TTXuân - Bức ảnh chụp một chàng trai trẻ chắp tay trong nước mắt, thảng thốt nhìn lên tầng cao của tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế TP.HCM (ITC) đang bị khói lửa bủa vây đăng trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 30-10-2002 đã khiến bạn đọc bàng hoàng về sự mất mát. Năm năm sau, người trong ảnh kể lại câu chuyện của mình.
1. Phóng viên Tự Trung, tác giả bức ảnh, kể: “Vụ cháy xảy ra, tôi chạy ngay đến hiện trường. Khi mọi ống kính của các phóng viên hướng lên tầng cao, tôi lia theo hướng ngược lại rồi bấm đúng khoảnh khắc một chàng trai đang đưa hai tay lên lau nước mắt và ngước nhìn ngọn lửa trong bàng hoàng, bất lực. Bấm xong rồi chạy đi, không kịp hỏi tên. Sáng hôm sau báo đăng, tôi tìm mọi cách để liên hệ với người trong ảnh mà không được”.
Chị T., một nạn nhân trong vụ cháy đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, khi gặp Tự Trung sau đó cho biết người trong ảnh là Lương Hải Đăng, nhân viên công nghệ thông tin (IT) của Công ty bảo hiểm AIA, và Đăng chính là người đã leo lên mái nhà đưa chị xuống. Tự Trung chạy đến Công ty bảo hiểm AIA, người ta cho hay Đăng đã tình nguyện sang Singapore chăm sóc cho đồng nghiệp bị nạn. Tự Trung gửi một email, sau đó nhận được vài dòng từ chối cuộc phỏng vấn: “Ba ngày qua tôi đã không ngủ. Trong đầu tôi cứ lởn vởn câu hỏi: Tại sao lại như vậy, tại sao có nhiều người chết đến thế? Và tôi muốn làm một điều gì đó cụ thể!”.
Câu chuyện với Hải Đăng là một câu chuyện trải dài trong năm năm. Hằng năm, vào ngày kỷ niệm xảy ra thảm họa ITC, hỏi thăm Đăng, bao giờ cũng là câu chuyện về ngày tháng cũ: Đăng đang đi thăm gia đình những bạn bè đã mất hay ra nghĩa trang. Song thông tin về Đăng thì luôn luôn mới: đã chuyển từ chuyên viên phát triển IT sang làm marketing của AIA, rồi làm giám đốc marketing của Microsoft tại TP.HCM, trở thành đại diện Hãng Seagate tại VN, làm giám đốc toàn quốc của Hãng điện thoại O2 ở VN…
2. Đầu giờ chiều 29-10-2002, ai đó hét lên: “Cháy, cháy”. Phía trên tòa nhà ITC đang cháy có rất nhiều người giơ tay kêu cứu, phía dưới nhiều người chết vì nhảy lầu. Nước mắt tràn ra, Đăng chắp tay đưa lên vuốt những giọt nước mắt chảy dài xuống mặt. Chị T. từ trên cao ôm ống nước tuột xuống đến tầng 3 thì nóng quá, buông tay rớt trên mái nhà. Đăng đã leo lên đưa chị xuống.
Trong số nhiều người thiệt mạng có những bạn thân của Đăng. Cuộc sống của các bạn đã khép lại trong phút chốc bất ngờ. Trời tối, mẹ gọi điện liên tục: “Sao con chưa về? Về đi con!”. Về, giày dép mất hết, áo quần dính đầy máu, bước chân lên thềm nhà như người mất hồn, Đăng ôm lấy mẹ bật khóc nức nở: “Mẹ ơi, bạn con chết nhiều lắm!”. Mẹ vỗ về: “Cố lên con!”. Rồi hôm sau, Đăng xung phong đi Singapore chăm sóc những người bị nạn.
Đó là lần đầu tiên trong đời Đăng công tác xa nhà một thân một mình. Nằm vật vạ ngoài hành lang Bệnh viện SGH - Singapore. Ba đêm đầu tiên anh không ngủ được. Chạy tới lui, phiên dịch, sắp xếp, lo các thủ tục. Mỗi ngày mất ít nhất nửa giờ cho mỗi bệnh nhân người Việt để phiên dịch thông tin cho y bác sĩ người Singapore.
3. Năm năm học công nghệ thông tin, ba năm làm chuyên viên phát triển IT, rồi một ngày Đăng quyết định ứng cử vào vị trí nhân viên marketing của AIA. Một quyết định rất nhiều người cho là… điên.
Anh chỉ có một lý do: “Tôi thích làm marketing bởi nó chính là sự sáng tạo và đem áp dụng sự sáng tạo cho toàn bộ hệ thống”. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, một sản phẩm marketing của mình đến tay từng khách hàng, còn gì sướng bằng? Vậy là thử sức: đi treo banner, quét dọn, bày biện… cho các buổi tổ chức sự kiện. Học và học cho đến một ngày có thể hoạch định chiến lược một sản phẩm mới.
Rồi một ngày, “người khổng lồ” Microsoft TP.HCM cần một giám đốc marketing biết IT, công việc đó vào tay Đăng như một thách thức mới. Hai năm sau, công ty đạt tỉ lệ tăng trưởng 30% tại VN, Đăng đủ cơ hội tận hưởng thành quả lao động của mình. Nhưng Đăng có suy nghĩ khác: “Ở những tập đoàn lớn, mọi con đường được “vẽ” sẵn, cứ đi theo đó và mọi người sẽ góp vào sự thành công”.
Rồi Hãng Seagate (một hãng đĩa cứng lớn nhất nhì thế giới) sang VN tìm người làm trưởng đại diện, Đăng thử mình trong vai trò thiết lập hệ thống phân phối với hơn 2.500 đối tác trên toàn quốc. Và một ngày, Hãng điện thoại O2 tìm kiếm giám đốc toàn quốc và đưa ra một câu chuyện hấp dẫn: đó chính là “Mercedes trong lĩnh vực điện thoại di động” với một phân khúc thị trường trung lưu trở lên và đầy thách thức…
Cứ thế, từng ngày, từng công việc chuyên nghiệp hơn, tư duy rõ ràng hơn, cách thức tiếp cận vấn đề cởi mở hơn. Nhưng có một điều không hề thay đổi ở Đăng: “Làm gì thì làm, giấc mơ lớn nhất của tôi là làm việc cho một công ty Việt Nam”.
4. Có một thói quen “lạ đời” của Đăng: vào bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào, việc đầu tiên của anh là nhảy lên mạng nội bộ, truy cập trong Address Book để tìm xem có bao nhiêu địa chỉ mail mang tên Việt. Và đó là giây phút mà cảm xúc dâng trào trong con người anh: hàng ngàn cái tên người Việt rải đều trong các tập đoàn lớn trên thế giới! Họ là những người rất giỏi, đã vượt qua được hệ thống chọn lựa nhân sự chuyên nghiệp của những tập đoàn lớn. “Tôi viết thư làm quen và thử đặt một câu hỏi: Giả sử Việt Nam mình có nhu cầu, anh/chị có về không? Những chuyên gia giỏi nói một điều giống nhau: Không ở đâu sướng bằng đất nước mình, nếu có điều kiện để làm việc và cống hiến” - Đăng chia sẻ đầy cảm xúc.
“Trước đây, tôi cũng như bao nhiêu người trẻ khác: tham vọng, hiếu thắng, hay đòi hỏi mọi sự đi đến tận cùng. Giờ khả năng chấp nhận thất bại của tôi cao hơn. Tôi biết tận dụng tối đa thời gian sống cho người thân, bạn bè… Và tự nhủ: Hãy sống đơn giản, cái gì có ích cho xã hội thì ráng làm!”. Dừng lại trong câu chuyện cuối năm đầy cảm xúc, Đăng vội vã về nhà. Anh vừa về sau một đợt công tác xa, và như bao nhiêu lần trước, muốn về ngay ngôi nhà nhỏ của mình. “Xã hội vẫn hướng về phía trước và cuộc sống vẫn là món quà quí giá nhất mà người ta phải gìn giữ và sẻ chia”. Với Đăng, đây là một triết lý sống.