Dù chưa có hậu thuẫn chính trị, nhưng theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, Jolie đang là người dẫn đầu và bỏ xa các phụ nữ Mỹ có thể trở thành ứng viên tổng thống.[b]

Người Mỹ có nên bầu cho Angelina Jolie làm nữ tổng thống đầu tiên của họ không? Câu hỏi thật vô lý nhưng ở đất nước mà chuyện gì cũng có thể xảy ra này, đó không phải là một giả thuyết hão huyền.
Cách đây vài thập niên, ai đặt ra câu hỏi này chắc sẽ bị coi là người có vấn đề về tâm lý. Nhưng bây giờ, thế giới đã đổi khác. Nếu có thời cơ và một chút may mắn, chuyện đó không phải là tiểu thuyết giả tưởng. Sự kết hợp của sức hấp dẫn từ một nhân vật nổi tiếng - nhất là trong các lĩnh vực thể thao và nghệ thuật - cộng với thiện tâm muốn tạo sự thay đổi sẽ làm nên chuyện.
Thực tế cho thấy trên thế giới có rất nhiều ngôi sao văn hóa nghệ thuật trở thành chính khách. Nam tài tử cơ bắp người Mỹ gốc Áo Arnold Schwarzenegger trở thành Thống đốc tiểu bang lớn nhất nước Mỹ. Các ca sĩ nhạc rock Bob Geldof và Bono là khách thường trực tại Phủ thủ tướng Anh để vận động xóa nợ cho các quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ ba. Tài tử Sean Penn đơn thân độc mã lèo lái một chiếc tàu trong tình trạng hư hỏng để gây quỹ giúp các nạn nhân của trận bão Katrina. Ca sĩ Peter Garrett của ban nhạc Midnight Oil đang ngồi trong Quốc hội Liên bang Australia. Siêu sao màn bạc George Clooney cũng đang tích cực hoạt động xã hội. Nổi tiếng trong giới nghệ sĩ trở thành các chính trị gia hàng đầu phải kể đến Tổng thống Ronald Reagan, người từng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống tại Mỹ. Rồi Josph Estrada người từng làm Tổng thống Phillipines nhưng bị phế truất bởi cáo buộc tham nhũng.
Nữ tài tử Angelina Jolie là người được đăng hình trên các tạp chí nhiều hơn bất cứ chính trị gia nào tại Mỹ. Từ lâu, Jolie đã quyết tâm "lột xác" một diễn viên khả ái được hàng triệu khán giả ái mộ để dấn thân vào những việc trọng đại. Cô xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn thế giới để thảo luận về các đề tài chẳng liên quan đến nghề nghiệp của mình, như: môi trường, nguyên tử, nhân quyền, người tị nạn, tình trạng nghèo khổ của các nước kém phát triển...
Những người lắng nghe ý kiến của cô không phải chỉ là những người dân mà còn gồm cả Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Chủ tịch Ngân hàng thế giới...
Trên trang web uy tín Wikipedia về tiểu sử của Jolie, hoạt động nhân đạo của cô chiếm nhiều trang hơn những cuốn phim cô từng góp mặt, nhất là trong vai trò Đại sứ thiện chí của Cao ủy Tị nạn LHQ.
Khi được hỏi về những hoạt động này trong một diễn đàn điện tử toàn cầu do Đài BBC chủ trì, Jolie từ tốn trả lời: “Nó đã cho tôi một cuộc sống có mục đích. Chúng ta là ai nếu chúng ta chẳng có lợi ích gì cho người khác?”. Cảnh nữ tài tử Hollywood này sinh đứa con của mình với diễn viên nổi tiếng Brad Pitt trong một vùng sa mạc ở châu Phi, nơi cô đang hoạt động vì nỗi cô đơn và tuyệt vọng trong hoàn cảnh nghèo khó cùng cực của người dân lục địa đen chắc chắn sẽ ăn đứt màn biểu diễn saxophone của cựu Tổng thống Bill Clinton hoặc màn đi giày cao bồi Texas của Tổng thống George Bush nếu họ cùng tham gia một cuộc vận động lấy lá phiếu cử tri.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi đầu năm 2006, Tổng thư ký Kofi Annan đã công bố ý định của ông về việc củng cố sự thu hút từ những cá tính mạnh mẽ của nghệ sĩ và chính trị gia cho các mục đích chính đáng. Ông muốn khuyến khích những nhân vật tên tuổi trong các lĩnh vực thể thao và giải trí đóng góp trên sân khấu chính trị quốc tế.
Nhiều người đã hưởng ứng con đường đó, chẳng hạn như Richard Gere tranh đấu cho nhân quyền và Elizabeth Taylor gây quỹ giúp các nạn nhân bệnh AIDS...
Thời kỳ trăng mật của sự gắn bó hoạt động giữa các chính trị gia và siêu sao thể thao - văn nghệ chắc chắn sẽ kéo dài trong một thời gian nữa dù dọc đường thế nào cũng xảy ra vài chuyện không vui. Nó sẽ tồn tại vì quyền lợi của hai bên và nhờ đó, các đối tượng mà họ muốn giúp đỡ cũng sẽ được hưởng quyền lợi.
Con số các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí dấn thân vào hoạt động xã hội ngày càng tăng. Từng người một, vì lương tâm thúc đẩy hoặc vì những lý do khác đã nhập cuộc hăng hái nhưng chỉ có ít người gắn bó lâu dài với những lý tưởng đó.
Người ta dễ có con mắt nghi ngờ đối với lòng từ thiện của các siêu sao có máy bay phản lực riêng, lúc nào cũng son phấn hảo hạng và luôn được săn đón bởi những nhân vật thế lực. Hoặc giả, theo những người nghi ngờ, họ chỉ là những khuôn mặt xinh đẹp tô điểm bề ngoài cho những mục đích mà chính họ chẳng có bao nhiêu hiểu biết. Nhưng Jolie không nằm trong những trường hợp đó. Cô đã nhiều lần từ chối các hợp đồng đóng phim bạc triệu để tự nguyện nhận những công tác của LHQ giúp cho người tị nạn, đã học hỏi đến nơi đến chốn các đề tài vận động và trả lời những câu hỏi khó khăn như một chuyên gia đầy đủ thẩm quyền.
Dù chưa có hậu thuẫn chính trị, nhưng theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, Jolie đang là người dẫn đầu và bỏ xa các phụ nữ Mỹ có thể trở thành ứng viên tổng thống. Hẳn nhiên, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Condoleezza Rice có thể đang chờ sẵn trong cánh gà để xuất hiện trước sân khấu khi có cơ hội thuận tiện. Dù vậy, dân Mỹ phải có một cú đột biến thực sự mới thay đổi thói quen bỏ phiếu của họ, nhất là chuyện đưa một phụ nữ vào Nhà Trắng.
Ở các nước như Ba Lan, Đức, New Zealand, Anh, Chile, Israel, Liberia, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Latvia... đều đã có nữ lãnh tụ, ngoại trừ Mỹ và Australia. Bây giờ có lẽ là thời điểm mà cử tri "ôm choàng" lấy hiện tượng thời đại này để xóa bỏ lĩnh vực độc quyền của đàn ông ở những nước đó. Và Angelina Jolie không còn là một nhân vật trong tiểu thuyết giả tưởng.
theo:dantri