Thứ Hai, ngày 22/01/2007, 20:20 Bản in | Gửi bài này đi Microsoft và cuộc chiến chống sao chép phần mềm bất hợp pháp Microsoft đang có kế hoạch mở rộng cuộc chiến chống xâm phạm bản quyền phần mềm của mình bằng một nỗ lực mang tính giáo dục mới, trong đó có cả phương pháp sử dụng truyện tranh.
Chiến dịch trực tuyến này bắt đầu vào ngày hôm nay, 22/01 và nhằm mục đích giúp cho mọi người nhận thức được lợi ích khi sử dụng phần mềm có bản quyền một cách hợp pháp. Chiến dịch này gồm có các khía cạnh như hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ, rủi ro khi sử dụng các sản phẩm sao chép bất hợp pháp, hợp pháp hóa các sản phẩm lừa đảo.
Cori Harje, Giám đốc Microsoft Genuine Software Initiative, phát biểu trong một buổi phỏng vấn: "Chúng tôi muốn giúp khách hàng ra một quyết định tốt nhất đối với họ bằng cách cung cấp những thông tin mà họ cần".
Mang tên "Genuine Fact Files", chiến dịch này sẽ được thực hiện tại Mỹ. Tháng trước, chương trình này đã chính thức online tại Italy, Pháp, Anh, Indonesia, Brazil, Australia và các tiểu vương quốc Arab. Microsoft dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của mọi người thông qua các banner quảng cáo trên trang web của hãng cũng như các phương pháp quảng bá khác thông qua đối tác. Bằng việc sử dụng truyện tranh, Microsoft cho rằng thông điệp này sẽ đến được với đông đảo khán giả hơn. Đây là bộ truyện bằng những hình ảnh đen trắng - một phong cách tương tự như các câu truyện tranh trên báo.
Microsoft bắt đầu có những nỗ lực chống nạn sao chép bất hợp pháp từ giữa năm 2005. Hiện tại, người sử dụng Windows phải xác nhận quyền sử dụng của mình với Microsoft trước khi được download các phần mềm bổ sung của hãng, chẳng hạn như Internet Explorer 7. Bên cạnh đó, Microsoft cũng phát hành một ứng dụng có chức năng kiểm tra xem liệu việc cài đặt Windows có phải là hợp pháp hay không thông qua tính năng tương tự như Automatic Updates mà hãng sử dụng để cung cấp các bản vá lỗi bảo mật.
Microsoft cho biết mặc dù một số phương pháp sẽ khiến cho người sử dụng cảm thấy phiền toái, nhưng những động thái này của Microsoft là hoàn toàn chính đáng bởi lẽ nạn sao chép phần mềm bất hợp pháp đã trở nên quá phổ biến và điều này làm ảnh hưởng đến doanh thu của Microsoft. Theo số liệu thống kê của hãng Business Software Alliance, hơn 1/3 số lượng phần mềm được cài đặt trong năm 2005 là sao chép bất hợp pháp hoặc không có bản quyền.
Hartje phát biểu: "Nếu bạn làm phép tính với một công ty có quy mô như Microsoft thì đó sẽ là một khoản tiền rất lớn. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các cổ đông của công ty". Bên cạnh đó, bà Hartje cũng khẳng định rằng nạn sao chép bất hợp pháp này cũng có những tác động xấu tới các đại lý bán lại hợp pháp của Microsoft, và trong một số trường hợp, những phần mềm sao chép bất hợp pháp này bị chỉnh sửa và sẽ làm tổn hại đến người sử dụng.
Bà Hartje cho rằng cuộc chiến chống nạn sao chép bất hợp pháp là một cuộc chiến trị giá hàng triệu USD. Mặc dù, vẫn có được những kết quả tốt nhưng Microsoft cũng không biết chính xác bao giờ cuộc chiến này sẽ kết thúc. Bà Hartje nhận xét: "Đây là một trò chơi nhiều kỳ. Chúng ta mới chỉ đi được chặng đường đầu và bây giờ là quá sớm để nói về những tác động lâu dài mà cuộc chiến này đem lại".
Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực này cũng phát huy hiệu quả: trong một chuyến công du tới Brazil vào tháng 12 vừa qua, bà Hartje dễ dàng mua được 1 bản Windows Vista sao chép bất hợp pháp với giá 5 USD, chỉ vài tuần sau khi hệ điều hành này được phát hành cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng các bản copy này có thể trở nên vô dụng bởi lẽ Microsoft có thể sẽ vô hiệu hóa mã sản phẩm (product key) trên các bản sao này.
--------------------
Nhóm bạn bè:
Xem tất cả
--------------------
|