Chúng tôi 'chơi' chứng khoán
Dòng chữ 'Cổ phiếu tiếp tục tuột dốc' trên mảnh báo gói xôi sáng đập vào mắt tôi. Vị dẻo, thơm, bùi, béo của nếp trộn lẫn với đậu xanh trong miệng bỗng chốc trở nên nhạt nhẽo, rời rã.
Tuy nhiên, đây không phải là cảm giác của tôi vào thời điểm đầu năm 2004, khi mọi người đang xôn xao về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Gây quỹ từ việc 'góp gạo thổi cơm chung'
Tại các sàn giao dịch, vào thời điểm đó, thường đông nghẹt người vào buổi sáng khi các giao dịch cổ phiếu diễn ra. Những thông tin nghe được lúc đó thực sự làm tôi sốc. Chỉ sau một đêm, sáng thức dậy, người đầu tư ít thì có thêm một vài triệu, người sở hữu nhiều cổ phiếu thì có thêm hàng trăm triệu trong tài khoản.
Số tiền kiếm được từ chứng khoán lập tức được các 'nhà đầu tư' sử dụng cho những mục đích khác nhau. Ngoài một số lượng nhỏ tiếp tục mua thêm cổ phiếu, còn phần lớn thì được đem tiêu ngay. Người lãi nhiều thì mua ô tô, đi du lịch hay du học nước ngoài, người được ít thì 'lên đời' xe máy, mua sắm vật dụng gia đình, còn ít hơn nữa thì mời bạn bè 'đập phá' ở các nhà hàng, quán bar đắt tiền.
Điều khá đặc biệt là không có nhà đầu tư nào bị lỗ cả vì các cổ phiếu cứ tăng giá vù vù. Do vậy, cách 'đối xử' với số tiền kiếm được dễ dàng này cũng không khác bao nhiêu khi người ta trúng xổ số.
Trong một lần, khi được mời 'đánh chén' cùng mấy người bạn, đang chơi chứng khoán kiểu 'cò con', nhân dịp vừa kiếm được một món tiền lãi, ý tưởng góp tiền thành lập một quỹ đầu tư chứng khoán đã hình thành và nhanh chóng được nhất trí thông qua. Trước hết, quỹ sẽ có bốn cổ đông sáng lập, trong đó tôi góp nhiều vốn nhất là 40%, ba cổ đông thành viên còn lại mỗi người đóng 20%.
Tiếp theo, việc phân bổ vốn đầu tư bao gồm: 50% vốn của quỹ được đầu tư vào các công ty niêm yết; 25-30% đầu tư vào các công ty chưa niêm yết; 20-25% còn lại là vốn dự phòng nhằm hỗ trợ cho hai mục đầu tư trên khi cần thiết. Cuối cùng, việc đặt tên của quỹ được ghép từ những chữ cái đầu tiên của các cổ đông. Từ đây, quỹ Mahuut chính thức ra đời.
Theo phương châm 'hãy rèn khi sắt còn nóng', ngay ngày hôm sau chúng tôi đã hoàn thành việc huy động vốn của quỹ, mở tài khoản, nạp tiền, và làm các thủ tục cần thiết khác để quỹ chính thức hoạt động.
Tuy vẫn tự coi mình là dân 'nghiệp dư' nhưng thực ra chúng tôi hoàn toàn không phải là 'tay mơ' không hiểu biết gì về lĩnh vực chứng khoán. Ba cổ đông của Mahuut đều là những người được đào tạo bài bản về lĩnh vực tài chính và đầu tư. Còn bản thân tôi, ngoài việc đã nhiều năm 'lăn lộn' trên thương trường, cũng đã đọc qua rất nhiều sách viết về chứng khoán và nhất là cũng từng có thời gian thử 'chơi' chứng khoán trên mạng.
Như vậy, có thể thấy việc ra đời của quỹ Mahuut là một quy luật phát triển 'tất yếu của lịch sử', một hành động 'góp gạo thổi cơm chung' của những người đã từng... thổi cơm riêng.
Mục tiêu không phải là cổ tức
Trên tinh thần không đặt trọng tâm vào việc thu lợi từ cổ tức, mục tiêu của Mahuut là tập trung vào việc hưởng chênh lệnh thông qua mua bán hàng ngày. Những cổ phiếu lọt vào 'mắt xanh' của Mahuut tuy chưa phải là những cổ phiếu 'mười phân vẹn mười' theo tiêu chí đề ra, nhưng dầu sao cũng đáp ứng được phần lớn các yêu cầu đề ra như giá các cổ phiếu này đều ở mức trung bình so với các loại khác, biên độ dao động về giá lớn và giá trị thanh khoản tương đối cao. Chúng tôi quyết định mua cổ phiếu niêm yết với tổng số tiền bằng 50% vốn của Mahuut. Bây giờ chúng tôi chỉ còn việc là xoa tay ngồi chờ... cá cắn câu.
Tiếc thay, 'người tính không bằng trời tính', sau khoảng hơn một tuần nhích lên thêm một vài điểm, chỉ số VN-Index bỗng như diều bị đứt dây, loạng choạng thêm một vài ngày và sau đó là bổ nhào xuống với tốc độ chóng mặt. Đã có thời điểm VN-Index chỉ còn hơn 200 điểm. Tất nhiên, đội quân Mahuut cũng không thoát khỏi việc bị sứt mẻ nghiêm trọng, gần 20% vốn của Mahuut đã bị 'loại khỏi vòng chiến' chỉ sau gần hai tháng 'xung trận'.
Trước tình cảnh nước sôi lửa bỏng, đội quân dự bị 20% vốn của Mahuut đã được tung vào trận để mua thêm một số cổ phiếu đang xuống giá mạnh nhằm làm giảm giá mua bình quân của cổ phiếu, hòng cứu vãn tình thế nguy ngập. Tuy nhiên, cơn sốt giảm giá của VN-Index không những không hề thuyên giảm mà còn có nguy cơ tiếp tục kéo dài, theo như dự đoán của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đã đẩy quỹ Mahuut vào tình trạng 'sa lầy' tại 'chiến trường' cổ phiếu niêm yết.
Cũng vào thời điểm này, chúng tôi chợt nhận ra một điểm khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN). Đó là sự trồi thụt của VN-Index hoàn toàn độc lập với những tác động của nền kinh tế Viêt Nam. Hay nói cách khác, TTCKVN không phải là hàn thử biểu của nền kinh tế như vai trò truyền thống của nó ở các nước khác. Trong nhiều trường hợp, thậm chí giá của cổ phiếu cũng không hề phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết.
Thực tế qua các đợt giao dịch cho thấy, giá cả của cổ phiếu phụ thuộc khá nhiều vào sự mua vào hay bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự khởi sắc của TTCK giai đoạn đầu năm 2004 thực chất là do các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào mua cổ phiếu và khi đã hoặc gần đạt mức trần 30% thì việc mua bán dừng lại, làm đóng băng TTCK gần như ngay sau đó.
Được - mất luôn song hành
Việc đầu tư của quỹ Mahuut ở thị trường cổ phiếu chưa niêm yết lại mở đầu khá suôn sẻ bằng việc mua được một số cổ phiếu của Công ty điện tử Tân Bình (VTB) với giá 'nội bộ'. Dự kiến cổ tức của VTB sẽ khoảng 20%/năm.
Tuy nhiên, việc mua VTB cũng đã ngốn hết số vốn còn lại của Mahuut. Quyết định tạm thời ngừng mua bán cổ phiếu để 'ẩn dật chờ thời' của Mahuut đã bị lung lay ngay sau đó ít lâu do hai sự kiện 'chấn động giang hồ'. Đó là việc ra đời của Quỹ đầu tư VF1 vào tháng 4 và thủy điện Cần Đơn bán cổ phần (cổ tức có thể lên đến 30%/năm) vào tháng 7.
Trước cơ hội mua được chứng chỉ VF1 và cổ phần thủy điện Cần Đơn với giá 'ưu đãi nội bộ' và áp lực của các cổ đông cùng hy vọng có thể bù đắp phần nào thiệt hại do các cổ phiếu niêm yết đang xuống giá, Mahuut đã quyết định huy động thêm 30% vốn để mua chứng chỉ VF1 và sau đó sẽ bán ra khi VF1 niêm yết vào tháng 6 (theo như kế hoạch ban đầu). Số tiền bán VF1 sẽ dùng để mua cổ phần của thuỷ điện Cần Đơn.
Họa vô đơn chí, mãi đến tận tháng 11, chứng chỉ VF1 mới lên sàn và chỉ sau mấy ngày đã tụt gần một điểm so với giá lúc mua vào làm cho kế hoạch bán VF1 bị phá sản. Trước đó, vào tháng 7, chúng tôi đã phải ngậm ngùi bỏ qua việc mua cổ phiếu Cần Đơn vì không dám mạo hiểm thêm nữa.
Được và mất, lợi nhuận và rủi ro là những khái niệm vốn không xa lạ với mọi người, nhất là giới kinh doanh. Những khái niệm này luôn song hành như hình với bóng, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ chân lý giản đơn này khi bắt đầu cuộc chơi, chỉ có điều khi đó chân lý ấy mới tồn tại trong chúng tôi như một bộ phận được cấy ghép vào cơ thể.
Mãi đến hôm nay, khi đã trải qua những 'cuộc bể dâu' với Mahuut, những khái niệm trên mới thực sự hòa nhập trong tâm thức và ngấm vào xương tủy của mỗi chúng tôi. Trường đời vốn luôn bắt người ta phải trả học phí rất đắt cho mỗi bài học.
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com