Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Nguyễn Sỹ Hồ

Bao giờ thì đến ... hồi kết?!

        Kính gửi Ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội phụ trách Cục Người có công.
Kính gửi các Cơ quan quản lý mộ liệt sĩ trong cả nước.
Kính thưa quý vị độc giả!

Chiến tranh đã qua đi hơn một phần ba thể kỷ nhưng còn đó những nỗi đau về sự mất mát do Chiến tranh để lại. Theo tiếng gọi của non sông, hàng triệu thanh niên tuổi mười chín đôi mươi đã nô nức lên đường chiến đấu giải phóng quê hương, và rồi các anh đã mãi mãi nằm lại chiến trường không có ngày trở về, các anh đã hi sinh cho đất nước khải hoàn hôm nay. May mắn cho các anh có được nấm mộ trong một Nghĩa trang liệt sĩ để gia đình, người thân tới thăm viếng trong những ngày lễ tết.

Cho đến nay đang có hàng trăm ngàn liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến mà gia đình chưa tìm được nơi yên nghỉ của các anh. Ở đây tôi muốn đề cập đến một thực tế rất đau lòng, đó là: Trong số các mộ liệt sĩ hiện có trên các NTLS thuộc các tỉnh phía Nam, hơn một nửa số mộ mà thông tin trên bia mộ có sai sót. Có những sai sót nghiêm trọng như sai tên, sai quê quán thì chắc chắn thân nhân liệt sĩ không có cơ hội để tìm kiếm được. Vấn đề này tôi đã đề cập trong bài viết http://teacherho.vnweblogs.com/post/9313/202009nhưng đăng tải lên rồi cũng anh em bạn bè đọc với nhau mà thôi.

Trong thời gian gần đây, liên tục tôi tìm thấy những mộ liệt sĩ có thông tin trên bia mộ sai nhưng đủ chứng cứ khoa học để kết luận chính xác mộ liệt sĩ mà thân nhân cần tìm. Khi báo tin về gia đình, những người thân của liệt sĩ đã phải đối diện hàng loạt thủ tục hành chính mà lẽ ra không cần có. Con em của người ta đã hi sinh xương máu cho chúng ta có ngày hôm nay, vậy mà chỉ để điều chỉnh một vài thông tin sai sót trên bia mộ để đưa nắm di cốt về với quê cha đất tổ, họ phải nhọc lòng với các Cơ quan quản lý mộ liệt sĩ.


Những ông bố, bà mẹ tuổi đã ngoài tám mươi, trước đây đau đáu tin con để rồi nhận được một tờ giấy báo tử: "hi sinh tại mặt trận phía Nam", nay chúng tôi tìm được mộ và báo tin về, họ chỉ một mong ước nhỏ nhoi: "Được nhìn nắm di cốt của con mình trở về quê hương" trước khi về cõi vĩnh hằng. Vậy mà có những trường hợp gia đình liệt sĩ phải mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có đủ các giấy tờ theo yêu cầu của các Cơ quan chức năng.


Xuất phát từ những thực tế đó, tôi mạnh dạn gửi tới Ông Thứ Trưởng Bùi Hồng Lĩnh một đề đạt: Phải có một văn bản hướng dẫn thống nhất cho tất cả các Cơ quan quản lý Nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước về việc giải quyết các mộ liệt sĩ có sai sót về thông tin trên bia mộ nhưng đủ chứng cứ khoa học để xác định chính xác về mộ liệt sĩ. Phải nói rằng: hiện tại có quá ít những cán bộ làm việc vì dân, dám làm dám chịu trách nhiệm.


Thưa Ông Thứ trưởng! Thưa các bạn!


Biết tôi đang làm cái việc mà mọi người đặt tên cho là "Vác tù và cho đồng đội", em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Điền -  Đại úy Cảnh sát Nguyễn Văn Can công tác tại đơn vị PC35B - Công An thành phố Hồ Chí Minh tìm gặp tôi nhờ tư vấn về việc điều chỉnh thông tin sai trên bia mộ để đưa hài cốt liệt sĩ Điền về quê.


Thông tin anh cho biết :

Liệt sĩ Nguyễn Văn Điền

Quê quán : Thôn Lương Khê - xã Thuần Mỹ - huyện Ba Vì - tỉnh Hà Tây

Nhưng trên NTLS xã Đại Đồng - huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam ghi:

Liệt sĩ Nguyễn Văn Điển

Quê quán: xã Thuận Mỹ - huyện Ba Vì - tỉnh Hà Tây.

Vì vậy mà gia đình không được hưởng chế độ thăm viếng mộ thường niên đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT - BLĐTBXH - BTC ngày 29.1.2008 và cũng không được di dời hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Điền về quê. Anh Can cho biết : "Em chạy hỏi thủ tục từ khi tỉnh Hà Tây chưa sát nhập vào Hà Nội. Bây giờ tới Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội lại không tìm ra hồ sơ gốc".


Cụ Nguyễn Thị Len - mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Điền năm nay đã 80 tuổi chỉ có một nguyện vọng thật nhỏ nhoi: "Tôi chỉ mong nhìn thấy nắm di cốt của thằng Điền đưa về quê trước khi nhắm mắt".


 
Đại úy Nguyễn Văn Can đang ghi lại các thông tin của liệt sĩ Nguyễn Văn Điền nhờ tôi tư vấn cách giải quyết.

Theo tôi anh Can chỉ cần xin hai loại giấy:

Một là của UBND huyện Ba Vì xác nhận : Ở huyện Ba Vì chỉ có xã Thuần Mỹ mà không có xã Thuận Mỹ.

Hai là Phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì xác nhận: Tại xã Thuần Mỹ chỉ có duy nhất cụ Nguyễn Thị Len đang hưởng chính sách mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Điền mà không có liệt sĩ Nguyễn Văn Điển.


(Lẽ ra gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Điền chỉ cần báo cho phòng LĐTB&XH huyện Đại Lộc biết những sai sót thông tin trên bia mộ, việc xác minh chỉnh sửa trách nhiệm thuộc về Cơ quan quản lý Nhà nước, tại sao lại bắt gia đình liệt sĩ làm những việc này).

Anh Can cầm theo giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Điền và hai giấy xác nhận tới phòng LĐTB&XH huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - Ông Trưởng phòng có thể ra quyết định điều chỉnh thông tin cho mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Điền mà không cần thiết phải thông qua cấp này cấp nọ.

Trong khi đất nước đang kêu gọi cải cách hành chính, đề án 30 của Chính phủ đang từng bước gỡ bỏ những thủ tục hành chính còn bất cập thì một việc rất đơn giản cho những gia đình có con em đã hi sinh xương máu cho dân tộc lại phải "chạy hụt hơi" mới có thể đáp ứng được các giấy tờ (mà lẽ ra không cần) cho các cơ quan Công quyền. Chúng ta rất cần phân cấp quản lý rõ ràng, rất cần những cán bộ vì dân mà dám làm dám chịu trách nhiệm.


Trong khi bài viết này chưa được đăng tải thì tôi lại tiếp tục nhận được thư của anh Chu Văn Hùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ Phần TASCO Thăng Long - Địa chỉ: Số 64-TT4, Khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà, Từ Liêm, Hà Nội.


Anh Hùng nhờ tìm mộ liệt sĩ Bùi Thanh Nùng và kết quả là:

 

 

 

Một lần nữa, tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH cần có một văn bản hướng dẫn thủ tục điều chỉnh thông tin sai sót trên mộ liệt sĩ để giảm bớt phiền hà cho các gia đình liệt sĩ . Họ đã chịu quá nhiều đau thương vì sự mất mát những người thân yêu nhất nay lại phải chịu thêm các thủ tục rườm rà không nên có.


Tham khảo thêm:

http://teacherho.vnweblogs.com/post/9313/151890

http://teacherho.vnweblogs.com/post/9313/173205

http://teacherho.vnweblogs.com/post/9313/208129

VnVista I-Shine
© http://vnvista.com