Đạo diễn : Trương Nghệ Mưu Diễn viên : Củng Lợi, Châu Kiệt Luân, Châu Nhuận Phát Sản xuất : Beijing New Picture Kịch bản : Trương Chi Lượng Thể loại : Hành động, Tâm lý Xuất bản : 2006 Độ dài : 114 phút
Ngự trị trên đỉnh cao của quyền lực, nhưng đó là một gia đình loạn luân, tráo trở và mục ruỗng từ nóc. Chồng âm mưu sát hại vợ, mẹ kế gian dâm với con trai, em rắp tâm giết anh, con phản cha, tất cả phản ánh một thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc. Đúng như cái tên Hoàng Kim Giáp, bộ phim tràn ngập sắc vàng. Thời Ngũ Đại Thập Quốc, hoàng đế nhà Hậu Đường (Châu Nhuận Phát) trước khi đăng cơ đã ăn nằm với một thôn nữ và có hai con, một trai một gái, với cô này. Nhưng khi bước lên ngôi cửu đỉnh, ngài lại kết tóc se duyên với công chúa của nước láng giềng. Bị ruồng bỏ, thôn nữ ôm đứa con gái bỏ đi. Đứa con trai sau này trở thành Đại vương tử của nhà Hậu Đường. Với tham vọng thống nhất thiên hạ, hoàng đế chinh chiến triền miên, để lại khoảng trống quyền lực to lớn trong cung cấm. Không tiết chế được dục vọng, vương hậu (Củng Lợi) lén lút gian dâm với Đại vương tử Wan (Lưu Diệp). Thiếu vắng tình mẫu tử từ nhỏ, Đại vương tử tuy sống trong nhung lụa nhưng tướng mạo ẻo lả, tư chất yếu đuối, không có khí phách của một vị quân vương tương lai. Ngoài mối quan hệ lén lút với mẹ kế, chàng còn rơi vào lưới tình với cung nữ Cung Nga (Lý Mạn), con gái của ngự y Jiang (Dahong Ni). Biết chuyện, vương hậu tìm mọi cách để chia rẽ cặp uyên ương. Nhưng vương hậu không thể ngờ rằng Tiểu vương tử Yu (Qin Junjie), đứa con thứ của nàng với hoàng đế, đã biết chuyện lăng loàn của mẹ và Đại vương tử. Bất bình vì không được cha mẹ yêu quý, Yu ngày càng ăn chơi sa đọa, song vẫn để tâm tới mọi hoạt động của mẫu hậu, đồng thời cũng ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng để nổi dậy khi có thời cơ. Vương hậu cũng không biết rằng đứa con đầu của nàng, Nhị vương tử Jai (Châu Kiệt Luân), dan díu với Cung Nga. Tin Hoàng đế mã đáo hồi kinh khiến Vương hậu và Đại vương tử rụng rời chân tay, tính chuyện rời xa kinh thành để tránh họa. Nhưng hoàng đế không về kinh ngay mà ghé thăm đại bản doanh của Nhị vương tử Jai, đứa con có dung mạo khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh và võ nghệ cao cường. Hai cha con đàm đạo thơ văn, thảo luận binh pháp và so tài võ nghệ mãi không chán. Không phải ngẫu nhiên mà hoàng đế ghé vào đây. Ngài muốn kiểm tra tư chất của đứa con thứ trước khi ra quyết định đổi người kế vị ngôi báu. Nhìn nhị vương tử, hoàng đế hài lòng nghĩ tới một vị quân vương uy vũ trong tương lai. Trở về kinh, hoàng đế nhanh chóng phát hiện ra mối quan hệ bất chính giữa vương hậu và thái tử. Cay đắng và phẫn nộ, nhưng ngài hiểu rằng một hình phạt công khai dành cho vợ sẽ hủy hoại thanh danh của cả vương triều. Thay vào đó, ngài quyết định trừ khử vợ bằng cách khác để rửa nỗi nhục tâm can. Nhà vua lệnh cho vương hậu mỗi bữa phải uống một bát thuốc do ngự y Jiang sắc. Vương hậu biết phu quân rắp tâm đưa mình về bên kia cõi thế, một mặt giả vờ không hay biết gì, một mặt cho người mật báo với Nhị vương tử. Vốn nghe lời mẹ, Nhị vương tử ra lệnh tập hợp binh mã, chuẩn bị lương thảo, chờ ám hiệu của mẫu hậu là tiến về kinh. Ngự y Jiang vâng lệnh vua đầu độc Vương hậu, còn vợ của ông, Jiang phu nhân (Jin Chen), lại âm thầm giúp Vương hậu chống lại Hoàng đế. Jiang phu nhân chính là cô thôn nữ năm xưa bị vua ruồng bỏ, nay tìm cách lọt vào cung để giúp vương hậu chống lại người tình vong ơn bội nghĩa năm xưa. Trong một lần đột nhập vào vương cung của Đại vương tử để thỏa nỗi nhớ con, bà bị cấm quân bắt được. Hoàng đế sửng sốt khi thấy người xưa vẫn còn sống, nhưng để phòng trừ hậu họa, ngài lệnh cho ngự y đưa vợ con rời kinh thành ngay lập tức. Đêm ấy Đại vương tử phi ngựa đuổi theo vì mối thâm tình với cung nữ Cung Nga. Jiang phu nhân chết ngất khi nhìn thấy hai đứa con ruột của bà tay trong tay thổ lộ lời yêu đương. Triều đình mở lễ hội hoa cúc, khắp hoàng cung rực rỡ sắc vàng. Vệ binh hàng hàng lối lối, giáp trụ sáng lòa nghênh đón hoàng đế văn võ bá quan. Hoàng đế cùng Vương hậu uy nghi sánh bước mà lòng riêng thì lửa hận sục sôi. Tam vương tử tay bắt mặt mừng nhưng tâm địa mỗi người một ý. Nhị vương tử chờ hiệu lệnh của Vương hậu, còn Tiểu vương tử theo dõi nhất cử nhất động của vua cha và anh ruột. Hoàng đế cầm tay Vương hậu múa bút tụng ca đại quốc hùng cường, tôi hiền chúa giỏi vun đắp cho nghiệp đế ngàn năm bền vững. Ngài có ngờ đâu chỉ trong phút chốc nữa thôi, một cảnh nồi da xáo thịt sẽ nổ ra, đẩy vương nghiệp của nhà Hậu Đường vào cảnh nguy khốn. Cha ác hiểm, mẹ dã tâm, các con giẫm đạp lên luân thường đạo lý, cả gia đình loạn luân quyết một trận sống mái tới cùng. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, bi kịch vươn tới cao trào khi hàng vạn tinh binh thân đeo giáp trụ vàng, đầu quấn khăn hoa cúc tràn vào hoàng cung theo lệnh của Nhị vương tử Jai. Sắc vàng của hoa và giáp sắc hòa quyện với màu đỏ của máu trong cuộc chiến kinh thiên động địa đầy máu của những người cùng huyết thống Mãn thành tận đại Hoàng Kim Giáp được dàn dựng dựa trên vở kịch Lôi Vũ của nhà văn Tào Ngu. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã mời hàng loạt ngôi sao tên tuổi của điện ảnh Trung Quốc, như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát, Châu Kiệt Luân, tham gia vào tác phẩm thuộc hàng bom tấn về kinh phí. Cuộc hội ngộ sau hàng thập kỷ xa cách giữa đạo diễn đa tài họ Trương với Củng Lợi, ảnh hậu Trung Quốc, cũng là một trong những nhân tố thu hút sự tò mò của khán giả. Tháng 10/2005, khi Củng Lợi đang tham gia đóng phim Miami Vice, Trương đã đến tận đoàn làm phim thăm cô và bàn về kế hoạch cho bộ phim mới. Tình cảm sâu nặng của Trương Nghệ Mưu khiến Củng Lợi động lòng, cô nhận lời đóng vai Vương hậu trong phim Hoàng Kim Giáp. Xét trên phương diện nghệ thuật, phim đã đạt tới ngưỡng cao nhất về quy mô dàn dựng. Hoàng Kim Giáp là một bức tranh đầy màu sắc: màu vàng của hoàng cung, màu đỏ của chiến trường đẫm máu và cảnh hàng trăm nghìn bông hoa rực rỡ. Những đại cảnh lộng lẫy xa xỉ, hàng nghìn người khăn áo giáp vàng rực rỡ, rừng hoa cúc vàng ngút tầm mắt xứng đáng được co là những cảnh kinh điển trong điện ảnh châu Á. Để những cảnh quay lớn đạt được độ chân thực như ý, đạo diễn Trương đã mời công ty kỹ xảo nổi tiếng nhất của Mỹ - từng thực hiện kỹ xảo cho bộ phim Trân Châu Cảng và Võ sĩ giác đấu. Trong Hoàng Kim Giáp, tất cả các nhân vật nữ, từ nhân vật chính do Củng Lợi sắm vai, cung nữ Thường Nga (Lý Mạn) đến hàng trăm cung nữ khác đều ăn mặc trang phục cung đình hở ngực. Trung thành với lịch sử, đạo diễn Trương Nghệ Mưu quyết định dùng trang phục thời Hậu Đường cho các diễn viên. Chính vì thế mà không ít khán giả Trung Quốc đã biến tên tiếng Anh bộ phim - "Curse of The Golden Flower" - thành "Curse of the Golden Corset", chỉ vì các nữ diễn viên trong phim khoe vòng một quá lộ liễu. Củng Lợi đã lên tiếng bảo vệ cho "thời trang" trong Hoàng kim giáp, cho rằng đây là trang phục của phụ nữ thời nhà Đường. Cô nói: "Váy áo thời kỳ đó để lộ đường cong của giới nữ. Chúng tôi chẳng thấy xấu hổ hay nguy hiểm gì khi mặc như vậy".
Theo công bố của Cục Điện ảnh Trung Quốc, được đăng trên Tân Hoa xã vào ngày 5/1/2007, Hoàng Kim Giáp là phim có doanh thu tiền vé cao nhất ở nước này năm 2006 với 250 triệu nhân dận tệ (30 triệu USD), gần gấp đôi Dạ Yến của Phùng Tiểu Cương (130 triệu nhân dân tệ).
Mặc dù phải đối mặt với những lời chỉ trích như "trang phục và đạo cụ không phù hợp thực tế lịch sử", “vàng không thể dùng làm khôi giáp”, “phong cách kiến trúc trong phim là đời Minh chứ không phải đời Đường” v.v… khán giả vẫn đổ xô đến các rạp để xem tác phẩm được coi là hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Hoàng Kim Giáp trở thành thương hiệu của 43 sản phẩm đã được đăng ký tính đến thời điểm hiện tại, từ khóa cửa, rượu đến… bao cao su!. Nhiều người đã được những món tiền lớn nhờ ăn theo Hoàng Kim Giáp. Chẳng hạn, sinh viên ở Hà Bắc bỏ ra 4.000 nhân dân tệ đăng ký nhãn rượu “Hoàng Kim Giáp” rồi đem bán trên mạng với giá 10 vạn nhân dân tệ.
Trailer:
Nếu không nghe được nhạc, Bạn hãy thử nhấn vào nút play nhiều lần hoặc bấm tổ hợp phím Ctrl+F5
Poster:
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi bobbyle: Feb 10 2007, 11:37 AM