Tối qua, bão mạnh lên cấp 15"Con bò rừng" Cimaron (bão số 7) chiều hôm qua hầu như ít di chuyển. Bị khối không khí lạnh lục địa từ phía bắc khống chế nên Cimaron đang "loay hoay" tìm hướng đi, chỉ quanh quẩn trên biển nhưng lại mạnh lên. Điều này cho thấy đây là một cơn bão có diễn biến hết sức phức tạp, rất khó dự báo.
Từ đêm 31.10, bão chuyển hướng từ hướng tây sang tây bắc và mạnh lên, thể hiện trên ảnh mây vệ tinh từ 7 giờ đến 21 giờ đêm qua, với mắt bão nhìn thấy rất rõ. Việc bão di chuyển rất chậm khiến cho các trung tâm dự báo bão trở nên lúng túng. Không riêng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (VN), mà nhiều trung tâm dự báo có uy tín trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc... cũng không dám dự báo trước quá 2-3 ngày.
Trên mạng cảnh báo thời tiết của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đưa dự báo của Hàn Quốc, cho là bão sẽ đi theo hướng tây bắc trong 24 giờ tới, sau đó đi theo hướng tây (hướng vào khu vực eo biển giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam - Trung Quốc), đến sáng ngày 4.11 bão sẽ cách Hà Nội khoảng 710 km về phía đông, với sức gió mạnh khoảng 133 km/giờ (cấp 12). Cũng trên mạng này, Hồng Kông đưa ra dự báo hướng di chuyển của bão Cimaron tương tự như dự báo của Hàn Quốc. Nhật Bản thì dự báo, từ ngày 2 - 4.11 bão vẫn còn quanh quẩn trên biển, nhưng hướng về phía bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam - Trung Quốc.
Trong khi đó, trên mạng vnbaolut.com, dự báo của Hải quân Mỹ sáng hôm qua cho là bão sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam - Trung Quốc vào ngày 5-6.11 và suy yếu thành áp thấp; nhưng đến chiều cùng ngày thì cho là bão sẽ đổ bộ vào Hồng Kông vào ngày 5.11. Trên mạng này, dự báo của TSR (Đại học Luân Đôn - Anh) cũng cho là bão sẽ vào Hồng Kông.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (VN) lúc 21 giờ 30 đêm qua cho biết: Hồi 19 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc; 116,2 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 610 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (từ 150 - 183 km/giờ), giật trên cấp 15. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 ít di chuyển hoặc di chuyển rất chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được dưới 5 km.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy mắt bão rất rõĐến 19 giờ tối 2.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 115,7 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 520 km về phía đông. Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km.
Đến 16 giờ ngày 3.11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ vĩ bắc; 114,9 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 440 km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300 km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 120 km. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan); vùng biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), có gió bão mạnh cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 15, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Khu bốn cũ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Trên vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa có mưa rào và giông rải rác và có gió mạnh cấp 6, cấp 7; trong cơn giông có gió giật mạnh và có khả năng xảy ra tố lốc.
Với diễn biến mới của cơn bão Cimaron, theo nhận định của một chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ bán đảo Lôi Châu đến Hồng Kông. Cũng có thể bão sẽ đi theo hướng tây vào eo biển giữa bán đảo Lôi Châu với đảo Hải Nam, hướng vào vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên, do hiện đang có khối không khí lạnh tràn xuống và đến ngày 5.11 sẽ có một khối không khí lạnh khác tăng cường, nên dự báo quá 3 ngày khó mà chính xác. Do vậy, khu vực từ Huế trở ra Bắc Bộ không nên lơ là, chủ quan, mà cần đề phòng khả năng xấu có thể xảy ra, nhất là tàu thuyền trên biển cần theo dõi diễn biến mới của bão và liên lạc với đất liền để được hướng dẫn tránh bão an toàn.