Sướng khổ là những tình cảm mật thiết của cuộc sống con người, tuy nhiên cũng rất khó mà định nghĩa cho chính xác. Theo các triết gia trường phái bi quan thì chi có sự đau khổ là đích thực, còn sướng chỉ là chấm dứt đau khổ mà thôi. Họ định nghĩa: sướng là hết đau khổ. Họ đưa thí dụ: ta đang mang một đôi giầy chật làm ta đau chân; ta cảm thấy thoải mái, sung sướng biết bao khi ta cởi giầy ra! Chỉ đơn giản như vậy! Và cũng hợp lý lắm đấy chứ! Trường phái lạc quan không chấp nhận giải thích này. Theo họ, sướng khổ đều là những cảm nhận có thực, tích cực, chứ không phải cái nọ là sự chấm dứt của cái kia. Theo các triết gia thuộc phái trung dung thì khó có thể định nghĩa chính xác được đau khổ hoặc sung sướng một cách chung chung, phổ quát, để cho tất cả mọi người cùng chấp nhận vì mỗi người tùy theo quan niệm sống, có những cảm nhận về sướng khổ khác nhau. Có những cái sướng vật chất, có những cái sướng tinh thần, có cái sướng vị kỷ, có cái sướng vị tha. Đau khổ cũng vậy.
Hình như, với nếp sống thiên về vật chất, ngày nay, hạnh phúc hay đau khổ của con người chỉ xoay quanh hai vấn đề chính yếu và thiết thực nhất là tiền tài và danh vọng; còn bất cứ loại sướng khổ nào khác đều là phụ thuộc. Với cuộc sống buông thả, tự do, phóng túng ngày nay, tầm quan trọng của tình yêu bị giảm thiểu tối đa. Ít người còn đau khổ vì yêu. Chuyện thất tình, trở ngại, khắc khoải vì tình, nếu có còn, thì cường độ cũng đã giảm nhiều. Đau khổ vì tình chỉ là một hoàn cảnh không thực tế. Tiền tài, danh vọng trở nên những mục tiêu, cứu cánh, duy nhất của con người. Có tiền tài là có hạnh phúc. Có danh vọng là sung sướng. Người ta thường nghĩ và tin như vậy. Đối với một số người đơn sơ, họ thường nghĩ rằng, phải chi họ trúng số, mọi vấn để khúc mắc của cuộc sống sẽ được giải quyết suông sẻ ngày. Tiền bạc có một sức mạnh vạn năng làm thay đổi đời sống một cách toàn diện. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi việc không dễ dàng như vậy. Những người kiếm tiền như rác, những tài tử, màn bạc, những nghệ sĩ tài ba, những thể tháo gia nổi tiếng, thuộc thành phần những người kiếm rất nhiều tiền, trong thời đại chúng ta, nhưng họ có hạnh phúc hay không lại là chuyện khác. Đạt được tột đỉnh danh vọng, chưa chắc đã an vui. Nhìn đời tư của những ông hoàng, bà chúa, những vị quyền cao, chức trọng, những chính trị gia thời nay, không ai có thể tin rằng họ đang sung sướng!
Lý luận như thế này thì hình như hạnh phúc là không tưởng? Tiền tài, danh vọng, không đem lại hạnh phúc thì hạnh phúc là cái gì? Làm sao để đạt được hạnh phúc? Hạnh phúc có hay không?