Lời khuyên bằng vàng (phần 1) (Vnbourse) Bài viết này cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản để giúp các nhà đầu tư tương lai lựa chọn công ty môi giới hay người đại diện đứng ra giao dịch, giúp đưa ra các quyết định đầu tư ban đầu và quản lý đầu tư cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh. Bài viết cũng giải đáp giúp bạn một số câu hỏi và chỉ ra các dấu hiệu cần phải chú ý để tránh các rắc rối trong đầu tư.
Lựa chọn nhà môi giới
Trước khi quyết định đầu tư chứng khoán, bạn phải quyết định xem công ty môi giới nào hay người đại diện nào thích hợp với bạn. Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn, bạn nên:
1- Suy nghĩ kỹ về mục tiêu tài chính của mình và chuẩn bị một bộ hồ sơ cá nhân về tình hình tài chính của mình.
2- Thảo luận với các nhà môi giới khác nhau. Nếu có thể, hãy gặp họ trực tiếp tại văn phòng. Tốt hơn hết là hãy hỏi từng người về kinh nghiệm đầu tư, kiến thức chuyên môn và học vấn của họ.
3- Tìm hiểu về tiểu sử của công ty môi giới hay của người môi giới. Hãy chắc chắn rằng công ty hay người môi giới của bạn được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.
4- Tìm hiểu chi phí cho các nhà môi giới. Hãy hỏi xin công ty một bảng phí hoa hồng. Thông thường các công ty môi giới trả lương cho nhân viên dựa trên số tiền mà khách hàng của họ đầu tư và số lượng giao dịch được thực hiện trong tài khoản của họ. Bạn cũng nên hỏi xem mình sẽ phải trả bao nhiêu phí khi mở tài khoản hay khi duy trì và xoá bỏ.
5- Xác định liệu bạn có cần các dịch vụ của một hãng môi giới cung cấp dịch vụ đầy đủ hay giảm giá cho khách hàng hay không. Một công ty môi giới dịch vụ đầy đủ thường cung cấp các dịch vụ thực hiện lệnh, giới thiệu, tư vấn và hỗ trợ nghiên cứu. Nhà môi giới giảm giá thường cung cấp dịch vụ thực hiện lệnh nhưng không có dịch vụ tư vấn đối với những chứng khoán bạn nên bán hay mua. Các khoản chi phí bạn phải bỏ ra có thể không giống nhau tuỳ theo các dịch vụ mà công ty môi giới cung cấp.
6- Tìm hiểu xem công ty môi giới có phải là thành viên của Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) hay không. Đây là đơn vị có chức năng bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam ở một mức độ nhất định trong trường hợp các công ty môi giới không có khả năng thanh toán. Bạn cũng cần phải biết liệu công ty môi giới đó có các chức năng bảo hiểm khác để có thể đảm bảo cho nhà đầu tư khi trách nhiệm của công ty môi giới vượt mức do VAFI quy định. Tuy nhiên, nên nhớ rằng VAFI KHÔNG bảo đảm cho những mất mát của nhà đầu tư do giá thị trường của cổ phiếu sụt giảm.
7- Ghi nhớ rằng một phần của việc ra quyết định đầu tư đúng đắn là phải tìm được một nhà môi giới có thể đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tài chính cá nhân của bạn. Không nên vội vã. Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về cả công ty môi giới và người đại diện. Không nên lựa chọn nhà môi giới nào thúc giục bạn mở ngay tài khoản ở công ty họ. (còn nữa)
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com