Khi em cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ của em ngất lịm khi thấy thân hình em không có đôi tay. Nỗi đau cơ thể khiếm khuyết không thay đổi được nhưng Nguyễn Minh Phú (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã kiên trì tập viết và viết bằng đôi chân của mình.
Tuổi thơ dữ dội
Không được may mắn như bao người khác, khi lọt lòng mẹ Phú đã chịu cảnh đau thương, tổn thất bởi trên cơ thể của mình không có sự hiện diện của đôi tay. Theo năm tháng, em lớn lên từng ngày trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người và cùng đôi chân nhỏ bé viết nên bao mơ ước.
Trong căn nhà nhỏ được bao trùm bởi nắng tháng sáu xứ Nghệ, Phú kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy những bi đát của chính mình. Em chia sẻ: "Không có tay nên mọi sinh hoạt hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn. Mọi việc dù khó hay dễ cũng đều phải tập luyện cho đôi chân".
Năm Phú lên 9 tuổi, cũng là lúc em xin bố mẹ được đi học để theo kịp các bạn cùng trang lứa. "Em thầm tưởng đi học là chuyện đơn giản, thế nhưng nó lại khó hơn bất cứ việc gì. Lúc đầu em kẹp bút vào chân để tập viết nhưng không thể nào viết nổi chữ O. Có nhiều lúc em đã khóc vì không làm nổi bài chính tả. Phải mất gần 4 năm em mới viết chữ thành thạo như các bạn" - Phú âm thầm kể lại.
Mỗi ngày em lại phải chạm trán thêm những khó khăn, thử thách mới. Không muốn thấy bố mẹ buồn vì con, Phú đã cố gắng và rèn cho bản thân tự làm những việc trong gia đình. Những lúc bố mẹ và mọi người đi vắng, em lại dùng đôi chân học cầm chổi quét nhà, giặt quần áo, thậm chí học xâu kim để may vá như đêm đêm mẹ em vẫn thường làm.
Không có tay nên Nguyễn Minh Phú phải sử dụng chân để làm việc.
Tự thân vận động để mình trở thành người có ích, Phú đã không ngừng học tập và rèn luyện. Đã có lần phải đánh đổi và chuốc vào thân những vết thương để đời. Ông Nguyễn Quỳnh Lộc, bố của Phú tâm sự: "Hồi còn nhỏ, một lần Phú học cầm dao bằng chân để giúp tôi băm rau cho lợn nên đã bị đứt chân. Lần đó bị đau rất lâu nhưng sau khi vết thương lành, Phú lại tiếp tục học băm rau lợn. Giờ thì nó làm như người có tay".
Ước mơ giảng đường
Hình ảnh bố chân lấm tay bùn cõng con đi học đã lùi vào quá khứ, thế nhưng đối với Phú, nó vẫn còn mới nguyên như ngày hôm qua. Không phụ lòng bố mẹ và mọi người, Phú đã nỗ lực hết mình cố gắng học tập và 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Năm 2005, Phú được vinh dự nhận khen thưởng và kỷ niệm chương của chương trình "1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc" do Trung ương Đoàn tổ chức.
Vóc dáng cao gầy và tinh thần đầy nghị lực đã giúp em vượt qua mọi mặc cảm và khó khăn để không ngừng vươn lên trong học tập. Em kể lại: "Năm học lớp 3, em tham gia cuộc thi Vở sạch chữ đẹp và đoạt giải đặc biệt cấp huyện. Năm học 2010 - 2011 em cũng đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Anh văn".
Thầy giáo Trịnh Quốc Thịnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Trần Đình Phong chia sẻ: "Trong lớp, Phú là học sinh khiếm khuyết nhưng học rất giỏi. Em không được may mắn như các bạn nhưng có tinh thần học tập và vượt khó rất cao, được nhiều bạn bè mến mộ".
Tinh thần không ngừng học của Phú như được củng cố thêm khi ước mơ của em là giảng đường đại học. Để phù hợp với sức khỏe và ngoại hình, con đường tới tương lai của em như muốn khép lại khi có rất ít lựa chọn cho bản thân. Không đầu hàng số phận, Phú đã lựa chọn Khoa Quản lý kinh doanh, Công nghệ thông tin (Đại học Hồng Bàng TP Hồ Chí Minh) để viết tiếp cuộc đời.
Tháng Sáu, trời xứ Nghệ như chảo lửa, những người bạn của Phú đã lên đường "tầm sư học đạo" nhưng riêng Phú chỉ một mình miệt mài đèn sách trong căn nhà nhỏ chờ ngày "ứng thí".
Chia sẻ với chúng tôi về tương lai, Phú tâm sự: "Em sẽ cố gắng học thật tốt, thi đậu để trở thành người có ích, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cuộc sống còn nhiều chông gai thử thách, sau khi đậu đại học, em sẽ xin làm gia sư để kiếm thêm tiền nuôi mình ăn học và bớt gánh nặng cho gia đình"
Mọi sự gúp đỡ liên hệ: Ông Nguyễn Quỳnh Lộc (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An). (bố của em Phú