Có những người bước vào và một ngày nào đó lại lặng lẽ bước ra khỏi cuộc sống của cô, có người bước ra một cách bình thản, có người lại bước ra ôm một nỗi day dứt suốt đời cho cả cô và người ấy… Bản nhạc chờ dành cho 3 người trong cuộc đời cô đúng với ý nghĩa "chờ đợi" của nó.
Có 3 con người với 3 vị trí khác nhau đặt chân vào tâm hồn cô theo trình tự thời gian từ thơ ấu đến lúc cô trưởng thành. 3 người đã khiến cho cô có những sự trải nghiệm nhiều hơn về lòng người, để rồi mỗi người ra đi, cô lại chợt nhủ mình một câu "Một cơ hội để hiểu lòng người"
Bản nhạc chờ đầu tiên cô dành cho người đầu tiên đặt chân ra khỏi tâm hồn của cô đó là người mẹ. Bà đã ra đi lúc cô mới lên 3. Kéo dài sự chờ đợi dai dẳng cả cuộc đời của cô, bản nhạc chờ "Mẹ yêu" như da diết, như cứa lòng. Cô chờ đợi một lời giải thích, một câu nói để minh chứng cho những hình ảnh cô chứng kiến lúc ấu thơ trong gia đình cô. Thời gian cứ trôi đi mãi, không một người thân nào nhắc đến hình ảnh người đàn bà đó. Những ký ức còn khắc ghi trong đầu một đứa trẻ nhưng sớm già trước tuổi là dáng người cao lớn, những buổi sáng trời lạnh giá, mưa lâm râm, bà chở cô vắt vẻo trên chiếc xe đạp cọc cạch, sau lưng cô là một ụ bánh mỳ lớn để đi giao cho các chủ hàng. Thỉnh thoảng lại quay sau lưng bảo cô rằng "Bám chắc mẹ vào con nhé, lúc nào đói thì lấy bánh mỳ sau lưng ăn nhé"… Có những hôm tờ mờ sáng, cô mở mắt ra, nhìn quanh chỉ thấy một mình trong căn nhà, bà đã tiếp tục đi gánh rau để mang ra chợ bán.
Lên 2 tuổi, cô đã phải một mình đối diện với bóng đêm. Và rồi một ngày, một ngày u ám nhất đời cô, bà đã buớc chân ra khỏi cuộc đời của cô, chọn cho mình một ngã rẽ của cuộc đời. Cô chỉ còn biết nuốt nước mắt và ôm hận nhìn theo hình ảnh bà khuất xa dần nơi cuối con đường... Và rồi thời gian và những trải nghiệm, đã giúp cô nhận ra rằng bà không có lỗi, có chăng đó là số phận, bà đã hi sinh quá nhiều cho gia đình, và cô đã hiểu vì sao bà ra đi…Cô đặt bản nhạc chờ "Mẹ yêu" thay cho điều muốn nói "Con đã không còn hờn giận, trách móc những chuyện khi xưa, mẹ hãy cứ gọi điện cho con đi, hãy gọi thật nhiều mẹ nhé"…
Bản nhạc chờ thứ hai cô dành cho người đàn ông mà cô thương yêu nhất trong cuộc đời, đó là Ba của cô. Một người đàn ông giàu lòng nhân ái và vị tha, một con người vì nghĩa lớn và theo như tất cả mọi người nhận xét, ông có một "trái tim nhân hậu". Ông dạy cô những bài học lớn về tình yêu, về cách sống nhưng cô không bao giờ chịu nghe, và rồi cứ sau mỗi lần vấp ngã, những bài học đó là sức mạnh để cô bước đi tiếp, để rồi những lúc vấp ngã, cô lại vịn vào đó để đứng dậy đi tiếp. Ông luôn nói với cô rằng "Con là người khiến ba luôn phải suy nghĩ nhiều nhất". Những nỗi buồn của ông về cô đã thuộc về ngày hôm qua, "Yesterday" là bản nhạc chờ cô đặt mỗi khi ông gọi cho cô với lời nhắn nhủ "Những lỗi lầm của con đã thuộc về ngày hôm qua, bản nhạc chờ là sự chờ đợi của con về những bài học ba dạy tiếp, ba hãy cứ dạy con mỗi ngày, nghe ba!”
Bản nhạc chờ thứ ba cô dành cho người đã mang lại tình yêu đầu đời cho cô, người đàn ông mà cô đã khổ sở suốt 3 năm trời để quên đi tình yêu đó, tình yêu tuyệt vọng và không lối thóat. Bản nhạc chờ "Dĩ vãng cuộc tình" được cô đặt cứ lẳng lặng vang lên, để chờ đợi một tiếng gọi thân thương của người ấy, kể từ khi người ấy ra đi, để lại cho cô một nỗi buồn sâu lắng, một vết hằn và một cuộc sống day dứt không bao giờ được bình thản. Và sau những thất bại đó, cô nhận ra được bài học lớn trong tình yêu đó là: "Đừng làm tổn thương đến người khác".
Những bản nhạc chờ là những khúc hòa tấu, nó như con thuyền chở đầy ắp những điều cô muốn nói, những điều cô mong mỏi và những ước mơ trong cuộc đời đến với mọi người xung quanh cô, để trong những giây phút bận rộn của cuộc sống, họ chợt nhớ đến cô khi nghe những bản nhạc chờ.
Đây có thể là câu chuyện của riêng tôi, của bạn, hay của bất cứ ai trong cuộc sống muôn màu này. Hãy dành cho mỗi người bạn thương yêu một bản nhạc, để mỗi khi gọi tới, họ sẽ nghe được những lời bạn ấp ủ. Hãy tận dụng những giây phút quý giá trong những khoảng lặng của cuộc sống để cùng dành ra một phút lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình.