Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Lê Cao's Blog

Bố Hải Nheo

Bố Hải “nheo”.

      Tôi về quê lần trước và nghe tin Bố Hải “nheo” đã bỏ làng đi rồi!Đầu tôi choáng váng vì đó là sự thật,lâu nay Bố Hải “nheo” của tôi được cả làng thương yêu vậy sao Bố lại bỏ làng đi?Tôi mang theo cú sốc thật lớn của mình và mong muốn tìm mọi cách tìm Bố về trong những bước chân nặng nề bước trở lại trường Đại học.Nhìn lại quá khứ,một quá khứ quá nhiều dấu ấn ghi vào đời mình luôn có Bố Hải “nheo” cạnh bên.Giờ tôi sống và lo ngay ngáy rằng lỡ như mình có gì đó sai lầm khiến ai đó rời bỏ ta đi ,trời ơi,khi đó ta mới biết giá trị của lòng yêu ,tình thương và sự thông cảm chúng ta giành cho nhau quý giá đến nhường nào.Vậy sao chúng ta lại thường lãng quên và dửng dưng  với những gì quý giá như vậy? 
 

      Ngày tôi và thằng Hải,thằng Đông ,thằng Cồn bị nước con kênh vực mấu cuốn đi khiến cả ba đứa ngất lịm và mọi người tưởng như chúng tôi đã chết.Cơn bảo số mười một năm đó tràn qua làng chúng tôi khiến cả làng gần như ngộp lặn giữa nước là nước.Mọi người hô gọi nhau tìm kiếm ba đứa trẻ chúng tôi bị lạc giữa mênh mông nước.Trong khi mọi người như tuyệt vọng thì ở đâu lù lù xuất hiện ông Hải nheo (ông không chỉ có tật ở mắt mà còn bị câm,bị điếc nữa) vác hai bên hai tay gồm tôi và thằng Cồn chạy về trước vì thấy hai đứa chúng tôi yếu hơn thằng Đông, ông còn để nó nằm trên mỏm đất cao nhất ở gần cầu Giang  sau khi mò mẫm vớt ba chúng tôi lên từ dòng nước chảy xiết.Khi ông chạy nhanh hơn cả bố thằng Đông để đưa nó về thì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm cả làng mới nhận ra ở con người ông có một sức mạnh ghê gớm không gì cưỡng lại khi lăn xã vào cứu mạng sống của người khác. 

      Thì ra vậy,ông đã kể cho chúng tôi nghe tất cả mọi việc khi mọi người bình tâm lại rằng khi mọi người nháo nhác tìm kiếm chúng tôi thì ông cũng vội vã đi tìm.Nhưng chỉ ông mới hay chơi với lũ nhóc chăn trâu chúng tôi và mới biết thế giới trẻ thơ chúng tôi sẽ lạc vào đâu khi cơn lũ tràn về đột ngột như thế.Và chỉ có ông mới kịp thời mang lại sự sống cho chúng tôi,như sau này chúng tôi coi ông là người sinh ra cả ba đứa lần thứ hai sau bố mẹ đẻ của mình.Nhưng từ trước đến lúc đó,chưa bao giờ người lớn của cái làng Trằng này có ai sống thân thiện với ông và chịu khó nghe ông nói bằng những cử chỉ khó nhọc của mình.Họ chỉ coi con người tàn tật là dân ngụ cư từ sau chiến tranh từ đâu xuất hiện và sống trên mảnh đất hoang ở tận cuối làng gần nghĩa địa tối tăm và rậm rạp này là một trò đùa  từ ngày này sang ngày khác để mua vui.Họ kháo nhau:  “Lão Hải gàn thật ,cả lũ chăn bò ngày nào cũng thả trâu thả bò ngoài bãi vào nhà lão ấy hải ổi,bẻ mía,trèo dừa ăn rồi phá mà lão ấy vẫn ngấc ngứ cười như bắt được vàng ấy!”Vâng,theo ông Hải “nheo” như cả làng vẫn gọi thì trong cái sự dửng dưng của tất cả,niềm vui được thấy chúng tôi nơi góc làng heo hút,niềm vui được chơi đùa và nghe chúng tôi kể chuyện đi học,chuyện trên trời dưới đất chúng tôi thấy hoặc chúng tôi bịa ra ,rồi chúng tôi bày cho ông những cái chữ ,bày cho ông viết được tên của chính mình…quả thật quý hơn vàng.Tôi hiểu ông không cần vàng mà cần chúng tôi,cần những đứa trẻ quậy phá và hư hỏng thường tìm đến ông để chơi đùa và được sống thoải mái và thân thiện. 

      Sau cái lần ông Hải “nheo” cứu chúng tôi đó ,không những bố mẹ tôi với bố mẹ của thằng Đông và thằng Cồn hết mực quý trọng ông mà như một dây  chuyền ,cả làng đều trở nên thân thiện hòa hợp với ông.Có việc cưới hỏi gì họ bắt đầu mời ông tới dự.Con cái mọi người trong làng như chúng tôi đã từ lâu rất quý ông nhưng không dám mách với ba mẹ là đến chơi với một người gàn gàn cô quạnh như thế bây giờ được dịp thương yêu quý trọng ông hơn.Và chúng tôi cũng biết rằng sau cái hành động dũng cảm của mình và được dân làng Trằng có cái nhìn đúng đắn với ông đó,ông trở nên trẻ ra cả chục tuổi.Như người vừa bước ra ánh sáng sau những tháng ngày bị chìm lấp trong bóng tối của sự dửng dưng.Chúng tôi được sinh ra lần thứ hai bởi ông,còn bằng hành động của mình trước mọi người ông đã tự chứng minh sự hiện hiện của mình trong cuộc đời và cuộc sống từ đó trở nên có ý nghĩa hơn bội phần.

      Dần dần mọi người hiểu vì sao trẻ con cả cái làng Trằng này lại thương yêu và quý ông đến thế.Thông thường những đứa trẻ chúng tôi thả trâu,chăn bò trên các sườn đồi,trên các bãi suốt ngày nghịch đùa quậy phá nên thỉnh thoảng lại vào vườn nhà này nhà kia hái trộm dăm ba quả ổi,quả xoài ăn và chủ yếu củng chỉ là chọc đùa những ông chủ nhà ki bo thôi,chứ những trái quả ấy ở quê tôi nhà nào mà chẳng có.Phương châm của lũ giặc chúng tôi là nhà nào càng giữ của bao nhiêu thì hở ra đi vắng là chúng tôi phá.Thế nên có lúc chúng tôi bị bắt ,bị đánh đòn rất đau và bị báo với bố mẹ , thầy cô và bạn bè ở trường để chúng tôi bị nhiều lần phạt cho chừa thói xấu đi nữa.Nhưng khi chúng tôi thử vào vườn ông Hải “nheo” hái trộm thì không những bị la mắng phạt đòn mà còn được ông hái them cho và bảo lần sau thích thì vào hái nữa,ấy là sau này chúng tôi biết được bằng cách học được ngôn ngữ của ông.Dần dần chúng tôi chỉ đến với ông để chơi,thỉnh thoảng còn mang con cua con ốc ,con tép con cá đến cho ông nữa.Còn ông thì dạy chúng tôi đan rổ đan rá,đan nò,đan lừ đơm cá,làm cần câu,cuốc nương,trồng cây…những việc mà bố mẹ chúng tôi không biết hoặc nếu biết thì cũng bảo chúng tôi là trẻ con nên không bày vẽ gì.Điểm làm thủ công của chúng tôi khi nào cũng rất cao,phần nhiều là điểm của ông mà chúng tôi được hưởng.

      Ấy thế là tuổi thơ của chúng tôi trôi qua êm ả và vui nhộn với con người hài hước và tốt bụng hết mực mà chúng tôi có may mắn được gặp .Khi nào bên ông chúng tôi cũng có cảm giác được chia sẽ những suy nghĩ trẻ con,những hành động nghịch ngợm mà không bị đánh đòn.Ông còn dạy chúng tôi không được hái trộm hoa quả của người khác,phải trồng cây vào những chổ nào còn để hoang,dạy chúng tôi khi đi chăn trâu phải mang theo bài vở để vừa chơi vừa học,rồi lại còn nhặt củi khô,cắt cỏ thêm về cho cá ăn nữa…Con người mẫu mực về nhân cách ấy đã dạy chúng tôi rất nhiều trong cuộc đời.Với ông chúng tôi nhận ra không bao giờ có khoảng cách nào có thể tồn tại giữa người với người khi ta biết đến với nhau bằng tình yêu thương và thông cảm. 

      Giờ thì Bố Hải “nheo” của tôi,của thằng Đông,thằng Cồn và của cả rất nhiều đứa trẻ cùng thế hệ chúng tôi và sau chúng tôi nữa đã không còn ở lại với làng tôi nữa.Nghe đâu trong lần Bố đến dự đám cưới con trai nhà ông Thắng ,vì Bố đã già yếu và tàn tật không còn minh mẫn và sáng suốt nữa nên khi bế thằng cu Dung con nhà anh Hùng mới ba tuổi không may nó bị ngã,nó khóc thét lên u cả đầu.Thương con ,anh Hùng chạy đến hét lên : “Trời ạ,già rồi không bồng được thì giành lấy làm gì để nó ngã thế này?”.Sau câu nói ấy,anh Hùng cũng đã xin lỗi Bố vì quá nóng nảy và thương con ,chứ ai cũng biết anh không bao giờ không kính trọng Bố.Bố vẫn cười nói nhưng từ trong sâu thẳm lòng Bố,cái gì đó của ngày xưa trổi dậy khoét sâu vào long tự trọng của Bố.Những tháng ngày qua tình cảm của cả làng đối với Bố đẹp như thế giờ đây trở thành nỗi hoài nghi trong lòng một người đã luống tuổi.Vậy ra ,trước cả làng đã không hiểu Bố nên rời xa Bố,nay có  thể lắm khi hậu quả của quá khứ dội về khi có một cái cớ nho nhỏ để nó bùng lên thoát ra khỏi những tháng ngày âm ỉ .Ngay cả thấu hiểu và cảm thông,con người với nhau cũng cần rất thận trọng.Ngược lại rất dễ bị hiểu là thương hại là bố thí tình thương yêu! 

      Bố đã rời làng ra đi và chắc rằng Bố sẽ luôn nhớ chúng con như chúng con và cả làng Trằng của Bố nhớ Bố vậy.Ngôi nhà Bố giờ vẫn được các thế hệ con trẻ trong làng đến chăm cây,chăm đàn gà,mấy con ngỗng lớn.Tất cả đang chờ Bố trở về ,tất cả đều muốn được giang vòng tay của mình ôm lấy Bố và không bao giờ muốn để mất Bố một lần nào.Bố có nghe và biết đựơc những gì chúng con nghĩ hay không?Mong rằng những lời này của con sẽ được ai đó gặp Bố và chuyển cho Bố đọc-vì con biết từ lâu Bố đã đọc và viết rất giỏi rồi.Bố Hải ơi,Bố hảy trở về để mang tới cho chúng con niềm vui và cả những bài học vô cùng quý giá về lòng người Bố nhé.Thiếu Con và làng Trằng chờ Bố. 

      Lê Cao


VnVista I-Shine
© http://vnvista.com