Câu chuyện xãy ra ở một bệnh viện nhỏ ở vùng quê hẻo lánh. Ở khoa hóa trị có một phụ nữ trẻ đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Tuy luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng chưa bao giờ người phụ nữ ấy quên trao cho cho chúng tôi một nụ cười biết ơn sau những lần điều trị. Những khi chồng cô tới thăm, mắt cô rạng ngời hạnh phúc. Đó là một người đàn ông đẹp trai, lịch thiệp và cũng thân thiện như vợ mình. Tôi rất ngưỡng mộ chuyện tình của họ. Hằng ngày anh mang đến cho cô những bó hoa tươi thắm cùng nụ cười rạng rỡ, anh đến bên giường nắm lấy tay cô và trò chuyện cùng cô. Những lúc quá đau đớn, cô khóc và trở nên cáu ghắt, anh ôm chặt cô vào lòng, an ủi động viên cho vợ mình cho đến khi cơn đau dịu đi. Anh luôn bên cô mỗi khi cô cần, anh giúp cô uống từng ngụm nước và không quên vuốt nhẹ đôi chân mày của cô. Mỗi đêm, trước khi ra về anh luôn đóng cửa để hai người có những giây phút bên nhau. Khi anh đi, chúng tôi thấy cô ấy đã say ngủ mà trên môi vẫn phảng phất nét cười. Nhưng đêm ấy mọi chuyện đã thay đổi. Khi nhìn vào bảng theo dõi, kết quả cho thấy người vợ trẻ ấy sẽ không qua khỏi đêm nay. Mặc dù rất buồn nhưng tôi biết đó là cách tốt nhất cho cô ấy, từ nay cô sẽ không chịu những cơn đau thêm nữa. Để bảng theo dõi trên bàn, tôi muốn đến phòng bệnh. Khi tôi bước vào phòng, cô mở mắt nhìn tôi hé môi cười một cách yếu ớt, nhưng hơi thở của cô nghe thất khó nhọc. Chồng cô ngồi bên cô mỉm cười nói : " Cho đến bây giờ món quà tuyệt vời nhất tôi dành cho cô ấy chính là tình yêu của tôi ". Và tôi đã khóc khi nghe điều đó, tôi nói nếu họ cần bất cứ điều gì thì đừng ngại. Đêm ấy cô đã ra đi trong vòng tay người chồng yêu dấu. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc cố an ủi và chia sẻ nỗi đau này cùng chồng cô. Với khuôn mặt đẫm nước mắt, anh nghẹn ngào : " Xin hãy cho tôi ở bên cô ấy thêm một lúc ". Bước ra khỏi phòng, đứng ở hành lang lau những giọt nước mắt, nhớ nụ cười, nhớ ánh mắt, nhớ những cái ôm ghì chặt mà cô ấy dành cho chúng tôi. ..Tôi nhớ tất cả về cô ấy như một người bạn thân thiết, tôi cũng phần nào có thể cảm nhận được nỗi đau mà chồng cô đang chịu đựng. Bỗng nhiên từ trong phòng vọng ra một giọng hát trầm ấm mà tôi chưa từng được nghe. Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều bị cuốn hút bởi giọng hát của anh khi anh cất lời bài Beautiful brown eyes. Rồi giai điệu khúc ca nhỏ dần, anh mở cửa gọi tôi đến, anh nhìn sâu vào mắt tôi, ôm chầm lấy tôi rồi nói :" Tôi đã hát bài này mỗi đêm cho cô ấy nghe kể từ ngày chúng tôi quen nhau. Mọi ngày tôi vẫn thường cố giữ cho giọng mình thật nhỏ để khỏi làm phiền bệnh nhân khác. Và tôi chắc rằng đêm nay trên thiên đường cô ấy cũng vẫn nghe tôi hát. Tôi xin lỗi đã quấy rầy mọi người. Tôi chỉ không biết sống ra sao khi thiếu vắng cô ấy, nhưng mỗi đêm tôi vẫn tiếp tục hát cho cô ấy. Chị có nghĩ rằng cô ấy nghe thấy tiếng tôi không ?". Tôi khẽ gật đầu mà nước mắt vẫn tuôn. Anh ôm tôi một lần nữa, hôn lên má tôi và cảm ơn tôi cùng tất cả mọi người. Đoạn anh quay bước, cúi đầu khẽ húyt sáo giai điệu thân quen. Khi anh bước đi, tôi nhìn theo, thầm cầu nguyện cho cô ấy, cho anh và cho tôi một ngày nào đó
Sẽ rất đau đớn khi bạn yêu một người nào đó mà không được đáp lại. Nhưng còn đau đớn hơn khi bạn yêu một ai đó mà không đủ dũng cảm để nói cho người đó biết bạn đã yêu như thế nào. Có thể chúng ta phải gặp một vài người nào đó, nhầm một vài lần như vậy trước khi gặp đúng người mình yêu, và bạn phải trân trọng vì điều đó.
Chiếc tàu tôi đang đi ghé vào một ga nhỏ. lúc ấy đã gần sáng và trời vẫn đầy sao. Không khí lạnh cóng ùa vào toa khi tàu dừng và mở cửa đón khách. Toa tôi có thêm hai người nữa, một người đàn ông và một cậu bé. Cậu bé phải mất một lúc mới ngồi được vào chỗ của mình sau khi len quá nhiều hàng chân người trông lớn. Trong khi cha cậu bé ngồi cạnh cửa ra vào, cậu bé lại ngồi cạnh cửa sổ, giữa những người trông ngái ngủ, khó tính và mệt mỏi sau một đêm không được ngủ đẫy giấc. Khi tàu bắt đầu vào đường hầm, cậu bé trượt khỏi chỗ và tôi cảm thấy tay cậu chống vào đầu gối lên một chút. Cậu bé rướn người lên, có lẽ muốn nói gì đó với tôi. Tôi cúi xuống để nghe nhưng bất ngờ thay, cậu bé hôn vào má tôi một cái! Lúc đó tàu ra khỏi đường hầm. Rồi cậu bé ngồi lại vào chỗ của mình và ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ. Trông cậu rất hạnh phúc. Tôi thật sự ngạc nhiên. Sao cậu bé lại hôn một người lớn không hề quen biết trên tàu nhỉ? Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi cứ thỉnh thoảng, cậu bé lại đứng lên, hôm vào má những người lớn ngồi cạnh cậu, từng người một. Bối rối, chúng tôi nhìn về phía người đàn ông. Cha cậu giải thích: - Cháu nó rất hạnh phúc vì khỏe mạnh trở lại và được sống. Cháu đã ốm nặng rất lâu rồi! Chuyến tàu dừng ở ga cuối. Người đàn ông và cậu bé hòa mình vào đám hành khách. Tôi vẫn còn cảm thấy cái hôn của cậu bé trên má, cái hôn làm tôi hạnh phúc và cả băn khoăn nữa. Liệu có bao nhiêu người trưởng thành trao cho nhau những cái hôn để chia sẻ niềm vui được sống? Cậu bé đã không chỉ chia sẻ với tôi một cái hôn ngọt ngào mà còn cả những băn khoăn muốn nhắn gửi: đừng để bản thân mình "chết" trước khi tim ngừng đập.
Phép lạ
Đau khổ trong đời là điều không thể tránh, nhưng sầu thảm lại là vấn đề tự chọn của mỗi người. Mỗi tháng người quản lý của nghĩa trang đều nhận được một số tiền từ bà mệnh phụ tật nguyền đang được điều trị tại một bệnh viện trong thành phố. Số tiền ấy dành để mua hoa đặt lên mộ người con của bà ta, một chàng trai trẻ đã chết trong một tai nạn ô tô hai năm về trước. Ngày nọ, một chiếc ô tô đi vào nghĩa trang và dừng lại trước ngôi nhà phủ đầy dây trường xuân, đó là nơi bác quản lý nghĩa trang sử dụng làm văn phòng tiếp khách. Người tài xế bước xuống xe. Ở băng ghế sau, một người phụ nữ lớn tuổi ngồi nhắm mắt bất động, bà ta trông xanh xao như một xác chết. “Bà ta yếu quá. Không thể ra khỏi xe được - người tài xế nói với bác quản lý nghĩa trang - ”Xin bác vui lòng lên xe, đưa chúng tôi đến mộ thằng bé con bà ấy. Bà ta cũng muốn yêu cầu bác giúp cho một số việc. Bác thấy đấy, bà ta không còn sống được bao lâu nữa. Bà ấy đã yêu cầu tôi, một người bạn cố cựu của gia đình, đưa bà ấy đến đây để thăm mộ con trai lần cuối.” “Có phải là quý bà Wilson đấy không?” - Bác quản lý đưa mắt nhìn sang bà mệnh phụ ngồi trong xe. Ông tài xế gật đầu. “Vâng, tôi biết bà ấy" - Bác quản lý gật gù - “Hằng tháng, bà Wilson có gửi tiền cho tôi để đặt hoa cho ngôi mộ của con bà ta". Bác theo ông tài xế đến bên xe, bước vào hàng ghế sau ngồi cạnh bà mệnh phụ. Hai người lặng lẽ chào nhau qua ánh mắt. "Bà ta trông mong manh như cánh hoa tàn úa và xanh xao như một xác ướp", bác quản lý nhận xét thầm. Trong con người của bà ta, tất cả đều đã buông xuôi và từ chối cuộc sống, ngoại trừ đôi mắt; đôi mắt sâu thẳm mang nặng một nỗi đau thầm lặng và u uất. “Tôi là bà Wilson” - Bà ta thầm thì - “Hai năm qua, mỗi tháng…” “Vâng, đúng vậy. Mỗi tháng tôi đều nhận được tiền của bà” - Bác quản lý nhẹ nhàng đỡ lời. “Hôm nay, tôi đến đây” - bà Wilson cố gắng nói tiếp, “bởi vì các bác sĩ trong bệnh viện nói rằng tôi chỉ sống được vài tuần nữa thôi. Trước khi tôi chết, tôi muốn được nhìn mộ con trai tôi lần cuối. Nhân tiện tôi muốn gặp ông để thu xếp việc gửi tiền đặt hoa cho mộ con tôi sau này.” Bà có vẻ kiệt sức vì phải nói nhiều. Chiếc xe chầm chậm rẽ vào một ngõ hẹp, tiến dần đến ngôi mộ đứa con trai bà mệnh phụ ấy rồi dừng lại. Bà mẹ tội nghiệp cố sức ghé đầu qua ô cửa kính để nhìn ra ngôi mộ của con. Không gian tĩnh lặng, tiếng chim chíu chít đâu đó bên trên những tán cây. Bác quản lí nghĩa trang lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng. “Thưa bà, tôi luôn lấy làm tiếc vì món tiền bà đã thường xuyên gửi đến để đặt hoa cho ngôi mộ.” Thoạt đầu bà mệnh phụ có vẻ không nghe được câu nói ấy. Sau đó bà chầm chậm xoay đầu lại. ”Xin lỗi ông” - bà ta thì thào - ”Ông đang nói đến việc gì thế! Con trai của tôi…” “Vâng, tôi hiểu” - bác quản lí dịu dàng ngắt lời - “Bà biết không, tôi là thành viên trong nhóm cứu trợ nhà thờ. Hằng tuần chúng tôi đều tổ chức đi thăm bệnh viện, trại tế bần, nhà dưỡng lão, nhà tù… Ở những nơi ấy, có nhiều người sống cần được quan tâm, đa số họ đều yêu thích hoa. Họ còn có thể nhìn ngắm màu sắc và thưởng thức mùi hương của hoa. Còn ngôi mộ này…” - bác quản lí đưa mắt về phía ngôi mộ…- "không có sự sống trong đó, không có ai nhìn ngắm và thưởng thức nét đẹp và hương thơm của hoa. Vì thế, tôi…” - Bác quay mặt đi và tránh cái nhìn của người mẹ sầu khổ, giọng của bác lạc dần rồi tắt hẳn. Bà mệnh phụ không nói gì cả, mắt đăm đăm nhìn về phía ngôi mộ của cậu con trai. Dường như hằng tiếng đồng hồ đã trôi qua trong bầu không khí lặng lẽ và ngột ngạt ấy. Cuối cùng bà ta khẽ đưa tay ra hiệu, người lái xe cho xe quay trở về phòng tiếp khách của nghĩa trang. “Mình đã xúc phạm bà ấy” - bác quản lý đưa mắt nhìn theo, lòng thầm nghĩ “ - Đúng ra mình không nên nói cho bà ta biết điều ấy.” Vài tháng sau, bác quản lí nghĩa trang không khỏi ngạc nhiên trước một cuộc viếng thăm bất ngờ và thú vị. Bà mệnh phụ ấy đã tìm đến gặp bác. Lần này không có tài xế, bà ta tự mình lái xe đến nghĩa trang. Bác quản lí không còn tin vào mắt mình nữa. “Vâng, ông đã nói đúng, ông quản lí thân mến!” - Bà Wilson vui vẻ mở lời - “Về chuyện thưởng thức hoa đó mà! Đó chính là lý do tại sao tôi ngưng gởi tiền cho ông suốt mấy tháng vừa qua. Hôm ấy tôi trở về bệnh viện, không thể nào gạt được những lời của ông ra khỏi tâm trí. Sau đó tôi bắt đầu đặt hoa gởi tặng cho các bệnh nhân trong bệnh viện, những người không được ai tặng hoa cả. Tôi cảm thấy vui khi họ yêu thích và thưởng thức chúng – những cánh hoa tươi đẹp đến từ một người hoàn toàn xa lạ. Điều đó đã khiến họ vui và tin tưởng hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, điều đó đã làm tôi hạnh phúc và vui với cuộc sống.” “Không có vị bác sĩ nào hiểu được” - bà ta nheo mắt, “phép lạ nào đã khiến tôi bình phục nhanh đến thế. Chỉ có tôi biết được điều ấy thôi!”