Chuyện nói xấu người này, đá xoáy người khác đã không còn là chuyện gì xa lạ nữa. Nhưng với thời đại thông tin, đến chuyện xích mích cá nhân cũng được đưa lên chốn “công cộng” như forum hay blog thì không ít scandal đã xảy ra từ đây.
Không còn xa lạ gì với chuyện những ân oán, hiềm khích cá nhân được đưa công khai lên mạng. Một chuyện rất nhỏ như chuyện “nhìn mặt thấy ghét” cũng có thể được chủ nhân viết lên blog, gây nên những “trận chiến” nho nhỏ giữa những người liên quan. “Con này nó viết blog chửi tao đấy, mày vào comment chửi nó đi” là những message tôi nhận được không ít từ bạn bè. Những xích mích cứ thế mà to ra dần, đánh nhau ẩu đả cũng nhiều khi từ đó mà ra.
Người viết có thể tỏ ra rất kín đáo ở ngoài, không bộc lộ cảm xúc ganh ghét gì thái quá. Nhưng trên blog, họ là những con người tự do, tự do sử dụng ngôn từ, tự do đánh giá người khác.
Thế nên mới có chuyện, một cô nàng nhút nhát nhất lớp, hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với ai, hoá ra lại vô cùng nổi tiếng trên mạng vì những entry chuyên “lật tẩy” người khác, hay những câu chuyện giật gân về một “hot girl” nào đó. Tất nhiên, không ai có thể ngờ một người như vậy lại có thể viết ra những lời đánh giá đanh đá, chua ngoa như thế.
Thế nhưng có lẽ chưa có “loại blog” nào, thu hút sự chú ý lẫn comment của các blogger như những loại “blog đá đểu”.
Nhận diện những blog loại này khá dễ. Các blogger thường không lộ diện giữa thanh thiên bạch nhật, danh tính cũng chỉ có “người trong giang hồ” mới biết đến, avatar thường không để ảnh mình.
Những entry thuộc dạng “nóng bỏng” nhất thường xoay quanh các scandal của các “ngôi sao tí hon” - những “hot girl”, “hot boy” đang nổi, hay những nhân vật “nổi ảo” trên blog, thậm chí là những ca sĩ diễn viên nổi tiếng. Vì nhân vật càng có tiếng bao nhiêu, thì độ “hot” của entry càng tăng bấy nhiêu.
Entry được viết khá công phu, tường thuật chi tiết đầu đuôi sự việc và kèm theo không ít những bình phẩm đánh giá rất “ác ý”. Như chuyện một blogger viết “chửi” một cô gái nọ lăng nhăng với bạn mình, đã không tiếc những lời lẽ tục tĩu, bệnh hoạn gắn cho người ta. Sau đó thì cô gái kia đã khốn đốn chạy vạy khắp nơi thanh minh và còn phải nhờ người hack blog đã viết xấu mình.
Hay thậm chí có một blogger còn tự viết blog với kiểu “giật gân” kể lại sự tình mình suýt bị hiếp dâm bán sang Trung Quốc. Blogger này đã phải hứng chịu rất nhiều “entry chửi” của người khác sau đó, và nghiễm nhiên, trở thành nổi tiếng!
Người chửi hăng tiết, người đọc cũng hùa theo. Đấy là một tình trạng chung khá phổ biến. “Từ trước đến nay cũng chẳng ưa con bé đó rồi, xem người ta viết chửi mà sướng mắt...” - một ý kiến của một blogger. Vậy nên, những blog dạng này thường rất đông người xem, lượng comment có khi lên đến vài trăm. Người này đọc gửi cho người nọ. Cứ thế câu chuyện xoay tròn đến chính người bị bêu xấu. Lúc này thì tá hoả và tha hồ “ôi mặt”.
Một cô bé khác thì khốn khổ chỉ vì trót dùng photoshop để cho đôi mắt mình trên ảnh to hơn bình thường và post ảnh lên blog của mình. Không lâu sau đó, thì cả tên tuổi địa chỉ của cô bé được đưa lên một cái blog khác, nhưng lại là để “bêu riếu” với lời lẽ cay nghiệt: Con bé này làm sao xinh được như thế; Nó lấy ảnh của gái Hàn để đưa lên đấy; Đồ đua đòi dối trá...
Cô bé đã khóc hết nước mắt, suy sụp, không biết thanh minh thế nào.
Người đọc thì bán tín bán nghi. “Không có lửa làm sao có khói”. Câu chuyện có thể không sai, nhưng bị đồn thổi lên rất nhiều. Những blogger ngoài đời hiền khô mà khi “hăng tiết vịt” lên cũng có thể “mặc váy, chửi đổng” như ai!
Không nói về độ tin cậy của những thông tin được đưa lên, nhưng những lời lẽ thiếu văn hoá và tục tĩu của những blogger này viết nên, đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của người bị bêu xấu, và càng làm cho cộng đồng blog trở nên “hỗn loạn”, “nhiễm bẩn” trong mắt mọi người.