Nếu trường phái “yêu bản năng” với những trái tim “mù lòa”, dễ tan nát, thì hiện nay trường phái yêu bằng cái đầu hay còn gọi là “yêu tư duy” thường hay bị chứng “nhức óc” vì tính toán quá, cuối cùng... “chẳng biết tính sao” đang đông dần lên...
Một tình yêu hoàn mỹ?
Không khó nhận diện người đang yêu thuộc trường phái “yêu tư duy”. Không như những kẻ lụy vì tình nước mắt ngắn nước mắt dài, câu chuyện của họ và thái độ lắng nghe tư vấn của họ thường tỉnh táo và lắm lúc căng thẳng. Câu chuyện họ đưa ra ban đầu xem ra rất tư duy nhưng cuối cùng cũng đưa họ vào ngõ cụt.
T.T., giáo viên một trường mầm non, mang đến trung tâm cuốn sổ tay “nhật ký tình yêu” ghi chép cẩn thận ngày, địa chỉ, cảm giác lần đầu hẹn hò với người yêu. Bao nhiêu lần đi chơi, tặng quà, nắm tay, cả những nụ hôn... cô đều thống kê khá đầy đủ kèm theo những nội dung chi tiết. Nhưng cô vẫn nhờ chuyên viên tư vấn xem “vậy là anh ấy đã thật lòng yêu tôi chưa?”.
Và vì chưa tìm thấy câu trả lời nên “động não” mãi cô vẫn còn do dự. Với sự thông minh của mình, cô đặt ra cho nhân viên tư vấn nhiều tình huống như một... điệp viên thực thụ để đánh giá lòng thật thà, độ tin cậy của anh. Những cách ứng xử của anh luôn là đề tài để cô phản biện một cách “khoa học”: “Nụ hôn đầu đời của anh ấy sao sành điệu quá vậy, tôi nghi lắm!” hay: “Nói chưa yêu ai nhưng sao những món quà anh tặng rất hợp thời trang, đánh đúng tâm lý mình vậy?”...
Mọi cử chỉ và hành động của anh đều không làm cô yên tâm. Cô phải luôn cậy đến các chuyên viên tư vấn nhưng chưa bao giờ cô có lời giải đáp thỏa đáng, bởi đâu có ai chịu yêu... giùm cô để tìm ra kết quả chính xác.
Còn anh L.H. muốn lập gia đình từ lâu, nhưng mỗi lần nghĩ đến các ứng cử viên cho vị trí “vợ”, đầu óc anh lại rối tung vì không biết chọn ai. H. đang là phó giám đốc tiếp thị một công ty hóa mỹ phẩm. Những cô gái cùng cơ quan, các nữ khách hàng, đối tác... còn độc thân đều được anh lưu giữ số điện thoại.
Nhưng danh sách càng dài, H. càng... mệt vì phải làm nhiều thêm các phép so sánh. Có cô học cao, hiểu biết, H. cho là lười nấu ăn, không ham làm đẹp. Có cô đẹp sẵn rồi, H. bảo học thua mình, không xứng tầm. Chẳng một ai trọn vẹn, hoàn hảo trong mắt anh. Ai cũng có khuyết điểm, thiếu nhiều yêu cầu mà anh cho rằng “ở đời lấy vợ chỉ có một lần nên cô ấy phải thật hoàn hảo!”.
Chính vì quá tính toán, quá cầu toàn, nên nhiều đồng nghiệp nữ đã phải thở dài ngao ngán trước “chuẩn” mà H. đưa ra. Bạn bè của H. nhiều người bây giờ đã có con bồng, con dắt. Riêng H., có lẽ vì “yêu tư duy” nên... “ế”, đành phải đem chuyện riêng tư đặt trên bàn của chuyên viên tư vấn nhờ “chỉ đạo”.
Cần có sự lãng mạn trong tình yêu
Đối với nhiều bạn trẻ, yêu là những động thái nối tiếp: gặp nhau, làm quen, hẹn hò, tặng quà, hứa hẹn... Nhưng chưa chắc đã yêu là được yêu, và con đường đến với tình yêu là con đường luôn luôn chinh phục. Và trong quá trình chinh phục đôi lứa mới khắc phục được nhược điểm của nhau.
Tất nhiên trong tình yêu không thể không cân não về một người tình lý tưởng, nhưng cũng không vì thế mà nâng lên tầm tư duy buộc ngay “đối phương” phải “hô biến” thành một hình ảnh tuyệt vời đến... choáng!
Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau một thời gian chung sống, thấy “một nửa” của mình không còn “rực rỡ” như ngày đầu, không giống như lúc mới yêu, đâm ra ngán ngẩm cho rằng mình bị... lừa. Nhưng nhiều cặp trong quá trình chung sống khắc phục những nhược điểm cho nhau làm họ thấy có trách nhiệm hơn và tình yêu càng bền chặt hơn.
Các nhà tâm lý không khuyến khích “cứ yêu đi, đừng nên bối rối” hoặc “không cần biết em từ đâu, không cần biết em là ai”, bởi thiếu cơ sở đảm bảo cho hạnh phúc hôn nhân. Nhưng tính toán quá mức trong tình yêu thì sự rung động, lãng mạn thiếu đất sống, bởi nhiều khi tính xong thì tình yêu cũng mệt mỏi mà ra đi. Dẫu sao yêu là quyền của mỗi người, không ai yêu giống nhau.
Còn bạn, bạn yêu kiểu nào ???
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi ancom: Feb 1 2007, 09:44 AM