Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

•°o.O†windy_bell•°

Ác mộng


Có bao giờ bạn giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm trong tâm trạng hoảng hốt, lo sợ?

Bạn có từng cảm thấy “đau đớn” ngay cả trong vô thức chưa?

Chiếc gối bạn nằm phải chăng đã bao lần ướt đẫm nước mắt mà chính bạn cũng không hề hay biết?





...

Chắc hẳn trong cuộc đời, ai cũng phải trải qua những đêm không ngon giấc. Những giấc mơ như những vị khách không mời luôn quấy rầy giấc ngủ của bạn. Có thể những vị khách ấy không đến thường xuyên, cũng có thể bạn sẽ quên ngay khi tỉnh dậy. Nhưng cũng có những giấc mơ bạn chẳng thể nào quên được và nó cứ đến, làm sống dậy tất cả những điều mà bạn không muốn. Bạn lo lắng, sợ hãi, đau khổ tột cùng. Bạn muốn chạy trốn, chống lại, muốn tìm lối thoát nhưng không hiểu tại sao không thể làm gì được. Và khi tỉnh dậy, thứ bạn cảm nhận được chính là màn đêm tối đen và trái tim đang đập liên hồi trong lồng ngực. Người ta đã đặt cho thứ mà bạn trải qua đó với cái tên: ác mộng.

Có thể, những cơn ác mộng không đến thường xuyên và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn. Nhưng bạn nghĩ sao nếu như ngày nào cũng phải đối mặt với nó, chịu đựng nó? Bạn nghĩ sao nếu nó thường trực trong giấc ngủ của bạn mỗi đêm giống như mặt trời luôn hiện diện mỗi ngày vậy?

...

Từ khi bắt đầu có khả năng nhận thức những thứ xung quanh, cô bé ấy cũng bắt đầu... sợ ngủ. Đối với cô bé, giấc ngủ như mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích hay một món bánh chẳng ngon lành. Cô bé chẳng thích ngủ. Vì khi ngủ, cô bé thường mơ thấy toàn những thứ làm cô bé sợ. Nhưng sau một ngày vui chơi mệt mỏi, đôi mắt ấy cũng muốn nghỉ ngơi. Nó cứ khép lại, khép lại, để rồi sau đó ba mẹ cô bé cũng giật mình tỉnh giấc nửa đêm khi nghe tiếng khóc của con mình. Và đêm nào cũng trôi qua như thế, mọi người trong nhà bắt đầu lo lắng. Anh trai cô bé lúc bấy giờ cũng chưa đầy mười tuổi, tối nào cũng sang chơi. Nhưng những niềm vui có được cũng chẳng thể xua đi cơn ác mộng đáng ghét.

Một ngày nọ, bà ngoại bảo thử đặt một cây chổi hay một con dao trên đầu nằm. Người ta nói như vậy sẽ có giấc ngủ ngon hơn. Ba mẹ cô bé có vẻ không tin nhưng họ cũng đã thử. Họ lo lắng khi thấy con mình ngày càng ốm yếu vì thiếu ngủ. Và thế là, bắt đầu từ đó, trên đầu nằm của cô bé thường có thêm một cây chổi.

 
Ngày cứ trôi, cô bé ấy dần lớn lên, những thứ cô quan tâm, nhận biết cũng ngày một nhiều hơn. Nhưng cũng không biết tự khi nào, những cơn ác mộng lại quay về. Cô bé thật sự lo lắng khi chúng ảnh hưởng ngày càng nhiều đến cuộc sống của mình. Lúc bấy giờ, cô đã là học sinh cấp 3. Bài học, bài tập nhiều vô số, những cuộc thi càng làm cô kiệt sức. Những cơn ác mộng như hòn đá tảng làm cho tinh thần thêm suy sụp. Cô bé bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân thật sự của vấn đề. (Bạn biết đấy, thật ra đặt chổi trên đầu nằm chẳng phải một cách hay). Nguyên nhân có thể gây nên những cơn ác mộng triền miên là do tư thế nằm không đúng, do stress, do não tái hiện lại những thứ ban ngày nó ghi nhận hay do bạn đang quá quan tâm hay lo lắng về một thứ gì đó. Cũng có thể do tâm lý, khi bạn quá sợ sệt và nghĩ rằng bạn sẽ mơ thấy ác mộng khi ngủ. Điều này vô tình làm bạn nghĩ nhiều về điều đó và gặp ác mộng thật...

Về tư thế nằm, cô bé đã thay đổi thói quen của mình. Nhưng những nguyên nhân còn lại, bạn nghĩ đúng không đối với một đứa trẻ chừng 6, 7 tuổi, không có nhiều thứ để lo, cũng chẳng có lắm điều để nghĩ? Giả chăng nó đúng đi nữa thì mình sẽ làm gì khi biết được những nguyên nhân đó? Ta có thể không lo nhiều, nghĩ nhiều khi ngày càng lớn lên trong cuộc sống luôn đầy phức tạp này? Và nếu ai cũng có nhiều mối bận tâm như vậy thì tại sao người này thường gặp ác mộng, kẻ khác lại không? Với những nghi vấn như vậy, cô bé bắt đầu tin vào thế giới tâm linh...
 
Nhưng rồi biết nguyên nhân thì đã sao? Tin thì được gì? Sau bao nỗ lực thì ta cũng chẳng thể ngăn những cơn ác mộng khi nó đến. Vẫn cảm giác sợ sệt, hoảng hốt, đau lòng... khi tỉnh dậy. Bạn nghĩ sao khi ngày nào cũng thế, đêm nào cũng vậy?

Điều duy nhất bạn có thể làm chỉ là chấp nhận và tập... làm quen với nó.
...

Ác mộng làm dậy lên nỗi sợ hãi trong bạn, làm bạn cảm thấy mình yếu đuối, bất lực. Điều đó làm bạn biết rằng, sự mạnh mẽ bạn cố gắng có được trong đời thường chẳng thể nào làm mất đi những hoang mang, sợ hãi luôn tồn tại trong con người mình.

Ác mộng đặt bạn vào những tình huống đáng sợ. Nếu nó tái hiện lại những chuyện đã từng xảy ra, làm bạn đau lòng thì... thật đáng tiếc. Nhưng nếu đó là những tình huống chưa xảy ra và có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Để rồi sau đó, bạn bắt đầu nghĩ đến những giải pháp, những điều mình sẽ làm lúc đó, khi nó thật sự xảy ra. Sự chuẩn bị này có lẽ cũng tốt chăng?
...
Thật ta rất khó để “quen” với những cơn ác mộng mỗi đêm. Bạn thấy đấy, để tìm ra những điều tốt về chúng cũng thật khó khăn. Bạn lo lắng, sợ hãi, thậm chí căm ghét chúng nhưng… biết phải làm sao?


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com