hồ tĩnh tâm

   Trong: Bàn luận
 

nhân đọc bài của GS.Tương Lai trên blogs Phan Chí Thắng HTT viết về việc học đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh.


TAYLORSHUBBY

Entry này nguyên là một comments hotinhtam viết gởi Phan Chí Thắng, khi đọc một bài viết về việc "Không nên cọng thêm cho Hồ Chí Minh..." của GS.Tương Lai. Sau đó vào blogs của mình, trong entry giới thiệu một bài thơ và ba ca khúc hotinhtam viết về Bác Hồ kính yêu nhân ngày 19 tháng 5, hotinhtam đã nhận được comments của anh Khải Nguyên, yêu cầu giới thiệu các comments hotinhtam gởi cho Phan Chí Thắng, như là một entry trên trang chính. Tôn trọng ý kiến của anh Khải Nguyên, hotinhtam xin giới thiệu lại comments đã gởi cho anh Phan Chí Thắng, trên tinh thần có bổ sung thêm thành một entry cho trang chính thức của mình trên vnweblogs.com.
 
Ho*k ??? .....
 
 
VỀ VIỆC HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.
 
Chào anh Thắng!
Tôi đã đọc liền một mạch bài viết khá dài của GS.Tương Lai, bàn về phương pháp luận nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một bài viết được, có những ý tưởng được, giúp chúng ta thấy được nhiều vấn đề, trong qúa trình diễn ra cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Ho Chi MinhKhông hiểu tại sao tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một câu của GS.Menxten(Nga), nhận xét về Hồ Chí Minh vào năm 1924 (xin nói rõ là tôi đọc được câu này vào năm tôi đang học lớp 9, tại Trường cấp 3 Quỳnh Lưu 2- sơ tán ở Quỳnh Ngọc). Câu ấy đại khái thế này: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đang toát ra một cái gì đó, không phải là văn hóa phương Đông, cũng không phải  là văn hóa phương Tây, mà đó là văn hóa Tương lai”. Có lẽ điều nhận xét này của Menxten, chúng ta không cần phải bàn cãi nữa. Chính ông Tương Lai cũng dẫn ra hình ảnh Hồ Chí Minh ngắt một bông hồng trong vườn Phủ Chủ tịch, tặng một người phụ nữ Pháp, rồi lại dẫn ra hình ảnh Hồ Chí Minh nâng chén nước chè xanh, uống với những người nông dân, nhằm chứng minh sự hòa nhuyễn hai nền văn hóa khác nhau trong Hồ Chí Minh. Chi tiết tiết dẫn ra này của ông Tương Lai, khiến tôi nhớ lại những cuộc viếng thăm Hồ Chí Minh trong tù của bà vợ ông toàn quyền Anh tại Hồng Kông. Luật hình chỉ cho phép gặp gỡ trong 15 phút. Vậy thì trong 15 phút ấy, Hồ Chí Minh đã nói gì, mà có thể chinh phục được một bà mệnh hệ phu nhân thuộc dòng dõi quý tộc Anh, khiến bà ấy phải nói chồng cắm cờ Toàn quyền Anh lên tàu, đưa Hồ Chí Minh ra tận hải phận quốc tế an toàn? Tất nhiên, đó phải là sự tài hoa rất Tây phương của  Hồ Chí Minh . Còn chất Đông phương ở Hồ Chí Minh, thiết tưởng tôi không cần phải dẫn thêm ra ở đây nữa. Đó chính là sức mạnh chinh phục của Hồ Chí Minh, với  rất nhiều giai tầng khác nhau, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở thế giới.
 
Xuất phát từ những dẫn luận đó, tôi đồng ý với ông Tương Lai, khi vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta trước hết phải học tập những đức tính trong con người hành động của Hồ Chí Minh, chứ không nhất thiết bất cứ điều gì thuộc về Hồ Chí Minh, cũng cứ phải tìm cách thần thánh hóa lên thành hệ thống lý luận, tư tưởng luận của Hồ Chí Minh về Cách mạng, về quốc gia dân tộc- điều mà chính Hồ Chí Minh cũng không thừa nhận, không tự cho mình là nhà tư tưởng, mà chỉ tự nhận là học trò của Các Mác và Lê Nin.
 
Thưa anh, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta, là quá tốn kém và không có hiệu quả. Tôi sẽ không dám bàn sâu về vấn đề này, vì sợ phải đụng đến những vấn đề rất phức tạp trong nhận thức. Nhưng những điều mà chúng ta nhìn thấy, đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội, quả là rất khó giúp chúng ta thuyết phục được được mọi người tin theo. Ý thức hệ là do giai cấp cầm quyền đặt ra, để bảo vệ vị trí cầm quyền của nó. Điều đó cho thấy, chính trị là biểu hiện tập trung cao nhất các lợi ích kinh tế của giai cấp. Đảng **** của chúng ta là Đảng của giai cấp công nhân, tức nhiên Đảng phải xuất phát từ các quyền lợi kinh tế của giai cấp công nhân. Song nước ta lại là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, đại đa số 90% dân cư là nông dân (trước 1945), còn giai cấp công nhân thì rất èo uột, cho nên có một thời chúng ta đã coi bần cố nông là thành phần cơ bản, thành phần sức mạnh của Cách mạng. Chúng ta đã vùng lên đánh đổ giai cấp địa chủ ở nông thôn một cách quyết liệt đến mức sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta đã tập trung tiêu diệt giai cấp tư sản cũng quyết liệt và sai lầm không kém. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, mà rõ ràng người chịu trách nhiệm cao nhất là Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh cũng đã tự kiểm điểm nghiêm khắc về điều này, đã đứng ra xin lỗi trước quốc dân. Bởi vậy, trước sự bùng nổ của thông tin toàn cầu, chúng ta không thể không đề cập đến vấn đề này, trong việc tuyên truyền và giáo dục toàn dân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
 
Tới đây, một lần nữa tôi thống nhất với ông Tương Lai, rằng chúng ta không nên biến con người rất Người của Hố Chí Minh, thành con người huyền thoại, con người thần thánh, mà hãy để toàn dân thấy rằng, Hồ Chí Minh với dân tộc này là Bác Hồ. Hồ Chí Minh là con người của hành động, tất nhiên cũng giống các tiền nhân trong lịch sử, không thể không mắc những khuyết điểm nhất định- mà theo tôi là cũng không nên đổ thừa cho hoàn cảnh lịch sử. Con người dũng cảm, con người tranh đấu cho lợi ích của dân tộc và quốc gia trong Hồ Chí Minh, là con người của sự vươn tới, con người của đổi mới, không và không hề bao giờ là con người của sự rập khuôn máy móc.
 
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là học tập đạo đức và tác phong làm việc của con người Hồ Chí Minh. Học tập ý chí kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, cho hòa bình và thống nhất nước nhà của Hồ Chí Minh. Và bởi vì chính điều này, chúng ta cần cho người dân thấy và hiểu đúng con người thật, con người bản năng, con người lãnh tụ của Hồ Chí Minh.
                                  
Gần đây báo chí Trung Quốc đã công bố nhiều sự kiện về cuộc đời hoạt động Cách mạng của Hồ Chí Minh thời kì ở Trung Quốc. Thông tin mạng, mà đặc biệt thông tin mạng trên blogs, là bộ phận rất nhạy cảm. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào, trong cuộc vận động học tập rất lớn này?! Có lẽ cách tốt nhất, là chúng ta nên bình thường hóa nhận thức về một con người kiệt suất thật sự của thời đại, cũng trước hết là một con người như tất cả mọi con người, nhưng con người đó  là con Người Hồ Chí Minh.
 
Thưa anh Thắng.
bac hoBiết anh cũng là một blogger rất xông xáo trên nhiều lĩnh vực ngóc ngách của cuộc đời, khi thấy anh post bài viết của GS.Tương Lai lên blogs của anh, tôi hiểu là anh muốn gởi thông điệp đến bạn đọc về vần đề gì; và tôi đoan chắc rằng, anh cũng có đọc một entry trong blogs của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong đó có nói đến đời sống riêng tư rất đời thường  của Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ một người luôn năng động và xông xáo như anh, chắc anh đã biết được rất nhiều những thông tin về con người và cuộc đời của Hồ Chí Minh. Đến đây, tôi phải xin thưa thêm với anh rằng, khi chúng ta nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, thì chúng ta chỉ gọi Người là Hồ Chí Minh, chứ không nên gọi là Bác Hồ hay gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Chức vị có nhiệm kì, tuổi tác có thời gian, những tư tưởng vĩ đại thì tồn tại mãi.
 
Hiện tại, nhiều cá nhân, nhiều thế lực thù địch đang tìm cách hạ bệ “thần tượng Hồ Chí Minh”. Khi viết là “thần tượng Hồ Chí Minh”, dù là với mục đích hạ bệ, chính họ cũng đã phải công nhận tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến của Hồ Chí Minh cho nhân loại, cho lịch sử. Nhưng ít nhiều, họ cũng đã tác động khá mạnh đến một bộ phận công dân Việt biết đọc tiếng Việt, biết lên mạng sục sạo thông tin mỗi ngày. Con người Hồ Chí Minh trong thời đại bùng nổ thông tin này, đã hiện ra dưới nhiều góc cạnh khác nhau, người đọc không có bản lĩnh chính trị nhất định, rất dễ dẫn đến những nhận thức khác nhau về Hồ Chí Minh. Rõ ràng là chúng ta không thể, và thực sự là không thể, ngăn chặn được những thông tin đang bùng phát rất mạnh trên mạng internet toàn cầu. Chính vì lẽ đó, có lẽ chúng ta, nói như GS.Tương Lai, không nên cọng thêm vào cho Hồ Chí Minh những huyền thoại về một bậc vĩ nhân “siêu Thánh”, mà nên để cho mọi công dân nước Việt thấy rằng, lãnh tụ kính yêu của mình, đằng sau con người của công việc, con người của Cách mạng, cũng là một con người rất Người, như chính đồng bào của Người.
 
Trở lại ý kiến của những người cho rằng việc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta là quá tốn kém và không có hiệu quả, tôi nghĩ rằng, không có bất cứ một công việc nào toàn hảo, mà đều có những mặt trái của nó. Nếu song song với cuộc vận động này, mà chúng ta không vận động có hiệu quả việc chống tệ ****, chống tệ quan liêu, còn để xãy ra những vấn đề mà tự thân nó, người dân ai cũng biết, thuộc về những trọng án cần giải quyết triệt để bằng “chính luật”, chúng ta rất khó tạo được niềm tin đạo đức ở dân chúng.
 
Ho Chi MinhTôi nhớ các cuộc Cách mạng- mà Tổng bí thư Lê Duẫn lúc đương thời từng nói là “đại Cách mạng”- của Trung Quốc, như Cách mạng Văn hóa, Cách mạng Đại Nông trang ở nông thôn… họ đã làm được những gì, để tư tưởng của Mao Trạch Đông trở thành “Trước tác” bỏ túi áo ngực, của mỗi một người dân, trên đất nước chiếm một phần năm dân số thế giới này. Có lẽ là người luôn quan tâm tới thời cuộc, thì anh cũng đã biết rất rõ. Chim sẻ chết như ngã rạ, tất nhiên chuột phải sinh đàn sinh đống; ấy là tôi không muốn nhắc tới chuyện xãy ra ở quãng trường Thiên An Môn và sau này là pháp luân công. Trong bài viết của mình, ông Tương Lai có nhắc đến tư tưởng hòa bình luôn thường trực trong Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh không bao giờ coi vấn đề giải quyết vấn đề hòa bình bằng họng súng, mặc dù dân tộc này(Việt Nam) luôn phải đứng lên bảo vệ hòa bình bằng bạo lực của họng súng. Vua Thái Lan từng nói với một quan chức Chính phủ của chúng ta rằng: “Các ngài tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc lớn, còn chúng tôi thì tự hào vì không phải đánh với một đế quốc lớn nào”. Tôi nhắc câu nói này, tuy nhiên tôi vẫn đánh giá rất cao, giá trị cách mạng, của hai cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta; mặc dù tôi hiểu, cái giá mà chúng ta phải trả là quá đắt, cho độc lập tự do, cho hòa bình thống nhất của chúng ta.
 
Thưa anh Thắng!
Nếu chúng ta không giải quyết triệt để những cái được gọi là gốc rễ, khi kiến tạo mặt bằng hạ tầng cơ sở của chúng ta, tức nền kinh tế vĩ mô và vi mô của chúng ta, liệu chúng ta sẽ vận động người dân tin tưởng vào điều gì, khi mà **** tham ô xãy ra tràn lan, một cách dường như có vẻ được bảo kê từ những thế lực nào đó.
 
Tuổi trẻ của chúng ta từng được coi là tuổi trẻ “thế hệ Hồ Chí Minh”. Chúng ta có quyền tự hào về việc chúng ta đã góp phần nào đó, cùng với đồng bào của mình, chiến đấu cho lý tưởng tốt đẹp mà Hồ Chí Minh đã đặt ra, đã lãnh đạo cả dân tộc chiến đấu hết mình cho lý tưởng đó. Dù không và không hề bao giờ muốn, nhưng rõ ràng, lịch sử của dân tộc chúng ta, trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã phải buộc viết nên bằng máu và nước mắt, của những cuộc chiến tranh giải phóng. Thế hệ trẻ thời đại @ hôm nay, cần phải được học về đạo đức cách mạng, trên một nền tảng giáo lý(nếu có thể gọi như thế) về đạo đức Cách mạng, khác với thế hệ chúng ta chứ. Lịch sử là vận động, vậy thì mọi giá trị lý luận, tất yếu cũng phải vận động theo đó để tự hoàn chỉnh, tự đáp ứng thích nghi với nhận thức của thời đại. Mọi giá trị triết học, kể cả của Đức Phật cũng như của Jesu Chrit, cũng không thể là bất biến mà tồn tại được. Khi con người đã khám phá ra thế giới Hạt và thế giới phản Hạt, tất nhiên cũng sẽ có những tư tưởng mới, phản lại tư tưởng cũ(như ông Trần Mạnh Hảo đã bàn về thơ và phản thơ); như vậy, việc học tập tư tưởng Hồ Chí , phải được đặt ra trên một bình diện hoàn toàn mới, khi mà vấn đề hội nhập toàn cầu, đang được đặt ra như là một tất yếu của loài người, trên hành tinh trái đất của chúng  ta.
 
Tôi nhớ những bài học về luân lý đạo đức mà tôi được học từ thời vỡ lòng ở thành phố Vinh, không phải là một cái gì to tát, lớn lao và ghê gớm cả, ngược lại nó rất đời thường, như ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn cơm phải nhớ người trồng lúa(suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân, mà không biết thế nào là cây lúa- Chế Lan Viên). Ở lứa tuổi chúng tôi lúc đó(xin phép anh Thắng, tôi lại phải nhắc tới bốn câu thơ của ông Nguyễn Duy mà tôi rất thích: “Thế hệ chúng tôi những đứa bé chăn trâu, đầu tóc vặn củ khoai củ sắn, thầy giáo dạy nước mình giàu lắm, lớp lớp trẻ con  cứ thế học thuộc bài), chúng tôi làm sao hiểu được thế nào là chủ nghĩa xã hội; bởi vậy chúng tôi tiếp thu nền tảng giáo dục đạo đức luân lý từ 5 lời dạy của Bác Hồ(yêu tổ quốc yêu đồng bào, học tập tốt lao động tốt, đoàn kết tốt kỉ luật tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt, khiêm tốn thật thà dũng cảm) rất đơn giản, qua các bài học về những con người cụ thể, trong đó có con người sinh động, con người hành động Hồ Chí Minh. Từ đó tôi suy ra, chúng ta nên vận động học tập tư tưởng đạo đức Cách mạng của Hồ Chí Minh, từ những bài học cụ thể của con người sống để làm Người, chứ không phải từ những hệ thống lý thuyết(sẽ xám màu theo thời gian, nói như Gớt) quá ư là lớn lao- nhất là đối với thế hệ trẻ.
 
Thưa anh Phan Chí Thắng.
Bài viết của tôi cũng đã dài, cũng là xuất phát từ việc đọc một bài viết của GS.Tương Lai, mà anh cho đăng tải trên blogs của anh. Tất nhiên tôi không hề nghĩ là tôi sẽ viết thành một bài viết, về một vấn đề quá lớn, đến mức phải vận động trong cả nước, thành một cuộc vận động lớn, do cả một hệ thống tổ chức lớn đứng ra tổ chức, chỉ đạo. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, Hồ Chí Minh trước sau như một là một con người, nhưng đó là con người của Cách mạng, con người của dân tộc và dân sinh, con người của hành động, hãy để cho chúng ta học tập đạo đức Hồ Chí Minh, từ những bài học sống để làm Người của Người và của mọi con người đang sống để làm Người.
 
Cám ơn anh đã chọn giới thiệu bài viết của GS.Tương Lai, vào đúng thời điểm mà bài viết ấy cần phải được giới thiệu thật rộng rải!
 
HTT

Ho Chi Mihn Ho Chi MihnBac Ho

Chào anh Hồ Tịnh Tâm

lebaduong
Tôi thật sự thán phục và kính trọng anh nhiều hơn qua bài viết này. Một bài viết thấu đáo nhờ sự hiểu biết SÂU và SĂC của anh với một con người, rất người là HỒ CHÍ MINH.
Tôi chưa một lần được gặp Bác, nhưng kỷ niệm liên quan đến Bác thì rất sâu sắc. Ví như hôm Bác mất, tôi đang cùng phân đội trinh sát địa hình tại cao điểm 544... được lệnh ngừng bắn, đêm đó lần đầu tiên treo võng nằm trên miệng hầm ngay sườn dốc cao điểm, tôi khóc và trong nước mắt viết mấy câu dặn lòng:

Đung đưa võng mắc lưng sườn dốc
Đêm về gió núi lạnh tái tê
Nằm nghe suối đổ như triều dậy
Vẫn ấm lòng con bóng Bác về


Sau này tôi còn một bài viết liên quan, chắc chắn tôi sẽ post lên trang trong những ngày gần đây
Một lần nữa cám ơn anh

Gởi anh Lê Bá Dương.

hotinhtam
hotinhtam

HTT rất cám ơn anh Lê Bá Dương đã kể và gởi cho HTT bốn câu thơ anh viết trong một đêm mưa ở chiến trường khi nghe tin Bác Hồ kính yêu của chúng ta qua đời.
Anh Lê Bá Dương ạ, nếu anh cứ thủng thẳng mỗi ngày một ít, gõ lại những hồi ức về những năm tháng chiến trường, chắc chắn sau một năm anh sẽ có được một tác phẩm dày dặn để đời
Theo HTT thì anh nên mở trong blogs của anh một categori(chủ đề) với tên HỒI ỨC LÊ BÁ DƯƠNG. Sau đó, hễ cứ rảnh lúc nào thì anh gõ lại dần dần những kí ức xưa, rồi post lên. Coi như categori này là cuốn nhật kí cuộc đời, là tập bản thảo cuốn Hồi kí chiến trường của anh. Cứ sau vài tháng thì anh chép ra để rà xét và chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh. Điều này có lợi là anh sẽ thu thập được ý kiến đóng góp của bạn bè, và biết đâu những đồng đội còn sống đọc được, họ sẽ góp phần bổ sung tư liệu cho anh. Bao giờ thấy đủ cho một tập sách(vì có thể sẽ dài tới vài tập) thì anh in ra để nạp bản thảo xin giấy phép xuất bản.
À, HTT thấy cái hình trên báo Tiền Phong đăng tải bài viết về tiểu đội của anh và chân dung lính trận của anh, thật là quý phải không anh. HTT cũng có xem hình anh chụp ở Quảng Trị với bạn bè trong blogs của Trần Bình và Đức Tiên đấy- cả những tấm hình anh chụp cháu Hồng Ngọc rồi gia công sửa chữa và đề thơ tặng cháu.
Tất cả là cuộc đời phải không anh. Anh nên ghi chép lại dần đi là vừa. Thời gian không cho phép chúng ta chần chừ đâu.
Chúc anh vui khỏe và làm được nhiều việc tốt!

gửi nhà văn hotinhtam

bulaba
Cảm ơn nhà văn Hồ Tĩnh tâm đã vào thăm và cho góp ý chân tình.
Lâu không gặp, anh vẫn khỏe đấy chứ?
Anh em Thanh Hóa vẫn khỏe và viết đều.
Chúc nhà văn mạnhkhỏe và viết hăng hơn nữa!
Bulaba.

Chào anh Hồ Tịnh Tâm

lebaduong
Cám ơn anh đã chia sẻ và hướng dẫn. Thực ra những gì tôi viết ra và công bố rải rác trên các báo, tạp chí đủ in vài cuốn thơ và Ký.
Năm ngoái đứa cháu bảo cho tôi tiền để "chú in thơ chú" nhưng tôi lại chuyển số tiền đó in cuốn thơ của đồng đội (Nhật ký viết bằng văn vần). Hiện tại tôi lưu thành một thư mục riêng trong máy tính và đã cóp ra đĩa CD... Sau này khi xong phần việc với đồng đội, tôi sẽ in . Mấy anh bạn ở Hội nhà văn cũng trách và nhắc tôi sao không chịu đưa bản thảo để in... tôi chỉ cười qua quýt... Lòng nghĩ sẽ chờ dịp sau, khi những gì cho mai này của đồng đội xong xuôi, tôi làm cũng không muộn. Và nếu giữ chừng có mệnh hệ gì thì lũ trẻ nhà tôi và các chú, bác bạn của bố nó sẽ lấy từ thư mục lưu ra in ấn, phát hành... Chuyện này không khó ... Còn chuyện câu chữ của bạn bè đồng đội đã hi sinh nếu tôi mất đi, chắc cũng đành chôn theo

Chào Bùi Lâm Bằng!

Ho Du Du - HTT
Vâng, đúng là hôm qua, tức là cũng lâu rồi, tôi mới vào thăm blogs của lâm Bằng, đọc một số và xem qua hình ảnh chuyến thăm Lào và Thái Lan của anh em văn nghệ Thanh Hóa. Thấy các anh khỏe và đi thực tế sáng tác xa như vậy là mừng lắm. Ở Vĩnh Long thì họa sĩ Hứa Văn Chiến vừa đi Trường Sa về. HTT thì cứ lu bu ba công việc ở trường, chẳng thể đi đâu xa được. Buồn lắm Lâm Bằng ạ. Cái nghiệp văn chương này, muốn đeo đuổi nó là cứ phải đi thật nhiều, sống hết mình thật nhiều, viết mới hay được.
Mỗi lần vào blogs của Lâm Bằng là tự nhiên nhớ tới Thanh Hóa, vùng đất mà tôi đã sống mấy năm ở Hà Trung và Thạch Thành. Có lần tôi đã tâm sự với anh Hồ Văn Thiện về dòng sông Bưởi. Chỗ gần bến Phà Kim Tân cũ(nay chắc đã có cầu rồi nhỉ) có một vườn vải đẹp lắm. Toàn những cây vải cổ thụ, to cao chót vót, bóng rợp cả vùng đất. Có lần tôi với cái Thanh(Thanh quê ở Thạch Bình, Thạch Thành) đã đi bộ lang thang ở đó rất lâu. Tiếc là hồi đó sao lứa thanh niên chúng tôi ngu thế không biết, đi bộ lang thang với người đẹp cả ngày mà chỉ có đi với là đi thôi; chứ như bây giờ mà ở giữa vườn vải đẹp thế thì...
À, mà tôi nhớ dạo đó, tôi rất hay đạp xe từ Kim Tân đi đền Sòng Phố Cát. Ở đó cũng có suối cá thần, toàn là cá chép đỏ to kinh khủng. Ra khỏi Kim Tân vài cây số là gặp dốc Trẩu cao ơi là cao. Cây trẩu vào mùa đông lá đỏ rực, đẹp gì đâu ấy. Bây giờ làm sao mà có tấm hình những cây trẩu đỏ rực ấy nhỉ
Trong tuyển tập truyện ngắn hay về tình yêu do NXB thanh Hóa ấn hành, tôi cũng có một truyện viết về vùng quê Bà Trưng Bà Triệu quê anh đấy. Ngay cả bài viết của tôi trong tập: "HỒI NHỎ CÁC NHÀ VĂN ĐÃ HỌC VĂN NHƯ THẾ NÀO" tôi cũng có nhắc lại việc mảnh đất và con người Thanh Hóa đã góp phần đưa tôi đến với văn học ra làm sao. Nếu Lâm Bằng chịu khó viết từng bài như kiểu bài LỄ HỘI VUA BÀ vừa post lên blogs vừa rồi, chắc chắn bà con Thanh Hóa xa quê sẽ thích lắm.
Thôi, tạm dừng ở đây. Hẹn hôm nào ra Thanh Hóa ăn bánh cuốn nha! Lâm Bằng chuẩn bị cút rượu đi là vừa.

Lê Bá Dương nói khiến HTT thật sự cảm động đấy.

dzu- hotinhtam
Chào anh Lê Bá Dương!
Quả là trên cõi dương thế này cũng hiếm có người tâm huyết với đồng chí đồng đội và với vùng đất Quảng Trị như anh đấy. Đọc lá thư anh gởi trong trang này cho tôi, nghe anh giải bày tâm sự, cứ thấy nao cả lòng dạ, anh Lê Bá Dương ạ. Đúng là càng tiếp xúc với anh, càng thấy thêm ở anh rất nhiều phẩm chất cao quý của con người. Ngay cả khi đọc bài viết của anh em văn nghệ ở Quảng Trị, tôi cũng thấy anh em họ hay nhắc tới anh, trân trọng và xem anh như một người con của quê hương Quảng Trị thật sự.
HTT hy vọng và tin tưởng cuốn NHẬT KÍ BẰNG VĂN VẦN trong lần tái bản tới sẽ dày hơn, đẹp hơn, phong phú hơn, được in với số lượng nhiều hơn!
Cầu chúc sức khỏe cho anh!
Chúc anh luôn thành công trong mọi việc!

Anh HTT!

Khải Nguyên
Thưa anh HTT!
Em chỉ muốn nói một điều, điều ấy đúng như anh Lê bá Dương nhận định: "thật sự thán phục và kính trọng anh nhiều hơn qua bài viết này". Và em thêm một ý: phía bên trong một blogger rất đỗi bình thường với những entry tưởng như chỉ mang những chủ đề đời thường là một con người có một nội hàm "trí", "nhân" đáng nể.
Cảm ơn anh đã cho em dịp để nghĩ, nhìn và đọc anh... khác hơn những gì em đã từng nghĩ, nhìn và đọc anh trước đó.

Cám ơn Khải Nguyên đã trở lại với blogs của HTT!

hotinhtam
hotinhtam

Chào Khải Nguyên!
Cuộc đời vốn dĩ nó là vậy. Phải sống lâu mới hiểu nhau chứ. Nếu chỉ nhìn nhau ở một góc độ nào đó thôi, thì dễ hiểu nhầm nhau và dễ dẫn đến những thiên kiến lệch lạc.
Trong blogs của HTT có nhiều chuyên mục rất khác nhau, nhưng do HTT hay trả lời các comments một cách chu đáo, tình cảm, nhiều người cứ lầm tưởng HTT là con người chỉ biết có ướt át, phải không Khải Nguyên. Nhiều người không biết rằng, HTT rất chịu khó đọc bạn bè, nhất là với những người mới xuất hiện trên blogs, nhưng không lẽ vào đọc ai cũng phải viết comments cả sao. Lấy đâu ra thời gian, Khải Nguyên nhỉ. Mà nếu chỉ viết vài chữ cho chủ nhà biết mình có vào đọc thì HTT không thể làm được. Với những blogs mà HTT mới được ai đó giới thiệu, HTT còn chịu khó đọc cho kì hết các bài của họ cơ đấy. Trong khi đó, hàng ngày HTT vẫn đến trường đi dạy, vẫn thù tiếp với bạn bè ngoài xã hội, và vẫn duy trì cùng lúc tới 7 trang blog trên mạng, mà hầu như tất cả các trang đều hoạt động cả đấy. HTT phải đánh đổi bằng việc thức trắng đêm, còn đâu thời gian mà lang thang nơi này nơi nọ. Có người đọc HTT, cứ tưởng HTT hay lang bạt giang hồ lắm. Đó là trước kia cơ, Khải Nguyên ạ. Từ ngày chơi blog, HTT dẹp hết. Ngay cả công việc viết lách và cộng tác phụ trách chương trình chuyên mục trên báo đài kiếm tiền, HTT cũng bỏ luôn. Bởi vậy mấy năm nay HTT ít xuất hiện trên báo đài lắm. Thời gian bây giờ HTT ưu tiên cho việc chỉnh sửa các tác phẩm cũ và chơi blog mà thôi. Một ngày mà HTT không viết được một hai bài mới cho blog, HTT cứ thấy làm sao ấy.
Sắp hưu rồi nên chơi blog cũng có cái vui, nó giúp tâm hồn trẻ ra nhiều; tuy nhiên đôi lúc cũng mang vạ vào thân. Mới đây thôi, có người vào trang hình ảnh(vài hình ảnh VL trong ngày Phật Đản...) chê HTT chụp ảnh thậm tệ, đến mức HTT không nghĩ là người ấy góp ý nữa, mà là người ấy đang hằn học HTT điều gì đó. HTT đã nói trong entry rằng, đi dạy về rồi vào chùa ăn chay cho biết, tiện thể chụp hình chơi, vậy mà họ góp ý chê dữ dằn gì đâu. Thái độ trân trọng Ngày Phật Đản thì HTT đã có hẳn mấy entry riêng kia mà, còn cái entry ấy chỉ là cho vui.
Thế đấy. Chơi blog là phải chấp nhận!
Nay được Khải Nguyên bày tỏ tình cảm với HTT như thế này, HTT rất cám ơn, bởi hôm nay lại có thêm một người hiểu hơn về HTT.
Chúc Khải Nguyên một ngày mới thật đẹp! Thật vui!

Gửi anh HTT!

Khải Nguyên
Song hành cùng bộ râu quai nón có vẻ dữ dằn kia là đôi mắt rất ngọt và... đa tình. Không thế, làm sao có được những tấm hình chụp mọi lúc, mọi nơi với nhiều chủ đề nữa chứ.
Ở anh, hội tụ rất nhiều "chữ nhiều": râu nhiều, thức khuya nhiều, ăn quá nhiều, viết rất nhiều, chụp ảnh càng nhiều nên gửi ảnh cũng vô cùng lắm!
Nhìn lại chủ đề này, em thấy anh gửi tới 2 tấm hình đen trắng của Bác. Thoáng qua thì như là thừa, nhưng soi lại thì thấy độ tương phản bởi sự sắc nét là khác nhau. Và hình như anh cố ý làm vậy... để tạo "điểm nhấn" cho entry rất kính trọng MỘT CON NGƯỜI !

Gởi Khải Khuyên.

hotinhtam
hotinhtam

Cả đêm qua HTT không làm việc với mạng, nên không vào lại blogs của mình để đọc và trả lời thư comments của bạn bè. Mong Khải Nguyên và bạn bè thông cảm!
Sáng nay khi vào post bài, HTT mới đọc hết từng người đã đến với HTT.
Khải Nguyên ạ, hình Bác Hồ của chúng ta trên mạng rất nhiều, chỉ cần gõ chữ hochiminh là có thể có trong tay hàng loạt, nhưng khuôn khổ một bài viết với bấy nhiêu dung lượng, HTT đưa lên nhiều quá, e rằng bài viết sẽ bị khuất lấp mất.
Khi post entry này, HTT chỉ muốn chọn những tấm hình đen trắng là chính, bởi vì sự nghiệp sáng chói nhất của Bác kính yêu của chúng, là đã thành lập được Đảng **** Việt Nam, cùng với Đảng của mình, lãnh đạo toàn dân vùng lên cướp chính quyền từ tay giặc Nhật, thành lập nên nhà nước liên minh công nông của chúng ta hôm nay.
Lúc ấy, Bác có viết "sáng ra bờ suối tối vào hang", HTT tôn trọng gam màu sáng tối ấy, nên chọn hình đen trắng là chính. Tấm hình màu, HTT đưa vào để ngầm ý nói rằng, Bác luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở với tất cả mọi người, Bác là người chủ trương và tôn trong tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việc đáng tiếc vừa xãy ra với báo Thanh niên, báo Tuổi ttrẻ, với hai nhà thơ nhà báo Việt Hải và Việt Chiến, là một điều vô cùng đáng tiếc. Không cần đề cập đến dư luận trong nước là sự thách thức về đối nội, nhưng còn đối ngoại, chúng ta sẽ trả lời với thế giới thế nào về TỰ DO BÁO CHÍ. Khi đọc entry "Bác Hồ có vợ ở Trung Quốc" trong blogs của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, HTT có thấy anh Tạo nhắc đến chuyện báo Tư nhân, và nói rằng "chẳng lẽ báo Nhà nước sợ báo Tư nhân?". Hội nhập được cả với dư luận mới là điều đáng khâm phục, phải không Khải Nguyên.
Quốc phòng toàn dân là công cuộc phòng thủ quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại, về kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao, khoa học công nghệ,,, và quân sự. Mọi hành động bưng bít che dấu sự thật lịch sử đều là sai lầm, đều là phương hại trầm trọng đến niềm tin lịch sử của nhân dân.

gởi Khải Nguyên tiếp theo

hotinhtam
hotinhtam

Trở lại với entry này, HTT muốn nói rằng, 85% các phương tiện thông tin hải ngoại bằng tiếng Việt là chống Cộng, 10% gió bề nào che bề nấy, chỉ có 5% là đứng về phía chúng ta, cùng chúng ta song hành trên chặng đường thiên lý xây dựng một đất nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", theo đúng nghĩa mà Bác Hồ Kính yêu của chúng ta hằng mong muốn. Vừa rồi, HTT có nhận một loạt e- mail của anh Từ Vũ(Bùi Trấn Tử, người chủ truơng và chỉ đạo tờ Newvietart ở Pháp) phàn nàn về vụ Văn Tuyển lấy bài của Newvietart sử dụng mà không ghi rõ nguồn xuất xứ, điều đó đã khiến HTT đọc lại toàn bộ Văn Tuyển một cách đầy đủ và có hệ thống, khá mất thời gian, nhưng cũng sáng ra nhiều chuyện. Một bộ phận cực đoan đang chống phá chúng ta quyết liệt. Việc vận động học tập tư tưởng HCM hiện này là cực kì cần thiết, nhưng phải có những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn, trên tinh thần phải tôn trọng sự thật "thật sự là sự thật". Khi còn để cho người dân còn bán tin bán nghi điều gì, thì việc thuyết phục họ tin tưởng tuyệt đối vào những điều ta muốn là không dễ chút nào.
Chúc Khải Nguyên một ngày mới thật vui!

Kính bác HTT!

tranbinh
Em vào đọc rất nhiều trang blog và em nhận thấy bác Tâm là một trong những người chơi Blog rất đặc biệt, Hôm nay em dừng lại ở trang này, đọc bài viết về việc học tập tư tưỡng HCM của bác, cảm phục sự kín kẻ và những lập luận rất hay của bác, càng kính trọng và hiểu về bác hơn.....
Cái việc bác tỉ mẩn ngồi gỏ những comment dài để trả lời bạn bè lại là một cái đặc biệt khác, mà bác lại bày vẽ hoặc tranh luận, hoặc góp ý kiến rất chi chân thành nữa kia, điều đó thật đáng quý ở những người lớn tuổi.
Em đọc bác và học được từ các trang văn của bác nhiều điều bổ ích. Cám ơn bác lắm lắm bác Tâm à. Thỉnh thoảng mời bác ghé nhà em nhé!

Kính gửi

Lê Quang Mây

Cảm ơn các vị tiền bối về bài viết sâu sắc này. Thiết nghĩ cái gì cũng phải có căn nguyên gốc rễ của nó. Đức Phật sẽ độ trì cho sức khỏe và trí tuệ của các vị ngày càng hanh thông!
Là người hiểu biết có hạn và tuổi tác cỡ con cháu các vị, tôi chỉ biết nói lời tâm đắc và cảm ơn!

gởi Trần Bình

hotinhtam
hotinhtam

Chào Trần Bình
!
 
Dzu thành thật xin lỗi vì bỏ quên comment của Trần Bình suốt mấy năm nay! Có lẽ do tuổi già hay lẩn thẩn quên trước quên sau. Hôm nay vào entry này đọc lại bài viết của mình, tự nhiên Dzu cứ bâng khuâng nghĩ mãi. Thật ra thì sự vĩ đại lại rất bình thường, cũng như chính sự bình thường là vĩ đại. Bản thân con người được sinh ra đã là cả một sự vĩ đại của tạo hóa, nếu con người vĩ đại đó trở nên đê tiện, xấu xa, hư hỏng, thì chính là do họ đã tự đánh mất sự vĩ đại của mình. Mọi sự tô vẽ đánh bóng, xem ra chính nó đã là giả tạo, làm cho người ta nghi ngờ. Chẳng hạn đôi môi, đôi mắt, đôi má của một thiếu nữ, bản thân nó đã đẹp đến quyến rủ mê lịm, vậy thì cần gì phải son phấn, tô vẽ để làm mất nét đẹp tự nhiên vốn có của nó. Để đánh lừa mọi người về cái xấu, người ta hoặc là che giấu nó đi, hoặc là tìm cách đánh bóng nó, khoác cho nó thứ hào quang giả tạo, khiến người ta từ nghi ngờ đến không tin, và quyết phải tìm ra sự thật bị đánh lừa bởi những trò dối trá. Cục đất có cái đẹp vĩ đại mà viên kim cương không thể có, đó là nó có thể mọc lên cây lúa, cây hoa hồng. Rất nhiều người không thấy được sự vĩ đại thiêng liêng này, bởi người ta thường ngày vẫn dẫm lên nó, mà không hề nghĩ về những gì nó đã dâng tặng lặng thầm cho họ. Hãy ca ngợi sự vĩ đại của đất như là điều mà chúng ta vẫn thấy, như chúng ta vẫn thấy nước, thấy không khí, thấy ánh sáng, và thấy những người mà ta hằng yêu thương. "Tôi yêu em chỉ là vì tôi yêu em", bởi đơn giản em chính là em, chứ không phải là nàng tiên hay thần thánh, là những thứ mà khi hiểu biết tôi tin là hoàn toàn không thể có thật.
 
Xin gởi tới Trần Bình hai câu thơ của Chế Lan Viên:
 
Trời không có thiên thần đất không có thánh nhân
Chỉ có nhân dân là thần là thánh
 
Chúc Trần Bình luôn vui khỏe!
 
alt
 
để nhớ về Gio Hải quê hương
 
alt
 
Trần Bình còn nhớ trưa ấy chứ
 
alt
 
alt
 
alt
 
alt
 
nhớ về Quảng Trị quá thôi

gởi Lê Quang Mây

hotinhtam
hotinhtam

Chào Lê Quang Mây
!
 
Trước hết, tôi cám ơn Lê Quang Mây đã đến với entry này, chịu đọc những gì có ở entry này, và đã bày tỏ ý kiến!
 
Hồi còn là sinh viên ở Cần Thơ, khoảng năm 1979, dù là bộ đội chuyển ngành đi học, hàng tháng có lương, nhưng tôi hầu như ngày nào cũng đói, khiến tôi thấy lo cho những chàng trai cô gái là con em nông dân đang học với tôi. Đôi khi tôi ngồi thần ra và nghĩ, chúng ta vừa chiến thắng, vừa thừa hưởng cả núi vật chất chế độ cũ thua trận để lại, sao chúng ta lại dễ dàng rơi vào cảnh đói kém như vậy. Nam Bộ từng là vựa lúa lớn của thế giới, vậy mà tại sao chúng ta lại phải ăn bo bo. Lỗi ở đâu? Từ đâu? Do đâu? Tôi đến thư viện, đọc lại "Tư bản" của Mác, cố đọc một cách có hệ thống, nhưng tôi vẫn không lý giải được thắc mắc của chính mình. Tôi thấy có vẻ như có điều gì đó không ổn trong chủ trương quá độ đi tắt đến tương lai, và tôi thường phân vân, phải chăng do chúng ta quá nóng vội đốt cháy quy luật phát triển qua tính tất yếu của giai đoạn. Bản thân tôi phải qua giai đoạn trẻ con, qua giai đoạn trưởng thành nhờ ăn học, nhờ lao động, rồi mới lớn lên được chứ. Tôi có thể đi tắt cuộc đời tôi được không? Tôi lớn lên và ảnh hưởng rất nhiều tinh thần thép được tôi luyện của Paven Corsoghin, nhưng tôi biết mình không thể sống giống như hình mẩu Paven được. Paven là Paven. Còn tôi là tôi. Tôi có tổ quốc, có đồng bào, có gia đình và có người yêu, tôi sống cho tất cả những điều thiêng liêng ấy, chứ không cho riêng bất cứ một điều nào. Nhưng mà thật sự tệ hại, khi mà trái tim sôi nổi nhiệt huyết của tôi lại thường bị đập loạn nhịp bởi ánh mắt của cô gái ấy, chứ không chịu nghe theo lý tưởng mà tôi tôn thờ, bắt buộc tôi phải nhớ tới nó hàng ngày. Trong các cuộc họp chi bộ, tôi phải giấu nhẹm điều đó, và tôi biết rất nhiều người cũng giấu nhẹm điều đó như tôi. Tôi và mọi người trong các cuộc họp đều khẳng định quyết tâm thẳng tiến theo lý tưởng của mình, dù rằng thẳng tiến như thế nào thì chính chúng tôi cũng nghi ngờ, không hiểu con đường đó nó như thế nào, và phải đi như thế nào cho đúng. Vậy là cố phân tích mọi vấn đề, và đổ hết lỗi cho chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc quân phiệt, dầu rằng ai cũng tìm mọi cách mua sắm đồ dùng của tư bản. Điều đó khiến một người tự trọng như tôi xấu hỗ. Và vì tất cả điều đó, tôi lại nghĩ về tổ quốc, với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, với Trần Hưng Đạo, Quang Trung, với Bác Hồ kính yêu của toàn dân tộc.

(còn tiếp phía dưới chùm ảnh)

 
alt
 
alt
 
alt
 
alt
 
alt
 
quê hương Quảng Trị yêu dấu của tôi
 

tiếp theo

hotinhtam
Lúc đó thông tin với chúng tôi đến từ các phương tiện truyền thông của nhà nước, nên chúng tôi suy nghĩ và tư duy trên nền tảng những thông tin ấy. Và tôi biết, thông tin càng ít thì tư duy càng đơn giản, mà tư duy càng đơn giản thì càng dễ sống.  Bởi vậy tôi thương và tôi lo cho thế hệ thanh niên bây giờ, trong đó có cả các con và các cháu của tôi. Một thế hệ đang chịu đựng những núi thông tin khổng lồ từ nhiều phía, mà nếu không có bản lĩnh của tri thức khoa học, của ý thức hệ tư tưởng yêu nước, yêu dân, họ rất dễ bị nhấn chìm bởi gánh nặng của nó. Tôi vẫn thường nói về sự chai lì của tư duy, nên tôi rất lo thế hệ trẻ bây giờ lại sa vào đường mòn tư duy của thế hệ chúng tôi, thế hệ mà quyết tâm lớn nhất, là phải xả thân xông lên đánh bại kẻ thù xâm lược. Kẻ thù thời chiến tranh dễ xác định chứ không như kẻ thù thời bây giờ. Nếu thế hệ trẻ thiếu bản lĩnh, không nhận diện được kẻ thù, họ sẽ không trở thành được những chủ nhân tương lai của tổ quốc. Chính vì vậy, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là để giúp thế hệ trẻ nhận diện được kẻ thù của tổ quốc trong hoàn cảnh tổ quốc hôm nay, để họ có thái độ và hành động tốt nhất cho sự phát triển hưng thịnh của tổ quốc, không để bánh xe lịch sử bị kéo chùn trở lại.
 
Tôi chỉ có một ước muốn đơn giản thế thôi.
Hãy học để yêu thương hơn tổ quốc mình! Nhân dân mình! Tương lai của chính mình!
 

alt
 
alt
 
althttp://www.youtube.com/watch?v=sRnWFIpgetw
 
alt
 
alt

rửa mắt nước sông quê
 
alt
 
alt
 
Dzu ở thượng nguồn sông Hiền Lương- tại cầu treo Bến Tắt

 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Tin nhanh

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2024   VnVista.com