Ăn kẹo bạc hà và uống nước có gas: Chuyện gì xảy ra?
 |
PV Tuổi Trẻ cho viên kẹo Mentos vào những chai nước ngọt
có gas và thật bất ngờ: một cột nước từ trong chai phụt ra cao hơn đầu
người - Ảnh: MINH ĐỨC |
TT - Những ngày gần đây,
nhiều người đang đặt nghi vấn về thông tin một thanh niên ở Brazil đã
chết vì uống nước ngọt có gas và ăn kẹo viên bạc hà Mentos cùng lúc. PV
Tuổi Trẻ đã thực hiện các cuộc thực nghiệm để đi tìm câu trả lời cho nghi vấn trên.
Mở chai nước ngọt có gas (loại 1,25 lít), bỏ ngay một
viên kẹo nhai Mentos vào. Lập tức, từ miệng chai, một cột nước đầy bọt
bắn lên cao dần. Khi cao khoảng trên 1,5m, cột nước hạ xuống và chảy
tràn ra ngoài. Bấy giờ, lượng nước còn lại chưa đầy nửa chai. Thực hiện
thí nghiệm trên các loại nước ngọt có gas với nhãn hiệu khác nhau đang
bán trên thị trường, chúng tôi cũng ghi nhận được hiện tượng cột nước
vọt lên từ miệng chai. Thí nghiệm này được thực hiện năm lần, kết quả
không thay đổi.
Tuy nhiên, hiện tượng trên hoàn toàn không xảy ra khi
chúng tôi thay kẹo Mentos bằng loại kẹo có vị bạc hà khác. Hiện tượng
trên cũng không xuất hiện trong trường hợp dùng lại viên kẹo Mentos đã
qua thí nghiệm một lần (kẹo đã bị tan lớp vỏ bọc đường bên ngoài).
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh y
tế công cộng, cho biết có những chất khi ăn riêng lẻ thì không độc
nhưng khi kết hợp với chất khác có thể có phản ứng gây hại cho cơ thể.
Ví dụ như giấm thanh kết hợp với thuốc phiện, hay thịt rắn băm trên
thớt gỗ me... Tuy nhiên phản ứng trên chỉ xảy ra với những người có gen
nhạy cảm. Xác suất này rất thấp, chỉ khoảng 1/1 triệu người.
Về việc kết hợp hai hợp chất cụ thể từ nước ngọt có
gas và kẹo Mentos có gây độc không, bác sĩ Mai chưa khẳng định vì theo
ông chưa có một nghiên cứu cụ thể nào.
Một PGS - TS ngành hóa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM
cho rằng thành phần kẹo Mentos và nước ngọt có gas không có gì tương
kỵ. Ông không tin rằng ăn hai thứ trên cùng lúc sẽ gây ngộ
độc.
YẾN TRINH
Ông Đinh Công Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM:
Chỉ là hiện tượng vật lý bình thường
Trên
nhãn của các chai nước ngọt có gas có ghi rõ một trong những thành phần
của loại thức uống này là “nước bão hòa CO2”. Nghĩa là lượng CO2 đã tan
trong nước đến mức tối đa, không còn tan được nữa. Vì vậy, khi làm tăng
hàm lượng chất tan (ví dụ như thêm đường, tinh bột...) trong “nước bão
hòa CO2” thì độ hòa tan của CO2 giảm đi đột ngột và với điều kiện này,
khí CO2 sẽ thoát mạnh ra ngoài, gây nên hiện tượng phụt nước lên cao.
Ngoài
ra, trên nhãn của kẹo Mentos có ghi thành phần là gôm arabic - một loại
phụ gia đặc dụng trong thực phẩm. Nếu cho loại phụ gia này vào nước
ngọt có gas thì gôm arabic bị trương nở, cũng là điều kiện để đẩy CO2
ra ngoài. Tương tự, tinh bột cũng vậy.
Những
thành phần chất hay phụ gia sử dụng làm kẹo Mentos đều nằm trong danh
mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế. Các chất này không có phản ứng hóa
học với những thành phần chất dùng làm nước ngọt. Nói tóm lại, theo
tôi, hiện tượng nước có gas phụt mạnh ra khỏi chai trong điều kiện nói
trên chỉ là hiện tượng vật lý bình thường.
QUỐC THANH ghi |
Khi PV Tuổi Trẻ
cung cấp những tư liệu liên quan đến hiện tượng “nước ngọt có gas và
kẹo Mentos” được loan truyền trên mạng cả tuần nay, một giáo sư đã phì
cười. Ông nói rằng việc cho kẹo Mentos vào nước có gas thấy có hiện
tượng nước phụt lên cao thuần túy chỉ là hiện tượng vật lý và không có
những phản ứng hóa học xảy ra.
Ngoài
ra, vị giáo sư còn hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu thêm vấn đề trên bằng
cách vào mạng tìm kiếm Google với từ khóa “mentos + Pop” thì hàng loạt
diễn giải và những đoạn video clip về hiện tượng “không chung sống” của
kẹo Mentos và nước có gas được liệt kê trong kết quả tìm kiếm. Thật ra
đây là những trang web thường được gọi bằng cái tên “making science
fun” - tạm hiểu là cách làm (thử nghiệm) khoa học vui. Ở đó có hàng
loạt hình ảnh về cột nước phụt mạnh từ chai nước có gas. Đồng thời
những trang web này cũng hướng dẫn và diễn giải cách làm những “thử
nghiệm... vui”, nhưng không quên cảnh báo “hãy chú ý đến an toàn” khi
nghịch ngợm!