hồ tĩnh tâm

   Trong: Truyện Tĩnh Tâm
 
CHUYỆN CHÓ
Hồ Tĩnh tâm
 
Cách đây mấy năm, tôi đọc được trên một tờ tạp chí khoa học, thấy có nói rằng, trên thế giới có bảy loài chó săn(xin nhắc lại là chó săn) thông minh, dũng cảm, thì ở Việt Nam ta có tới hai loài được liệt vào danh sách đó. Một là loài chó Lài của người Mường; loài chó này có sắc lông vàng, to như con bê, có con dám chống chọi cả với cọp. Hai là loài chó Phú Quốc, có sắc lông màu xám, và có một đường xoáy dựng lông, chạy dài từ bả vai xuống tận đuôi, chân có móng đeo, giữa các ngón có màng nối như màng chân vịt. Thú thật tôi đọc sao biết vậy, chứ trong bụng cũng nghi nghi hoặc hoặc. Chó ta sao hơn chó Tây được. Đến cái lịch treo tường, ông Tú Hà Nam còn vịnh một câu chí tử nữa là: “Ngày Ta nằm dưới đít ngày Tây”. Nói vậy là tôi nói chuyện thời trước cho vui, chứ không hề có ý mặc cảm tự ti. Nước Việt mình thời hiện đại đã có tới hai người cưỡi tàu vũ trụ:  một là ông Trinh, người Việt quốc tịch Mỹ, hai là ông Tuân, người Việt chánh hiệu từ đầu đến chân, đã từng cỡi mây đạp gió, bắn rớt tàu bay B52 trên trời Kinh Bắc. Chừng đó cũng đủ để tự hào phần nào về nòi giống tiên rồng của mình rồi, cần gì phải nói thêm về một ông quê Hà Tây đang làm việc cho Nasa Hoa kỳ, đã vạch quỹ đạo đường bay, cứu con tàu Apolo trở về trái đất. Còn chuyện chó thì khác. Muốn biết đích xác ngọn ngành thì phải điều tra, phải so sánh, đối chiếu. Ra nước ngoài, tiền máy bay không có là cái chắc. Lại còn thủ tục đăng ký hải quan, khám sức khẻ… Ôi thôi! Rách việc lắm!
 
Nhưng đêm nằm ngủ, nghe tiếng chó nhà hàng xóm giật mình sủa trăng, tôi lại cựa mình trăn trở: Có đúng nước mình có hai loài danh khuyển cỡ đệ nhất hành tinh?! Áy náy mãi, chịu hết nổi, tôi lò dò mò sang nhà ông hàng xóm.
 
- Ai đó? Đêm hôm ai tới có chuyện chi đó?
 
Ông hàng xóm ốm nhách, vừa hỏi bằng cái giọng khào khào của kẻ nghiện, vừa mở cửa cho tôi vào.
 
- Ủa, bác tới có chuyện chi?
 
Tôi trình bày tất tật nghi vấn của mình. Nghe xong, ông hàng xóm vừa gải gải chỗ kín của mình, vừa kéo ghế mời tôi ngồi xuống kế cái bàn đá hình bán nguyệt.
 
- Má thằng Sơn ơi! Chăm giùm bình trà coi!
 
Gần nửa đêm mà uống trà thì chỉ có chết. Nhất là trà của tía thằng Sơn; cứ gọi là trắng dờ con mắt cả ngày hôm sau. Nhưng mà thây kệ, ông ta đã chịu chăm trà, tức là cũng chịu luận về chuyện chó với mình. Cũng bỏ công thức với nhau.
 
- Chuyện chó săn thì tui hổng rành, chớ chuyện chó thịt thì đố nước nào qua nổi An Nam! Chỉ cần một miếng đùi cầy tơ thôi, luộc đơn giản với nước dừa, đủ chứng minh chó thịt của ta đúng là số dách.
 
Sợ ông ta sa vào chuyện cầy tơ bảy món thì bỏ mẹ cái đêm tiếc ngủ, tôi tìm cách lái lại cái miệng ưa dồi nướng, nhựa mận của ông.
 
- Tháng rồi đi Phú Quốc, tôi có nghe kể chuyện về cái Am con Xám. Là chuyện về cái Am thờ con chó Xám Phú Quốc chánh cống. Nghe xong cũng phần nào tin tin cái thông tin trên tạp chí. Bác biết không, con chó một mình quần nhau nát đất với con hổ mây to bằng cổ chân, nhờ nó mà con ông chủ của nó chạy thoát được vô nhà. Chừng người lớn xách rựa, xách gậy chạy ra,  thì con chó đã ngoạm được ngang cần cổ con rắn. Con rắn quấn xiết lấy con Xám mà riết, tiếng xương gãy nghe răng rắc. Mọi người chỉ còn cách đứng chờ cả hai con lăn ra chết. Con chó họ chôn cất. Con rắn họ chặt khúc hầm sả, xào lá cách. Bác thấy chó Phú Quốc mình có gan trời không? Phong vào hàng danh khuyển cũng phải.
 
- Đã nhằm gì!( ông hàng xóm vừa vấn một điếu thuốc rê trảng tổ bố như ngón tay, vừa nói). Ba chuyện chó cỡ đó ý mà, có mà vô thiên lũng! Hồi trẻ tui sống ở quê, một hôm ra đồng chăn vịt, trời hây hẩy gió, lại mây ken dày dựng lên như núi, đã trong người, tôi lăn ra ngủ. Đang ngon trớn, chợt nghe tiếng con phèn sủa dắng dỏi. Trời đất! Một con rít to hơn ngón tay cái, đang quằn quại dưới bàn chân trước con Phèn, cách cần cổ tui có gang tay. Mèng đéc ơi! Thử dính nó một miếng coi, có mà trào đờm. Tui choàng ngay dậy, quơ chiếc dép mủ, huýt gọi con Phèn nhấc chân lên để đập con rít đem về ngâm rượu làm thuốc cho gà. Ai dè con Phèn đè chặt quá, con rít bị mắc vô móng chân của nó, khi nó nhấc chân lên, con rít cũng đeo theo lên. Tổ cha con rít ác địa đó, nó chích có một phát, mà con Phèn tuyệt hảo của tui lăn ra chết ngay tức khắc.
 
- Bác chôn nó chứ?
 
- Ngu gì mà chôn. Chết rồi coi như hết. Tui hú đám bạn qua, tẩn liệm nó hết nghiến năm lít Sơn Đông. Cứ là ấm chân răng tới mấy ngày.
 
Chiêu một ngụm nước. Vấn thêm một điếu sâu kèn tổ trảng, ông hàng xóm tỏ ra hứng khẩu, cao giọng:
 
- Bác đã mặn chuyện, tui cũng xin thành thật thưa rằng, chó xứ mình tiếng nhỏ thó mà trung thành, gan dạ ít có chó nào sánh đặng. Bên quê ngoại tui, có ông lão ăn mày, đi đâu cũng dắt theo con chó. Từ khi con chó bằng cầm chân tới khi con chó già cóc kẹ. Lúc bấy giờ, ông lão đã lòa câm hai con mắt, việc đi lại cứ phải nhờ vào con chó. Nó đi trước, ông lão lẻo đẻo theo sau. Hệt như cái dấu chấm hỏi cong vòng, và cái dấu chấm hết cụt lủn, lê lết kéo nhau trên mặt lộ. Thương lắm bác à. Tới nhà nào hay cho của bố thí thì con chó đứng lại, dụi dụi cái mũi ướt rượt vào cẳng chân ông già báo hiệu. Ai cho thì nó vẩy đuôi. Ai chưa cho thì nó ngước nhìn bằng cặp mắt ướt nước dấp dính. Ai đuổi mắng sổ sàng thì nó chồm lên sủa. Ai củng nể nó. Chừng ông lão quy tiên, cả đêm nó ngồi canh xác, miệng không ngớt cất tiếng tru ai oán. Nó tru cả đêm cả ngày, nhờ đó mà lối xóm biết ông lão đã về trời. Họ tới đưa ông đi, nhưng hễ ai đụng vào thây ma là con chó chồm lên cắn; mắt ngầu như lửa. Mấy tay trai tráng lực lưỡng phải lừa thế, dùng đòn vông dằn nó xuống trói lại, mới đưa được nắm xương tàn của ông lão ra đồng. Rồi thì từ đó ngày nào cũng như ngày nào, con chó cứ nằm rũ phủ phục trên nấm mộ ông chủ mà khóc tru lên. Tiếng tru thảm thiết rợn người. Nhứt là từ nửa đêm về sáng. Rồi thì nó cũng chết thôi, nhưng không biết có kẻ nào vì động tâm thương nó đang chết dần chết mòn mà đập chết, hay vì mất ngủ bởi tiếng tru ai oán của nó mà đập chết. Chỉ biết, một buổi sáng, người ta thấy đầu nó nứt toác, phọt cả óc trắng nhờ nhờ trên mộ chủ. Có người đơm chuyện, kháo phứa lên rằng, con chó quá đau khổ, tự đập đầu vô đá mà chết. Làm như người chứ không phải chó không bằng.
 
*
 
Sau cái đêm nhàn đàm chuyện chó ấy, tôi vẫn tiếp tục cuộc điều tra của mình. Tôi mua và cắt tất cả các bài báo, bài chí viết về chó, đóng thành một tập hồ sơ lưu trữ. Ai có chuyện gì về chó, liên quan tới chó, tôi cũng ghi chép. Lúc túng cùng, tôi cắt lén cả tư liệu chó trong sách mượn của người ta, của thư viện(Về chuyện này ấy mà, chẳng biết thế đếch nào, tay phó phòng tổ chức biết được, voa thọt lên thượng cấp, tôi bị hăm một phen ra trò). Ngoài ra, tôi còn sưu tập cả một bộ chân dung chó, gồm đủ thứ ảnh đen trắng, ảnh màu. Chó Tây, chó Ta. Vớ được anh chó, chị chó nào tôi cũng gom tuốt vào tập an bum ngân hàng chó của mình. Nghĩa là tôi lao vào công việc say sưa, liều mình như chẳng có. Đầu óc tôi quay cuồng toàn những chuyện chó. Bởi vậy, bộ lưu trữ độc nhất vô nhị của tôi, theo thời gian, đã chất đầy mấy hộc tủ. Đó là một bảo tàng tư liệu chó. Tôi bán cả ti vi, đầu máy cát xét, tủ lạnh… để lao vào công cuộc sưu tầm tư liệu. Cho dù vợ tôi khóc đầy hàng thau nước mắt về việc của cải đội nón ra đi. Cho dù bạn bè mai mỉa tôi là ông hấp(Nói nhỏ nhé! Lại vẫn cái tay phó phòng ấy thọc gậy bánh xe. Y rêu rao khắp nơi là tôi bị hội chứng nhiễm tiền chó dại, phải cho hưu non mới dứt cơn). Như một Rô Bin Xơn, tôi cứ lao vào công cuộc điều tra khoa học với tất cả máu huyết của mình. Tôi đã có ý đồ của tôi. Nếu quả thật giống cho Lài của người Mường, giống chó xoáy xám của Phú Quốc đích thị là giống chó săn nổi tiếng toàn thế giới, thiên hạ sẽ biết tay tôi. Bấy giờ tôi sẽ làm một luận án phó tiến sĩ- mà cũng có thể là tiến sĩ- về chó. CHÓ SĂN VIỆT NAM VÀ THỊ TRƯỜNG CHÓ THẾ GIỚI. Tôi sẽ trình Hội đồng Nhà nước một luận chứng kinh tế về việc thành lập tức tốc một Trung tâm chó Việt Nam, mang tên TRUNG TÂM PHỐI VÀ LAI TẠO KHUYỂN VINAMEX. Ái dà! Biết đâu tôi lại chẳng được cử làm Giám đốc hay Tổng Giám đốc gì đó. Chẳng gì tôi cũng đã có trong tay hàng hộc hộc ngăn kéo tư liệu chó.
 
Tôi biết rõ đặc điểm sing lý giống chó xi lùn Nhựt Bổn khác xi lùn Bắc Kinh ra làm sao. Tôi biết rõ tính nhõng nhẽo của giống phốc Thụy Sĩ, tính chây lười của giống xồm Na Uy, tính ngổ ngáo của giống mặt cọp Hoa Kỳ… Còn như bạn cần chọn một bẹc giê Đức đáp ứng tiêu chuẩn huấn luyện nghiệp vụ? Sẵn sáng! Tôi có đủ tài liệu. Bạn muốn hỏi về giống Poite Ăng Lê? Có ngay! Bạn muốn xin chỉ dẫn để chọn một con chó làm cho căn nhà lộng lẫy trở nên lộng lẫy hơn? Xin mời! Hãy chọn giống Lesvie của Nga. Bạn muốn mua một con Boxer thật quý? Vâng, đừng tốn tiền mua những con màu nâu- thứ đó ê hề trên thị trường chó đầy biến động- hãy tìm bằng được một con lông trắng lốm đốm đen trên người. Bạn đã đọc Gavrain1 chưa? “Bim trắng tai đen” ấy mà. Chính nó đấy!...
 
Đấy! Tôi đã tập trung cơ man nào là tư liệu về chó. Kể cả tư liệu y khoa dạy cho chó nhảy đực thế nào đạt hiệu quả phủ nọc. Cách đỡ đẻ khi chó lâm bồn. Cách cung cấp dinh dưỡng trứng, sữa cho chó chó hộ sản. cách cho chó uống thuốc tiêu chảy, long đờm, sổ mũi… Nói chung là đủ các kiểu tư liệu, tài liệu. Nhưng toàn là tư liệu, tài liệu bên Tây, bên Tàu; còn tài liệu bên ta thì…hiếm như lá mùa thu, mặc dù chợ trời của ta có thể mua đủ phụ tùng ráp chiếc phi cơ phản lực. Có chăng cũng chỉ là những câu nói dân gian dạy cách chọn chó nuôi giữ nhà, với chức năng là sủa đổng, là cắn trộm. Những câu như tứ túc mai hoa, huyền đề, trường lưng, rộng ức, mõm nhọn, trán vuông… hay móng đeo chẳng hạn, cũng chỉ nhằm vào ba giống chó miệt vườn, chưa thể gọi là tài liệu khoa học được. Có vậy mới biết người Tây, người Tàu họ giỏi chơi chó hơn ta nhiều.
 
*
 
Trong khi tôi đang vùi đầu vào công tác sưu tầm tới mất ăn mất ngủ thì ông hàng xóm của tôi, chẳng biết ai chỉ vẻ, đã chuyển sang nuôi chó kinh doanh. Đầu tiên ông nuôi chó thịt, theo phương châm nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm. Chó đẻ ra chó. Chó con, con nào tốt mã ông bán cho người ta nuôi, con nào xấu mã ông để nuôi trong nhà, chờ lớn lên “hạ cờ Tây” chế đủ bảy món “A đây rồi!”, vừa bán vừa nhậu lai rai. À, mà món tiết canh chó của ông ta thì phải biết. Cứ gọi là nhức răng hăng cật. Bên Tây họ giỏi chuyện lai tạo, điều trị, săn sóc chó, chứ sử dụng chó làm thực phẩm cao cấp chống suy dinh dưỡng thì họ cứ phải kiếng bên ta làm sư phụ. Nay mai, cơ chế thị trường mở rộng, người nước ngoài họ vác, họ khuân hàng hàng va li vàng bạc, đô la đổ vào xứ ta để kinh doanh sản xuất, biết đâu họ chẳng được người Việt Nam khai hóa cho biết ăn thịt chó. Chừng đó ông hàng xóm của tôi, không khéo lại trở thành Giám đốc nhà hàng chó đặc sản năm sao.
 
Một hôm, nhân trời mưa lắc rắc, ông hàng xóm cho cậu út sang mời tôi qua lai rai chút đỉnh món nai đồng quê nức tiếng của ông. Rượu vào được vài ly, nghe tôi khen tài kinh doanh chó tài tình của ông, ông xua tay nói:
 
- Nhằm nhè gì ba cái lẻ tẻ hả bác. Phải biết hy sinh cho khoa học chó như bác mới gọi là đáng mặt anh hào. Kỳ này tui tính đổi nghề.
 
- Trời đất! Nói thiệt hay nói chơi? Bác nhờ chó, đang làm nên ăn ra?!...
 
- Phải làm ăn lớn cà- ông hàng xóm nhấp nháy con mắt ra chiều khoái trá- Vậy chớ bác còn nhớ vụ tay gì ở Hà Nội, tổ chức đám ma chó linh đình, hàng trăm xe hơi chở vòng hoa đưa đám, bị kỷ luật cách về làm phó thường dân không?
 
- Vụ đó nức tiếng như cồn, tôi còn lưu hàng chồng bài viết của các tay săn tin.
 
- Đấy! Sự đời nó vậy! Hồi đó người ta mê bẹc giê hơn mê người tình. Giờ thời buổi xoay vần, các nhà giàu có sang trọng đua nhau nuôi chó kiểng. Tui tính vầy, bác với tui như anh em, tui có vốn, bác có học vấn, ta hùn hạp nuôi chó xi lùn, chó phốc, kiếm tiền làm giàu với thiên hạ chơi.
 
Thật là ngán cho tấn trò đời. Mình đang lao vào khẳng định tiếng tăm của nhị vị danh khuyển để trình luận án thì… hắn lại rủ kinh doanh chó kiểng. Mà… cũng được, khoa học phải có hậu phương cấp vốn, mới triển khai nghiên cứu được những đề án tầm cỡ thế giới chứ. Bao nhiêu đồ đạc đã bán ráo, mà cái chốt nhất của vấn đề là giá trị đích thực của giống chó Lài, chó Phú Quốc vẫn chưa tìm ra. Suy cho cùng cũng tại ngành khoa học tự nhiên của ta, trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, còn thiên lệch quá, hạn chế quá, chỉ nặng về trâu bò, lợn gà, chưa đoái gì tới chó. Bao nhiêu chó đều ném cả vào chai rượu, có ai biết nuôi chó để nghiên cứu khoa học như ông Páp Lốp đâu. Họa chăng cũng chỉ vài người làm trên Cục, trên Viện, bị coi là hâm tỉ độ mới ghé mắt dòm qua loáng thoáng về chó. Ấy thế mà cũng không biết lòng tự trọng dân tộc về chó quý hiếm của ta, chiếm được tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong đầu của họ. Thôi thì… liều một phen xem nó thế nào. Chẳng qua là một bước lùi hai bước tiến như sách Tôn Tử. Biết đâu bắt cá hai tay lại hốt bạc ào ào.
 
Ngay đêm đó, tôi nài nỉ rót vào tai bà vợ những lời ngọt nhạt. Đại loại: em ráng tiếp anh một lần này nữa thôi. Thiên hạ đầy trời đang đua nhau chơi chó kiểng. Giá mỗi con xi lùn xấu nhất, cũng trên chỉ rưởi khi vừa mở mắt. Một con chó giống đẻ mỗi lứa ba, bốn con, làm gì mà lỗ được. Với nữa, ông hàng xóm bao gần chín phẩy chín chín phần trăm số vốn, mình có là cái đinh gì. Ngon ngọt suốt đêm, bà xã cuối cùng cũng lột cho tôi đôi bông tai và cái nhẫn cưới. Hai chỉ cả thảy. Phần hùn hạp cổ phần của tôi chỉ có thế.
 
Vậy mà ông hàng xóm rước về một hơi ba con chó cái giống. Mỗi con giá trên hai cây vàng. Tôi nhìn chúng mà hoa cả mắt. Đến ẵm chúng lên nựng nựng vào mũi cho quen hơi như trong tài liệu hướng dẫn, tôi cũng không dám. Mình hút thuốc, uống rượu, ăn rau dưa, lỡ làm chúng nhiễm trùng một cái có mà khuynh gia bại sản. Đến cả việc chúng nhảy phốc từ trên sa lông xuống nền gạch bông tôi cũng lo cóng ruột, sợ chúng lỡ trợt chân té bị què. Rồi thì… ngày mưa nhiều, tôi nơm nớp lo chúng lạnh bụng. Ngày oi bức, tôi nơm nớp lo chúng cảm nắng. Trước đây, khi bà xã lần đầu vượt cạn, khi con cái sốt phát ban nóng nứt môi chảy máu, tôi cũng chưa bao giờ lo đến thế. Ôi chao! Đủ cái lo tự dưng lại rước vào người. Cứ hễ rảnh việc cơ quan, đạp xe về tới nhà là lập tức tôi xách tập hồ sơ y khoa chó, qua ngay nhà ông hàng xóm, chúi mũi nghiên cứu hàng giờ. Có bữa mãi mê quá, tôi đến sở chậm gần cả tiếng. Giám đốc phải cho mời tôi lên uống trà.
 
- Đồng chí có biết thế nào là tha hóa lập trường giai cấp công nhân không?- Giám đốc nói với tôi- Đất nước còn nghèo, vậy mà đồng chí hùn hập với tư nhân kinh doanh chó. Đồng chí tính dạy cho đồng bào ăn chơi hàng cây vàng một lúc sao?!
 
Ông ta viện dẫn kinh điển một thôi một hồi, đủ cả Xôcrat, Phrớt, Hêghen, Cácmác… khiến tôi đã tính đầu hàng, nếu như chiều đó ông hàng xóm không thông báo:
 
- Động đực rồi! Cái hoa đỏ như búp lựu, sưng lên đẹp như múi mít. Chủ nhật tốt ngày ta cho nhảy.
 
(vậy là tôi quên béng hết, kể cả quên cục tức nghẹn họng bởi tay phó phòng đeo dính tôi, săn từng tiểu tiết việc tôi hùn hập nuôi “chó nái”).
 
*
 
Hôm con xi Pháp tam sắc chịu đực, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy có điều gì đó vô cùng hệ trọng, trong cuộc sống vốn nhuốm màu công chức tẻ nhạt của tôi, mà khi vợ tôi chuyển bụng đi nhà bảo sanh sanh thằng hai với con ba tôi không hề thấy. Chúng tôi tẩm bổ cho anh chị chó đầy đủ nào sữa, nào hột gà, nào phôi hột vịt lộn. Vậy mà còn nơm nớp lo chúng đuối sức, làm tình không đến nơi đến chốn. Mỗi lần chó chịu nọc, tốn cả hai chỉ vàng bốn số chín chứ ít à. Mà cái thứ chó Tây nó làm tình cũng đài các lắm. Anh đực cứ nằm ườn ra. Chị cái thì khủng khỉnh dim mắt ngồi liếm bộ lông dài mượt. Cả tiếng đồng hồ chảnh chẹ ra vẻ không thèm chuyện ấy, chúng mới xáp lại gần nhau. Lại còn dềnh dàng hít hít, liếm liếm nhau mãi. Chừng con đực chịu nhảy, nó điệu như một nghệ sĩ. Cái lưng cong tớn, giần giật từng cơn theo nhịp rên ư ử. Ông hàng xóm chỏi đôi mục kiểng dòm một hồi, rồi nói:
 
- Điệu nghệ quá tay! Lứa này cầm chắc tứ khuyển. Vô lút rồi bác hà.
 
Vô lút, nhưng là vô lút cái của hái ra tiền cho chủ của con xi đực, chứ còn hai cúng tôi thì… vô trắng con mắt. Con xi Pháp có bầu tới bốn cái thai mà đẻ không được. Tôi chỉ là nhà sưu tầm chó, chứ đâu phải nhà đỡ đẻ chó, ông hàng xóm phải cho cậu út rồ máy chiếc java230 đi rước bác sĩ thực hành; nhưng hăm ba năm tuổi nghề lo cho heo đẻ heo bệnh của ông ta, cũng không giúp gì được cho sản phụ chó đang lâm bồn. Cũng là vì nền y học súc vật của ta chuyên hướng quá nhiều về heo, về gà, vịt, trâu, bò hơn là về chó. Cả ba chúng tôi bó tay ngồi chết trân, gần giống như Từ Hải chết đứng. Riêng tôi, mỗi lần con chó  rặn đẻ là tôi nhót cả ruột, tim gan phèo phổi cứ cuộn cuống lên, xoắn nùi lại. Chừng con xi Pháp lả ra chết, ông hàng xóm móc chiếc khăn mùi xoa ra lau mồ hôi trán, nói với tôi:
 
- Coi như thí nghiệm. Bác đừng buồn, ta còn hai cơ hội gở bàn thua. Lo gì!
 
(Vậy mà tay phó phòng sáng hôm sau đã săn được tìn này. Gặp tôi ở chân cầu thang, y nói: Sao? Nghiên cứu tài liệu không kĩ hay sao mà để chó chết tức tửi vậy. Cả một đống tiền chứ ít à. Hoang vừa vừa thôi!).
 
*
 
Ai mà biết trước sự đời thiên biến vạn hóa. Trong họa có phúc. Với chúng tôi, phúc trùng lai lia lịa. Có thờ thần tài có khác. Hai con chó giống còn lại đẻ giỏi như hai cái máy đẻ ra vàng. Sáu con. Tám con. Rồi lại tám con. Con nào con nấy đẹp như công chúa xứ Ba Tư, hoàng tử xứ Hy Lạp. Ông hàng xóm của tôi suốt ngày cứ nằm bò ra nền nhà mà nhìn ngắm đắm đuối từng cô cậu khuyển.
 
- Bác ạ- ông nói với tôi- phần săn sóc bác cứ để tui, tui mát tay lắm. Bác rành nghề sưu tập, bác chịu khó săn lùng người mua, ca cho thiệt mùi vô lỗ tai thiên hạ . Kiến thức về chó bác thiếu gì.
 
Trong chớp mắt, tôi thành người săn khách. Mà lạ thiệt, tôi không cần hít ngửi giỏi như chó, cũng săn được khách hàng dễ ợt.
 
Chẳng biết giống chó Lài, chó Phú Quốc thế nào, chứ với  chó Tây thì… tôi săn đâu dính đó. Khách đến thăm nom, ngả giá, đặt cọc nườm nượp, đông nghịt như thiên hạ xếp hàng đăng ký xin vô các công ty liên doanh với nước ngoài, như các cô thôn nữ tơ măng chen chúc đăng ký cho dân Hàn Quốc, Đài Loan thay nhau sờ nắn chọn về làm máy đẻ. Chúng tôi chưa dám nhận lời bán cho ai, bởi vì cuộc mua bán chó đã trở thành cuộc đấu xảo chó tại gia. Giá chó leo thang vòn vọt. Đồng tiền phá giá như chong chóng. Từ chỗ người săn khách, tôi trở thành đối tượng bị săn đuổi  của những ông bà đang cuống lên, vì sự thèm khát chó, làm cho đồng tiền mua chó chẳng còn là gì, khi mà họ vẫn chưa rước được chó về nhà. Vinh quang đã thuộc về chó, thuộc về chó kiểng. Con đẹp mã đã lên tới cả cây. Con xấu nhất cũng tròm trèm ba chỉ. Vậy mà hôm giáp Tết Tây, ông hàng xóm nói với tôi một câu xanh rờn:
 
- Bác có muốn quậy tay phó phòng không? Cái tay hay săn tin nói xấu ấy. Bác cứ ẵm con cún đẹp nhất này này, biếu cho ông giám đốc, chắc ổng mừng lắm. Nhà ông ta vừa có đứa con gái đi học bên Tây về, nó không mê chó thì chớ kể tui làm người.
 
Mọi người biết không, gần tuổi về hưu mà đùng một cái, đang từ chân nhân viên trị sự, tôi nhảy tót lên ghế trưởng phòng tổ chức. Con chó hai cây vàng đã làm nên phép nhiệm màu, hay là sự sống lâu lên lão làng đã giúp tôi mọc cánh? Ngồi lên ghế trưởng phòng, tôi bỗng thấy công việc thật thơm tho nhàn nhã. Đồng nghiệp trước đây coi tôi có cũng như không, giờ gặp tôi, tới ho  cũng không dám. Ai đi xa về cũng tìm đến thăm tôi, tình thân như ruột thịt.
 
*
 
Một chiều tôi đang ngồi gật gù đọc lại tập hồ sơ về giống chó chăn cừu Bắc Âu, bất chợt tay phó phòng(xin nói rõ là chính tay phó phòng ấy), rụt rè bước vào. Thấy tôi đang chú mục vào chân dung một con chó đốm đen tai cụp, hắn vặn vặn hai bàn tay, cố rặn ra  nụ cười nhạt hoét.
 
- Anh Hai, biết anh có bộ sưu tập quý hiếm về chó, em đã trao đổi với bên Tòa soạn một tờ báo, họ đã nhận còm măng một loạt bài viết về chó của anh.
 
Thấy tôi lột mục kỉnh ra dòm, anh ta đưa tay trái măn măn giái tai, nói tiếp:
 
- Vấn đề là danh dự và uy tín anh ạ, chứ tiền thì đáng là bao.
 
Chà, hắn nói chí phải. Tội gì mình để cả đống tư liệu, tài liệu về chó ngủ im trong hộc tủ. Vậy là viết. Viết say sưa như chưa bao giờ được viết. Với sức học lớp bảy bổ túc văn hóa ban đêm mà bài của tôi vẫn được báo đăng rầm rầm. Tên tuổi tôi nổi như cồn như sóng. Chưa hết đâu, tay phó phòng còn săn cho tôi vô vàn những miếng mồi béo bở. Y móc nối với các cơ quan đoàn thể, mời tôi đến nói chuyện về chó như một nhà tư vấn chó. Y gạ gẩm họ thù lao cho tôi theo thang bậc giáo sư cấp I. Y trung thành lùng sục khắp nơi để tôi có thể trổ hết các ngón hiểu biết về chó của tôi. Tới mức, ông hàng xóm một hôm đã nói với tôi:
 
- Này! Hình như lóng rày bác đã chứng minh được đức tính tuyệt  hảo của giống chó Phú Quốc rồi chứ?
 
- Chưa đâu- tôi đáp.
 
- Vậy nó là giống chó Lài à?
 
Vừa nhồi một mồi thuốc Tiên Lãng vào nỏ điếu, tôi vừa thủng thẳng nói với ông hàng xóm.
 
- Lâu nay tôi theo bác kinh doanh chó Tây, đã biết thế nào được tài khí hai loài danh khuyển Việt Nam. Mà phàm cái gì chưa biết thì chớ có mà nói ẩu. Nói ẩu dễ xúc phạm danh dự người ta lắm, dù là danh dự chó.
 
- Vậy thì- ông hàng xóm gải gải chỗ kín(ông ta mắc tật hay gải chỗ ấy)- bác thử xin nghỉ phép, đi một vòng điều tra thêm chuyện chó mà viết một thiên phóng sự về chó, không chừng ăn tiền đó nghe.
 
(Tay phó phòng không biết bằng cách nào đã săn được tin tôi vừa hoàn thành thiên phóng sự. Anh ta tìm đến tận nhà riêng của tôi, chúi mũi đọc. Đọc xong khen rối rít: viết thế này mới là viết, phải thế chứ, cứ như Quan Thế Âm Bồ Tát tái thế trần gian. Không phải lối viết theo kiểu văn học chuyên hư cấu. Lại càng không phải lối viết theo kiểu báo chí chuyên moi tin. Đây là lối viết tổng hợp, đầy năng lực sáng tạo của một nhà báo, một nhà văn, một nhà khoa học, một nhà tổ chức. Em đắc ý nhất là cái đoạn bác khuyên bà con dưới quê, không nên để chó dọn vệ sinh cho con trẻ, vì lỡ nó táp nhằm cục cưng của cậu trai, thì lấy đâu ra thỏi vàng mà triển khai nòi giống. Nói thật chứ, chó ta là ẩu lắm, phẩn vừa mới lò ra nó đã lăm le chực  đớp, sơ sểnh là toi. Còn chó Tây, ăn uống no nê phè phởn, nó có thèm gì những thứ hôi thối vứt đi. Tây chứ có phải ta đâu há anh?).
 
*
 
Xin lỗi bạn đọc một phút nhé! Có ai gỏ cửa nhà tôi.
 
- Ai đó?
-Tôi đây- à, ông hàng xóm tri kỉ của tôi- báo bác hay, con phốc Ăng Lê đã chuyển bụng.
 
Phải dừng viết thôi, bởi chuyện này hệ trọng vô cùng.
 
HTT
 
---------------
1. Gavriin Trôieponxki- tác giả “Bim trắng tai đen”
 
 
 

 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Tin nhanh

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2024   VnVista.com