11h30 ngày 28/9, bão Xangsane đã vượt qua Philippines, trở thành cơn bão mạnh nhất vào biển Đông từ đầu năm đến nay với sức gió vùng gần tâm bão trên cấp 12. Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng lúc 7h ngày 1/10. Hàng trăm nghìn dân ven biển miền Trung sẽ phải di dời. TP HCM có thể ngập chìm trong nước.
Dự báo 13h ngày 30/9, Xangsane đến vĩ độ 15,9 và kinh độ 111,7, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Nửa giờ sau khi bão vào biển Đông, Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện báo động khẩn đến các tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành để triển khai phương án phòng chống bão số 6 (bão Xangsane).
Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương đặc biệt lưu ý các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, tập trung các công tác chuẩn bị đón bão như chằng chống nhà cửa, kiểm tra rà soát và sẵn sàng di chuyển dân cư ở ven sông, suối, ven biển và khu vực miền núi ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở... Đồng thời theo dõi sát diễn biến bão để có phương án triển khai cứu hộ, phòng chống ngay.
Chuẩn bị đối phó với bão
Từ tối qua, Ủy ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành đều đã họp bàn đối phó với bão. Tin từ Phân ban phòng chống lụt bão miền Trung cho hay, gần như các tàu thuyền khu vực đang ra khơi đều đã nhận được những thông tin về vị trí, tốc độ, hướng đi của bão để tìm nơi trú ẩn an toàn. Lệnh đóng cửa biển đã được Ủy ban phòng chống lụt bão các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên triển khai để cấm ra khơi đối với những tàu thuyền đang nằm bến.
Trao đổi với VnExpress, Phó ban Phòng chống lụt bão Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho hay, 10h hôm nay, UBND TP Đà Nẵng đã họp khẩn, quyết định ngay trong buổi chiều tiến hành di dời gần 1.500 tàu thuyền đang neo đậu ở bến sông Hàn và ven biển đến khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang, gần Sơn Trà. Đây là vùng vịnh kín gió nên dự kiến sẽ đảm bảo an toàn cho đội ngư thuyền của thành phố.
Đồng thời dự kiến, khoảng hơn 10 vạn hộ dân ở các vùng ven biển, trũng thấp sẽ phải di dời để tránh gió bão, nước dâng và thậm chí sóng thần. Theo ông Thắng, việc sơ tán dân sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn tùy diễn biến bão, ưu tiên cho những khu vực trọng yếu và người già, trẻ em.
Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn VN và Hải quân Mỹ, khác với cơn bão Chanchu đã chuyển hướng đi bất ngờ gây thiệt hại cho nhiều ngư dân, bão Xangsane có thể trực chỉ đổ bộ vào vùng biển Đà Nẵng. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của bão rất rộng, bao trùm cả các tỉnh từ Móng Cái đến Hà Tiên.
TP HCM có thể ngập trong nước
"Trên ảnh mây vệ tinh, bão Xangsane đi cách TP HCM khoảng 400km trên biển nhưng sẽ gây mưa rất to", Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão Quảng Bình Nguyễn Ngọc Giai dự báo.
Chiều nay, Ủy ban phòng chống lụt bão TP HCM cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đón bão đến các quận, huyện. Biên phòng huyện Cần Giờ đã phát lệnh báo bão đến các tàu thuyền đang ở khơi xa.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão thành phố cho biết, đáng ngại nhất đối với TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam là vấn đề ngập lụt và xả các hồ chứa nước. Hiện hồ Trị An và Cần Đơn đã đầy nước nên ngay chiều nay, các đơn vị quản lý đã tiến hành xả tràn để tránh vỡ. Riêng hồ Thác Mơ hiện thiếu nửa mét nước, Dầu Tiếng còn gần 2 mét nước nữa mới đầy nên chưa tiến hành xả.
"Nếu mưa bão quá nhiều, các hồ sẽ đồng loạt xả nước", ông Thắng cho biết. Tuy nhiên vùng hạ lưu sẽ gánh chịu tình trạng ngập nặng nếu nước ở các hồ thượng lưu xả, đặc biệt là trùng với thời điểm triều cường giữa tháng 8 âm lịch. Theo ông Thắng, trường hợp mưa quá to, triều ở trạm Nhà Bè lên cao trên 1,75m thì nhiều khả năng hệ thống đê bao của thành phố sẽ bị vỡ. TP HCM sẽ bị ngập trong biển nước.
Chiều 28/9, Chủ tịch Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hoà để triển khai các biện pháp phòng chống bão, cứu nạn và bảo vệ an toàn cho dân.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm ký điện chỉ đạo số 181 gửi giám đốc Công an các tỉnh trên, lãnh đạo các Tổng cục, Cục Quản lý trại giam, yêu cầu chuẩn bị phòng chống bão, trực ban nghiêm túc 24/24; đảm bảo tốt an ninh địa bàn không để kẻ gian lợi dụng phá hoại; có kế hoạch chủ động chi viện cho các địa phương, đơn vị xảy ra thiên tai.
Cũng trong chiều 28/9, Chính phủ đã có cuộc họp khẩn cấp bàn các biện pháp đối phó với bão số 6.
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi Fire_VS_Ice: Sep 29 2006, 08:35 PM
Theo tin từ cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, kết hợp với tin từ hải quân Mỹ, Singapore... 19 giờ tối 28/9, một vùng không khí lạnh nhẹ đã hình thành ở phía Bắc, đẩy hướng đi của bão số 6 (Xangsane) lệch nhiều về hướng tây. Gió giật trên cấp 12 vùng gần tâm bão.
Bão số 6 chuyển hướng ngang, nhiều khả năng đổ bộ vào khu vực từ Nam Đà Nẵng, Bắc Quảng Ngãi, thay vì dự tính ban đầu là từ Quảng Bình vào Đà Nẵng. "Nếu vùng không khí lạnh này có cường độ mạnh hơn, có thể bão sẽ bị đẩy sâu vào Bình Định", Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi ước đoán.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi được đặt vào tình trạng báo động. Sau cuộc họp tối 28/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hủy tất cả các cuộc họp của ban ngành trên địa bàn bắt đầu từ sáng 29/9, để tập trung công tác phòng chống bão.
Cho đến tối 28/9, có khoảng 200 tàu thuyền của tỉnh vẫn còn ở ngoài khơi khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 3 chiếc tàu đang mất liên lạc, 1 tàu di chuyển về hướng Đài Loan để tránh bão. Những tàu khác đang trên đường chạy vào bờ hoặc vùng đảo gần nhất trú bão. Hơn 4.000 tàu đánh cá khác của Quảng Ngãi đã về đến đất liền.
Tỉnh đã cho di dời 350 hộ dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, khu vực ven sông, biển... Tối 28/9, Quảng Ngãi đã quyết định sơ tán thêm khoảng 180-200 hộ dân ở những khu vực nguy hiểm nữa để đảm bảo an toàn tính mạng.
Khu công nghiệp Dung Quất đã được cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng mạnh bởi bão số 6. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu, chậm nhất là 16h chiều 29/9, các đơn vị và thiết bị thi công trong khu vực Dung Quất nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải ngưng hoạt động và cất giữ ở nơi an toàn. Yêu cầu đưa 20 người nước ngoài hiện đang làm việc trên các cụm giàn thi công ngoài khơi Dung Quất lên bờ an toàn, đồng thời nghiêm cấm ra biển trong thời gian có bão.
Tối 28/9, tất cả lãnh đạo Ủy ban phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung đều ra thực địa để nắm tình hình triển khai chống bão số 6. Cho đến 20 giờ tối, tin từ Ủy ban phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung cho hay, phần lớn tàu thuyền trong khu vực đã vào trú đậu ở đất liền. Ước tính khoảng 200 tàu lớn đang đánh bắt ở khơi xa, nhưng đã nhận được thông báo bão và trên đường trở về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn.
Trao đổi với VnExpress, Trưởng ban tác chiến Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Lưỡng cho biết, hiện còn 134 tàu đánh cá của thành phố này đang ở ngoài khơi, trên 3 vùng Nam Vịnh Bắc bộ, Trường Sa và Hoàng Sa. Hai hôm nay, Bộ đội biên phòng đã liên tiếp thông báo bão đến các tàu xa. Chiều 28/9, có tin các tàu đánh cá đang trên đường vào bờ. Dự kiến, sáng 29/9, hầu hết các tàu này sẽ đến đất liền, nơi gần nhất so với vị trí tàu đang đi, để tránh bão.
Ông Văn Công Lưỡng, Phó trưởng ban phòng chống lụt bão Đà Nẵng cũng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đã đưa được 600 tàu đang neo đậu ở bến sông Hàn vào Âu thuyền Thọ Quang ở Sơn Trà để trú ẩn. Các tàu lớn thì cho kéo lên bờ, hoặc vào vịnh, neo đậu chắc. Tàu nhỏ hơn, nếu được thì kéo hẳn vào sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn.
Tỉnh Thừa thiên - Huế có 15 chiếc tàu đang đánh cá ngoài khơi và trên đường vào bờ sau những thông tin báo bão. Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Phan Thanh Hùng khẳng định, Thừa Thiên - Huế sẽ làm mọi cách để giữ tàu thuyền được an toàn. "Ngoài các phương án đưa tàu vào bờ neo đậu, giằng chắc tàu, trường hợp xấu nhất khi bão quá mạnh, chúng tôi sẽ đánh đắm các tàu để đảm bảo giữ gìn tài sản. Khi bão tan sẽ tiến hành trục vớt tàu sau", ông Hùng cho biết.
Thừa Thiên - Huế có hơn 6.000 tàu thuyền, trong đó khoảng 4.000 chiếc có động cơ.
Tại Hà Tĩnh, hiện có 8 thuyền còn ở ngoài khơi xa. Trong đó 5 chiếc đã có thông tin phản hồi về cho biết đang đánh cá ở Phan Thiết. Dự kiến các tàu này sẽ cập bến Phan Thiết để neo đậu tránh bão vào ngày mai. 3 tàu còn lại hiện đang trú tại vịnh Hạ Long kể từ sau cơn bão số 5, nên sẽ tiếp tục nấp ở đây chờ qua cơn bão số 6.
Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão Hà Tĩnh Bùi Lê Bắc cho biết, gần 2.400 tàu thuyền còn lại đã neo đậu an toàn ở bến. Tuy nhiên ông Bắc lấy làm tiếc là địa thế Hà Tĩnh không có nhiều vũng, vịnh kín nên không đưa tàu vào nơi khuất gió được. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Tĩnh đang đốc thúc công tác cột, néo các tàu với nhau để hạn chế ảnh hưởng của gió bão.
Theo Đài khí tượng thủy văn Trung bộ, hồi 16 giờ chiều 28/9, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 119,9 độ kinh đông, trên khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật trên cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và mạnh thêm. Trong khoảng 24 đến 48 giờ bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km về phía nam khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng tố lốc.
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi Fire_VS_Ice: Sep 29 2006, 08:36 PM
Trưa nay, 522 tàu cá với gần 5.000 ngư dân đang hoạt động trên biển chưa vào khu neo đậu hoặc chưa liên lạc được. Trong khi đó, bão số 6 đang tiến gần quần đảo Hoàng Sa với sức gió trên cấp 12. Khi vào đất liền, bão có thể khiến nước biển dâng cao 3-5m, cột sóng có thể phủ ngập những ngôi nhà 3 tầng.
Theo bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khu vực Trung Trung bộ mà bão đi qua, có địa thế như sống lưng quay ra biển nên những cơn nước dâng đổ về đây bị cuộn lên. "Trước đây, nước dâng cao do bão đã cuốn trôi một số làng chài ven biển Nam Trung bộ. Vì vậy, những địa phương ven biển vùng tâm bão đi qua cần khẩn cấp sơ tán người và tăng cường gia cố nhà cửa, đê điều", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, sáng nay, bão số 6 đã tiến gần đến quần đảo Hoàng Sa và khoảng 7h sáng mai áp sát quần đảo này. Hướng di chuyển của bão đã đổi sang tây tây bắc, tốc độ nhanh, cường độ mạnh hơn khi vượt qua đảo Philippines. Dự kiến, trưa ngày 1/10, bão đổ bộ vào đất liền, khu vực từ tỉnh Quảng Ngãi tới Thừa Thiên - Huế, với cường độ cấp13. Đuôi bão quét qua các tỉnh ven biển khác như: TP HCM, Vũng Tàu, Cà Mau, Rạch Giá, Kiên Giang...
Tâm bão sẽ vào Đà Nẵng và Quảng Ngãi
Theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, kết hợp với những thông tin theo dõi từ hải quân Mỹ và các đài khí tượng nước ngoài, đến 13h hôm nay, vị trí tâm bão đang di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, sức gió giật trên cấp 12 và mạnh dần lên. Dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Đà Nẵng, Bắc Quảng Ngãi.
Hôm nay, bão chưa ảnh hưởng nhiều tới khí hậu đất liền. Các tỉnh Nam bộ mưa vừa hoặc mưa nhỏ. Các tỉnh Trung bộ thời tiết khá tốt. Khu vực Quảng Ngãi tới Thừa Thiên - Huế do có nhiều sông, suối nên khi bão đổ bộ, dễ có lũ nhanh. Lượng mưa vùng bão đi qua có thể từ 500mm trở lên. Nhà cửa, cầu cống, đê điều có nguy cơ bị tốc, lật, vỡ và khả năng thiệt hại mùa màng là chắc chắn.
Bà Lan cho biết thêm, qua quan sát tâm bão trên biển, mắt bão ngày càng rõ. Khi bão tiệm cận đất liền, mắt bão đi qua, trời quang mây tạnh, người dân dễ tưởng lầm trời đã yên nhưng thực ra, sau đó sẽ có mưa dông, gió giật mạnh, rất nguy hiểm.
TP HCM nằm gần vùng đuôi bão, gián tiếp bị ảnh hưởng. Hôm nay và sáng mai, thành phố vẫn có mưa lác đác, nhưng chiều tối mai, toàn địa bàn sẽ có mưa lớn. Mưa cũng diễn ra khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ, sông Đồng Nai có thể có lũ. Dự kiến mưa sẽ kéo dài tới ngày 3/10 ở các vùng bị ảnh hưởng.
Tại miền trung, đến sáng nay công tác di dời dân đã được triển khai cấp tập. Theo yêu cầu chậm nhất đến đầu giờ chiều mai việc sơ tán dân phải hoàn tất.
Trước mắt, có 600 hộ với 3.000 người ven biển thuộc 5 quận, huyện ở Đà Nẵng buộc phải sơ tán khẩn cấp trong ngày 29-30/9. Hơn 1.000 hộ dân khác thuộc diện giải toả, đền bù, đang ở nhà tạm cũng phải sơ tán đến nơi an toàn hơn. Lệnh cho học sinh nghỉ học cũng đã được thành phố thông báo đến các quận, huyện.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đang đốc thúc việc chống bão ở miền Trung. Sáng nay, ông đã cùng Bộ trưởng Nông nghiệp phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm việc với UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền Đà Nẵng phải rà soát kỹ lại những thông tin và phải xuống cơ sở, không được chủ quan, nghe theo báo cáo từ cấp dưới. Tuyệt đối không để thiệt hại tính mạng người dân.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao ra công hàm, gửi các nước lân cận, đề nghị hỗ trợ cho ngư dân được lên lãnh thổ của họ tránh bão. Theo lịch, sáng mai, Phó thủ tướng sẽ kiểm tra tình hình chuẩn bị chống bão của Thừa Thiên - Huế.
Chiến sĩ biên phòng đồn 252 Đà Nẵng đang giúp dân đưa thuyền lên bờ Ảnh: Tuổi trẻ.
Đầu giờ chiều nay, tin từ các Văn phòng phòng chống lụt bão tỉnh miền Trung cho hay, hầu hết các nơi đều có mưa vào buổi sáng, song đến giờ này lại lặng. Trời quang mây tạnh nhưng lại báo hiệu một cơn dông sẽ ập vào khu vực này trong vòng 24 giờ tới. Trưởng ban phòng chống lụt bão Quảng Nam, Nguyễn Ngọc Quang dự báo, khoảng 16 giờ hôm nay, bão có thể bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp ở miền Trung bằng những cơn mưa lớn, nặng hạt.
Hầu hết lãnh đạo các tỉnh miền Trung khi trao đổi với VnExpress đều cho rằng, với sức mạnh và khả năng tàn phá nặng nề của cơn bão số 6, mạnh nhất trong vòng 10 năm qua tại VN, mỗi tỉnh đều đã xác định chắc chắn tâm bão sẽ đổ bộ trực chỉ vào mình nên không dám chủ quan, lơ là phòng chống.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Đà Nẵng hiện có 1.952 trong số 2.019 tàu thuyền đánh cá đã vào đến bờ, 66 tàu còn lại, với 772 lao động vẫn đang trên đường chạy tìm nơi trú ẩn. Dự kiến 14 tàu sẽ vào đất liền trong hôm nay, 29 chiếc khác trú ẩn tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và những chiếc còn lại trú tại quần đảo Trường Sa.
Trao đổi với VnExpress, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Quảng Nam, Nguyễn Ngọc Quang cho biết, lực lượng biên phòng vừa thông báo, sáng nay 37 chiếc tàu của tỉnh đang ở ngoài khơi đã cập được cảng đất liền ở Quy Nhơn, Núi Thành và Đà Nẵng.
Tại Quảng Ngãi, Trưởng ban phòng chống lụt bão Trương Ngọc Nhi cho hay, đã liên lạc được với 2 trong số 3 chiếc tàu mất liên lạc hôm qua. Hiện Quảng Ngãi đã di dời thêm 200 hộ dân, bảo vệ các công trình, thiết bị vật tư của những đơn vị xây dựng... Đoàn công tác Chính phủ đã đặt Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, để tiện công tác theo dõi chỉ đạo.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 522 tàu cá (4.766 ngư dân) còn đang hoạt động trên biển chưa vào khu neo đậu của địa phương hoặc chưa liên lạc được. Trong đó, có 169 tàu (2.393 ngư dân) đăng ký hoạt động tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa chưa về bờ.
Thông tin từ các nguồn dự báo của Hong Kong, Nhật Bản và hải quân Mỹ đều khá trùng khớp. Bão có hướng đi ổn định, di chuyển tốc độ nhanh, sức tàn phá khủng khiếp. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Hong Kong, sáng 1/10, bão Xangsane sẽ đi vào miền Trung với sức gió 139 km một giờ. Sang đến ngày 2/10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió 56 km một giờ. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng dự báo, sáng 1/10, bão Xangsane đổ bộ miền Trung với vận tốc 13 km một giờ và sức gió 139 km một giờ.
Số lượng tàu thuyền đang tìm nơi trú bão an toàn và chưa liên lạc được
- Thanh Hoá còn 148 tàu (1.114 người) hiện hoạt động ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ và Quảng Ninh. - Thừa Thiên Huế: 4 tàu (39 người) cách bờ biển Thừa Thiên Huế 30 đến 40 hải lý. - Quảng Bình: 143 tàu (1.001 người) chưa về bến địa phương, đang hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ. - Quảng Trị: 4 tàu (36 người) chưa về bến địa phương, trong đó có 5 tàu đánh cá xa bờ (47 người). - Đà Nẵng: 144 tàu (1.534 người) hoạt động ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa và Nam vịnh Bắc Bộ. - Quảng Nam: 01 tàu Qna 91828 TS (21 người) đang trên đường về thì mất liên lạc - Quảng Ngãi: 52 phương tiện (927 người) chưa về bến địa phương - Bình Định: 31 tàu (400 người) đang hoạt động trên biển, chưa liên lạc được. - Phú Yên: 24 tàu (216 người) hoạt động trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đang trên đường vào bờ trú bão. - Khánh Hoà: 55 tàu (535 người) chưa liên lạc được. - Bình Thuận: 12 tàu (112 người) - Vũng Tàu: 43 tàu (423 người) - Ninh Thuận: 4 tàu (40 người) đang hoạt động tại khu vực ven biển phía Nam.
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi Fire_VS_Ice: Sep 29 2006, 08:43 PM