(Dân trí) - Giống như tên gọi, Trung tâm nhân đạo Tự Lực hoạt động lặng lẽ suốt 6 năm nay, gom góp những đốm lửa nhỏ sưởi ấm những số phận bất hạnh không may nhiễm chất độc màu da cam. Sáng 11/1, lãnh đạo Quỹ Nhân ái báo Khuyến học & Dân trí đã có buổi tiếp xúc với Giám đốc trung tâm. Thật bất ngờ, đó là một cô gái còn rất trẻ!
Giám đốc Trung tâm, bạn Đào Minh Phương, “lứa” đầu của thế hệ 8X nói rằng cô vô cùng bất ngờ khi được báo Dân trí mời đến trao Quỹ Nhân ái. “Chúng cháu hoạt động âm thầm, hầu như cộng đồng không biết đến nên thực sự cháu rất bất ngờ”, Phương nói chuyện với ông Phạm Huy Hoàn - Giám đốc Quỹ Nhân ái, Tổng Biên tập báo Dân trí.
Trần Tuyên - chàng thanh niên đang chiến đấu với căn bệnh ung thư đã bày tỏ mong muốn sẽ dành toàn bộ nhuận bút (1 triệu đồng) từ bài viết đăng trên báo Dân trí cho các em nhỏ ở Trung tâm nhân đạo Tự Lực.
Nhân dịp này, Quỹ Nhân ái cũng hỗ trợ Trung tâm 2 triệu đồng, cùng với nhuận bút của Tuyên, số tiền gửi đến Tự Lực là 3 triệu đồng để góp phần giúp đỡ các em nhỏ nhiễm chất độc da cam.
Nói về lịch sử ra đời của Trung tâm, Phương kể: Bắt đầu từ năm 2.000, một nhóm sinh viên tình nguyện của một số trường Đại học đã hoạt động tại các trung tâm bảo trợ trẻ em chất độc màu da cam như làng trẻ Hoà Bình.
Được một thời gian, sự gắn bó giữa họ với một số em nhiễm chất độc màu da cam càng khăng khít, việc phải thành lập một trung tâm như là một tất yếu. Và Hội sinh viên Nhân ái ra đời. Sau này, trong quá trình hoạt động xã hội, nhóm bạn trẻ đã được Hiệp hội khoa học công nghệ ứng dụng tin học UIA đỡ đầu, trở thành Trung tâm nhân đạo Tự Lực, có đầy đủ tư cách pháp nhân.
Phương kể rằng, hoạt động của Trung tâm rất lặng lẽ. Điều quan trọng là làm được gì cho những số phận, cảnh đời kém may mắn này. Tiêu chí truyền thông các hoạt động của trung tâm không hề đặt ra. “Nhưng về sau mình thấy chính tư duy này cũng mang lại những bất lợi, như thế sẽ chỉ co cụm, không huy động được lòng nhân ái của cộng đồng”, Phương nói.
Cũng bởi một lý do, Phương “giữ ý”. Ngày càng nhiều tổ chức nhân ái, từ thiện xuất hiện, thậm chí nhiều nơi còn PR các hoạt động bề nổi để giành về sự nổi tiếng. Không phải tổ chức nào cũng trong sáng, đó là một thực tế đau xót trong xã hội. Có lẽ xuất phát từ nhận thức ấy, những hoạt động của Tự Lực càng âm thầm, lặng lẽ hơn. Hiện tại, Tự Lực đang là ngôi nhà chung của 16 em nhiễm chất độc màu da cam.
Tháng 5/2006, Tự Lực lọt vòng chung kết cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam” do World Bank tổ chức thường niên, với dự án: “Thanh thiếu niên chất độc màu da cam lập tổ hợp tự lực ba trong một”. Như Phương giải thích thì “ba trong một” gồm: Tư vấn tâm lý, Hướng nghiệp dạy nghề và Phục hồi chức năng. Dự án này đã đem về 10.000 USD từ World Bank. Phương và các đồng sự vui khôn tả. Số tiền ấy, mọi người có thể thuê nhà khang trang hơn, các em sống đầy đủ điều kiện sinh hoạt hơn…
GS Nguyễn Xuân Hiền, nguyên là Chủ nhiệm khoa Da liễu của Quân y viện 108 giờ cũng sinh hoạt với Tự Lực với tư cách một thành viên. Ông Hiền năm nay đã 86 tuổi, những nhận xét của ông về Tự Lực đã xém làm Phương bật khóc, rằng: “Tôi biết đến các cháu đã 6 năm nay. Và trong ngần ấy năm, tôi thấy các cháu hoàn toàn có động cơ nhân ái hoàn toàn trong sáng. Bản thân tôi cũng viết báo lấy nhuận bút, đóng góp một phần nhỏ nhoi cho các cháu thiếu may mắn ở đây”.
Hiện tại, Tự Lực đang có hai cơ sở: Một tại phòng 106, D3 Trung Tự và một tại Bát Tràng, Gia Lâm. Những em nhỏ được học nghề miễn phí từ các nghệ nhân, đã có thể làm được những đồ thủ công và bán được ra thị trường.