Đó là vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra vào hồi gần 3g sáng hôm qua, thứ sáu, 13-10-2006. Trên ôtô 53M-5009 có tất cả 13 người thì 12 người đã tử nạn ngay tại chỗ.
Thật đau xót, ngoài lái xe, cả 11 người còn lại là cán bộ lãnh đạo và nhân viên của phường 13, quận Phú Nhuận (TP.HCM) đang trên đường ra Đà Nẵng cứu trợ...
Tai nạn quá đau thương...
Tại hiện trường, trên quốc lộ 1A cách thành phố Nha Trang chừng 15km về phía nam (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), ôtô 16 chỗ 53M-5009 chở đoàn cán bộ đi cứu trợ đã bị tan nát gần như hoàn toàn. Còn chiếc xe khách 75H-8283 chạy ngược chiều từ Huế vào Đà Lạt đã cùng gây ra vụ tai nạn thì bị hư nát một phần ở đầu xe và đã được xe cẩu cứu hộ giao thông kéo khỏi hiện trường. Toàn bộ khoảng 19-20 hành khách đi trên xe này đều thoát nạn, chỉ tài xế Bùi Văn Thiện bị gãy chân và phụ xe bị thương nhẹ.
Người duy nhất trên chiếc xe chở đoàn cứu trợ thoát chết nhưng cũng bị thương nặng, đó là anh Phạm Ngọc Lý (45 tuổi), chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của phường 13, được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kể: “Tôi ngồi trước cabin bên phải tài xế là chỗ duy nhất không bị cán nát. Lúc ấy tôi đang thiếp đi thì nghe một tiếng nổ lớn. Mở mắt ra thì thấy chiếc xe đã bị nát tan tành, máu me vung vãi, nhiều người bị văng ra bên ngoài...”. Anh đã gắng gượng đạp vỡ khoảng kính xe còn lại để trèo thoát ra ngoài.
Theo đại úy Nguyễn Văn Khải - đội trưởng thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa - đây là vụ tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc nhất ở tỉnh trong khoảng mười năm qua...
Chuyến hàng vẫn đi tới
Chiếc xe khách 75H-8283 sau vụ tai nạn - Ảnh: P.S.N.
Chị Ngụy Thị Phương Thảo, người ở phường 13 (quận Phú Nhuận) tài trợ cho đợt cứu trợ và cùng đi trong đoàn ra Đà Nẵng, kể: xe tải chở toàn bộ số hàng cứu trợ gồm 800 suất quà, trị giá khoảng 120 triệu đồng, đã xuất phát đi từ tối hôm trước (khoảng 19g ngày 12-10) để ra Đà Nẵng. Cả đoàn phải đi đêm để kịp ra tới Đà Nẵng theo đúng lịch đã hẹn và xuống nhiều nơi trao tận tay quà cứu trợ cho bà con. Chiếc xe con bốn chỗ của chị và người nhà chạy sau chỉ cách xe 53M-5009 một quãng ngắn.
Chị Thảo nói: “Cả hai xe đều không chạy quá nhanh. Vì trước khi xảy ra tai nạn không lâu, chị vừa liên lạc bằng điện thoại di động với các anh của phường 13 đi trên xe trước. Hai bên đã hẹn cùng chạy tới ngã ba Thành (thị trấn Diên Khánh) sẽ dừng lại để cùng ăn sáng và uống cà phê... Vậy mà một lúc sau... chỉ còn mấy cây số nữa...”.
Cuộc khám nghiệm hiện trường của công an cùng các cơ quan chức năng đến gần 10g vẫn chưa kết thúc. Anh em Công an Khánh Hòa phải cạy dỡ từng chiếc ghế ngồi của chiếc xe 16 chỗ mới lấy được hành lý của các nạn nhân: những chiếc túi vải, giỏ xách, balô... Khi anh em công an mở ra để kiểm kê lập biên bản, tôi đã nhìn thấy trong túi của một chị nạn nhân còn được 830.000 đồng, gồm cả nhiều đồng tiền lẻ và một mảnh giấy nhỏ ghi số tiền lương và những khoản ủng hộ mà chị đã góp ở cơ quan...
Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, anh Phạm Ngọc Lý còn yếu, máu me còn dính đầy trên chiếc áo đã ngả màu... Anh cho biết riêng anh còn mang theo 15 triệu đồng của gia đình, đã chia ra thành 300 phong bì, mỗi phong bì 50.000 đồng để “ra đó tặng thêm cho bà con...”.
Vậy là tất cả anh em cán bộ của phường13 cùng đi cứu trợ với anh Phạm Ngọc Lý đã phải “dừng lại” trên đất Khánh Hòa... Anh Lý nói: “Tôi đã nhắn lại và giao tất cả công việc của đoàn đi cứu trợ và của anh em phường 13 để nhờ chị Thảo (người tài trợ cùng đi) cố gắng tiếp tục ra tới Đà Nẵng để cùng anh em tài xế, phụ xe chở hàng trao nhanh số quà cứu trợ đến từng gia đình... Đó chính là nguyện vọng của các anh chị em ở phường 13...”.
Danh sách những người tử nạn
1. Trần Đình Liêm, sinh 1962, chủ tịch UBND P.13. 2. Nguyễn Thị Tư, sinh 1967, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. 3. Trương Quang Bửu, sinh 1954, trưởng khối dân vận. 4. Bùi Thị Kim Phượng, sinh 1966, cán bộ địa chính. 5. Trần Văn Lân, sinh 1976, trật tự đô thị. 6. Đỗ Hoàng Sơn, sinh 1983, dân quân. 7. Hoàng Cao Vân, sinh 1974, văn thư. 8. Nguyễn Cần, sinh 1976, cán bộ hộ tịch. 9. Lê Phương Hòa, sinh 1975, cán bộ văn phòng. 10. Trịnh Phú Quý, sinh 1982, dân quân. 11. Dương Bảo Toàn, sinh 1987, dân quân. 12. Trần Văn Thiện, lái xe 53M-5009.
Một nén hương cho những tấm lòng...
Đã từng có vài lần tham gia giúp đỡ, cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai, bão lụt, tôi rất cảm phục những tấm lòng cao quí của bà con trên khắp mọi miền đất nước trong việc làm nghĩa hiệp này. Họ bỏ công bỏ việc, bỏ lại gia đình người thân rồi lặn lội mấy ngày trời tìm đến những nơi mình không hề quen biết. Chẳng ai bắt buộc họ cả, trừ tấm lòng.
Có khi đó là những chị tiểu thương ăn to nói lớn, mấy ngày dầm mưa lội bùn nhão dưới chân mà vẫn hăng hái, đi tới đâu cũng dám tới. Có khi là anh thanh niên vác trên mình những bao gạo to, mồ hôi ướt đẫm mà không một lời than vãn. Có khi đó là những vị tu hành, những bậc trí thức, những nhà kinh doanh. Tất cả đều nhiệt thành dù đi bộ hàng cây số để đến với bà con vùng xa, dù tối mịt mới được về tới nhà nghỉ với gói mì tôm lót dạ.
Có một người mẹ trong một làng ven biển hẻo lánh, mất hai đứa con trai trong bão, nỗi đau quá lớn, nhưng khi biết một đoàn đến từ một nơi rất xa ở miền Nam, bà đã khuỵu ngã vì xúc động: “Các chú ở xa xôi vậy sao phải ra tận đây thăm hỏi chúng tôi...”.
Cả trăm đoàn như vậy xuôi ngược khắp các tỉnh miền Trung lúc này. Đó là tình người, là nghĩa đồng bào, là “lá lành đùm lá rách”...
Và 12 người ở phường 13, Phú Nhuận, TP.HCM cũng nằm trong dòng chảy nghĩa tình ấy.
Xin thắp một nén hương cho những tấm lòng...
UBND phường 13, Q. Phú Nhuận TP.HCM: Đau quá!
Bà Dương Lệ Hoa ngồi bên chiếc ghế trống tại bàn làm việc của anh Liêm. Ảnh: Y.T.
4 giờ sáng, trụ sở UBND P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng đèn, bắt đầu một ngày không bình thường: chuẩn bị cho đại tang. Những cán bộ còn lại họp mặt. Bàng hoàng! Mọi người xót xa nhìn nhau. Đau đến không khóc nổi...
Nhìn dãy băngrôn có dòng chữ “Điểm tiếp nhận giúp đỡ nạn nhân bão số 6” vẫn còn treo trước cổng, cô Nga, chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, nghẹn ngào: “Đau quá sức đau!”. Nhớ 8 giờ tối qua, mọi người còn náo nức gọi nhau. Anh Cần còn hí hửng cắt tóc cho gọn gàng rồi đi, còn đứng chia tay vợ. Anh mới 30 tuổi, vợ mới có thai hơn một tháng. “Còn chồng bà Kim Phượng cũng đứng tiễn vợ. Tui chọc: vợ chồng già mà...” - cô Nga chùng giọng. Không ngờ đó là lần vẫy tay chào nhau cuối cùng...
Phường 13 là một trong những phường nghèo. Nhưng khi tin tức về sự tàn phá của cơn bão số 6 (Xangsane) loan đi, nhiều bà con đã mang tiền đến phường đóng góp. Trong đó có chị Ngụy Thị Phương Thảo. Đợt này chị có nguyện vọng tặng và trao tận tay dân nghèo 800 phần quà cho đồng bào ở Đà Nẵng.
Hình ảnh những khối quà chất cao ngất trong phòng còn đây. Cô Nga bấm chiếc máy cho tôi xem những bức hình được chụp trước khi đoàn đi. Chỉ là hình ảnh những thùng gạo, mì gói, bột giặt, bột ngọt, nước mắm, nước tương, mền... và băngrôn “Đoàn cứu trợ đồng bào bị cơn bão số 6” nhưng làm nhiều anh chị xem bật khóc.
Ngày chuyển quà về, các anh chị háo hức lắm - chị Phan Lê Băng Tuyền, phó chủ tịch văn xã phường không cầm được nước mắt, kể. Ai cũng muốn góp một tay. Chị Nguyễn Thị Tư, 39 tuổi, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, nằng nặc đòi đi dù không có tên trong danh sách. Dù đang bệnh nhưng anh Trần Đình Liêm, 44 tuổi, chủ tịch UBND phường, cũng cố gắng lên đường...
Sáng sớm, trong khi nhiều thân nhân người thiệt mạng đã ra sân bay, cầu mong mua những tấm vé cuối cùng để bay nhanh ra Khánh Hòa, bà Dương Lệ Hoa, 72 tuổi, cầm đến trụ sở ủy ban phường 4 triệu đồng: “Cô phụ lo đưa mấy anh em về. Có thiếu gì, cứ nói với dì...”. Nói tới đó, bà nghẹn lời: “Sáng qua gặp Bửu, nó mới kêu: Má già đi đâu đó? Mới đó mà... Liêm cũng vậy, hiền quá hiền”.
* Chiều 13-10, ông Phạm Công Nghĩa - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cho biết quận đã cử ngay một đoàn công tác do phó chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm trưởng đoàn ra tận nơi để cùng các cơ quan chức năng địa phương giải quyết những công việc cấp bách. Trong ngày, quận cũng đã cử cán bộ đến từng gia đình có người thân bị nạn để chia sẻ, an ủi. Bước đầu, quận hỗ trợ mỗi gia đình có người gặp nạn 10 triệu đồng. Sở Lao động - thương binh và xã hội đã đồng ý bố trí đất ở Nghĩa trang TP tại Củ Chi để an táng. Theo chỉ đạo của UBND TP, tất cả thi thể nạn nhân đều đưa về Bệnh viện Nguyễn Trãi để các bác sĩ ở đây vệ sinh dịch tễ, sau đó giao về cho gia đình tổ chức tang lễ.
Lãnh đạo quận Phú Nhuận cũng đã họp bàn kế hoạch chăm lo lâu dài cho gia đình, con em cán bộ chẳng may nói trên, phát động quyên góp trong cán bộ công nhân viên toàn quận để chia sẻ một phần khó khăn của thân nhân nạn nhân.
* Sáng qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cử phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hằng đến hiện trường vụ tai nạn để thăm hỏi, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết... UBND tỉnh đã hỗ trợ toàn bộ các chi phí (khoảng 30 triệu đồng) để bảo quản thi thể các nạn nhân tại hai bệnh viện ở Nha Trang (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Viện Quân y 87); thuê thêm xe lạnh chuyên dụng để đưa các thi thể nạn nhân về TP.HCM. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã gửi phúng điếu đến gia đình mỗi nạn nhân tử vong 1 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân Phạm Ngọc Lý bị thương 500.000 đồng...
12 người chết tại chỗ, nhiều người bị thương Chủ tịch Trần Đình Liêm cùng 10 cán bộ, nhân viên phường 13, quận Phú Nhuận tử nạn UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định giúp toàn bộ chi phí đưa các nạn nhân về TP.HCM
Vào lúc 2 giờ 35 phút sáng qua 13/10, trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (cách TP Nha Trang khoảng 15 km về phía Nam), đã xảy ra một tai nạn giao thông thảm khốc, làm chết tại chỗ 12 người, bị thương 3 người.
Một người dân có mặt tại hiện trường cho biết, sau một tiếng "ầm" rất lớn, nhiều người mở cửa chạy ra đường và chứng kiến cảnh tượng hết sức tang thương: Trên mặt đường, chiếc xe ô tô loại 15 chỗ ngồi biển số 53M -5009 gần như nát hết, nóc xe bay về phía sau, máu chảy xuống đường, đọng trên cửa xe; nhiều thi thể bị dập nát trong xe, có thi thể văng ra ngoài, nhiều bộ phận thi thể vương trên mặt đường...
Chiều qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP.HCM đã xác định được chiếc xe biển số 53M - 5009 lâm nạn là của ông Nguyễn Minh Dũng (địa chỉ số 338 Lý Thái Tổ, P.1, Q.3). Ông Dũng đăng ký xe vào năm 2002, loại xe Mercedes - Benz 16 chỗ ngồi. Ông Dũng cho biết đã làm dịch vụ hợp đồng vận chuyển được 4 năm nay. Tài xế Trần Văn Thiện cũng đã theo nghề xe nhiều năm, thường xuyên chạy xe hợp đồng đi các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc, mới về chạy cho ông Dũng được 1 tháng nay.
Theo tin ban đầu: xe khách biển số 75H - 8283, xuất phát từ Huế đi Đà Lạt, chở khoảng 20 hành khách chạy theo hướng Bắc - Nam và xe 53M-5009 chạy chiều ngược lại đã lao vào nhau. Trong số 13 người đi trên xe 53M-5009, 11 cán bộ phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM và tài xế chết ngay tại chỗ; người duy nhất sống sót là ông Phạm Ngọc Lý, Chủ tịch UB MTTQ phường. Ông Lý bị gãy xương vai, xương ngón tay và chấn thương nhiều chỗ trên đầu và mặt. Xe 75H - 8283 bị bẹp đầu, tài xế Bùi Văn Thiện (thường trú tại Đà Lạt) bị gãy xương đùi, sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Diên Khánh đã được chuyển đi TP.HCM; phụ xe Lý Văn Hoa Thiên Thân bị thương nặng ở đầu; một số hành khách trên xe này bị thương nhẹ.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Ngọc Lý kể: "Để chia sẻ thiệt hại với đồng bào miền Trung trong cơn bão số 6 vừa qua, phường chúng tôi tổ chức đoàn cứu trợ ra Đà Nẵng. Một xe tải đi trước chở 800 phần quà, gồm 800 thùng mì, 4 tấn gạo, 800 gói bột giặt, 800 gói bột ngọt, 800 cái mền... đã đi từ trước. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trao quà cứu trợ cho bà con vào sáng 14.10. Được tin ngoài đó còn nhiều gia đình khó khăn, tôi lấy 15 triệu đồng của gia đình bỏ vào 300 phong bì để hỗ trợ thêm cho bà con. Số tiền này được bỏ trong túi xách, để trên xe (không biết sau tai nạn đã tìm được chưa). Khoảng 20 giờ ngày 12.10, đoàn xe chở cán bộ phường xuất phát từ TP.HCM cùng với xe của gia đình chị Ngụy Thị Phương Thảo, người dân của phường tham gia chuyến cứu trợ này. Tôi ngồi cùng hàng ghế với tài xế. Trước khi xảy ra tai nạn không lâu, anh chị em trên xe còn xem phim hài, ca hát, vui đùa với nhau... Tôi đang ngủ gà ngủ gật thì tai nạn xảy ra, tôi bỗng thấy đầu và toàn thân đau đớn, tôi kêu cứu nhưng không thấy ai, tôi cố phá cửa kính để thoát ra. Nhìn vào xe, tôi thấy tất cả đã chết. Một người chạy xe ôm đã đưa tôi đi bệnh viện. Xe chạy được một quãng thì chết máy. Người chạy xe ôm liền gọi bạn chở tôi đi...".
Chị Ngụy Thị Phương Thảo, nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận, cho hay: "Gia đình tôi tham gia đoàn cứu trợ gồm 4 người, đi trên xe ô tô 4 chỗ, chạy sau xe 53M - 5009. Gia đình tôi chuẩn bị 800 phần quà, mỗi phần khoảng 120.000 đồng. Trên đường đi, tôi điện thoại cho chị Bùi Thị Kim Phượng, cán bộ phường, hẹn hai xe gặp nhau ở ngã ba Thành (thị trấn Diên Khánh) cùng uống cà phê. Xe gia đình tôi chạy được khoảng 10 phút thì gặp cảnh tang thương này".
Chị Lê Thị Lan Chi, người bán bánh mì gần nơi xảy ra tai nạn cho biết, có nhặt được một chiếc bóp của nạn nhân và sẽ giao nộp cho công an.
Theo nguồn tin từ Công an huyện Diên Khánh, phụ xe 75H - 8283 cho biết xe của họ chạy đến khu vực xã Suối Hiệp thì cả lái xe Bùi Văn Thiện và phụ xe bỗng thấy đèn của xe chạy ngược chiều 53M - 5009 rất sáng và ở rất gần. Cả hai cùng la lên, tài xế đánh tay lái, nhưng không kịp...
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết lãnh đạo tỉnh quyết định lo toàn bộ chi phí đưa các nạn nhân về nhà, hỗ trợ mỗi gia đình có thân nhân thiệt mạng 1 triệu đồng, mỗi người bị thương 500.000 đồng.
Chiều qua, đại diện một số cơ quan, đơn vị ở Khánh Hòa cũng đã đến bệnh viện thăm ông Phạm Ngọc Lý; lãnh đạo quận Phú Nhuận cũng đã ra đến TP Nha Trang để cùng các cơ quan chức năng địa phương đưa các nạn nhân về TP.HCM.
Các nơi chia buồn
Tại TP.HCM:
Ngay sau khi nhận hung tin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã tức tốc chỉ đạo UBND Q.Phú Nhuận (Q.PN) và P.13 tập trung toàn lực chăm lo hậu sự cho các gia đình nạn nhân. Cả ngày hôm qua, lãnh đạo Quận ủy, UBND Q.PN và P.13 đã cử nhiều đoàn đến thăm viếng, chia buồn và lắng nghe nguyện vọng của từng gia đình. Trước mắt, Q.PN trích ngân sách hỗ trợ 12 gia đình có người tử nạn mỗi gia đình 10 triệu đồng, gia đình người bị thương 5 triệu đồng. Bà Trần Thị Mai, Chánh văn phòng UBND Q.PN cho biết, UBND quận cũng đã thông báo đến toàn thể CB-CNV trong quận đề nghị dành sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ vật chất, tinh thần với từng gia đình nạn nhân. Một đoàn công tác của Q.PN và P.13 đã lên đường ra Khánh Hòa để tiến hành nhận diện nạn nhân, đưa thi hài những người xấu số về TP.HCM ngay trong đêm qua và lưu xác tại nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi, trước khi đưa về quàn và tổ chức tang lễ tại nhà riêng theo nguyện vọng của nhiều gia đình. Sau đó an táng tại nghĩa trang 2 của TP.HCM (xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi).
Tại Khánh Hòa:
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi đã ký công điện gửi UBND TP.HCM, UBND Q.PN, P.13 và gia đình người gặp nạn lời chia buồn sâu sắc. Công điện cho biết, sau khi hay tin buồn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh triển khai ngay các biện pháp cần thiết để cấp cứu các nạn nhân, trích ngân sách tỉnh ủng hộ gia đình mỗi nạn nhân 1 triệu đồng và thanh toán toàn bộ chi phí để đưa thi thể các nạn nhân về TP.HCM.
Tại Quảng Nam, Đà Nẵng:
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Quảng Nam đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình gặp nạn 2 triệu đồng. TP Đà Nẵng quyết định cử một đoàn cán bộ trực tiếp vào TP.HCM phúng viếng, hỗ trợ và chia sẻ với gia đình người bị nạn.
Ngoài ra, theo tin Thanh Niên nhận được, Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã quyết định trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình người tử nạn 2 triệu đồng, gia đình người bị thương 1 triệu đồng. Riêng Ủy ban MTTQ TP.HCM, Phó chủ tịch Lê Hiếu Đằng cho biết, sẽ cử đoàn cán bộ đến chia buồn với các gia đình nạn nhân sau khi thi thể người tử nạn được đưa về TP.HCM. Dự kiến, MTTQ TP.HCM sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nói: tai nạn ập đến những người đi cứu trợ, chia sẻ với đồng bào miền Trung thật sự là một nỗi đau. Nhân đây, bí thư Lê Thanh Hải cũng đề nghị các địa phương, nhất là các phường, xã khi tiến hành các hoạt động cứu trợ nên tập trung về một mối để bớt tốn kém thời gian và tránh rủi ro có thể xảy ra.
Danh sách những người đã bị tử nạn
1. Ông Trần Đình Liêm, sinh năm 1962, Chủ tịch UBND P.13, Q.Phú Nhuận, Trưởng đoàn cứu trợ 2. Ông Trương Quang Bửu, sinh năm 1954, Trưởng khối Dân vận P.13 3. Bà Bùi Thị Kim Phượng, sinh năm 1966, cán bộ Địa chính - Xây dựng P.13 4. Bà Nguyễn Thị Tư, sinh năm 1967, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ P.13 5. Ông Trần Văn Lăng, sinh năm 1976, tổ viên Tổ trật tự đô thị P.13 6. Ông Hoàng Cao Văn, sinh năm 1974, cán bộ văn thư UBND P.13 7. Ông Nguyễn Cần, sinh năm 1976, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch UBND P.13 8. Ông Lê Phương Hòa, sinh năm 1975, cán bộ văn phòng UBND P.13 9. Ông Đỗ Hoàng Sơn, sinh năm 1983, chiến sĩ dân quân P.13 10. Ông Trịnh Phú Quý, sinh năm 1984, chiến sĩ dân quân P.13 11. Ông Dương Bảo Toàn, sinh năm 1987, chiến sĩ dân quân P.13 12. Ông Trần Văn Thiện, sinh năm 1974, tài xế lái xe 53M - 5009
(Mọi chi tiết xin liên lạc UBND P.13, Q.Phú Nhuận theo địa chỉ số 93 Lê Văn Sỹ. Điện thoại: 8.445.108).
______ GỞI KÉ Bài Viết từ Báo Người Lao Động ____________
GẶP GỠ NGƯỜI SỐNG SÓT DUY NHẤT - ÔNG PHẠM NGỌC LÝ:
Tôi bàng hoàng, không tin vào mắt mình
Ông Phạm Ngọc Lý đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa Chiều 13-10, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Khánh Hòa, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc với ông Phạm Ngọc Lý
Ông Lý bị gãy xương ngón tay cái (trái), tét mắt phải và chấn thương nhiều chỗ trên người, đầu và mặt. Gương mặt vẫn còn thất thần sau vụ tai nạn thảm khốc, ông kể cho chúng tôi nghe về tai nạn không thể ngờ tới này.
Ông Lý cho biết, xuất phát tại TPHCM lúc 20 giờ ngày 12-10, trên đường đi, cả đoàn đã dừng nghỉ 3 chặng ở Hố Nai (Đồng Nai), Phan Rang, Cam Ranh. Vừa nghỉ ngơi, ăn uống, vừa chờ chiếc xe 4 chỗ của mạnh thường quân xuất phát sau lên chạy cùng. Mọi người cùng hẹn nhau chạy từ từ đến Ngã ba Thành (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) uống cà phê rồi tiếp tục lên đường. Hai chuyến xe chạy cách nhau khoảng 10 phút.
Lên xe, mọi người vừa xem phim vừa nói chuyện, có người ngủ thiếp đi. Ông Lý cho biết lên xe, ông cũng ngủ thiếp đi, đến khi xảy ra tai nạn với sự va chạm rất mạnh cùng tiếng động rất lớn khiến ông tỉnh dậy, mình mẩy tê rần, nhức nhối. Ông bàng hoàng đến độ không tin những gì trước mắt mình. Chiếc xe nát hết, chỉ chỗ ngồi của ông là còn nguyên vẹn (chỗ ông Lý ngồi là băng ghế trước, cạnh tài xế). Máu chảy đỏ cả cửa xe, các phần thi thể vương vãi tứ tung, tràn cả đường. Hoảng loạn, ông gọi tên mọi người trong đoàn nhưng không ai trả lời ông.
Khi nghe tiếng động lớn, người dân xung quanh đã tràn cả ra đường. Thoát chết trong gang tấc, do bản năng, ông Lý vội lên tiếng gọi mọi người đến giúp mình thoát khỏi chiếc xe đã nát vụn. Ông được chuyển thẳng vào Trung tâm Cấp cứu của BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Ông nói: “Nếu như khi ngủ, tôi ngả đầu về phía bên trái (phía tài xế) thì có lẽ số phận tôi cũng đã như những người khác trên cùng chuyến xe. Vậy tôi mới thấy mình may mắn”.
Ngay trong ngày 13-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị thiệt mạng 1 triệu đồng và người bị thương 500.000 đồng, đồng thời đài thọ toàn bộ chi phí để giúp đưa các nạn nhân về với gia đình.
Khi đọc trên báo không thể tin vào mắt mình khi thấy hình ảnh chiếc xe tan nát - không biết hai chiếc xe đó chạy nhanh đến mức nào mà có thể gây ra cảnh thương tâm này.
Tám tui cũng có đọc báo nhân đây củng xin gởi bài vết cũa vietnamnet_ và củng đính ikèm theo vài hình ảnh liên quan đến vụ tai nạn để các bạn trong from vnvista cùng đọc .
Họ ra đi mang theo những tấm lòng chia ngọt, xẻ bùi với đồng bào khúc ruột miền Trung. Ngày về, họ thảm thương chỉ là những thân xác đông cứng.
Ngày về...
Ngóng người về
3h sáng, đường phố TP.HCM vắng hoe. Thật lạ! đêm nay trời mưa rả rích, cơn mưa cuối cùng của mùa hạ. Giọt mưa vắn dài như trời đổ lệ…
Nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Trãi (481 An Dương Vương, phường 8, quận 5) đông hơn thường lệ. Trước cánh cổng chính, một nhóm người đang tụ tập với vẻ mắt ngóng đợi!. Họ chính là những người quen biết, thân quyến, hàng xóm của các cán bộ công nhân viên phường 13 quận Phú Nhuận đã tử nạn trên chuyến xe đệnh mệnh ra miền Trung cứu trợ đồng bào bị lũ lụt.
Người đàn ông cao to tự xưng là chủ cũ của tài xế Trần Văn Thiện, người điều khiển chiếc xe bị nạn 53M- 5059 (không phải biển số 53M- 5009) nói: “Thiện năm nay 33 tuổi, là tài xế có thâm niên.
Gia đình Thiện thuộc lại khá giả dư sức đứng ra làm chủ nhưng đã dính vào nghiệp xe nên không bỏ được cái thú của một anh tài ngược xuôi trên những chuyến xe đi miền Trung. Thiện có một mái gia đình đầm ầm với vợ và con trai chừng độ 6 tuổi”.
"Ba đã đi rồi sao ba ơi!"
Vào cái ngày định mệnh ấy, Thiện đã từ chối không lái xe, thậm chí anh đã thuê lại một tài xế khác nhưng người này cũng không nhận. Sau cùng vì nể chủ, lại nghĩ chở đoàn đi cứu trợ làm công tác từ thiện nên anh mới thuận lòng. Cho đến khi nghe tin xe bị nạn, cả gia đình anh bàng hoàng, người vợ hay tin đã không thể tin chuyện dữ ấy có thật nên đã tức tốc ra ngay Khánh Hòa…
Hơn 4h sáng, giọng ai đó vang lên: “Về rồi!”. Chiếc xe cứu thương hú còi dọn đường đỗ xịch trước bệnh viện. Cánh cổng lớn nơi chỉ dành cho những vong linh một đi không bao giờ trở lại chầm chậm mở ra. Xe đông lạnh Nha Trang Fisco mang biển số 79H – 7346 chở thi thể của 12 nạn nhân từ từ lùi vào cổng nhà tang lễ.
Chiếc xe cao to quá không thể vào thẳng phòng để xác đành dừng lại phía ngoài. Những chiếc băng ca nhanh chóng được đẩy ra.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch mặt trận tổ quốc quận Phú Nhuận mới vừa trên đường hộ tống đồng nghiệp của mình về lộ rõ vẻ mệt mỏi: “ Đoàn khởi hành từ Nha Trang lúc 18h. Vì biết thân nhân ngóng chờ nên không dám dừng lại dọc đường. Dù nóng lòng, nhưng bác tài xe đông lạnh không đủ can đảm chạy nhanh.
Trên đường về, anh em trong đoàn công tác chỉ lót dạ tạm bằng những ổ bánh mì. Ban đầu, chúng tôi dự tính chở các anh chị về bằng máy bay nhưng máy bay liên tục trì hoãn nên buộc phải đi bằng đường bộ”.
Anh Phạm Ngọc Lý - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường.13, người trong đoàn công tác cứu trợ miền Trung duy nhất còn sống sót cũng đã về ngay trong đêm. Anh còn mệt mỏi, thân thể bị thương nhiều nơi… Ai hỏi gì anh cũng chỉ biết gật, lắc và chỉ chứ chưa thể thốt nên lời…
Anh Phạm Ngọc Lý, nạn nhân duy nhất còn sống xót sau thảm nạn trên xe 53M-5059.
Khi hai cánh cửa sắt nặng nề của chiếc xe đông lạnh mở toang, tiếng khóc vỡ oà trên những khuôn mặt buồn vời vợi. Những đôi mắt ngấn lệ, đỏ hoe, lạc thần vì thương nhớ, tiếng than khóc xé tận tâm can.
Một xác, hai xác, ba xác…lần lượt được khiêng xuống băng ca và nhanh chóng chuyển vào phòng lạnh chờ người thân đến nhận diện. Ngày hôm qua, họ còn cười nói, đầy cảm xúc mà nay đã ra đi vĩnh viễn. Họ ra đi mang theo những tấm lòng chia ngọt, xẻ bùi với đồng bào bị hoạn nạn tận khúc ruột miền Trung thế mà ngày trở về lại thảm thương chỉ còn là những thân xác đông cứng. Ngày đoàn tụ cũng là ngày xa cách.
Thứ Sáu ngày 13…
Đó là cái ngày định mệnh gắn với con số 13: Chiếc xe chở 13 người là cán bộ, công nhân viên của đoàn công tác cứu trợ phường 13, quận Phú Nhuận lại bị tai nạn vào khoảng 3h rạng sáng ngày 13.
Anh công an phường 13 nói về Trịnh Phú Quý, một trong 12 nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc: “Thằng nhỏ ngoan, tích cực trong công việc lắm! Tham gia công tác dân quân đã 5 năm nay rồi mới được kết nạp vào Đảng cách đây ít tuần. Nó còn trẻ quá, gia đình người thân kỳ vọng rất nhiều vào nó thế mà…”
Quý năm nay vừa tròn 22 tuổi. Cái tuổi đầy ắp nhiều ước mơ, hoài bão. Anh từng muốn sẽ là một chiến sĩ công an bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân như người cha đáng kính của mình.
Hôm nay, ngày đón Quý trở về tại nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Trãi, cả nhà đều có mặt đầy đủ. Ông Chín (cha của Quý) gần như sụp xuống khi thoáng thấy thi thể của các nạn nhân vừa được chuyển xuống xe. Mẹ, chị gái, chị dâu của Quý đều có mặt ở nhà tang lễ và phải có người dìu mới có thể ngồi vững.
Chị gái Quý tên Nhàn ngất lên ngất xuống nhiều lần trong vòng tay của người thân. Chị nấc lên, mắt hé mở, thỉnh thoảng lấy tay vuốt nhẹ vào chỗ hốc mắt như người vô hồn.
Phải khó khăn lắm người thân mới dỗ dành chị ngưng khóc để đút cho từng ngụm sữa nóng. Đã hai ngày rồi, từ khi nghe hung tin về người em trai yêu, Nhàn như chết đi sống lại, chẳng thiết ăn uống gì. Người chị dâu liên tục xoa xoa hai bên thái dương lo lắng: “ Nín đi! đừng khóc nữa thì người ta mới cho vô thăm em. Khóc hoài họ đuổi ra ngoài đó!”.
Gần đó, mẹ của Quý cũng không hơn gì. Bà rũ xuống như tàu lá rụng. Bà chẳng còn nước mắt để khóc, cứ thấp thỏm hướng mắt về khu vực nhận xác. Rồi đờ đẫn nhìn về hướng người chồng. “Lá xanh rụng trước lá vàng”, già khóc trẻ làm sao cầm lòng!.
Tột cùng nỗi đau.
Trong danh sách những nạn nhân tử nạn, ngoài Quý còn có những cái tên mà tuổi đời còn rất trẻ như Dương Bảo Toàn (1987), Đỗ Hoàng Sơn (1983) đều là chiến sĩ dân phòng của phường 13...
Đến 6h45, thi thể đầu tiên, chị Bùi Thị Kim Phượng (sinh năm 1966, cán bộ địa chính xây dựng phường 13) đã được người nhà nhận diện và đem về nhà an táng. Chị Phượng có chồng hai con, đứa lớn nhất năm nay học lớp 8. Khoảng 10 phút sau, thi thể chị Nguyễn Thị Tư (1967, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ) cũng được đưa lên xe tang chạy thẳng về Tân Bình.
Cánh cửa sắt dẫn vào khu vực nhận xác khép hờ thỉnh thoảng lại vang lên tiếng kêu gào thảm thiết. “B…a! Ba nè má ơi!”- chàng thanh niên trẻ tuổi thốt lên.
Đó là xác cùa anh Hoàng Cao Văn (sinh năm 1974, Cán bộ văn thư UBND phường). Thi thể của anh còn khá lành lặn nên người nhà dễ dàng nhận diện. Còn những thi thể khác đã bị sức va chạm mạnh của vụ tai nạn làm biến dạng nặng nề.
Chú ruột của anh Nguyễn Cần (sinh năm 1976, Cán bộ tư pháp hộ tịch UBND phường) bức xúc: “ Tai nạn kinh hoàng quá! Lúc mới kéo cháu tôi ra, người dân ở hiện trường còn thấy nó thở nhưng công tác cấp cứu được triển khai chậm nên nó đã chết trên đường chuyển viện”. Anh Cần ra đi để lại người vợ trẻ có thai được 2 tháng.
ôi đau lòng wá bonghonglua đã thấy bài này......nhưng ko có đọc.........nghĩ rằng nó cũng như những bài viết đụng xe khác nhưng ko ngờ rằng........nó đang đi cứu trợ thì lại đau lòng hơn.......và lại chết wá nhìu người đó là Thứ 6 ngày 13 ngày mà bonghonglua buồn nhất đau lòng nhất .......khóc nhìu nhất trong 1 năm
hôm trước tui củng đả đọc trên báo vietnamnet rui ......mọi chuyện thật dau lòng ...đọc mà ko thể nào cầm nổi nước mắt......thật đáng thương tiec ...đáng khâm phục ...cho nhửng tấm long vàng .....ko có mất mát nào lớn hơn zậy...thực sự chia buồn cùng gia đình nạn nhân ............................
Tôi là người bộ hành phiêu lãng Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi: Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười. Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng, Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng. Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than, Cảnh thương tâm ghê gớm hay diụ dàng. Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội. Anh dù bảo: tính tình tôi thay đổi, Không quyết tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
yea ..........cái đó bonghonglua cũng nghĩ tới đó trùi càng lúc càng mê tín wá hôm wa mới nói chịn dzới mommy she nói seo lại đi 13 người mà ko fải 12 hay 14 ew
Lần đầu tiên con số 13 trở thành sự sợ hãi của người dân VN ? Liệu có trùng hợp quá chăng ? Mong những chuyện này sẽ ko bao giờ tới nữa . Đọc rồi mà chỉ biết khóc , thấy mình thật vô dụng . Biết làm gì đây ???
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi fresh_peach: Oct 16 2006, 02:47 PM
bó tay đấy chỉ là sự trùng hợp thôi mà, có gì phải sợ. Còn về vụ tai nạn, ta có thể làm gì chẳng làm được gì nếu vậy thì đừng có than là không làm được mà hãy cố gắng để sẽ làm được
Tôi là người bộ hành phiêu lãng Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi: Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười. Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng, Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng. Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than, Cảnh thương tâm ghê gớm hay diụ dàng. Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội. Anh dù bảo: tính tình tôi thay đổi, Không quyết tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?