Là sinh viên năm thứ 2 Đại Học Dân lập Thăng Long và mang bộ mặt của một công tử nhà giàu , nhưng Bảo Long (1987) lại bị bảo vệ nhà sách Tiền phong (292 Tây Sơn ) day tận mặt” trong tình huống ăn cắp chiếc dây tai phone chưa đầy 100.000. Để thoát thân, Long đành bồi thường 200.000 cho nhân viên bán hàng. Học sinh lớp A… trường THPT Việt Đức khoá 2002-2005 vẫn còn nhớ M.Linh, cô bạn nhỏ nhắn dễ thương và có giọng nói ngọt như mía lùi. Hồi ấy, hội M.Linh chơi cùng xảy ra nhiều vụ mất tiền, mất đồ trang điểm và cả những thứ linh tinh như khăn quàng, mũ… Sau bao cuộc điều tra nho nhỏ, mọi người đều nhận ra rằng mỗi lần đi cùng Linh, hoặc cô đến nhà chơi là sẽ mất một thứ gì đó. Đến nhà bạn chơi thì Linh “thó” ngay chiếc MP3 , cậu bạn chở Linh ngoài đường, lúc đổ xăng thì ví đã không cánh mà bay. Chỉ đến khi cô bạn thân tận mắt nhìn thấy Linh “cầm nhầm” cây son trong túi của mình, mọi người mới thực sự biết ai là thủ phạm.
Bạn bè bất ngờ không tin nổi sự thật, bởi vì M.Linh là con cả trong một gia đình khá giả, bố mẹ chưa bao giờ để Linh thiếu tiền hay vay mượn ai. Sự việc vỡ lở, cô chỉ im lặng mà không một lời giải thích.
Không “thua kém”, lứa tuổi 9x giờ cũng xuất hiện nhiều hiện tượng ăn cắp vặt, trộm cắp trong chỗ công cộng. Anh Đức, nhân viên bảo vệ Nhà sách Tiền phong (292 Tây Sơn) là người đã chứng kiến nhiều vụ ăn cắp những đồ vật từ giá trị đến rẻ tiền. Khi lập biên bản, có đến 80% số thủ phạm là 8x, thậm chí có cả những 9x cũng trót “nhúng chàm”.
Những trường hợp như Bảo Long nhắc đến ở trên nhiều vô cùng. Anh Đức kể lại vụ một cô bé rất xinh xắn tên Trâm vào mua sách. Trời mùa hè nóng nực nhưng Trâm vẫn không cởi áo chống nắng, cứ vô tư đi lại giữa quầy sách báo và kẹp tóc, và kết quả trong cái áo chống nắng ấy là 2 cái đồng hồ cùng nhẫn và khuyên tai.
Những người lập biên bản đều xót xa cho cô bé mới 16 tuổi bình thản gọi mẹ đến bảo lãnh. Các nhân viên nhà sách dường như quá quen thuộc với cảnh các cô cậu có số “thành quả” chôm chỉa gấp đôi số tuổi đời. Nhìn tập Bản kiểm điểm dày cộp mà đa số thủ phạm chỉ là học sinh cấp ba, thậm chí lớp 8, lớp 9 với những nét chữ tròn trịa mà không khỏi đau lòng.
Khi được hỏi tại sao lặp lại nhiều lần hành động ăn cắp trong nhà sách, Trâm thú nhận “Do bạn bè nói lấy đồ trong này dễ lắm, bạn thách cháu thử vào mà lấy, chứ cháu có thiếu gì ở nhà đâu!”
Cô ca sĩ trẻ T.H đã mất cả sự nghiệp lẫn lòng tin của bạn bè, người thân sau vụ ăn cắp điện thoại. Một MC trẻ trung nổi tiếng khác của màn ảnh nhỏ cũng đã phải “lui vào hậu trường” sau một tai tiếng tương tự ở nước ngoài. Nhật báo The Straits Times (Singapore) từng đưa tin về một nhóm mười người Việt đã bị cảnh sát Singapore bắt tạm giam vì ăn cắp hàng trong các trung tâm mua sắm. Những người này bị cáo buộc ăn cắp số tài sản gồm 60 điện thoại di động, máy nghe nhạc Ipod và nhiều quần áo. Ít lâu sau, câu chuyện về một nhà khoa học trẻ được mời đích danh sang Pháp để làm hội nghị báo cáo khoa học, lại có chức tước hẳn hoi phải để nhân viên sứ quán móc tiền túi ra trả cho hậu quả “cầm nhầm” đồ trang sức trong siêu thị đã làm nhiều người trong chúng ta giật mình xấu hổ với bạn bè quốc tế.
Một biểu hiện của mất kiểm soát bản thân Ăn cắp vặt là một thao tác cụ thể, một hành động có chủ ý và suy nghĩ khéo léo. Tất cả những nhân vật được nhắc đến ở bài này đều có học thức, gia đình khá giả và nói chung không phải cân nhắc về vật chất. Vậy tại sao họ, những 8x trẻ lại có thể vấp ngã nhiều đến vậy?
Ảnh minh họa
Chuyên viên tâm lý Nhật Quỳnh ở Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn cho biết những trường hợp này một phần có thể giải thích bằng hội chứng “Cho mình là trung tâm”. Đó là ham muốn chứng tỏ mình, chứng tỏ cái tôi. Những người mắc hội chứng này luôn cảm thấy mọi thứ phải thuộc về mình. Khi nhìn thấy một vật nào đó không thuộc quyền sở hữu của mình, họ cảm thấy khó chịu, tính ích kỷ thúc giục và thế là nhanh chóng dẫn đến việc phải chiếm đoạt.
Phần nào cũng giống như việc dùng thuốc lắc, đua xe, ăn cắp vặt cũng là hành động thích gây sự chú ý một cách thiếu bản lĩnh, thiếu khả năng tự kiểm soát. Điều nguy hiểm hơn, lúc đầu chỉ là ăn cắp vặt, nhưng sau này khi có cơ hội sẽ biến tướng thành ăn cướp.
Gia đình Trâm khi đến bảo lãnh em về đã bị sốc. Mẹ Trâm tâm sự: “Tôi chưa bao giò hỏi nó có cần tiền hay không, nhưng nếu nó cần nó sẽ nói, vì tôi bận lu bù nhưng có để nó thiếu cái gì đâu. Khổ lắm!” Từ chối xin tiền không có nghĩa cô bé sẽ từ chối sự quan tâm của mẹ, đây thực sự là một bài học đắt giá cho gia đình T trong việc giáo dục con cái.
Dù giải thích bằng bất kỳ lý do gì thì ăn cắp vặt vẫn là hành động không thể chấp nhận được. U bướu xấu xí này cần phải được cắt bỏ nhanh chóng khi những người trẻ chúng ta hoà mình vào cuộc sống hiện đại.
st.