Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Thư Hà Nội

Hà Nội

Hà Nội đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử. Trong thời kỳ cai trị của người Trung Quốc nó từng có tên là huyện Tống Bình, xuất hiện trong sử sách từ những năm 454-456 thời Nam Bắc triều của Trung Quốc. Huyện Tống Bình được nâng cấp lên quận Tống Bình, gồm 3 huyện: Nghĩa Hoài, Tuy Ninh ở bờ nam sông Hồng (đoạn Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay), còn Xương Quốc ở bờ bắc (Đông Anh, Gia Lâm ngày nay). Quận trị là vùng nội thành hiện nay.

Về sau nó được đổi tên gọi là Đại La (nguyên là tên của vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy vòng thành nhỏ hơn ở trong): sách Khâm định Việt sử thông giám Cương mục có viết:

Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), Triệu Xương đắp thêm; năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại; năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành; năm Hàm Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh "kim thành", cũng gọi tên là La Thành.

Long Đỗ cũng là một tên gọi của Hà Nội, nhưng không phải tên gọi chính thức, tên gọi này xuất hiện từ thời Cao Biền. Truyền thuyết kể rằng, vào năm 866, khi Cao Biền mới đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.

Khi Việt Nam giành được độc lập, Hà Nội lúc đó trở thành thủ đô của Đại Việt từ thế kỷ thứ 11, với tên gọi Thăng Long (昇龍, có nghĩa là rồng bay lên), sau khi Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô năm 1010. Thăng Long là thủ đô cho đến năm 1397, khi thủ đô được di chuyển về Thanh Hóa, (tức Tây Đô). Thăng Long khi đó có tên gọi là Đông Đô.

Năm 1408, nước Đại Ngu của cha con họ Hồ bị quân đội của nhà Minh xâm chiếm và Đông Đô bị người Minh đổi tên thành Đông Quan.

Năm 1428, sau khi quân đội của Lê Lợi giải phóng đất nước thì Đông Quan được đổi tên thành Đông Kinh - tên gọi này người châu Âu phiên âm thành Tonkin.

 

Thời Tây Sơn, nó có tên là Bắc Thành.

Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ "Long" () biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là rồng, với lý do rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng". Sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại rộng quá.

Năm 1831 vua Minh Mạng đổi tên nó thành Hà Nội: tỉnh nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồngsông Đáy. Tỉnh Hà Nội lúc đó bao gồm thành Thăng Long, huyện Từ Liêm của trấn Tây Sơn và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam[2].

Khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tên Hán-Việt của Hà Nội Đông Kinh, được viết thành Tonkin và được người châu Âu dùng phổ biến. Năm 1873, người Pháp bắt đầu tiến đánh Hà Nội và 10 năm sau thì chiếm toàn bộ. Từ năm 1887, Hà Nội trở thành thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.

Năm 1940, thành phố bị phát xít Nhật xâm chiếm và đến năm 1945 Hà Nội được giải phóng và nơi đặt các cơ quan của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1946 đến 1954, Hà Nội là chiến địa ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Sau khi được giải phóng vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Chiến tranh Việt Nam, các công trình giao thông của Hà Nội như cầuđường tàu bị bom đạn phá hủy, tuy nhiên ngay lập tức được sửa chữa. Trong thời gian này Hà Nội được xưng tụng là "Thủ đô của phẩm giá con người". Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Việt Nam sau ngày Bắc Nam thống nhất 2 tháng 7 năm 1976.

Hà Nội còn có nhiều các tên gọi không chính thức khác, chủ yếu xuất hiện trong văn thơ và dân gian: Trường An hay Tràng An (lấy theo tên gọi của kinh đô của Trung Quốc thời kỳ nhà Hánnhà Đường); Phượng Thành hay Phụng Thành (trong bài phú của Nguyễn Giản Thanh); Long Thành, Long Biên, Kẻ Chợ (trong dân gian); Thượng Kinh, Kinh Kỳ, Hà Thành, v.v.

 


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com