Học Làm Người
Từ trẻ đến già, con người luôn luôn phải nghe cái câu dạy dỗ của các bậc phụ huynh là biển học mênh mông. Người ta đưa ra hình ảnh một đứa trẻ ngồi chơi trên bãi biển, tay xách một cái xô nhỏ vừa với tầm vóc của nó - một món đồ chơi mà cha mẹ nào cũng mua cho con mỗi khi đi ra bãi biển nghỉ mát - một tay cầm một chiếc vỏ sò mà nó vừa mới nhặt được trên bãi cát. Ðứa bé chăm chỉ cấm chiếc vỏ sò múc nước biển đổ và cái xô. Ðó là hình ảnh biển học mênh mông và sự tiếp thu và hiểu biết của con người chỉ như cái lượng nước đứa bé múc được trong chiếc vỏ sò nông cạn và nhỏ xíu của nó.
Thật ra thì biển học, cho dù có mênh mông chăng nữa, thì sự học của con người cũng có một giới hạn. Từ lúc mới bước chân vào trường mẫu giáo, cho tới khi ra trường đại học với một học vị cao cấp nhất, một người chỉ cần bỏ vào đấy 1/3 đời người. Nghĩa là, nếu con người sống được 100 tuổi, học ba mươi năm là hết chữ, hết bằng của trường đại học. Sau đó, với một học vị như thế, con người có quyền ngưng nghỉ và thu hoạch những khó khăn mà mình đã bỏ ra để đạt được, để sống một cuộc đời ăn trên, ngồi trước, bõ công dùi mài, đèn sách. Trừ khi người đó vẫn không bằng lòng với cái sự hiểu biết của mình mà tiếp tục bỏ thì giờ ra nghiên cứu thêm thì không kể. Lúc đó, biển học lại trở nên mênh mông, không bờ không bến. Nhưng bình thường ra, với một thời gian 30 năm đèn sách, con người có thể tự hào là mình là một người có bằng cấp, có quyền được hưởng mọi sự kính nể của xã hội.
Mục đích đầu tiên của các bậc cha mẹ là mong cho con mình theo đuổi học cho tới nơi tới chốn một ngành nghề, để nuôi thân, để vinh thân, phì gia, để nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. Như vậy mục đích đầu tiên của việc học là để kiếm tiền, để có địa vị trong xã hội. Và người ta đua nhau đi học, người ta tranh nhau tìm địa vị, danh giá, giàu sang.
Nhưng, sau khi đã đạt được tất cả, người ta vẫn không tìm thấy hạnh phúc. Sau khi đạt được tột đỉnh vinh quang, người ta chợt ngộ ra rằng, người ta vẫn còn thiếu một cái gì. Rất mông lung, mơ hồ, nhưng lại rất cấp bách. Tiền bạc, danh vọng, giàu sang, vẫn không đem lại cho người ta lòng quí mến, kính trọng của những người xung quanh. Tiền bạc, danh vọng, giàu sang, lại càng không giúp cho người ta tránh được tai ương, thoát khỏi hoạn nạn. Tiền bạc, danh vọng, giàu sang, không làm cho người ta có một cuộc sống an vui, một cuộc đời có ý nghĩa. Người ta bèn đi tìm lý do, người ta đi kiếm nguồn gốc của sự thiếu thốn trong dư thừa, cái khổ đau trong vinh hoa, phú quí. Người ta đi tìm cái mà trong trường học đã không giảng dạy.
Một số người cho rằng, rất nhiều điều cần thiết không được giảng dạy trong nhà trường, đại khái như làm cách nào sống hòa hợp với mọi người, làm sao giải quyết những vấn nạn của cuộc sống, làm cách nào đương đầu với những vấp ngã, những thử thách ở đời? Người ta bảo nhau, những điều đó, muốn biết được, cần phải học ở trường đời. Nhưng trường đời lại là một môi trường giáo dục không có hàng rào, không thầy, không trường lớp, không chương trình, không sách giáo khoa, không bài vở. Con người vừa là học trò lại tự là thầy của mình. Không ai dẫn dắt, không ai giảng dạy. Người ta mò mẫm mà đi trong cái rủi, trong cái khổ, trong cái bất hạnh để rồi tự mình rút ra kinh nghiệm ở đời. Vì thế, tìm được giải đáp cho các vấn nạn của đời người tùy thuộc vào khả năng nhận biết, chịu đựng và hiểu biết của từng người. Có người, sau khi gặp nghịch cảnh, sẽ rút rỉa được kinh nghiệm và trở nên khôn ngoan hơn, biết thích nghi với những khó khăn của cuộc đòi hơn và tìm ra lối thoát cho mình. Có người không có khả năng chịu đựng, sẽ gục ngã ngay trong thử thách đầu tiên. Họ trở thành chán nản, thất vọng, không làm sao cất đầu lên nổi. Cho nên ngạn ngữ mới có câu: thất bại thứ nhất là cần thiết, thất bại thứ hai rất hữu ích; người nào đứng dậy được sau lần vấp ngã thứ ba sẽ trở nên một CON NGƯỜI.
Sau nhiều lần chịu thử thách, bị vấp ngã, những người đứng lên được sau cái ngã thứ ba, đã nghĩ ra cách giúp đỡ kinh nghiệm cho những người khác bằng cách viết sách dạy làm người. Một số các nhà tâm lý học thi nhau giải thích cái sự thiếu thốn ấy và cố gắng lấp đầy cái khoảng trống của con người. Một số những tác phẩm học làm người ra đời để giải thích tại sao của cải vật chất không đem lại hạnh phúc. Người ta thi nhau giải thích cuộc đời, người ta cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Và càng tìm hiểu, người ta càng thấy rằng bằng cấp, danh vọng, giàu sang không phải là mục đích tối hậu của con người. Và tất cả mọi người lại đổ xô đi tìm cách học để làm sao có hạnh phúc, làm sao bớt khổ. Bể học lại thêm mênh mông hơn, và bến bờ của biển học lại được đẩy lui ra xa khỏi tầm với của con người.
Một số người thiết thực, bỗng nghiệm ra rằng việc học không phải chỉ duy nhất là để kiếm tiền mà để trở thành một người hữu ích cho nhân quần xã hội. Lên cao thêm nữa, học để thay đổi bộ mặt thế giới, nâng cao đời sống con người. Lên tột đỉnh, học để hiểu biết, để cứu vớt sinh linh. Người ta phân biệt học với hạnh, người ta so bì tài với đức, người ta chia ra vật chất với tinh thần, thể xác với tâm linh. Và người ta đánh giá con người theo rất nhiều tiêu chuẩn. Người ta phân biệt người có bằng khác người có chữ, người có chữ chưa chắc đã phải là một người có học. Và người ta nghĩ rằng, rất có thể hạnh phúc là sống cho người khác và vì người khác.
Từ đấy các tôn giáo trở nên cứu cánh của con người và những nhà tu hành có đất dụng võ. Ðạo giáo nào cũng đưa ra những giáo lý, những đường lối để dẫn đưa con người tới bến bình an, tìm được hạnh phúc khi ở đời này và chắc chắn được giải thoát, được cứu rỗi sau khi đã lìa đời. Một số người vô thần lại biện minh, đời sống là để cho những người sống, để hưởng tất cả mọi mùi phú quí, giàu sang, ngay bây giờ, ngay lúc này đây, chứ tương lai mịt mờ, ai dám cam đoan sẽ ra sao?
Tại sao lại thả mồi bắt bóng?
Người hữu thần lại nói: cuộc đời rất giới hạn, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc. Sở dĩ con người đau khổ là vì con người bỏ cái vĩnh cửu - là cuộc sống đời sau - để chạy theo cái mong manh, cho nên mới khổ.
Tại sao lại thả mồi bắt bóng?
Cái mình đang có, đang nắm giữ trong tay thì không lo giữ, lại lo đi tìm đi kiếm những cái đâu đâu? Ai phải ai trái, tùy theo lòng tin tưởng của mỗi người. Nhưng có một điều không chối cãi được là vật chất đầy đủ, không thể đồng nghĩa với an vui, hạnh phúc. Nhưng đói khát, thiếu thốn cũng chẳng thể đưa đến thiên đàng hạ giới?
Vấn đề cái gì là mồi, cái gì là bóng, hiện đang còn trong vòng tranh luận. Ai cũng có những lý do rất chính đáng để tin vào lý luận của mình. Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi, là con người gồm hai phần, phần hồn, phần xác, phần vật chất và phần tâm linh. Nếu sống mà quân bình được hai phần này, thì chắc chắn nếu không tìm được hạnh phúc, viết hoa, thì ít nhất cũng tránh được nhiều đau khổ.
Hiện nay người ta vẫn còn nghiên cứu về phương pháp học làm người và tìm cách làm sao tìm được hạnh phúc. Mà hình như cái sở học này cũng mênh mông như biển cả, và sự hiểu biết về cách làm người của con người cũng chỉ như những lượng nước múc trong một chiếc vỏ hến. Người hiểu theo cách này, người bàn theo cách khác. Biển học chẳng những mênh mông mà còn mâu thuẫn, đối nghịch với nhau.
Chả thế người ta thường nói ngu si hưởng thái bình. Chả suy nghĩ nhiều có lẽ lại hay.
(sưu tầm)
__________________
Yêu là tin vào những điều không thể có