Đại Việt.

Vẻ đẹp của sông là bộ mặt của “ngôi nhà” lớn, biểu hiện văn hoá của người bản xứ, nét đẹp và hương thơm của hoa không phải tự nhiên mà có mà do một quá trình lao động, trải qua sự chắt lọc chính mình để thâu nhận linh khí trời đất và phải được bàn tay tài hoa của những con người tâm huyết chăm chút. Cái đẹp quý phái của dòng Hương giang không những đã được người ngoại tỉnh chiêm ngưỡng mà ngay cả người nước ngoài đã phải sững hồn khi ghé thăm cố đô và tổ chức bảo vệ di sản thế giới UNESCO thấy được vẻ đẹp có một không hai của dòng sông xanh mộng và đề cử Hương giang trở thành di sản nhân loại. Không lẽ chúng ta, những người sống trên quê xứ lại không thấy, không nghe, không biết và không cảm được vẻ đẹp hiếm có đó!!!

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com