hồ tĩnh tâm

   Trong: Truyện Tĩnh Tâm
 


GIAI ĐIỆU THỜI GIAN
Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm



 
Dòng kinh uốn một đường cong mềm như lụa qua bến ô môi, chảy băng qua cánh đồng trống lúc nào cũng ngờm ngợp gió, rồi đổ ra vàm sông lớn. Ngực vàm ưỡn vồng lên, căng phồng nắng gió. Đó là miền của giai điệu thời gian không hề có tuổi.
Khoảng gần vàm sông có một con rạch chảy phăng qua cánh đồng, chạy cắm vào cánh rừng tràm, nơi Tùng đang sống với cây đờn kìm và con khỉ màu nâu vàng. Nó là một con khỉ to lớn, thường kêu khẹc khẹc, hay nhảy nhót, nhưng lại rất hiền. Khỉ và người đều cô độc như cánh rừng cô độc và cánh đồng cô độc. Đồng cô độc bởi nó trầm thủy quanh năm, lúa má trồng loi ngoi, không sây bông mẩy hạt, bởi vậy, dân tình ít ai ghé mắt dòm tới. Thỉnh thoảng cũng có vài người tới móc lỏm, hy vọng gieo xuống một mùa gặt, nhưng rồi họ cũng chán nản, lui xuồng đi kiếm ăn xứ khác. Chỉ có Tùng là trụ lại với cánh rừng mấy héc ta rất dày công sức của mình.
Những lúc buồn vì không có việc gì làm, Tùng vẫn chống xuồng ra vàm sông, ngồi ngó mông ra trời nước. Tàu thuyền chạy nhiều phía bên kia, bởi bên này thường ầm ào sóng lớn. Ngay cả con kinh cũng vậy. Tàu thuyền cũng chạy nhiều phía bên kia,  bởi bên này trống vắng tới lạnh người. Sống riết với nỗi buồn hiu hắt, Tùng không còn nhớ mình đã bao nhiêu tuổi. Anh cần gì phải nhớ năm sinh tháng đẻ của mình. To cao như một con gấu, nhưng lại đen đúa, xộc xệch. Đã vậy, lại trán dồ, mắt trố, râu ria bờm xờm.  Thuở nhỏ người làng vẫn gọi anh là thằng khỉ.
Thằng khỉ học trước quên sau, chật vật leo tới được lớp năm thì bỏ nhà theo gánh xiệc Sơn Đông, sống nghề mãi võ. Gánh xiệc nay đây mai đó. Đi miết, đi miết, không bao giờ dừng lại ở đâu qúa vài ngày. Máu giang hồ lặm vào Tùng tới tận cùng máu thịt. Chỉ tới khi sực nhớ mình đã lớn, đã hai ba lần gãy xương vai, xương chân, Tùng mới lui về cặm sào ở đồng Chó Ngáp.
Một hôm có ông thầy nò đi ngang, dừng lại tá túc qua đêm, thấy Tùng thui thủi một thân một mình, đã tặng cho anh con khỉ để làm bạn. Khỉ và người hiểu nhau từng cung đờn ố, ái, hỉ, nộ; bởi vậy, hai “anh em” bất chấp cả miệng thế vẫn coi họ là hai con khỉ canh rừng.
Khỉ cũng như người chớ có khác gì. Tùng ngồi ăn, nó cũng ngồi ăn. Tùng vô rừng, nó cũng theo vô rừng chuyền cành thoăn thoắt. Lúc Tùng tắm dưới con rạch, nó nhảy nhót trên bờ, lượm từng cục đất chọi vào anh đùa giỡn. Có hôm nó chơi ác, ôm tuốt quần áo của anh chạy về chòi, báo hại Tùng phải tồng ngồng đi trên bờ đắp.
Đã có lần anh bị hố bởi trò chơi ác địa ấy. Lúc về tới nhà, nghe tiếng người lao xao cả giọng nam giọng nữ, Tùng phải lẩn vào trốn trong cánh rừng, vò đầu bứt tóc, lầm bầm nguyền rủa con khỉ gió, khỉ khọt, khỉ độc của mình. Chừng mặt trời lãng đãng, con khỉ mới chịu chạy ra, liệng cho anh cái quần xà lỏn vàng chạch màu phèn. Ba anh cán bộ lớn tuổi biết chuyện, phá ra cười như nắc nẻ. Cô kỹ sư trẻ thì bụm miệng, cười rung cả đôi vai tròn trịa.
Đoàn cán bộ khảo sát sinh thái ở lại với Tùng tơi mười mấy ngày. Họ đang nghiên cứu cải tạo đồng Chó Ngáp thành rừng bảo tồn sinh thái. Hàng ngày, họ thay nhau nhờ Tùng chở đi đây đó bằng chiếc xuồng cũ kỹ của anh. Có hôm chỉ một mình cô kỹ sư trẻ khoác túi máy theo anh. Con khỉ đúng là đồ khỉ gió. Nó biết cô gái là người khác giới, nên quấn quýt dữ lắm. Ngày hôm trước làm quen, ngày hôm sau nó đã nhảy vào lòng cô gái. Một tay ôm lưng cô, một tay vuốt tóc vuốt vai cô. Cô gái không biết vì qúy con khỉ thông minh, nghịch ngợm, hay vì sợ bị nó cào, cứ phải ngồi yên vuốt vuốt lên lưng nó. Khi nào bị nó sờ vào ngực, mới phải nhè nhẹ tìm cách gỡ tay nó ra. Nó bày trò khỉ khọt như vậy, nhưng Tùng không dám la, bởi la thì té ra anh công nhận cái trò khỉ ấy là trò khỉ của con người hay sao. Đời Tùng chưa bao giờ biết mùi phụ nữ, nên anh rất mắc cỡ với sự đụng chạm- cho dù chỉ là sự đụng chạm vô tình vào da thịt phụ nữ. Mà cái con khỉ gió của Tùng, nó cũng chỉ nhảy vào lòng cô kỹ sư, khi nào chỉ có anh với cô lang thang giữa cánh đồng.
Còn tơí bữa cơm, nó chỉ ngồi sau lưng cô gái, thỉnh thoảng thò tay bốc cho cô một trái chuối, hay miếng dưa. Cô cho nó cái kẹo, nó biết bóc ra, bỏ vào mồm, nhảy lên vì kèo ngồi nhai trều trệu. Ăn hết, nó lại nhảy xuống, ngồi khoanh tay như một gả đàn ông đứng đắn. Cô gái gọi nó là Bật Ngộ. Tùng thấy cũng hay hay. Dầu gì cũng phải cho nó một cái tên chứ. Ai đời sống với nhau bao nhiêu năm mà anh chỉ gọi nó bằng cái tên khô không khốc là khỉ.
Một hôm, cả đoàn lội bộ vào rừng, chỉ có ông phó Ty lâm nghiệp ở nhà với Tùng, lúc ngồi uống trà, ông hỏi:
- Tràm ở đây trồng mấy năm thì thu hoạch?
- Đất xấu như vầy, phải từ chín mười năm trở lên.
- Hèn chi người ta lệnh cho tôi phải biến vùng này thành khu bảo tồn sinh thái.
- Bảo tồn sinh thái là sao?
- Là cứ trồng rồi để đó. Cây không đuợc chặt. Chim không được bẫy. Cá không được cặm câu, giăng lưới.
- Vậy dân tình như tui sống bằng gì?
- Bằng rừng chớ bằng gì.
- Chú sáu nói nghe ngộ. Trồng rừng để đó, lấy tiền đâu mà sống.
- Vậy mới nói. Quy hoạch xong, tao đưa chú mầy vô làm công nhân nhà nước, hưởng lương tháng như tụi này vậy.
Tùng không hiểu nổi làm công nhân là sẽ làm những gì, nhưng anh nghĩ là không sao cả. Mình với con khỉ ăn bao nhiêu mà sợ. Làm công nhân thì cùng lắm cũng làm bằng chân tay như mình chớ gì. Đất đai có phải mình bỏ tiền ra mua đâu mà đòi giữ lấy cho mình.
Ngày hôm sau, Tùng chở cô kỹ sư đi lấy mẫu thực vật. Lúc trở về, cô gái nói:
- Hai hôm nữa em theo đoàn về thành phố. Nhờ vả anh nhiều rồi, hôm nay anh em mình qua sông lớn, em chiêu đãi anh một bữa. Với lại, em cũng cần mua vài món đồ về cho mẹ. Em có nói với chú Sáu, là xong việc, em nhờ anh chở qua chợ. Hôm nay anh em mình nghỉ sớm một bữa.
Tất nhiên là Tùng không thể từ chối. Nếu chỉ chiêu đãi thì không nói làm gì. Đằng này cô gái còn phải mua đồ cho mẹ. Tưởng gì. Té ra cô chỉ tìm mua khô cá sặc rằn, khô cá lóc. Loáng cái là xong. Cô gái kéo cho kỳ được Tùng vào quán ăn, gọi cái lẩu mắm với món bò xào hủ hoa.
-Anh em mình nhậu bữa nay cho đã. Chừng nào khu bảo tồn hình thành, em chuyển về công tác, anh em mình nhậu dài dài. Anh đừng thấy em vầy mà tưởng nhỏ, ngoài ba mươi mấy năm rồi đó. Tía má em mất hết từ hồi còn chiến tranh. Má nuôi em đã ngoài bảy chục, chồng con cũng hy sinh hết trong kháng chiến.
Rất tự nhiên, cô kỹ sư rót rượu và gắp đồ ăn cho Tùng, như vợ gắp cho chồng. Bật Ngộ cũng ngồi trên ghế. Nó có riêng một nải chuối và dĩa đậu phộng.
Đang ăn, bỗng nghe tiếng con nít rộ lên vui vẻ. Một chàng bán tò he vừa dựng xe đạp ở bên kia đường. Trên yên xe có một con khỉ cái bị xích. Nó rút từng que tre nhỏ đưa cho chàng trai, để anh ta thoăn thoắt nắn ra chim phượng, rồng vàng,  NgộKhông, Bát Giới, Quan âm Bồ tát, tiên nữ… và tất cả những gì mà sắp nhỏ nhao nhao yêu cầu một cách háo hức. Bật Ngộ cũng đã thấy người đồng loại của nó. Nó xoay hẳn người ra, bồn chồn nhấp nhổm tới bỏ cả ăn.
Tùng cảm thấy buồn, thấy rượu cháy rưng rưng trong lòng một nỗi buồn tâm thức; xa vắng và mơ hồ. Có lẽ cô kỹ sư đã nhận ra điều gì đó, cô tính tiền rồi họ cùng nhau ra về.
Bật Ngộ không ngồi trong lòng cô kỹ sư như mọi lần. Nó bỏ ra ngồi một mình ở giữa lòng xuồng; bộ tạng buồn héo ra như vừa bị đánh mất một cái gì qúy hiếm. Chiếc xuồng rẽ nước oàm oạp, nghe vỡ ra một giai điệu thời gian thổn thức.
Hoàng hôn chậm chạp như trì níu một điều gì đó. Vàm sông duềnh những lượn sóng nhóng nhánh đỏ như nước mắt của chiều. Bến ô môi đã hiện ra. Bùng bùng màu hoa hồng phấn đang bị nhuộm tím bởi tà dương lãng đãng.
- Anh Tùng, hoa ô môi nở qúa chừng rồi nè! Vậy là mùa xuân đã đến. Ta lên bờ nghỉ một lúc đi anh. Cứ nhìn thấy ô môi trổ bông là em không cầm lòng được. Chồng em bị tụi nó bắn trên bờ ô môi, cũng vào mùa ô môi trổ bông. Nghe tin em xỉu lên xỉu xuống, sẩy thai mất đứa con đầu lòng.
Tùng với Bật Ngộ ngồi lại dưới xuồng. Cho tới khi mặt trời chìm xuống sau giăng cây bên kia sông lớn, họ mới ra về.
Hai ngày sau, đoàn cán bộ khảo sát ra đi. Giỏ lải đón họ ở vàm sông. Tùng đưa họ ra đó. Khi cô kỹ sư chủ động bắt tay Tùng, một cơn gió rùng rùng nổi lên, những cánh hoa hồng phấn rụng xuống lả tả, đậu kín trên tóc trên vai họ.
Trở về cánh rừng của mình giữa cánh đồng ngút ngát, Tùng thấy cuộc đời sao mà trống trải tới chạnh lòng làm vậy. Đêm xuống, gió vẫn thở dài thườn thượt giai điệu thời gian không hề có tuổi. Cũng như Tùng, anh đã bao nhiêu tuổi rồi nhỉ. Thời gian cứ trôi qua, trôi qua. Giai điệu thời gian lặn vào tiếng đờn của anh, chảy mãi, trôi mãi về đâu đó.
 
Khi mặt trời thức giấc, Tùng thấy chột dạ, bởi không biết Bật Ngộ đã bỏ đi đâu. Linh tính mách bảo một điều gì không ổn. Tùng cuống cuồng chạy bộ trên bờ đắp ra dòng kinh, ra vàm sông. Nhận ra một chấm nhỏ nâu vàng, anh biết là Bật Ngộ sẽ đi đâu. Anh gào lên gọi nó. Nhưng Bật Ngộ vẫn chạy. Lúc chạy bằng hai chân. Lúc chạy bằng hai chân hai tay . Nó chạy như chưa bao giờ chạy nhanh làm vậy. Tiếng gọi của dòng chảy thời gian nghiệt ngã, đã mạnh hơn tình cảm từng gắn bó nó với Tùng giữa cánh đồng trống vắng. Đó là tiếng gọi tình của con thú đã nhận ra chân giác của mình.
Tùng ngồi phệt xuống thảm cỏ. Nó cũng như anh thôi. Nỗi khát cháy đã bùng lên, khi ngọn gió tình yêu mong manh thổi trượt qua dòng chảy của thời gian.

HTT


 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2025   VnVista.com