Thằng bé – khoác chiếc áo mỏng manh lôi thôi cũ kỹ trong một chiều gió
hanh hanh thổi về từ thung lũng, đứng gần cái sân khấu nhỏ sang trọng
nơi quảng trường, đôi mắt lim dim nhìn về phía trước……vô định, ráo hoảnh,
đôi mày nhíu lại, da mặt như căng ra, tay liên tục kéo đàn, cây đàn cũng
quá cũ kỹ. Bản nhạc đượm chút buồn cô quạnh réo rắt từng giai điệu, rất
hay, rất tuyệt…âm thanh dội vào tường, âm thanh tan ra khoảng không
gian rộng lớn, âm thanh dội vào cảm nhận của người nghe…văng vẳng trầm
ưu….xốn xang…….
Thằng bé chắc chỉ 12 tuổi, mái tóc hạt dẻ được vuốt rất cẩu thả, gió luồn
qua xới rối tung chẳng còn đường ngôi rõ rệt. Vẫn say mê kéo đàn giữa
quảng trường đông người qua lại, chẳng ai để tâm, nhưng thằng bé vẫn
điềm nhiên kéo đàn. Thỉnh thoảng một vài du khách dừng chân lắng nghe,
gật gù rồi thẩy vào chiếc khay dưới chân thằng bé một vài đồng euro và
quay lưng đi. Đồng tiền rơi xuống tạo tiếng động khô khan, chát chúa, mỗi
lần như thế, thằng bé lại nghiêng người như thay lời cảm ơn, rồi vẫn tiếp tục
chơi đàn….những giai điệu du dương…..
Buổi chiều cứ chầm chậm trôi đi, cái ráng đỏ của hoàng hôn dần lướt qua
càng lúc càng thẫm màu….
.......... ..........................
Con bé – xinh xắn, đầu cột chiếc nơ màu trắng, váy trắng, giày trắng, yểu
điệu bước xuống từ chiếc Mes bóng lộn, gã tài xế trịnh trọng mở cửa xe,
nghiêng người đưa tay cho con bé vịn lên bước ra. Gã tài xế cẩn thận cúi
người cầm theo một cây đàn violin được bọc trong một bao nhung rất sang
trọng đi ngay sau con bé. Con bé hất mái tóc vàng nâu óng ánh được chải
chuốt rất cẩn thận và kết nơ trông rất kiêu sa, tiến về hướng thằng bé…….,
mà không, con bé hướng về phía cái sân khấu sang trọng người ta đã thiết
kế riêng cho con bé mấy ngày qua giữa quảng trường, nơi đây, đang tập
trung khá đông người…..
Con bé đưa mắt nhìn về phía thằng bé, nhăn mặt bĩu môi ra điều khó chịu
và kéo tay gã tài xế nói gì đó…. Lập tức ngay sau khi con bé yên vị trên
chiếc ghế sang trọng đặt gần sân khấu, gã tài xế đã xăm xăm tiến về phía
thằng bé, bằng một động tác hết sức thô bạo, gã dằn cây đàn ra khỏi tay
thằng bé và ném vào tường, hất đổ tung chiếc khay đựng tiền khiến những
đồng tiền lăn lông lốc khắp nơi, tiếng bợp tai khô khốc…. “đã bảo bao lần,
cấm mày chơi đàn nơi này…”
Và tôi sững sờ trước cảnh tượng mình nhìn thấy, vẻ hoảng loạn của thằng
bé sau cái hất tay thô bạo của gã tài xế, thằng bé ngã nhào, bàn tay quờ
quạng hấp tấp lần mò về hướng cây đàn, nó đã bị vỡ, gương mặt thằng bé
đau đớn, đôi mắt…….vâng, đôi mắt vô hồn, thằng bé ôm cứng những mảnh
vỡ của cây đàn…bàn tay ve vuốt những mảnh vỡ còn lại……và bật khóc. Bất
nhẫn quá, bây giờ tôi mới nhận ra…thằng bé bị mù!. Thằng bé một tay ôm
cây đàn vỡ, một tay rút cây gậy dành cho người mù từ trong người chầm
chậm dò từng bước đi xa dần, đôi vai gầy nhỏ vẫn rung lên sau làn áo
mỏng……..
Trên sân khấu tráng lệ nơi đây, tôi nhìn thấy ánh mắt hả hê của con bé,
cười ngạo mạn thích thú, bàn tay nõn nà trắng muốt của con bé cầm lấy cây
đàn bóng lưỡng đẹp và quý phái, con bé nhìn về phía tôi “Cô ơi, nghe em
đàn nhé, học trò của cô không làm cô thất vọng đâu!”
Không! Tôi không thể tiếp tục đứng lại nơi sân khấu tráng lệ ấy thêm một
giây, tôi không thể nhìn con bé xinh xắn kia chơi đàn thêm một giây, dù tôi
biết tiếng đàn của con bé rất điêu luyện. Âm thanh của tiếng đàn giờ đây
nghe sao chát chúa, ác độc, thể hiện sự hả hê độc chiếm, thể hiện sự kiêu
ngạo và tàn nhẫn, nó không còn hay nữa, ít ra là đối với tôi!
Tôi đã dạy em đàn, nhưng tôi đã quên không truyền cho em tấm lòng người
nghệ sĩ biết bao dung và biết sẻ chia. Ngày mai, tôi sẽ không dạy em
những giai điệu mới, điều em cần học là bài học làm người! Vâng, đúng vậy!
............................................................
Chợ đời_chân lý đâu hư thật..
Hàng hóa_lương tâm vẫn thiếu thừa