
ngu qúa, để lúc khác post lại cho mọi ng đọc vậy.
Trích từ blog của 1 người, k bít là Tây thật hay rởm
Entry for July 29, 2006 - Karaoke!
Ka-ra-ô-kê. Bốn âm tiết mà không ai ở Việt Nam có thể bỏ qua được. Trước khi sang Việt Nam mình đã không biết karaôkê là cái gì cả. Nhưng sau khi đến xứ sở này mình đã nhanh chóng nhận ra một điều là: sống ở Việt Nam mà không đi hát karaôkê thì khác nào ăn canh không có mỳ chính, như người ta hôn nhau mà không có râu! (cứ tưởng tượng đi!) Thế là mình mua một bộ loa và một số DVD karaôkê mang về nhà rồi luyện hát cái. Các đĩa DVD mà minh chọn có nhiều bài khác nhau, nên mình đã có một cái mô hình âm nhạc Việt Nam rất phong phú.
Khi xem các đĩa DVD đó, mình phát hiện ra một vài điều rất thú vị! (Hay là rất thú vị đối với mình thôi, mình không biết nữa!)
1) Nghệ sĩ Việt Nam cực kỳ thích cái từ “xót xa”! Ngay sau khi mua các đĩa DVD đó, mình chọn một cái cho vào máy ví tính xem thử. Bài đầu tiên có từ “xót xa”. “Xót xa là gì?” Joe tự hỏi mình. Mình nghe bài thứ 2. Lại có từ xót xa. Mình nghe bài thứ 3. Lại có. Mình nghe bài thứ 4. Lại có. Rồi bài thứ 5 và nó…lại có! Lạ nhỉ! (Lúc đó mình tra từ điển đọc rất kỹ định nghĩa của từ này.) Không phải chỉ riêng từ “xót xa” thôi mà cũng có một số từ khác lại luôn luôn xuất hiện trong bài hát Việt Nam. Nếu ai có thể tìm cho mình một đĩa karaôkê nhạc trẻ mà không bài nào có từ “xót xa”, “lẻ loi”, “cô đơn”, “nỗi đau”, hoặc “gian dối” thì mình sẽ mua đĩa đó với gía 1 triệu đồng luôn!*
*có lẽ mình sẽ không làm thế
(Âm nhạc Tiếng Anh cũng thế thôi, những từ như sorry, baby, heart, lost, v.v.)
2) Trong việc sáng tác bài hát Việt Nam thì chuyện “đảo ngược” những từ hai âm tiết có vẻ rất phổ biến. Mình đã biết từ “suy nghĩ” từ lâu rồi, từ này quá bình thường, sách giáo khoa nào cũng có. Nhưng mình đã phải mua một đĩa DVD karaôkê mới biết từ “nghĩ suy” là như thế nào. Hình như đảo trật tự của âm tiết trong từ hai âm tiết như vậy là để thêm hoành tráng vào hay sao nhỉ? Nếu viết là “Thay đổi” thì không được đâu, phải là Tình yêu của mình phải đổi thay mới hay chứ! Cũng như gian dối (dối gian), “mong chờ” (chờ mong) “tha thứ” (thứ tha)…Chuyện này càng thuyết phục mình rằng Tiếng Việt là một ngôn ngữ hơi bị phong phú! Tiếng Anh làm gì có chuyện đó – yesterday all my troubles seemed so ‘away far’ …sai! điên! Có lẽ Tiếng Việt linh hoạt hơn cả Tiếng Anh một chút, ít ra trong một vài lĩnh vực đặc biệt như vậy.
3) Người Việt Nam rất coi trọng nhạc sĩ. Cái đó mình thấy rất là hay. Ở bên Tây có một bài hát nổi tiếng thì chắc ai cũng sẽ biết người ca sĩ là ai. Nhưng rất ít người sẽ biết nhạc sĩ –người sáng tác bài đó – là ai, mà gần như là không ai biết cả. (Ở bên Tây chuyện ca sĩ tự sáng tác bài của mình là hiếm có.) Ở Việt Nam thì lại khác. Có một bài do Trịnh Công Sơn sáng tác được một ca sĩ khác trình bày chẳng hạn thì đa số người sẽ biết đó là bài DO Trịnh Công Sơn sáng tác ĐƯỢC một ca sĩ khác trình bày. Lời giới thiệu của những bài hát mà lên TV hoặc lên mạng luôn nhắc đến tên của hai người: người nghệ sĩ và người ca sĩ. (Nhạc sĩ: Trần Tiến.. Thể hiện: Mỹ Tâm…kiểu thế.) Cái đấy mình khâm phục thật – có lẽ Tây phải học Việt Nam cái!
À, bài mà mình đang thích nhất là bài “Đêm thấy ta là thác đổ” do Trịnh Công Sơn sáng tác, được ca sĩ Quang Dũng trình bày.
Có ai đi karaôkê không?
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi Tacaza Phu Nhân: Aug 21 2006, 05:59 PM