New articles Năng lực quản lý: nhân tố thứ năm     ♥ Lựa chọn mục tiêu cuộc đời     ♥ 10 bí quyết cân bằng công việc và gia đình     ♥ Cô đơn trên mạng     ♥ Chứng khoán: Giấc mơ và ác mộng     ♥ Tám     ♥ Những tính năng của blog VnVista     ♥ Các mạng xã hội thống trị Google     ♥ Điều gì tạo nên một giám đốc công nghệ thông tin giỏi?     ♥ Cố gắng xóa bỏ những ấn tượng xấu     ♥ Cần một cách làm ăn mới     ♥ Tiếp thị hướng đến doanh nhân     ♥ Đưa cửa hàng thật lên chợ ảo     ♥ Bí quyết quản lý các nhân viên trẻ     ♥ Một số câu hỏi phỏng vấn “đặc biệt” của Microsoft     ♥ 4 bài học thành công trong kinh doanh     ♥ Tạo dựng hình ảnh một cô gái trẻ chuyên nghiệp     ♥ Góc “khác” của thế giới online đêm     ♥ Phong cách người Mỹ     ♥ Chỉ nghĩ đến tiền cũng làm người ta ích kỷ     
New blog entries SHEET Thương tình nhân      ♥ SHEET Liêu xiêu đường tình      ♥ SHEET Tình yêu lung linh      ♥ Các loại visa Qatar phổ biến mà bạn cần biết      ♥ Tủ dụng cụ 2 cánh 5 ngăn KT: 1000Wx500Dx1800Hmm      ♥ Tủ dụng cụ 2 cánh 5 ngăn KT: 1000Wx500Dx1800Hmm      ♥ Tủ dụng cụ 2 cánh 5 ngăn KT: 1000Wx500Dx1800Hmm      ♥ SHEET Nếu đời không có anh      ♥ Phụ Gia Nhựa Làm Giảm Co Ngót Sau Gia Công Ép Phun      ♥ Địa chỉ mua giày bảo hộ nam chính hãng      ♥ SHEET Giây phút êm đềm      ♥ Máy Triệt Lông Công Nghệ Cao K18A      ♥ Cách chọn giày bảo hộ tại Đà Nẵng      ♥ hình ảnh Yae Miko Game Genshin Impact      ♥ Cách bảo quản và vệ sinh giày bảo hộ lao động      ♥ SHEET Yêu 1 người sao buồn đến thế      ♥ Bí quyết bảo quản giày bảo hộ lao động      ♥ Máy Triệt Lông Lạnh Diode Laser K17      ♥ Công Nghệ Đùn Ống Nhựa Với Hạt Nhựa Nguyên Sinh      ♥ SHEET Xin cho 1 tiếng kinh cầu      

[ Liệt Kê ] · Bình Thường · Tách Biệt+

Biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Th, Bài viết của Hà Thị Hằng, ĐHSP huế


baomuahe
post May 14 2010, 07:17 PM
Gửi vào: #1


Group Icon

Bún yêu
*
Thành viên: 44,876
Nhập: 11-May 10
Bài viết: 8
Tiền mặt: 90
Thanked: 0
Cấp bậc: 1
------
Giới tính: Female
Sinh nhật: 20 Tháng 11 - 1989
Đến từ: ĐHSP Huế
------
Xem blog
Bạn bè: 11 (Xem)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi thiệp điện tử
Trang thông tin





Biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Phần 1)
A. MỞ ĐẦU
I. Lí do chọn đề tài.
Theo Frédéric Gaussen, chiêm mộng là “biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm đến nỗi nó vượt ra khỏi vòng cương tỏa của người sáng tạo ra nó; chiêm mộng hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật nhất và trơ trẽn nhất của chính chúng ta”. Freud đã từng nói rằng: “Giải thích mộng mị là con đường vương giả để đạt tới hiểu biết lòng người”. Giấc mơ chính là bản thể của vô thức. Nếu như các biểu tượng khác hoạt động độc lập thì biểu tượng giấc mơ là một biểu tượng vô cùng phức tạp không phải chỉ vì nó gắn với vùng tiềm thức, vô thức mà con người khó nắm bắt được, mà còn là vì để cắt nghĩa giải thích giấc mơ, người ta phài thông qua các biểu tượng khác – các biểu tượng xuất hiện trọng giấc mơ. Như vậy, biểu tượng giấc mơ chứa trong nó nội hàm của có thể rất nhiều những biểu tượng khác. Chính vì thế chúng ta sẽ có một nguồn tri thức dồi dào biết bao về chính chúng ta và về nhân loại, nếu như chúng ta luôn luôn nhớ đến nó và biết giải thích biểu tượng giấc mơ.
Là một nhà văn luôn chú ý xây dựng nên trong tác phẩm mình những biểu tượng mang tầm tư tưởng sâu sắc, Nguyễn Huy Thiệp cũng tìm về với biểu tượng giấc mơ như một ám ảnh nghệ thuật đặc sắc. Chính vì thế, khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật truyện ngắn Huy Thiệp không thể không lưu tâm đến biểu tượng cứ trở đi trở lại trong tác phẩm ấy. Trong chuyên đề này, người viết hướng tới biểu tượng giấc mơ với mục đích giải mã những thông điệp thẩm mĩ được gửi gắm trong đó, đồng thời thấy được vai trò của nhân tố chủ thể trong việc điều chỉnh, tái tạo, bổ sung những ý nghĩa mới cho mẫu gốc.


II. Lịch sử vấn đề.
Bên cạnh các biểu tượng nghệ thuật khác, biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói chung và trong : “Con gái thủy thần” nói riêng được đề cập tới trong nhiều công trình nghiên cứu về tác giả này.
Trong bài “Có nghệ thuật Ba-rốc trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay không” tác giả bài viết đã : “Chân lí nghệ thuật còn được thể hiện ở những giấc mơ, những huyền thoại, những giấc mơ và huyền thoại là gì nếu không phải là cái không có thật, hay nói cách khác là những điều bịa đặt, giả dối. Và tai hại thay, những điều bịa đặt rất đẹp đẽ có khi lại do từ kẻ miệng của những kẻ xấu (Con gái thủy thần) và cũng thật là trớ trêu, chính những người như chị Sinh, chị Thắm và những tâm hồn thơ dại lại tin rằng những điều bịa đặt, phi lí ấy là có thật. Rốt cuộc thì “tất cả mọi sự thanh cao, hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục tầm thường” và “tát cả những trò bàn luận của chúng ta đều vô nghĩa hết. Thiên nhiên không hề dối trá”(Chút thoáng Xuân Hương)”.
Đặc biệt, trong luận văn thạc sĩ “Biểu tượng nghệ thuật trong truyện ngắn nghệ thuật”, Bùi Nguyệt Hồng đã tìm hiểu giấc mơ với tư cách là một biểu tượng độc lập: “Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mô típ giấc mơ trở đi trở lại như một biểu tượng ám ảnh (giấc mơ có thể xem như là một biểu tượng cho nhân vật). Bất kỳ một giấc mơ nào của con người cũng bắt đầu từ thực tại, diễn biến trong ý thức bất đinh của nhân vật và kết thúc bằng những chiêm nghiệm của con gười. Một số nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thường bị lạc vào trong những giấc mơ bởi họ không còn là những con người của ý chí tuyệt đối, không ảo tưởng nhưng họ giàu khát vọng và niền tin. Tìm trong giấc mơ ấy, người ta thấy được cả sự thanh cao, cả những khát vọng hướng thiện và cả những tham vọng nhỏ nhen của con người”. Rồi người viết khẳng định: “Có thể những giấc mơ ấy chưa phải là phiên bản cho số phận nhân vật, nhưng ở một góc độ nào đó nó giúp ta có cái nhìn dự báo, ước đoán về nhân vật”
Những ý kiến nhận xét trên trở thành những gợi ý hướng dẫn quan trọng để người viết chuyên đề đi sâu tìm hiểu biểu tượng giấc mơ cả về sự thể hiện qua các biến thể lẫn những ý nghĩa của chúng trong truyện “Con gái thủy thần”.

III.Phạm vi đề tài.
Chuyên đề nghiên cứu ý nghĩa của biểu tượng giấc mơ trong các truyện ngắn tập hợp trong cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, NXB Hội nhà văn, 2005.

IV. Phương pháp nghiên cứu.
Trong chuyên đề người viết sử dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp khảo sát thống kê.
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp so sánh.

V. Cấu trúc của chuyên đề10.gifhần mở đầu
Phần nội dung
Chương I: Giới thuyết về biểu tượng.
Chương II: Biểu tượng giấc mơ trong văn hóa nhân loại.
Chương III: Biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Phần kết luận.



PHẦN NỘI DUNG
Chương I: Giới thuyết về biểu tượng

I. Khái niệm biểu tượng:
Theo nghĩa rộng nhất, biểu tượng là một loại tín hiệu mà mối quan hệ giữa mặt hình thức cảm tính (tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người: cái biểu trưng) và mặt ý nghĩa(cái được biểu trưng) mang tính có lí do, tính tất yếu.
Bàn về mối quan hệ giữa hai mặt của biểu tượng, Tz.Todorov đã chỉ rõ: “chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức ra được nhiều cái biểu đạt hoặc đơn giản hơn,…cái được biểu đạt dồi dào hơn cái được biểu đạt”, đây chính là tính không thích hợp giữa tồn tại và hình thức,…sự ứ tràn của nội dung ra ngoại dạng biểu đạt của nó”. Sự chuyển hóa từ nghĩa biểu trưng này sang tầng nghĩa biểu trưng khác, sự xếp chồng của những lớp nghĩa biểu trưng là một hiện tượng tất yếu trong quá trình biến đổi ý nghĩa của biểu tượng.

II. Các cấp độ của biểu tượng : mẫu gốc, biểu tượng văn hóa, biểu tượng nghệ thuật và biểu tượng ngôn ngữ nghệ thuật.Mẫu gốc là những tín hiệu thẩm mĩ đầu tiên xuất hiện trong nền văn hóa chung của nhân loại, xuất phát từ một qui luật tâm lí thông thường của con người: con người không bao giờ dừng lại ở việc chỉ khai thác những giá trị thực dụng của đối tượng mà luôn có nhu cầu từ những giá trị thực dụng đó hướng đến những giá trị tinh thần và hướng đến chức năng thẩm mĩ. Ví dụ, trang phục của con người lúc đầu chỉ có mục đích là che phủ thân thể, giữ ấm, làm mát cở thể nhưng về sau trang phục còn là trang sức để làm đẹp, là cái để người ta thể hiện đẳng cấp của bản thân, thậm chí trang phục còn thể hiện tâm trạng cá tính của con người.
Mẫu gốc (các cổ mẫu) là những tín hiệu thẩm mĩ mà cái được biểu đạt của nó nảy sinh từ chính những đặc điểm bản thể của cái biểu đạt và không trùng khít với các đặc điểm của cái biểu đạt. Ví dụ, với mẫu gốc nước, cái biểu đạt là sự vật “nước” có những đặc điểm: lỏng và luôn luôn lưu chuyển. Từ đó nảy sinh cái được biểu đạt với ý nghĩa khái quát: dòng nước là dòng đời, sự luôn luôn lưu chuyển ấy chính là sự vân động của dòng đời. Cái biểu đạt chức năng của nước là: uống để duy trì sự sống, bồi đắp phù sa, gộ rửa,…thì từ đó nảy sinh cái được biểu đạt là: nước là nguồn sống, là sức mạnh thanh tẩy, tái sinh hoặc hủy diệt.
Như vậy, mẫu gốc nói một các đơn giản là biểu tượng mẹ, nguyên mẫu của các biểu tượng, đi vào trong tâm thức của các cộng đồng như là “kí tích”, “mô hình tiềm tạng” trong tâm hồn con người có tính chất kế thừa hay tính chất bẩm sinh, tính chất di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Biểu tượng văn hóa: Các cổ mẫu khi đi vào trong những nền văn hóa khác nhau, chịu sự tác động về những điểu kiện kinh tế, xã hội, về tự nhiên, về tôn giáo thì có thể sản sinh ra các biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa là sự tồn tại ở bình diện xã hội, mang tính phổ quát của các biểu tượng phi trực quan.
Các biểu tượng văn hóa này vừa có sự duy trì những ý nghĩa biểu trưng của mẫu gốc, vừa có sự điều chỉnh và biến đổi. Biến đổi về cái biểu đạt: từ mẫu gốc “nước” khi đi vào văn hóa Hi Lạp sẽ sản sinh ra các biến thể của nó như: biển, vỏ sò, nữ thần Aprôđitê,…; đi vào văn hóa Ấn Độ có thể sản sinh ra các biến thể khác: bùn lầy, hoa sen,…còn đi vào văn hóa Việt Nam có thể có các biến thể: ngọc trai, ao, hồ, pháp vân, pháp lôi,…Biến đổi còn thể hiện ở cái được biểu đạt: Biển trong văn hóa Hi Lạp mang hướng nghĩa biểu trưng: miền đất hứa, nơi con người triển khai được sức mạnh của mình trong tự nhiện. Nhưng ở trong văn hóa Việt Nam, biển không còn mang ý nghĩa là miền đất hứa nữa mà đã biến đổi theo hướng nghĩa biểu trưng là sức mạnh đe dọa, hình ảnh của miền đất dữ. Hoặc mẫu gốc “gió” khi đi vào trong văn hóa châu Âu thì biểu trưng cho sức mạnh hư vô phù phiếm, còn trong văn hóa Địa Trung Hải lại là biểu tượng của sức mạnh của tự do.
Biểu tượng văn hóa thể hiện trong các phong tục tập quán, nghi lễ và trong nghệ thuật. Gắn với mỗi lĩnh vực như vậy sẽ cho chúng ta một biến thể loại hình, một biểu tượng. Riêng trong nghệ thuật, một biểu tượng có thể được hiện thực hóa bằng chất liệu của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau. Ở đây có thể xuất hiện hình thức đẳng cấu thông tin. Ví dụ, trong văn học: cặp quan hệ thuyền - bến đẳng cấu thông tin với con tàu – sân ga.
Biểu tượng nghệ thuật: Từ bình diện văn hóa, chuyển hóa vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật, một hệ biểu tượng được sáng tạo lại theo những đặc trưng loại hình nhất định: hội họa, sân khấu, văn học,...
Biểu tượng ngôn ngữ nghệ thuật: Các mẫu gốc, các biểu tượng văn hóa khi đi vào trong tác phẩm nghệ thuật sẽ chịu sự điều biến của yếu tố chủ thể, từ đó mà sản sinh ra các biểu tượng ngôn ngữ. Ở đây, vừa có sự duy trì những nét nghĩa gốc của biểu tượng vừa có sự tiêu biến một số nét nghĩa nhất định và sự sáng tạo ra một số nét nghĩa mới. Các biểu tượng văn hóa khi đi vào trong các ngành nghệ thuật sẽ được hiện thực hóa thành các chất liệu tương ứng của ngành nghệ thuật đó. Nói cách khác, biểu tượng nghệ thuật trong tác phẩm được hiện thực hóa thành các biến thể (những cách thể hiện khác nhau của hằng thể) khác nhau – các biến thể đó chính là các biến thể nguyên cấp. Chúng ta có hai loại biến thể: biến thể từ vựng và biến thể kết hợp.
Biến thể từ vựng là những hình thức diễn đạt khác nhau (các từ ngữ khác nhau, các tên gọi khác nhau) để biểu đạt cùng một đối tượng. Xét theo quan điểm ngữ nghĩa học đó là các từ đồng nghĩa hay các từ cùng một trường nghĩa – trường nghĩa biểu vật. Từ hằng thể (dạng thể hiện đơn giản phổ biến và tiêu biểu nhất của một tín hiệu) “Trăng”, ta có các biến thể từ vựng: nguyệt, hằng nga, ả hằng…Từ hằng thể “thuyền”, ta có các biến thể từ vựng: con đò, mái thuyền, chiếc bách…
Biến thể kết hợp là những ngữ đoạn có tác dụng cụ thể hóa cho hằng thể. Trong thơ những ngữ đoạn đó là những cụm danh từ, cụm tính từ, cụm chủ vị có chứa đựng tín hiệu thẩm mĩ. Trong văn xuôi tự sự thì biến thể kết hợp thể hiện trong mối quan hệ giữa tín hiệu thẩm mĩ với các yếu tố như sự kiện, nhân vật…
Trong hai biến thể đó, biến thể kết hợp có vai trò quan trọng hơn vì nó đóng vai trò chủ yếu trong thể hiện ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu.

III. Đặc trưng của biểu tượng.
Biểu tượng có khả năng tái sinh liên hồi từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt: Với nhu cầu khái quát, nhận thức biểu hiện cuộc sống của nền văn học nghệ thuật tự bản thân nó đã mang tính biểu tượng và đòi hỏi người sáng tác cũng như người thưởng thức phải tư duy bằng biểu tượng. Vì vậy bản chất ngôn từ đã mang tính biểu tượng. Nhưng biểu tượng trong văn học luôn vượt lên tính trực quan của biểu tượng rút gọn và tính công thức ước lệ của biểu tượng quy ước, từ đó gợi mở những xúc cảm thẫm mỹ trong tư tưởng, tình cảm của bạn đọc. Bởi biểu tượng đã dùng những hình thức đời sống để diễn đạt ý niệm về tư tưởng, nhưng hình thức đời sống thì có hạn nên khả năng tái sinh liên hồi ấy phụ thuộc rất nhiều vào cá tính, vào năng lực của chủ thể sáng tạo. Sự tái sinh liên hồi từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt của biểu tượng tạo cho văn học những độ mở mới, màu sắc mới. Dòng chảy ý nghĩa từ biểu tượng cứ thế mãi bất tận, không ngừng, theo sự phát triển của lịch sử văn học.
Biểu tượng là tín hiệu thẫm mỹ mới mẻ đa chức năng: Biểu tượng không chỉ là phương tiện hữu hiệu biểu đạt cuộc sống mà còn là phương tiện của tư duy nghệ thuật tạo ra nhiều tầng ý nghĩa. Quá trình tư duy nghệ thuật là khôi phục và sáng tạo các biểu tượng trực quan, là sự hình tượng hóa biểu tượng khách quan theo hình thức chủ quan. Vì thế việc xây dựng hình tượng văn học – biểu tượng, trở thành một hình thức tư duy đắc địa, tạo nên một hiệu quả nghệ thuật cao.
Mỗi tác phẩm văn học về bản chất là một hệ thống tín hiệu thẫm mỹ mà trong đó những hình ảnh biểu tượng; là tín hiệu nhỏ trong cái thế giới lớn ấy. Chúng góp phần tạo nên tính hình tượng trong tác phẩm, tạo nên sự đa dạng phong phú của hiện thực tác phẩm, thể hiện trình độ tài năng của tác giả trong việc vật chất hóa những yếu tố tinh thần của các tác phẩm bằng một hình thức cảm quan dễ nhận biết, lại có giá trị nghệ thuật cao, tạo ấn tượng sâu đậm hơn những hình ảnh có sẵn trong hiện thực.
Hệ thống biểu tượng không chỉ ẩm chứa cái hiện hình, cái dễ nhận biết của đời sống mà biểu đạt cái vô hình , khó nắm bắt của tư tưởng, xúc cảm trong sâu thẳm tâm hồn người. Biểu tượng là một phương tiện thẫm mỹ giúp văn học đi sâu thâm nhập vào thế giới bên trong con người, tạo nên một phương thức khám phá chiếm lĩnh đời sống theo chiều sâu mà bề nổi ngôn từ nghệ thuật khác chuyển tải được.
Biểu tượng vừa mang tính kế thừa, vừa có tính sáng tạo: Trong văn học, hình tượng nghệ thuật nói chung và biểu tượng nói riêng đều là sự phản ánh đời sống – một kí hiệu giao tiếp. Nhưng xu hướng cố định hóa trở thành một quy ước quen thuộc trong bản chất của biểu tượng mà yêu cầu của sự phản ánh, biểu hiện lại không cho phép lặp lại, phải luôn có xu hướng tìm cái mới, phát hiện ra những hình thức độc đáo đẻ nhận thức để khám phá cuộc sống.
Giải mã biểu tượng chính là con đường tư duy nghệ thuật: Thế giới biểu tượng trong tác phẩm dù vươn tới những tầm ý nghĩa cao xa hay bắt nguồn từ những kinh nghiệm, từ môi trường văn hóa của người cầm bút. Nhưng ý nghĩa biểu tượng lại được khúc xạ theo sự tiếp nhận của mỗi người đọc trong từng thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy dấu ấn cá nhân tuy in đậm trong công việc giải mã biểu tượng nhưng không cho phép họ áp đặt nhưng suy diễn chủ quan hay gán ghép cho biểu tượng những ý nghĩa tùy tiện. Bởi việc giải mã bao giờ cũng tồn tại một “mẫu số chung” nào đó từ cộng đồng văn học.
Để giải mã một biểu tượng nghệ thuật, hoặc cảm thụ một tác phẩm giàu tính biểu tượng , chúng ta cần hiểu rõ :tư duy biểu tượng luôn luôn đối nghịch với tu duy khoa học. không vận hành “theo lối rút gọn từ cái bội đến cái đơn mà bằng lối bùng nổ từ cái đơn đến cái bội”. giải mã nghệ thuật phải đi từ cái cụ thể đến cái khái quát và đặt trong mạch ngầm văn bản.
IV. Các tính chất của biểu tượng:
Tính có lí do: Cái được biểu trưng (biểu đạt) của biểu tượng chỉ nảy sinh trên cơ sở những đặc điểm bản thể của cái biểu trưng. Ví dụ, ý nghĩa nguồn sống nguồn chết nảy sinh trên cơ sở vốn có của nước. Các ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng là có thể lí giải được chứ không phải là sự quy ước tùy tiện.
Tính đa trị: Thực ra, ngôn ngữ tự nhiên cũng có tính đa trị nhưng là đa trị trên bình diện hệ thống còn khi đi vào hoạt động cụ thể thì tính đa trị trùng với tính đơn trị(chỉ có một nghĩa được hiện thực hóa). Ở biểu tượng, tính đa trị thể hiện ở trên cả bình diện hệ thống và bình diện hoạt động.
Tính đa chiều: Các hướng nghĩa biểu trưng của biểu tượng không chỉ phong phú mà còn đa chiểu, nó không phải xoay quanh một trục duy nhất mà nó thường có nhiều trục, không phải được lưỡng cực hóa mà là đa cực hóa. Ở biểu tượng chấp nhận cái thứ ba (nghĩa là ngoài sự đối cực hai chiều, còn có thể có ý nghĩa khác nữa).

V. Phân loại biểu tượng:
Biểu tượng được chia thành hai loại: biểu tượng gốc và biểu tượng quy ước.
Biểu tượng gốc: là những biểu tượng trực tiếp nảy sinh từ mẫu gốc của nó, có thể có hình thức vật chất. Ví dụ, từ mẫu gốc nước nảy sinh biểu tượng gốc: mưa, ao, hồ, đầm,…Biểu tượng gốc cũng có thể không có hình thức tồn tại vật chất mà chỉ là một ý niệm tinh thần của con người. Từ mẫu gốc nước có thể có các ý niệm tinh thần là: thần nước, hà bá, thần mây,…
Biểu tượng qui ước: Là những biểu tượng ra đời sau dựa trên những qui ước của một cộng đồng văn hóa nào đó. Ví dụ, cây thập tự là biểu tượng qui ước cộng đồng kitô giáo. Tràng hạt và cây bồ đề là biểu tượng qui ước của cộng đồng Phật giáo. Biểu tượng qui ước không phải võ đoán mà là một dạng của biểu tượng gốc trong nền văn hóa. Tính qui ước ở đây không phải là tuyệt đối, nó không đồng nghĩa với tính võ đoán. Xét đến cùng thì biểu tượng qui ước chính là một dạng biểu hiện của biểu tượng gốc trong nền văn hóa nhất định. Chúng ta có thể tìm ra được mối liên hệ giữa biểu tượng qui ước với biểu tượng gốc hay một mẫu gốc nào đó. Cây thập tự xuất phát từ biểu tượng gốc sự khổ hình để đạt trạng thái thăng hoa về tinh thần. Biểu tượng này có thể thấy trong thần thoại Prômêtê bị xiềng.

Chương II: Biểu tượng giấc mơ trong văn hóa nhân loại
I. Những quan niệm khác nhau về ý nghĩa của giấc mơ:
Từ hàng nghìn năm trước con người đã cố gắng lý giải về giấc mơ và tìm ra ý nghĩa của giấc mơ. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại tin rằng các giấc mơ là các thông điệp từ chúa (các thần thánh). Thỉnh thoảng những người có thể đọc được giấc mơ sẽ giúp các nhà lãnh đạo quân sự trong chiến đấu qua cách mà người đó đoán mộng.
Ở Ai Cập, người ta quy cho chiêm mộng một giá trị tiên báo đặc biệt: “Thượng Đế đã sáng tạo ra những giấc mơ để chỉ đường cho loài người, một khi họ không có khả năng nhìn thấy tương lai”. Trong “Kinh thánh” có hơn bảy trăm chú giải và các câu truyện về các giấc mơ. Các câu truyện về sự ra đời của nhà lãnh tụ hồi giáo Mohammed gồm các sự kiện quan trọng. Những giáo sĩ đọc chữ, những thầy tu viết chữ và những thầy đoán một giải thích tại các đền miếu ý nghĩa của hình tượng mộng mị, dựa vào những bí pháp lưu truyền từ đời này sang đời khác. Thuật đoán mộng được thực hành ở mọi nước.
Đối với người Negrito ở quần đảo Andaman, mộng mị là sản phẩm của hồn được quan niệm như là phần ác dữ của con người. Hồn ra khỏi thân thể qua đường mũi và lập những chiến tích bên ngoài mà con người nhận biết được trong chiêm mộng.
Đối với tất cả những thổ dân Bắc Mỹ, chiêm mộng là dấu hiệu tối hậu và quyết định của kinh nghiệm. “Những giấc mơ là nguồn cội của mọi điển lễ; chúng ấn định sự lựa chọn giáo sĩ và xác nhận phẩm chất phẩm chất thuật sĩ; từ nơi ấy phát sinh ra y học, tên mà người ta đặt cho những đứa con của mình và những kiêng kỵ; chiêm mộng xếp đặc những cuộc chiến tranh, những cuộc đi săn, những án tử hình và những viện trợ cần được đem đến; chỉ có chúng mới xuyên thủng được đêm tối của thế giới bên kia; chiêm mộng củng cố truyền thống: nó là con dấu của pháp chế và quyền uy”.
Người Bantous ở Kasai (thung lũng Congo) tin rằng trong một số giấc chiêm bao, hồn người ngủ rời khỏi xác và chuyện trò với hồn những người đã chết. Những giấc mơ ấy có tính tiên báo, liên quan đến người này hay người kia hoặc chúng có thể hư cấu thành những thông điệp thực thụ của những người chết gửi những người sống và khi ấy thì chúng liên quan đến toàn thể cộng đồng.
Ở Trung Quốc người ta tin rằng, các giấc mơ là cách thức để đến thăm các thành viên trong gia đình, những người đã chết. Một vài bộ tộc bản địa ở Mỹ và những người Mexico tin rằng giấc mơ là một thế giới khác chúng ta viếng thăm khi ngủ.
Ở Châu Âu, mọi người tin rằng các giấc mơ có hại, có thể dẫn con người đến những điều xấu. Hai trăm năm trước, mọi người tỉnh giấc sau bốn hay năm giờ ngủ để ngẫm nghĩ về các giấc mơ của họ hay nói về chúng cho người khác biết sau đó họ mới trở lại để ngủ tiếp.
Đầu thế kỷ 20, hai nhà khoa học nổi tiếng đã phát triển các ý tưởng khác nhau về giấc mơ. Nhà tâm thần học người Áo Sigmund Freud đã xuất bản một cuốn sách có tên gọi "Giải thích các giấc mơ". Freud tin rằng con người thường mơ về những thứ mà họ mong muốn nhưng không thể có, đặc biệt có liên quan đến dục vọng và sự ức chế dục vọng.
Với Frued, chiêm mộng là biểu hiện thâm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén. Các giấc mơ với Freud chứa các ẩn nghĩa. ông đã cố gắng hiểu các giấc mơ như là một cách để hiểu về con người và hiểu tại sao họ hành động và suy nghĩ như thế. Freud tin rằng mọi suy nghĩ và hành động của con người bắt nguồn từ sâu trong tâm thức, trí óc của họ. Ông cho rằng các giấc mơ có thể là một con đường quan trọng để hiểu những gì đang xảy ra trong trí óc của họ. Freud nói với mọi người về các ý nghĩa trong giấc mơ của họ như là một cách để giúp họ giải quyết các vấn đề hoặc để hiểu về các mối lo lắng của họ. Ví dụ, Freud nói rằng khi con người mơ đang bay hay đang bơi thì có nghĩa họ muốn được tự do như thời thơ ấu của họ. Khi một người mơ anh, chị, em hay cha mẹ của mình chết thì có nghĩa người mơ thực sự đang giấu cảm xúc ghét người đó hoặc là sự mong muốn những gì người khác có.
Với Jung, chiêm mộng là “sự tự thể hiện một cách tự phát và tượng trưng cái thực trạng của vô thức”.
Với J.Sutter, “chiêm mộng là một hiện tượng tâm lý xảy ra trong lúc ngủ và được cấu thành bởi một loạt hình ảnh mà sự diễn biến của chúng giống như một vở kịch ít hay nhiều liên tục”. Như vậy, chiêm mộng nằm ở ngoài ý chí và trách nhiệm của con người, bởi lẽ kịch trường ban đêm của nó là tự phát và không kiểm soát được. Chính vì thế mà người ta xem kịch mơ, y như là nó diễn ra trong hiện thực, ngoài trí tưởng tượng của ta. Ý thức về cái thực bị xóa nhòa, cảm giác ta là ta mất đi, tan biến. Trang Chu không còn biết có phải Chu đã mơ thấy mình là bướm hay com bướm mơ thấy nó là Chu. Pascal viết: “Nếu một người thợ thủ công tin chắc đêm nào, trong vòng mười hai tiếng, anh ta cũng mơ thấy mình là vua thì tôi tin rằng anh ta sẽ hạnh phúc gần như một ông vua đêm nào mười hai tiếng cũng mơ thấy mình là người thợ”.
Tổng hợp tư tưởng của Jung, Roland Cahen viết: “Chiêm mộng là biểu hiện hoạt động tinh thần ấy, nó sống trong ta, nó suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm, tư biện ở ngoài lề những hoạt động ban ngày của chúng ta, ở tất cả các cấp độ, từ cấp sinh vật nhất đến cấp tinh thần nhất của con người, mà chúng ta không biết đến. Biểu thị dòng tâm thức ngấm ngầm và những dữ liệu của một chương trình sống được ghi ở nơi sâu nhất của con người, chiêm mộng thể hiện những khát vọng sâu kín của cá thể và vì thế nó là nguồn thông tin vô cùng quí giá, về mọi phương diện, đối với chúng ta”.
II. Phân loại giấc mơ:
Để tiện nghiên cứu, các khảo cứu phân tâm học, dân tộc học và ngoại cảm học đã phân chia giấc mơ ban đêm thành một số loại sau:
Loại 1: Chiêm mộng tiên tri hay giáo huấn, một sự báo trước ít nhiều úp mở về một nguy biến đã qua, đang xảy ra hoặc sẽ đến; nguồn gốc của những giấc mộng này hay được quy cho một sức mạnh trên trời.
Loại 2: Chiêm mộng truyền pháp, thí dụ của thầy pháp Saman hay phật tử Tây Tạng dòng Bardo-Todol, có công hiệu thần kỳ, nhằm đưa linh hồn sang thế giới bên kia bằng một tri thức hay một hành trình tưởng tượng.
Loại 3: Chiêm mộng thần giao cách cảm, làm cho ý nghĩ và tình cảm của những con người hoặc nhóm người xa cách liên thông với nhau.
Loại 4: Chiêm mộng linh thị, chuyển con người vào cái mà H.Corbin gọi là thế giới linh tưởng; kiểu chiêm mộng này giả định rằng ở con người, ở một cấp tâm thức nhất định, có “những sức mạnh mà nền văn minh phương Tây của chúng ta có thể đã làm cho thui chột hoặc tê liệt”. H.Corbin đã tìm thấy những bằng chứng về những sức mạnh ấy ở những nhà thần hiệp Iran; đây không phải là mộng tiên báo, mộng du hành mà là những linh thị.
Loại 5: Chiêm mộng linh tính, cho phép ta đoán định và dành ưu tiên cho một trong ngàn khả năng…
Loại 6: Chiêm mộng thần thoại, sao lại một mẫu gốc lớn nào đó và phản ảnh một mối lo âu cơ bản, của cả nhân loại.
Bên cạnh chiêm mộng thường gặp là chiêm mộng ban đêm còn có chiêm mộng lúc tỉnh. Nếu giữ đúng mọi tỉ lệ, có thể được đồng nhất với chiêm mộng ban đêm , cả về mặt những biểu trưng mà nó ứng dụng lẫn những chức năng tâm lý mà nó có khả năng thực hiện. Maria Zambrano đã chỉ rõ cả những mạo hiểm lẫn những ưu thế của loại chiêm mộng này: “Trong trạng thái tỉnh, chiêm mộng đột chiếm ta mà ta không biết được và tạo ra một kiểu quên lãng hay hồi tưởng mà sự diễn biến của nó có thể xô đẩy ta tới những bờ cõi mà ý thức không thể dung nạp được. Khi ấy thì chiêm mộng trở thành mầm mống của sự ám ảnh, sự bóp méo hiện thực. Nhưng ngược hẳn lại, nếu nó dẫn dắt sang một bình diện ứng hợp với ý thức, đến nơi mà ý thức và tâm hồn cộng sinh thì nó lại trở thành một hình thức sáng tạo trong đời sống cá nhân hoặc trong một sự nghiệp”.

III. Vai trò, chức năng của giấc mơ:
Chiêm mộng cũng cần thiết cho sự cân bằng sinh học và tinh thần như là giấc ngủ, như là dưỡng khí và sự ăn uống lành mạnh. Luân phiên thư duỗi và căng thẳng tâm thần, nó thực hiện một chức năng sống: chết hoặc điên có thể là sự thiếu vắng hoàn toàn mông mị. Nó là lối thoát cho những xung năng bị đè nén ban ngày, nó làm lộ ra những vấn đề cần giải quyết, và nó tác động theo lối chơi dỡn, nó gợi ý những giải pháp. Chức năng có chọn lọc, cũng như ghi nhớ của nó, xoa dịu cuộc sống hữu thức.
Nhưng nó còn đóng một vai trò có độ sâu khác hẳn. Chiêm mộng là một trong những tác nhân chỉ báo tốt nhất về trạng thái tâm thần của người thấy mộng. Nó cung cấp, như là một biểu tượng sống, một bức tranh về trạng huống hiện sinh của con người ấy: đối với người nằm mơ, nó là hình ảnh thường bất ngờ của chính họ; nó tiết lộ cái tôi và cái mình. Nhưng đồng thời, nó cũng che đậy chúng, giống hệt một biểu tượng, dưới hình ảnh những sinh linh khác biệt với chủ thể. Những quá trình đồng nhất hóa diễn ra trong mộng mị không kiểm soát được. Chủ thể tự phóng chiếu mình thành một con người khác: nó tự tha hóa và tự đồng nhất hóa với kẻ khác. Nó có thể tự thể hiện dưới những hình hài không có gì chung với nó: đàn ông hay đàn bà, động vật hay thực vật, cỗ xe hay hành tinh,…Một trong những công dụng của phân tích chiêm mộng hoặc biểu tượng là vừa buông thả những đồng nhất hóa ấy lại vừa phân định nguyên do với kết cục; vừa phải khôi phục cái bản sắc đích thực của nhân cách, vừa khám phá ra ý nghĩa của những sự tha hóa của nó.
Chiêm mộng thiết lập một kiểu cân bằng bù trừ trong đời sống tâm thần của con người. Nó bảo đảm một sự tự điều chỉnh tâm – sinh học. Thiếu chiêm mộng đưa đến những mất cân bằng tinh thần, cũng như sự thiếu các chất đạm động vật gây ra những rối loạn sinh lý.
Giải thích chiêm mộng có thể dựa trên quy luật về những mối quan hệ bổ sung tương hỗ. Quả thực, người cắt nghĩa chiêm mộng sẽ cố tìm ra quan hệ bổ sung giữa các trạng huống khách quan được trải nghiệm một cách hữu thức của người chiêm mộng và những hình ảnh trong giấc mộng của anh ta. Bởi vì như Roland Cahen viết, “có một quan hệ đối trọng(cân bằng) thực sự năng động giữa hữu thức và vô thức, biểu hiện ở tác dụng thường xuyên của mộng mị. Những ham muốn, lo sợ, phòng chống, khao khát (và mất mát) của hữu thức sẽ tìm thấy trong những hình ảnh chiêm bao được hiểu đúng một sự đến bù hữu ích và như vậy là một sự điều chỉnh trọng yếu”. Kịch trường mộng mị có thể chấp nhận cái mà cuộc sống bên ngoài chối từ và làm lộ trạng thái thỏa mãn hay không thỏa mãn của dục tính con người. Nhưng đôi khi khoảng cách giữa mộng mơ với hiện thực lớn đến nỗi nó mang tính chất bệnh hoạn và khi ấy mộng mị biểu lộ sự vô độ không thể nào lấp đầy của dục tính. Ta sẽ nhận thấy rằng trong những trường hợp bình thường, sự bù trừ diễn ra, theo quan niệm của Freud, trên tuyến nằm ngang, tức là ở cùng cấp độ với dục tính, trong khi ấy thì, theo Jung, mọi sư thăng bằng hóa tâm lý con người diễn ra giữa những bình diện hữu thức và cô thức theo chiều thẳng đứng, y như một thuyêng buồm giữa những cánh buồm và sống thuyền. Trong cùng một nghĩa ấy, đối với Guillerey, mọi sự rối loạn tâm thần ứng với một hoạt động cấp cao bị ngăn cản vàt lời kêu cầu anh hùng, theo nghĩa Bergson của từ này, thực hiện một chức năng không chỉ tinh thần, mà còn cả chữa bệnh, cứu nạn.
Cuối cùng, chiêm mộng làm gia tốc các quá trình cá thể hóa điều khiển sự phát triển đi lên và tích hợp của con người. Ở cấp độ này, nó đã có một chức năng tổng hòa. Sự phân tích, như chúng ta sẽ thấy, sẽ cho phép nó liên thông gần như thường xuyên với ý thức và khi ấy, nó sẽ đóng vai trò của một nhân tố tích hợp ở mọi cấp độ. Nó sẽ không chỉ biểu thị tổng thể cái Mình, mà còn góp phần làm nên nó.

IV. Phân tích biểu tượng giấc mơ:
Sự phân tích chiêm mộng dựa vào ba khảo sát:
Nội dung chiêm mộng (những hình ảnh và kịch bản của chúng): tức là những ảo tưởng có tính thuần túy miêu tả, bắt nguồn từ năm kiểu hoạt động tự phát: tạo lập những dữ kiện trong vô thức để chuyển hóa chúng thành hình ảnh hiện hữu; tích tụ nhiều yếu tố trong một hình ảnh hay một loạt những hình ảnh, chuyển dịch cảm xúc sang những hình ảnh ấy, bằng con đường đồng nhất hóa, kìm nén hay siêu thăng hóa; “kịch bản hóa” những tập hợp hình ảnh ấy với những lực cảm xúc ấy thành những quãng đời ít nhiều căng thẳng; cuối cùng, biểu tượng hóa chúng tức là biến những hình ảnh mộng mị thành những hiện thực khác cái hiện thực được cảm nhận trực tiếp. Qua những hình thái bị biến đổi bởi biết bao nhiêu hoạt động vô thức ấy, sự phân tích chiêm mộng phải tìm cho ra cái nội dung tiềm ẩn dưới những biểu hiện tâm thần che giấu những ức chế, những nhu cầu và xung năng, những mâu thuẫn, xung đột hoặc khát vọng chôn sâu trong tâm khảm. Nội dung của chiêm mộng không chỉ bao gồm những hình ảnh thể hiện và động thái của chúng mà còn bao gồm cả điệu thức, màu sắc của chúng, tức là cái bầu tâm sự tác động đến chúng.
Nhiều ảo ảnh khác nhau có thể che phủ những cấu trúc đồng nhất, tức là những tổ hợp được xếp, nối khớp theo một sơ đồ sâu kín; và trái lại, nhiều hình ảnh tương đồng có thể xuất hiện trong những cấu trúc dị biệt. Một loạt sự đối chiếu những hình ảnh và trạng huống chiêm mộng đã cho thấy cái giống nhau như một danh mục đề tài thường hằng, tức là một tổ hợp những khuôn mẫu. Ý tưởng động cơ mà ở đấy những chuỗi hình ảnh rất khác nhau bộc lộ một định hướng như nhau, những tình cảm những mỗi ưu tư như nhau, cũng như một mạng lưới liên thông nội tại được sắp xếp thống nhất giữa các cấp độ khác nhau và xung năng khác nhau của tâm tần;chúng cho phép phân định nội dung tiềm ẩn của mộng mị.
Kết cấu của chiêm mộng (dưới nhiều hình ảnh khác nhau, một tập hợp hữu hình những quan hệ cùng loại).
Ý nghĩa chiêm mộng (định hướng, mục đích, ý chỉ).

Chương III: Biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
I. Khảo sát sự xuất hiện của giấc mơ và các biến thể của nó trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp:
1.Chảy đi sông ơi
- Tôi mê lịm đi, thấp thoáng nghe có tiếng ai như đang tâm sự với mình: “Năm nay Hà Bá chưa bắt người nào!”.
- Ám ảnh về huyền thoại con trâu đen.

2.Cún
- Cún hay nhớ, hay mơ đến cô Diệu: cô chủ nhà, bán hàng ở chợ, người lúc nào cũng thơm nức nước hoa, băng phiến. Cô Diệu có đôi mắt nhỏ và hai cánh mũi mỏng dính phập phồng.
- Cún hình dung thấy cô Diệu đi lại, nói cười.
- Cún hình dung về nó (đứa con sắp chào đời của Cún) thật rõ ràng, nó đi mạnh mẽ ở trên mặt đất, nó không bao giờ lệch trọng tâm, nó vừa đi vừa mỉm cười, xung quanh nó là một vầng ánh sáng đủ màu.

3.Không có vua
- Giấc mơ của Khảm: đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn cả một bể ***. Bể *** xây xi măng, kích thước 10 x 6 x 1,5 mét, dung tích 90 khối. Mưa bão đến, bể *** trôi phăng phăng, em ngập trong ấy, *** cả vào mồm, cả lỗ tai.

4.Con gái thủy thần
- Giấc mơ về mẹ Cả: “Giấc ngủ kéo đến. Hình ảnh Mẹ Cả chen vào giấc ngủ ở một khe hở nào đó rất nhỏ, không phải thường xuyên, tôi không chắc một năm đã được một lần.”
+ “Tôi bắt đầu nghĩ tới cái chết, điều này trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Đói. Rét. Nỗi cô đơn như gió quất vào mặt. Lòng tôi cồn cào, đau đáu một nỗi khắc khoải hướng về Mẹ Cả, con gái thủy thần. Nàng là ai? Nàng xấu hay đẹp? Nàng ở đâu, góc biển chân trời nào?
+ Tôi bắt đầu hình dung thấy nàng. Nàng hiện ra rực rỡ. Những đường nét trên khuôn mặt nàng rõ ràng, đôi lông mày thanh tú, quả cảm. Thoạt nhìn, nàng thậm chí đen đúa và lãnh cảm. Nàng không đẹp. Khoảng cách giữa tôi và nàng là khoảng cách của hai vật thể tự do, vừa đối nghịch, vừa bao trùm. Cả tôi và nàng đều không thừa nhận sở hữu, trong khi đó chúng tôi lại muốn có nhau. Nàng muốn tôi và tôi muốn nàng. Nàng muốn bao trùm tôi và tôi cũng thế. Cả tôi và nàng đều cùng tranh đấu tìm cách giải thoát sự bao trùm đó, hướng tới tự do. Khi tự do là lúc nàng mất tôi và tôi mất nàng. Để có nàng, tôi buộc phải sống kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đầy, tôí buộc phải vắt kiệt tôi đến chết. Tâm hồn nàng ăn uống thứ thức ăn thật man rợ: đấy là từng miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi. Tôi hình dung nàng xé xác tôi bằng bàn tay thon nhỏ, móng sắc. Nàng nhai từng miếng thịt và lè dầu lưỡi nhọn hoắt liếm những giọt máu ứa ra.”
+ “Đêm trăng suông, tôi ngồi chống cằm, mắt nhìn lên những ngôi sao xa xăm. Một ánh mắt vô hình từ trong khoảng không sâu thẳm ở giữa bầu trời bao la đang dõi theo tói. Tôi biết chắc chắn có ánh mắt ấy. Điều ấy khiến tôi xúc động. Sau này tôi gán cho nàng, cho Mẹ Cả, cho con gái thủy thần, cho người đàn bà vẫn chờ đợi tôi ở nơi xa xăm, mãi tận bên kia một nửa địa cầu. Tôi biết, nàng vẫn hy vọng và đấy chính là chỗ dựa cuối cùng cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng tôi. Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường: những lần đánh nhau với bọn phàm phu, làm việc không công cho người nghèo khó, nhả nhớt cợt đùa với lũ du côn... ánh mắt vô hình vẫn dõi theo tôi hoài hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong dêm. Nàng nói: Này Chương, vẫn không phải đường ra biển...”
+ “Trong bóng tối mờ mờ, Mây quay người lại, tôi thoảng thấy tấm lưng trần quẫy ở trước mặt, ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào trông thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Tôi chợt nhớ đến Mẹ Cả, đến con gái thủy thần. Lòng tôi nhói lên cảm giác đau đớn xót xa. ”
- Giấc mơ về những chuyện vặt vãnh đời thường: “Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lần mơ thấy đi cày, cày hết chân ruộng Gò mả nguỵ thì đến thị xã, cứ cày mãi, dân thị xã phải dắt nhau chạy. Có lần mơ thấy đào đá ong, xắn phải ngón chân cái, một lúc sau ngón chân lại tự mọc ra, lại xắn phải lần nữa, cứ thế vài chục lần, lần nào cũng đau lắm. Lại có lần mơ thấy lột giang, dao cứa đứt cả ngón tay, khi ăn cơm phải vục mặt xuống như chó. Đại để giấc mơ của tôi là thế, toàn những việc làm hàng ngày, chẳng ra gì cả. Đấy là tôi nghèo tưởng tượng, sau này khôn lớn tôi mới hiểu ra, chứ lúc ấy, mười sáu tuổi tôi có biết gì”
- Giấc mơ về biển:
+ “Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy... thời gian cũng thao thiết trôi, chỉ ít năm nữa đến năm 2000...”.
+ “Tôi đứng trên vai bức tượng mắt nhìn về xa. Mặt biển dâng trước mắt tôi, căng như sợi chỉ. Tôi nghe thấy tiếng sóng như tiếng người thở dốc. Những tia hào quang lấp loáng ở một góc biển và không hiêu sao tôi nghĩ đấy là nơi con gái thủy thần trú ẩn.”

5.Những người thợ xẻ
- Giấc mơ về cầu vòng bảy sắc: “Giấc ngủ. đến ngay với mơ, tôi thấy năm anh em thợ xẻ chúng tôi đi trên một cái cẩu vồng bảy sắc. Những thiên sứ chạy ra đón chúng tôi, áo xanh, áo đỏ tung bay phấp phới. Một thiên sứ có khuôn mặt trông rất giống Quy. Những người thân thiết của tôi đứng hai bên đường. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nàng, cô gái tôi đã từng yêu trước kia. Nàng chạy về phía tôi, hai tay giang ra chào đón. Gục đầu vào ngực tôi, nàng khóc: “Anh Ngọc ơi, sau bao đau đớn ê chề em đã hiểu rằng: chỉ có một anh thôi, còn lại là chúng nó”. Tôi mỉm cười, tôi gỡ bàn tay bé nhỏ của nàng ra khỏi tay tôi và bảo: “Em lại cực đoan rồi, hoàn toàn không phải thế. Anh chỉ là hạt cát bé nhỏ và bất lực thôi... Cũng có thể anh chẳng mang lại điều gì hay hớm cho em dâu. Em hãy đi đi, đi theo con đường số phận đã định cho mình”. Tôi đẩy nàng ra, tôi hốt hoảng thực sự vì sự lãnh cảm dửng dưng của trái tim tôi.
- Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không? Chúng tôi cứ đi, đi mãi... Tôi biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng Trời, là cổng Thiên đường... ”.

6.Những ngọn gió Hua Tát
+ Con thú lớn nhất: “Lão đã nhìn thấy nó. Cái con công ấy đang múa. Kìa, đôi chân con công di chuyển nhẹ nhàng về phía bên phải, cái đuôi xòe thành đường tròn lại dịch về phía bên trái, cái ánh xanh gay gắt trên túm lông dầu của nó rực rỡ làm sao! Lão già giương súng lên: Đùng! Phát súng nổ. Lão nghe thấy tiếng rú thất thanh. Lão chạy lại con thú bị bắn ngã. Đấy là vợ lão. Mụ đi ra rừng đợi lão, tay mụ còn cầm bộ lông chim công.”

7.Tâm hồn mẹ
- Trong giấc mơ, Đăng thấy Thu với nó đứng ở trên cao. ở đấy nhìn xuống thấy người bé xíu, những chiếc ô tô cũng bé xíu. Gió lồng lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắ ng bóng. Thu bảo :
- Này Đăng, tao sẽ đi trên khoảng không bằng đôi chân này. - Nó chìa đôi chân trần ra trước mặt Đăng. - Đi như bay ấy, như trong chuyện cổ...
Nói xong, Thu đi thật. Nó bước vào khoảng trống không, hai tay bơi rẽ không khí. Đăng áp người vào hàng lan can, cảm giác cô đơn côi cút làm nó ớn lạnh. Nó gọi Thu :
- Đợi với! Đợi tao đi với ! Hãy bảo tao đi như thế với- Hãy bảo tao đi như thế với!
Thu bay lướt đi, nó bảo : Mày không đi được thế đâu ! Hiểu không? Vì tao là mẹ.

8.Huyền thoại phố phường
- Hạnh ngủ thiếp đi, tay nắm chặt chiếc vé bất hạnh. Trong giấc ngủ, cứ chập chờn hình ảnh pho tượng đồng đen cao lớn. Pho tượng đứng lên đi lại, bật cười ha hả. Pho tượng đặt thanh kiếm dài xuống ghế, bàn tay có những móng dài xòe trước mặt y những xấp tiền mới. Hạnh nghe rõ cả âm thanh loạt soạt những tờ giấy bạc...

9.Giọt máu
- “Mơ thấy lão Tân Dân về gọi thằng Hạnh. Lúc ấy nữa đêm, thấy lão Tân Dân đưa cho thằng Hạnh một thùng sắt tây qua phía hàng rào". ”
- “Phong mơ thấy mình lạc vào địa ngục. Một cái vạc to lửa cháy bùng bùng, những con quỷ dạ xoa mặt đen tóc dài đang chụm củi đun. Trong vạc, những người bị xích xiền rên la thảm thiết. Phong thấy một người bảo: "Ta là Phạm Ngọc Liên đây". Lại thấy một người bảo: "Ta là Phạm Ngọc Gia đây". Lại thấy một người bảo: "Ta là Phạm Ngọc Chiểu đây". Lại thấy mấy người đàn bà bảo: "Ta là Diêu đây, là Lan đây, là Thiều Hoa đây". Phong giật mình dậy, thấy những người trong giấc mơ rất giống những người mình vẫn thường gặp, tựa như ông Liên thì giống ông chủ sự dây thép, ông Gia giống ông luật sư, ông Chiểu giống ông bán báo, cô Lan giống cô bán gạo, Thiều Hoa giống cô bán đường.”

10.Chuyện tình kể trong đêm mưa
- Trong giấc mơ, tôi cứ chập. chờn về hình ảnh trái tim mềm mại, ướt át, phập phồng rơi trên đất lạnh và ngôi nhà nhỏ có cửa sổ rộng. Những hình ảnh ấy phải chăng là nỗi ám ảnh thân phận tình yêu đôi lứa của hai người?

II. Giải mã những hướng nghĩa biểu trưng cơ bản của biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thông qua một số biến thể tiêu biểu:
Biểu tượng giấc mơ là một biểu tượng đặc biệt bởi để giải mã ý nghĩa của nó chúng ta phải thực hiện qua hai bước: Xác định nội dung của giấc mơ, nghĩa là xác định những biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ, thứ hai: từ những ý nghĩa của biểu tượng xuất hiện trong mộng mị chúng ta mới giải mã những ý nghĩa mà giấc mơ biểu hiện.

1. Biểu tượng giấc mơ – sự lặp lại của những kí ức, ám ảnh đời thường.
Biểu tượng giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở hình thái đơn giản nhất đó là sự lặp lại của những kí ức đời thường. Có khi chỉ là những công việc thường ngày ta hay làm giống như nhân vật Chương trong “Con gái thủy thần”: “Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lần mơ thấy đi cày, cày hết chân ruộng Gò mả ngụy thì đến xã, cứ cày mãi, dân thị xã phải dắt nhau chạy. Có lần mơ thấy đào đá ong, xắn phải ngón chân cái, một lúc sau ngón chân lại tự mọc ra, lại xắn lần nữa, cứ thế vài chục lần, lần nào cũng đau lắm. Lại có lần mơ thấy lột giang, dao cứa đứt cả năm ngón tay, khi ăn cơm phải vục mặt xuống như chó. Ðại để giấc mơ của tôi là thế, toàn những việc làm hàng ngày, chẳng ra gì cả. Ðấy là vì tôi nghèo tưởng tượng, sau này khôn lớn tôi mới hiểu ra, chứ lúc ấy, mười sáu tuổi, tôi có biết gì”. Giấc mơ này của nhân vật phản ảnh những mối quan tâm thường ngày của Chương. Mối quan tâm của Chương đơn thuần chỉ là chuyện đi cày, đi đào đá ong, đi lột giang,...Nó cho thấy một con người tù túng trong một cuộc sống tù túng quẩn quanh. Con người chỉ có những lo toan thường ngày của người lao động. Tất nhiên sự lặp lại của những kí ức đời thường này không nguyên vẹn mà đôi khi đứt đoạn hoặc méo mó, lắp ghép dị dạng. Đây là đặc trưng của mộng mị.
Giấc mơ của con người có khi cũng là kết quả của niềm khao khát, mong mỏi chảy bỏng đến tận cùng của nhân vật. Có những điều nó ám ảnh nhân vật hàng ngày rồi nó đi cả vào trong giấc mơ. Nó không chỉ tồn tại trong ý thức của con người mà còn xuất hiện cả trong vô thức của con người. Ấy là đam mê, khát vọng làm giàu, khát vọng được đổi đời của nhân vật Hạnh trong “Huyền thoại phố phường”. Sự xa hoa của phố phường khiến cho anh lóa mắt. Khát vọng thoát khỏi cảnh nghèo túng. Đam mê cháy bỏng làm giàu. Tất cả in hình nguyên vẹn trong một giấc mơ: “Trong giấc ngủ, cứ chập chờn hình ảnh pho tượng đồng đen cao lớn. Pho tượng đứng lên đi lại, bật cười ha hả. Pho tượng đặt thanh kiếm dài xuống ghế, bàn tay có những móng dài xòe trước mặt y những xấp tiền mới. Hạnh nghe rõ cả âm thanh loạt soạt những tờ giấy bạc...”
Khao khát tình mẹ của bé Đăng cũng trở thành ám ảnh trong giấc mơ của em. Hai tuổi mồ côi mẹ, hình ảnh mẹ trong kí ức của Đăng quá mơ hồ. Bởi vậy em tự có cách nghĩ riêng về mẹ của mình. Khao khát tình yêu thương che chở của mẹ, Đăng dựa dẫm vào cô bé Thu – bạn thân duy nhất của Đăng. Thế rồi lâu dần, cái suy nghĩ trẻ thơ của em tin rằng Thu chính là mẹ mình, che chở cho mình. Người mẹ bé bỏng ấy hiện lên trong giấc mơ của em. Trong giấc mơ niềm khao khát tình yêu thương của em vẫn thật nồng cháy và da diết.


--------------------
Nhóm bạn bè:


thanhquoc

Lãng Tử Sầu

fire_love_vp

omachj85

neuconcongaymai

Xem tất cả


Cảnh cáo: (0%)----- 
Nếu bạn thấy bài viết này vi phạm nội quy forum, hãy click nút này:
User is offlineProfile CardPM
Go to the top of the page
+Quote Post

Posts in this topic


Thank you! Reply to this topicTopic OptionsStart new topic
 

Bản Rút Gọn Bây giờ là: 19th July 2025 - 05:36 AM
Home | Mạng xã hội | Blog | Thiệp điện tử | Tìm kiếm | Thành viên | Sổ lịch