Bản in của bài viết

Click vào đây để xem bài viết này ở định dạng ban đầu

Trần Mạnh

Quy tắc thứ 1 trong đầu tư

Quy tắc thứ 1 trong đầu tư: Cắt giảm thua lỗVnbourse - Trước khi sáng lập ra Tạp chí kinh doanh của các nhà đầu tư (Investor’s Business Daily) năm 1984, Bill O’Neil đã có 25 năm kinh nghiệm trên thị trường với tư cách là một nhà đầu tư tư nhân, một nhà môi giới chứng khoán, một nhà tư vấn đầu tư và ông cũng là chủ sở hữu của một hãng nghiên cứu và môi giới chứng khoán.

Sự nghiệp của ông bắt đầu khi ông 22 tuổi, ngay sau khi ông tốt nghiệp Đại học, lập gia đình, rồi tham gia vào lực lượng Không quân và quan tâm đến tình hình tài chính trong tương lai của mình. Ông mua cổ phiếu đầu tiên trong đời mình với 500$ là tất cả số tiền ông có lúc đó. Ông cũng bắt đầu đọc các sách viết về thị trường. Theo ông, cuốn sách hay nhất mà ông đã từng đọc là cuốn “Cuộc chiến để sống sót trong đầu tư” (“Battle For Investment Survival”) của tác giả Gerald Loeb.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên chúng tôi với Bill O’Neil:

Câu hỏi: Theo ông điều gì là quan trọng nhất mà một nhà đầu tư nên biết?

O’Neil: Tác giả Loeb đã từng là một nhà đầu tư rất thành công và ông khuyên chúng ta nên cắt giảm mọi thua lỗ càng sớm càng tốt. Và điều này theo tôi chính là Quy tắc Số 1. Bạn phải luôn luôn bảo vệ tài khoản đầu tư của mình. Điều này càng trở nên đặc biệt quan trọng khi bạn sử dụng tiền đi vay để đầu tư, vì vậy cắt giảm thua lỗ là điều tối quan trọng cần phải chú ý.

Cho dù bạn là một nhà đầu tư mới bước vào nghề hay là một người đã dày dặn kinh nghiệm trên thị trường, bài học khó khăn nhất chính là học cách chấp nhận một thực tế rằng không phải lúc nào mình cũng đúng. Và nếu bạn không dừng hết mọi thua lỗ thật nhanh thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề hơn thế. Tôi biết bảy người đàn ông rất thông minh, có học thức, ở độ tuổi 40 mà họ đã bị trắng tay vì họ đầu tư bằng số tiền đi vay nhưng lại chẳng có nguyên tắc bán nào hết. Cái đầu, trình độ học vấn, cái tôi, sự bướng bỉnh và lòng tự trọng là những nhân tố chết người trong trường hợp tự đưa ra rồi tuân theo những nguyên tắc bán mà mình cho là hợp lý.

Vấn đề là ở chỗ bạn luôn hy vọng sẽ kiếm được tiền khi bạn mua một cổ phiếu nào đó. Để rồi sau khi bạn phải bán chúng đi và chấp nhận thua lỗ thì bạn thấy thật xót xa và thật khó khăn khi phải chấp nhận là mình đã sai. Tốt hơn là bạn nên chờ đợi và hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn nếu đúng vào lúc bạn đang bán ra để cắt giảm thua lỗ thì cổ phiếu lại hồi phục và tăng giá trở lại. Đây mới chính là lúc bạn thấy thật sự thất vọng. Và bạn nhận thấy rằng mình đã sai lầm khi bán ra và quyết định bán ra để giảm thua lỗ quả là một quyết định sai lầm.

Việc bạn nghĩ như thế nào về những thua lỗ là vô cùng cần thiết. Trong lịch sử, đây là cách mà hầu hết các nhà đầu tư mắc sai lầm và thấy bối rối.

Hãy tự hỏi bạn những câu hỏi sau: “Năm ngoái bạn đã mua bảo hiểm cháy nhà cho căn nhà của bạn chưa? Thế rồi căn nhà của bạn có bị cháy không? Nếu nó không làm sao, thì bạn có thấy buồn khi mình đã lãng phí một khoản tiền khi đóng bảo hiểm không? Như thế thì năm sau bạn sẽ không mua bảo hiểm cháy nhà nữa à? Tại sao bạn lại mua bảo hiểm cháy nhà ngay từ đầu, bởi vì bạn biết là nhà mình sẽ bị cháy ư?”

Câu trả lời là: Không! Bạn mua bảo hiểm là để bảo vệ mình khỏi những khả năng xấu có thể xảy ra bất kì lúc nào. Đó chính là tất cả những gì bạn cần làm khi bạn cắt giảm những thua lỗ càng sớm càng tốt.

Câu hỏi: Ông định nghĩa thế nào là “càng sớm càng tốt”?

O’Neil: Đối với tác giả Loeb, 10% là một quy tắc hay đối với những nhà đầu tư mới bắt đầu. Nhưng khi bạn đã dùng biểu đồ để quyết định thời gian mua vào một cách chính xác hơn thì tôi khuyên bạn nên cắt giảm mọi thua lỗ ở mức 7%-8% so với giá mua vào ban đầu. Nếu làm được điều này có nghĩa là bạn đang có được những chính sách bảo đảm dù là rất nhỏ để tự bảo vệ mình khỏi những thất bại thật sự có thể xảy đến.

Còn nếu bạn để cho cổ phiếu giảm tới 50% giá trị ban đầu thì chắc chắn bạn phải làm được 100% đối với cổ phiếu tiếp theo chỉ để hòa vốn. Vậy thì bây giờ câu hỏi đặt ra là bạn có thường xuyên mua những cổ phiếu có giá cao gấp đôi không?

Câu hỏi: Ông đã mất bao lâu mới có thể thành công trong đầu tư?

O’Neil: Tôi phải mất hai, ba năm mới có thể nhận ra cách để kết hợp tất cả mọi việc lại với nhau. Dĩ nhiên điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Đối với hầu hết mọi người thì việc học các đường cong thay đổi trên biểu đồ cũng sẽ lâu như vậy. Sau một thời gian, bạn cũng nên đưa ra những quyết định chọn lựa cổ phiếu đúng đắn hơn, và con số thiệt hại ở mức 7%-8% cũng nên giảm xuống. Thêm vào đó, những thua lỗ nhỏ nhỏ như vậy rồi sẽ được bù đắp bởi những cổ phiếu đang thắng thế của bạn.

Rất nhiều người cho rằng nếu có một tấm bằng đại học về chuyên ngành đầu tư thì quả là một quyết định đúng đắn. Họ không hề nghĩ đó là một sự lãng phí tiền của bời vì họ có hy vọng sẽ có những sự đánh đổi đáng giá đối với thành công trong tương lai của họ. Vậy tại sao thành công trên thị trường chứng khoán lại khác?

Bất kì điều gì cũng có thể thành công nếu bạn dành thời gian để tìm hiểu về nó. Những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp không thể thành công chỉ trong vòng ba tháng, mà kể cả các nhà đầu tư thành công cũng vậy thôi. Điểm khác biệt duy nhất giữa một người thành công với tất cả những người khác là ở sự quyết tâm và tính kiên trì.

Câu hỏi: Vậy có những lúc ông phải kiên trì đến mức nào?

O’Neil: Tôi đã từng có một chuỗi 10 cổ phiếu cần phải bán để cắt giảm mọi thua lỗ. Nhưng cổ phiếu gần nhất sau đợt đó lại nổi lên khi thị trường phục hồi và tăng giá gấp ba lần. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ: “Điều gì xẽ xảy ra nếu đã có lúc mình bị nản lòng và từ bỏ chỉ vì 10 cổ phiếu của mình lúc đó không đem lại kết quả như mình mong muốn?”.

Một việc khá khó khăn, rắc rối đó là phải từ bỏ những cảm xúc thường đi liền với những quyết định, như là quyết định về cắt giảm thua lỗ. Có vẻ như thật chẳng thoải mái chút nào nếu phải bán đi một cổ phiếu mà bạn mới mua vài tuần trước đó chỉ bởi vì nó giảm mất 8% so với giá trị ban đầu. Như thế là cảm xúc của bạn đang điều khiển bạn. Chúng ta cần phải tự bảo vệ quyết định ban đầu của mình khi mua vào và xác định là sẽ giữ lại cổ phiếu đó.

Nhưng bạn không thể đi hết cuộc đời này mà chỉ nhìn vào tấm gương chiếu hậu. Như thế thì bạn có thể sẽ luôn băn khoăn với những từ như: “đã có thể”, “giá như” hay “sẽ”…

Khi bạn mua cổ phiếu đó cách đây đã một tuần hay một tháng trước, chứ không phải bạn vừa mua hôm nay. Vậy thì hôm nay mọi chuyện đã hoàn toàn khác, và bạn phải tự bảo vệ chính mình khỏi những mất mát to lớn bởi vì điều này có thể xảy ra với bất kì ai. Cần phải làm được như vậy thì những lần sau bạn mới dám tiếp tục đầu tư.

Câu hỏi: Tại sao ông lại chọn con số 8% như là một nguyên tắc?

O’Neil: Nếu bạn cắt giảm thua lỗ ở mức 8% thì sẽ luôn giúp bạn có thể sống sót trong những lần đầu tư tiếp theo. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người bị phá sản hay bị suy sụp về tinh thần chỉ bởi vì họ quá say mê một loại cổ phiếu nào đó, nhưng đến khi cổ phiếu đó mất giá thì họ không dám đối mặt với thực tế và thừa nhận những sai lầm của họ để giúp họ có thể đưa ra những quyết định bán một cách dứt khoát. Nếu đã đến lúc cần phải bán mà bạn lại dao động hay ngập ngừng thì sớm muộn gì bạn cũng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Và những tổn thất này sẽ làm cho bạn mất đi sự tự tin, mà bạn không thể để cho điều đó xảy ra nếu bạn còn tiếp tục muốn đầu tư trong tương lai.

Nếu bạn lo lắng, hãy nhớ đến câu châm ngôn sau: “Hãy bán ra để ngủ cho yên”, đó là cách tốt nhất để làm giảm bớt những áp lực. Hãy nghĩ rằng, không phải là bạn đã bán hết đi, mà là bán một phần nào đó để giúp bạn có thể yên tâm mà đi ngủ.

Nếu bạn cắt giảm thua lỗ ở mức 7%-8% so với giá bạn mua vào ban đầu thì hãy bán ra một số cổ phiếu nào đó khi bạn đang lãi 25%-30%, như thế có nghĩa là tuy bạn chỉ đúng một lần mà sai hai lần thì cũng chẳng có gì gọi là rắc rối xảy ra với bạn cả.

Bạn nên giữ lại những cổ phiếu hoạt động tốt nhất của bạn lâu hơn để có thể kiếm được những khoản lợi nhuận lớn hơn. Vã hãy nhớ đến điều này, luôn bán những cổ phiếu hoạt động kém nhất trước, chứ không phải là bán những cổ phiếu hoạt động tốt nhất.



VnVista I-Shine
© http://vnvista.com