Đức độ của vua Lý Thánh Tông
--- Đức Giang ---
Lý Thánh Tông tên huý là Nhật Tôn, con trưởng của vua Lý Thái Tông. Mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai. Bà sinh vua ở cung Long Đức ngày 25/2/năm Quý Hợi (1023). Năm Thiên Thành thứ nhất (1028), ông được sách phong làm Đông cung Thái tử. Khi vua Lý Thái Tông băng hà, thì ông lên ngôi và trị vì được 17 năm (1054-1072).
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển III, tờ 1a) chép rằng: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt".
Lý Thánh Tông là vị vua rất mộ đạo, giàu đức từ bi và từng cho xây cất rất nhiều chùa chiền. Tấm lòng của Lý Thánh Tông toả đến cả tù nhân trong ngục tối. Cũng sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 3, tờ 1b) chép rằng:
"Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa".
Và lòng thương dân của Lý Thánh Tông cũng được Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 3, tờ 5a) viết rằng: "Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo".
Vua Lý Thánh Tông xót thương về hình ngục, nhân từ với nhân dân. Vua lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, đồng thời lại lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh khẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Ông lại tôn sùng đạo học, thật là một ông vua hiền từ, đức độ.
Vua Lý Thánh Tông mất vào mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Dần, năm Nhâm Tý (1072), vua băng hà ở điện Hội Tiên, thọ 50 tuổị
VnVista I-Shine
© http://vnvista.com