hồ tĩnh tâm

   Trong: Truyện Tĩnh Tâm
 
Truyện ký:
 

BỘ BA

 
                                                                                  Hồ Tĩnh Tâm
 
Tôi với Hào hàng ngày vẫn đi học với nhau. Từ Thanh Khê đến Thanh Tùng, đường xa bốn năm cây số, lại phải vượt qua một con rào khá rộng. Phía dưới chỗ chúng tôi vẫn thường lội qua con rào, có một vực nước sâu hun hút. Nước từ trên con rào đổ xuống vực ào ào thành một thác nước lớn, lúc nào hơi nước cũng bốc mờ mịt.  Mẹ con cái Yến sống ở ngay bên con thác ấy. Mẹ Yến từ chợ Rộ lên, mở quán bán phở.  Bố Yến đi B biền biệt đã mấy năm.  Hàng ngày, Yến vẫn cùng chúng tôi lội qua rào đi học.
 
Năm học 1965 – 1966, giấy viết hiếm tới mức khó mà mua được. Chúng tôi chủ yếu học bằng giấy nứa, thứ giấy vàng khè và nhám nhạm. Muốn mua giấy trắng thì phải xuống Rộ, hay xuống bến đò Mo Vịnh mua lại của hàng xén với giá cắt cổ. Là học trò sơ tán, chúng tôi làm gì có tiền mà mua.
 
Một hôm Hào tới rủ tôi:
- Mày có muốn chăn trâu lấy tiền không?
Tôi hỏi:
- Chăn mấy con? Mỗi tháng được mấy đồng?
Hào cười:
- Tao không biết. Nhưng chắc cũng đủ tiền mua vài cuốn sách giấy trắng hẳn hoi.
 
Vậy là tôi nhận lời chăn trâu cho thím Tý. Vợ chồng thím Tý không có con, thím bảo tôi đưa mấy đứa em tới ở luôn trong nhà cho tiện. Nhà thím cất thèo lãnh ở lưng chừng một qủa đồi bát úp. Quanh nhà trồng rất nhiều cây tro, cây trám và cây tắt. Trám là thứ trám bùi màu nâu, có thể đem muối dưa ăn được. Qủa tro muối cũng ăn được. Nó rất bùi và béo. Còn qủa tắt thì như qủa quýt, nhưng lúc chín có màu đỏ lựng rất đẹp. Thím Tý ngay từ đầu đã nói với tôi, muốn ăn sắn, ăn khoai từ thì cứ việc nhổ lên mà luộc, không cần phải hỏi.
 
Con trâu tôi chăn là một con trâu đực lông trắng, thuộc giống trâu mộng, vẫn thường được dùng kéo xe, kéo gỗ. Mới đầu tôi phải làm quen với nó, bằng cách đi cắt cỏ đem đến tận chuồng cho nó. Thỉnh thoảng tôi quậy nước cám cho nó uống, nhét cơm vắt cho nó ăn. Nhờ vậy, chỉ vài ngày nó đã trở nên thân thuộc với tôi, chịu để cho tôi cưỡi trên lưng, dong ra đồi bãi kiếm ăn. Nết ăn của nó rất thuần, lúc nào cũng chỉ quanh quẩn trên triền đồi, không bao giờ phá bỉnh chạy xuống ruộng lúa như trâu người khác. Tôi cứ việc yên tâm kiếm một gốc cây nào đó, nằm khểnh ra đọc sách. Hào chăn tới bốn con, là thứ trâu cày lông đen. Nó phải đóng cọc để cột từng con cho chúng ăn loanh quanh một chỗ. Cuối mỗi buổi chiều, chúng tôi đánh trâu nhập đàn với trẻ trong làng, thong dong cùng nhau trở về. Tôi ngồi trên lưng con trâu mộng, hào ngồi trên lưng con trâu cày, tưởng tượng như đang cưỡi ngựa. Việc chăn trâu kể ra cũng không có gì vất vả. Hơn nữa, mỗi lần tôi dong trâu ra bãi, bao giờ thím Tý cũng đùm cho một vắt xôi, một túm muối vừng.
 
Tôi về ở với thím được ba ngày, thím đã lặn lội đi chợ Rộ, mua về cho tôi mười cuốn sách giấy trắng, loại 56 trang, cùng với năm tập giấy trắng kẻ ca rô. Thím bảo, thím tặng tôi, chứ không phải trả công cho tôi. Kể như vậy là nhất rồi. Ngay cả những anh chị đang là sinh viên cũng không ai có được nhiều sách giấy trắng và tập giấy trắng như vậy. Tôi đem chia cho Hào và Yến, mỗi đứa hai cuốn sách và một tập giấy. Mẹ Yến thấy vậy, liền sai con đem trả cho tôi mười đồng. Tất nhiên là tôi không dám nhận, bởi mười đồng là qúa lớn; mẹ tôi đi làm cả tháng cũng chỉ lĩnh lương được có bốn bảy đồng. Còn Hào, nó tặng tôi một cái ná bằng gỗ lim đen bóng. Mỗi lần đi chăn trâu, tôi vẫn đeo tòn teng trên cổ.
 
Cái Yến thấy vậy, nói với tôi:
- Đừng có mà bắn chim đấy! Để sức sau này đi bộ đội bắn máy bay.
 
Dạo ấy, máy bay Mỹ đã leo thang bắn phá tận miền trung du, nơi chúng tôi đang sơ tán. Nhiều hôm, máy bay quần thảo ném bom xuống đập nước Thanh Tùng tới ba bốn lần. Pháo phòng không của ta bắn trả rất quyết liệt, để bảo vệ cho con đập không bị bom đánh bể. Ngôi trường nơi chúng tôi học, cách con đập khá xa, nên chúng tôi không việc gì phải sợ. Chỉ sợ chúng đánh bom không hết thì trút bom bừa bải xuống bất cứ chỗ nào để tháo chạy. Có hôm hai trái bom như thế đã ném trúng một ngôi nhà bên con đường chúng tôi đi học. Lần đầu tiên tôi nhìn tận mắt mấy xác người được người ta moi lên, đặt ngay trên miệng hai hố bom sâu hoắm. Cái Yến nhìn thấy máu, khóc nấc lên. Còn Hào nắm lấy tay tôi, không nói không rằng, lặng câm như một khối đá. Bấy giờ tim tôi như thắt lại. Tôi lo cho mẹ tôi đang làm việc trong nhà máy ở thành phố. Vinh ngày nào cũng bị ném bom, nhà máy chưa sơ tán được, nên mẹ tôi vẫn còn làm ở đó. Cả mẹ Hào cũng vậy. Hào chỉ còn mẹ, bố thì đã hy sinh trên núi Quyết, ngay trận đánh đầu tiên với máy bay Mỹ ngày 5 tháng 8. Hào nhiều lần nói với tôi, học xong lớp mười nó sẽ đi bộ đội, sẽ xin về khẩu đội pháo của bố; nó muốn trả thù cho bố.
 
Vào một buổi chiều trời trong veo trong vắt, chúng tôi đang trên đường dong trâu về làng, thốt nhiên có tiếng máy bay vẳng tới từ phía đập nước. Rồi bất chợt một chiếc máy bay từ hướng mặt trời lặn bay chúi xuống. Tôi chỉ kịp nghe tiếng xoáy rít rợn người, rồi liền đó bị hất tung từ lưng trâu xuống đất. Hai trái bom nổ chát chúa đã khiến cả đàn trâu hàng trăm con lồng lên chạy bươn về phía trước. Chưa kịp hoàn hồn vì bom, tôi đã co rúm lại vì sợ trâu đạp. Tôi nghe tiếng trâu phóng qua người tôi rầm rập. Chỉ cần một con đạp trúng đầu, chắc tôi khó mà sống nổi. Mà đàn trâu phía sau vẫn còn nhiều lắm. Hàng trăm con, làm sao mà tránh được bước chân chạy hoảng của chúng. Tôi muốn hét lên nhưng không thể nào hét nổi vì qúa sợ. Bỗng tôi nhận ra không còn bước chân trâu phóng qua người mình, mặc dù hai bên tôi vẫn dội lên tiếng trâu chạy rầm rập. Xoay người lại, tôi thấy Hào cởi trần đứng sừng sững, tay huơ huơ cái áo, xua đàn trâu chạy dạt ra hai bên. Bấy giờ tôi mới đứng lên, bắt chước Hào cởi áo, xua cho đàn trâu chạy dạt ra. Có nhiều đứa còn nhỏ hơn tôi cũng đứng lên cởi áo làm như vậy, chắc chúng cũng bị trâu lồng lên hất ngã xuống đất.
 
Khi đàn trâu đã ngừng chạy, tôi nhìn thấy dưới chân dốc lố nhố một đoàn người chạy lên. Đó là người làng Thanh Khê, họ lo con em mình bị bom ném trúng. Thím Tý, chú Tý cũng có trong đoàn người đó. Thím  ôm chầm lấy tôi, khóc mếu máo. Cái Yến cũng chạy theo đoàn người, gương mặt nó trắng bệch vì sợ hãi.
 
Sáng hôm sau, tôi với Hào lại cùng cái Yến lội qua con rào đi học. Con rào trong văn vắt, nước chảy ào ạt, xô đẩy những hòn cuội phát ra tiếng lanh canh rất vui. Phía dưới, con thác vẫn ầm ầm sôi réo.
 
Hết buổi học, do trời đang đổ mưa rào xối xả, bí thư chi đoàn mời chúng tôi ở lại, họp bàn quyên góp ủy lạo bộ đội cao xạ pháo. Mấy hôm nay máy bay liên tục đánh bom xuống đập nước, có rất nhiều pháo thủ bị thương, cần giúp đỡ. Cái Yến là người đầu tiên góp hai đồng. Tôi và Hào hẹn ngày mai mỗi đứa góp năm hào. Nhiều đứa không có tiền, hứa sẽ góp bằng gạo nếp, mật ong, gà, vịt.
 
Bà chủ nhà kế lớp tôi, không biết nghe lủng được những gì, đã đồ tới hai chõ xôi, đem ra mời cả lớp. Họp xong, ăn xong thì đã ba giờ chiều. Biết tôi với Hào và cái Yến phải lội rào về thanh Khê, bà chủ nhà tốt bụng khuyên chúng tôi nên ở lại; bởi cơn mưa qúa lớn, rất có thể nước lũ đã kéo về. Vì cái Yến là con gái, nên Hào đã ép nó phải ở lại, còn tôi với Hào thì cương quyết sẽ ra về; bởi chúng tôi đứa nào cũng có tới mấy đứa em còn nhỏ.
 
Khi tới con rào, thấy nước lũ đã dâng tràn bờ, tôi bàn nên quay trở lại Thanh Tùng, do tôi biết Hào bơi rất kém. Nhưng Hào tỏ ra cương quyết lắm, cứ khăng khăng là nó bơi qua được. Nói mãi nó không nghe, chúng tôi đem giấu sách vở, rồi lội xuống nước, bơi qua dòng nước xiết.
 
Dòng nước đỏ ngàu, sôi réo sùng sục. Sóng nước tạt vào mắt tôi cay xè, rất khó chịu. Tôi lựa thế bơi ếch để giữ sức. Cần phải bơi qua thật nhanh để không bị nước xiết cuốn xuống vực nước xoáy hút thăm thẳm phía dưới. Tôi biết chắc chắn, nếu rơi vào xoáy nước trong cơn lũ, thì khó mà sống nổi. Bởi vậy tôi gồng người lên, bơi thật lực. Thỉnh thoảng tôi ngoái lại, thấy Hào vẫn đang bươn bả bơi ngay phía sau.
 
Khi đã leo được lên bờ, tôi ngồi thở một lúc, rồi mới xoay người nhìn xem Hào đã lên bờ chưa. Trời ạ! Không hiểu vì sao chỉ còn cách bờ có chục mét, mà Hào lại bị nước cuốn, trôi xuống rất gần vực nước. Chỉ còn vài chục mét nữa, nếu Hào không thoát được lên bờ, sẽ bị dòng thác nhấn chìm xuống miệng vực sâu hun hút. Phải cứu nó. Cứu nó. Tôi chạy ào ào về phía Hào. Thấy rõ Hào đã bắt đầu hoảng loạn vì sợ hãi. Hình như Hào đã bị uống nước, đã bắt đầu hụp hửi giã gạo. Đầu nó lúc chìm lúc nổi trên những con sóng sôi sục. Cần phải nhanh hơn nữa. Hào đã gần miệng vực lắm rồi. Tôi chạy vượt lên, cách hào hơn chục mét, rồi tung mình nhảy ào xuống nước. Quạt mạnh hai cánh tay, tôi trườn mình bơi trên những con sóng hung hãn đang gầm réo. Tay tôi nắm được cái áo vải chéo xanh của Hào. Như người sắp chết đuối vớ được cọc, Hào nắm ngay lấy cánh tay tôi, khiến cả tôi lẫn Hào đều chìm xuống. Trong phút hoảng loạn, đầu tôi chợt lóe lên câu chuyện cứu người của một em bé ở sông Bùng. Vậy là tôi vung tay đấm vào mặt Hào. Bị đau, nó buông tôi ra, tôi liền húc đầu vào bụng nó, đẩy nó nổi lên.
 
Nước vẫn sôi réo ầm ào như trăm ngàn con chiến mã lồng lên phi nước đại. Sóng đánh cay xè mắt mũi. Sức tôi đã kiệt cùng, bàn tay nắm vai áo Hào tê cứng. Hai chân quẫy đạp chới với, không còn đủ lực để trồi lên khỏi mặt nước. Đã vậy, trong cơn tuyệt vọng, Hào còn vùng mình thoát ra, ôm chầm lấy lưng tôi, dìm cả hai xuống dòng lũ sôi sục như biển động. Tôi  biết cách duy nhất để sống sót là phải thoát khỏi vòng tay ôm chặt của Hào, nhưng tôi càng vùng vẫy thì cả hai càng chìm xuống, càng trôi dần tới miệng vực tử thần. Tôi khóc nấc lên với tiếng gọi mẹ vang vọng trong đầu, nhưng sóng đã nhấn chìm tất cả. Nước mắt và nước lũ cứ dìm xuống, dìm chúng tôi xuống cõi tận cùng của cái chết.
 
Bỗng tôi nghe đau nghiến ngang thắt lưng. Rồi nước ào ạt bùng lên cuồn cuộn, sôi réo ầm ầm khủng khiếp. Mắt tôi lóa sáng một quầng lửa chói lọi. Tôi nhận ra mặt trời bầm đỏ phía dãy núi tím xẫm. Rồi tôi nhận ra tôi đang nằm vắt trên một cành cây lớn, của một thân cây lớn, đã bị sóng bứt không còn một chiếc lá. Đầu của Hào gác trên một cành cây nhỏ hơn, sóng quật đầu nó gật lên gật xuống, tóc tai xõa xượi. Hai khối đá đồ sộ trên miệng vực đã cản lại cây cổ thụ bị lũ cuốn. Sóng đánh cành cây rung lên bần bật. Vậy là thoát chết trong tích tắc. Hào ơi! Cố lên Hào ơi! Sống rồi Hào ơi! Tôi vừa khóc vừa lần về phía Hào. Bây giờ chỉ còn việc nương theo các cành cây trơ lá mà vào bờ. Bờ ở ngay bên trái tôi. Chỉ còn cách có vài mét.
 
Ráng hết sức để đứng được thật vững trước sức cuốn của dòng lũ, tôi kéo hào về phía mình. Cứ như vậy tôi nhích dần vào bờ. Nước đến ngực. Rồi dưới ngực một chút. Tại sao Hào lại không đứng được nhỉ. Chắc nó đã chết ngất vì uống nước trong cơn hoảng loạn. Nhìn lên bờ, tôi thấy một người đàn bà đang tất tả từ trên dốc đồi chạy xuống. Đó là mẹ của Yến. Bà vừa chạy vừa vấp ngã dúi dụi.
 
Kéo được Hào lên bờ, tôi ngồi phịch xuống, há hốc mồm ra thở. Rồi tôi vụt đứng dậy. Mẹ Yến vừa khóc vừa giúp tôi xốc cho Hào ọc nước ra.
 
Khi thấy Hào đã tỉnh, bà mới như chợt nhớ, túm lấy vai tôi, lắc lấy lắc để, và hỏi như lạc cả giọng:
- Cái Yến? Cái Yến đâu?
 
Khi biết Yến ở lại Thanh Tùng, bà bỗng ngồi thụp xuống, khóc hù hụ.
 
Cuối năm ấy, cả ba chúng tôi cùng lên đường nhập ngủ. Và tôi không bao giờ còn được gặp Hào với Yến. Họ đang ở đâu đó, hay đã nằm lại đâu đó, trong những cánh rừng Miền Đông hay bưng biền Miền Tây Nam Bộ, hay ở Trường Sơn, hay tận bên đất Lào xa hút.
 
                                                                                                        
H.T.T.
 

 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Tin nhanh

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2024   VnVista.com