Chỉ khi được đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, người ta mới xúc động nhận ra nhiều bài học quí giá cho cuộc đời: bài học làm người, làm công dân của một quốc gia độc lập, không chỉ để vững bước mỗi ngày trên con đường mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà lớn lao hơn, để phụng sự Tổ quốc mến yêu này...
“Tôi chào Tổ quốc mình và tôi hãnh diện vì điều đó!”, chị Huyền Thanh (Công ty DoNa Biti’s) ở Sài Gòn thức dậy lúc 5g và ngồi xe một tiếng đồng hồ đến Tam Hiệp, Biên Hòa (Đồng Nai) để bước vào hàng cùng gần 300 công nhân viên văn phòng công ty làm lễ chào cờ.
Năm năm rồi, ngày mưa, ngày nắng, những “công dân Biti’s” ở Sài Gòn cũng như Biên Hòa đã biến lễ chào cờ như một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của công ty.
Chuyện chào cờ ở Biti’s bắt đầu từ tinh thần mà tổng giám đốc Vưu Khải Thành nói trong một cuộc họp: “Mỗi con người ở đây, ngoài công việc, ngoài kinh doanh... thì chúng ta còn có một Tổ quốc. Tổ quốc ấy phải luôn luôn được nhắc nhớ và trân trọng!”.
Cách đây rất nhiều năm, những con người trong tập thể Biti’s đã được nhắc nhớ rằng họ không phải là một công ty của quận 6 hay TP.HCM, họ là một công ty VN.
Rất nhiều người biết rằng Biti’s là một công ty tư nhân và tổng giám đốc Vưu Khải Thành là một người Việt gốc Hoa...
Chuyện bắt đầu từ buổi lễ “tôn vinh tinh thần thực học của doanh nhân” do PACE - một trường tư do một thanh niên còn rất trẻ làm giám đốc chuyên dạy về quản lý và kinh doanh tại TP.HCM - tổ chức. Chương trình bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đối tượng của buổi lễ là hơn 500 doanh nghiệp trẻ.
Người dẫn chương trình đề nghị mọi người đứng dậy chào cờ. Từ trong cánh gà, hai thiếu niên trân trọng nâng cao lá cờ Tổ quốc bước ra giữa sân khấu, bài quốc ca được cất lên từ lồng ngực của hơn 500 doanh nhân trẻ.
Sau lễ chào cờ, từ hàng ghế cuối cùng, kỹ sư Phan Công Được, giám đốc một công ty xây dựng thương mại ở quận Tân Phú, phát biểu: “Trước đây chúng tôi chỉ biết cặm cụi làm kiếm tiền..., cho đến một ngày, người ta nói với chúng tôi một điều khác: mai này VN hòa cùng thế giới, rồi những tập đoàn đa quốc gia sẽ đến, họ có nhiều tiền, nhiều lợi thế và những công nghệ mới nhất, nếu doanh nghiệp VN mình tiếp tục cặm cụi kiếm tiền lẻ, tất cả sẽ cùng chết hết. Lần đầu tiên, tôi được học một điều mới nhất: người ta nói đến ý thức trách nhiệm công dân của một quốc gia, doanh nhân, ngoài chuyện kinh doanh, chúng ta còn phải có một tinh thần dân tộc nữa...”.
Sáng nay 18-9-2006, các nhân viên làm việc ở Sacombank đến cơ quan sớm hơn thường lệ để dự lễ chào cờ. Đúng 7g15, ông Võ Văn Đặng, đại diện ban chấp hành công đoàn, báo cáo hoàn tất khâu chuẩn bị và xin khẩu lệnh từ tổng giám đốc. Tổng giám đốc đồng ý bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên từ từ trong tiếng hát quốc ca của gần 200 đại diện tại sân trụ sở Sacombank.
“Đó là một giây phút rất lạ, một tuần mới bắt đầu, một khoảng thời gian để lắng lại lòng mình với hình ảnh cờ Tổ quốc. Không có một sự nhắc nhở hay kêu gọi, mọi bộ phận tự động cử người ra sân chào cờ (sân không đủ lớn để chứa toàn thể CB-CNV). Sau lễ chào cờ nước là lễ thượng cờ Sacombank, thông điệp quan trọng nhất của lãnh đạo ngân hàng là làm sao để mọi nhân viên có thời gian gặp gỡ đầu tuần, cùng nhìn về một hướng với Tổ quốc mình và với cả lá cờ mang tính biểu tượng của Sacombank” - Trần Thị Bình, một nhân viên Sacombank, nói vậy.
Việc chào cờ ở nơi này đã bắt đầu từ tháng 5-2004 tại ba địa điểm: hội sở 278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chi nhánh Tân Bình và sở giao dịch ở Hà Nội. “Những nhân viên mới của Sacombank luôn háo hức chờ đợi buổi chào cờ, còn tôi cảm thấy buổi lễ trong lành và thiêng liêng lắm!” - Bình nói gọn cảm xúc của mình như vậy.
“Phút giây nhắc nhở chính mình”
“Tôi đi Thái Lan và để ý vào đầu tuần, khi chào cờ, họ phát bài quốc ca trên các phương tiện công cộng, những người đi bộ đều phải dừng lại để chào cờ. Còn VN mình tại sao việc đó không thực hiện được? Tại sao chúng ta chỉ bắt trẻ con phải chào cờ trong trường học còn chúng ta, những người lớn, lại không dành cho mình thời gian để nhắc nhở chính mình một ý thức quốc gia?”.
Ông Nguyễn Thành Trí, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Đồng Nai, kể về quyết định để cách đây một năm, nhân ngày Quốc khánh, Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên có qui định mọi cơ quan, công sở phải chào cờ vào mỗi sáng thứ hai.
Cô nhân viên tổng đài Bưu điện Đồng Nai mang danh số 66 kể rằng: Lúc đầu mọi người có vẻ ngần ngại nhưng sau đó mọi thứ quen dần. Và cô nói một cách dung dị về ý nghĩa của hành động chào cờ: “Sau khi đứng nghiêm hát quốc ca trước quốc kỳ, tôi thấy con người mình nhẹ nhõm, dễ chịu khi bắt đầu một tuần mới...”.
Còn với Nguyễn Xuân Hùng, phó giám đốc Công ty du lịch Thanh niên xung phong TP.HCM, lại là một câu chuyện khác: “Trong hầu hết các chương trình ở nước ngoài, chúng tôi luôn vận động mọi người thực hiện một lễ chào cờ ở bất cứ nơi nào có thể, rất nhiều Việt kiều đã tham gia cùng chúng tôi. Tổ quốc đâu có biên giới trong tâm hồn con người... Tôi nghĩ có hàng triệu người sẽ ủng hộ ý tưởng về chào cờ hằng tuần và phải hát quốc ca. Mỗi lần tôi hát lên, có cảm giác đó không phải là con người của mình mà thuộc về Tổ quốc”...