Nơi bình yên chim hót

   Trong: Sức khoẻ
 

Uống nước giúp bạn duy trì thể trạng, chống lại
 sự oi bức của mùa hè hay sự mất nước do tập luyện thể thao. Sau đây là một số gợi ý uống nước đúng cách và hiệu quả trong những ngày hè.

Khi ở nhà

- Nên uống nhiều nước giữa các bữa ăn và càng nhiều nước hơn khi mệt mỏi hay đau đầu. Nước bạn uống cũng cần được đảm bảo về độ tinh khiết.

- Cho một chút muối vào nước đun sôi để nguội trước khi uống sẽ giúp tăng "chất lượng" cho nước. Việc đổ mồ hôi khiến chúng ta mất khá nhiều muối nên đôi khi chúng ta uống bao nhiêu nước cũng không thấy đỡ khát. Nhưng chỉ một chút muối được pha thêm vào nước thôi sẽ giúp bạn hết cảm giác khát và lấy lại cân bằng cho cơ thể.

- Hãy uống nước khi vừa thức dậy vào sáng sớm và còn chưa kịp ăn gì. Đây là thời điểm cơ thể bạn sẽ hấp thu nước một cách dễ dàng và sảng khoái sau giấc ngủ.

- Uống sữa tươi, sữa đậu nành, ăn súp đậu xanh và cháo đặc sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc ăn các đồ ăn "nặng" vào buổi sáng. Bạn cũng có thể ăn súp cà chua, uống nước mận ép, hoa quả ép hỗn hợp sau các bữa ăn. Lượng nước hoa quả này sẽ bổ sung cho cơ thể rất nhiều vitamin cũng như giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với cái nóng của mùa hè.

Khi bạn đi du lịch

- Hãy mang theo một chai nước muối (pha khoảng 1 gram cho mỗi 500 ml nước). Nước muối cung cấp cho cơ thể rất nhiều chất khoáng như natri và kali.

- Uống nước nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ nên uống ít một. Lượng nước bạn uống trong khoảng 1h đồng hồ không nên vượt quá 1 lít.

- Bạn không nên uống nước quá lạnh. Nó sẽ làm hỏng dạ dày của bạn. Nhiệt độ nước tốt nhất chỉ nên ở khoảng 10 độ C.

- Uống một chút nước ngọt để cung cấp thêm lượng đường dự trữ cho cơ thể.

- Và cuối cùng, bạn không bao giờ cho phép mình uống nước của các con sông, hồ ở các địa điểm du lịch vì nó rất dễ khiến bạn bị nhiễm khuẩn và ngộ độc.

Theo VTV


   Trong: Sức khoẻ
 

5 biện pháp có thể cho biết khả năng của bạn trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh tim. Hãy viết những con số này ra giấy và luôn nhớ thực hiện, chúng sẽ cho biết sức khoẻ quả tim chúng ta hiện tại như thế nào?

1 - Số đo vòng eo: trong tất cả những biện pháp nhằm xác định xem trọng lượng cơ thể có ảnh hưởng đến sức khoẻ tim bạn không thì đo số đo vòng eo là cách hữu hiệu. Cách đo chính xác nhất là xác định tỷ lệ kích thước eo tới hông (tính bằng cách chia chu vi eo tại điểm nhỏ nhất và chu vi hông tại điểm to nhất). Nếu kết quả đạt được với tỷ lệ hơn 0,90 ở nam và 0,85 ở nữ sẽ cho thấy bạn đang bị béo phì và những rối loạn chuyển hoá chất. Một khi các tế bào mỡ được tích tụ tại bụng và xung quanh một số nội tạng, chúng sẽ sản sinh ra những hoá chất gây viêm nhiễm và protein kích thích chứng thèm ăn. Kết quả là nguy cơ bệnh tim của bạn sẽ tăng cao và chứng viêm nhiễm sẽ kéo theo chứng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, những rối loạn trong chuyển hoá và sự đề kháng của insulin sẽ trực tiếp can thiệp vào chức năng các tế bào gan và cơ trong khi hệ thống kiềm chế sự thèm ăn của bạn bị bẻ gãy, dẫn đến việc bạn ăn một cách vô tội vạ và bụng sẽ ngày một to ra. Đối với các bạn nữ, nguy cơ sức khoẻ bắt đầu tăng cao khi vòng eo lớn hơn 80cm. Hãy thường xuyên kiểm tra số đo vòng eo hai tuần mỗi lần.

2 - Tính nồng độ cholesterol: nồng độ trong máu thường là 130-300mg/100ml (3,6-7,8 mmol/l). Để đo được nồng độ cholesterol trong máu cách tốt nhất là từ 8-12 tiếng trước khi thử máu. Nếu như tổng cholesterol trong máu bạn cao từ 6-6,5mmol/l, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị những liệu pháp chữa trị và kiểm tra thường xuyên.

3 - Huyết áp: huyết áp luôn tăng giảm thất thường trong ngày. Tuy nhiên, một khi máu liên tục tăng tức là bạn đang bị chứng cao huyết áp và điều này dễ dàng kéo theo nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Nếu huyết áp ở mức 140/90mmHg (milimet thuỷ ngân) hoặc hơn được xem là cao, còn nếu đọc được ở mức 120/80 đến 139/89mmHg, bạn có thể nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh tim. Thường đến các trung tâm y tế để kiểm tra huyết áp và lấy lời khuyên của bác sĩ về liệu pháp điều trị cũng như các loại thuốc thích hợp. Bạn cũng có thể sắm một dụng cụ đo huyết áp sử dụng tại nhà để kiểm soát  thường xuyên.

4 - Triglyceride: Triglyceride được hình thành từ các loại chất béo và carbohydrate mà bạn ăn hằng ngày, được chuyển hoá thành một dạng tồn trữ trong các tế bào mỡ. Triglyceride còn có thể được sản sinh từ mô mỡ khi cơ thể cần một lượng năng lượng phụ giữa các bữa ăn. Việc triglyceride hiện diện trong dòng máu là rất bình thường nhưng khi ở một nồng độ cao sẽ gây nên bệnh động mạch vành – đặc biệt thường thấy ở phụ nữ.  Khi bạn có lượng triglyceride cao mà cholesterol HDL thấp, nguy cơ rối loạn chuyển hoá và tính đề kháng insulin sẽ gia tăng. Mức triglyceride được xem là bình thường khi dưới 1,5mmol/l.

5 - Tầng số mạch: một loạt các sóng áp suất trong một động mạch gây ra do co bóp ở tâm thất trái và tương ứng với nhịp tim (số lần tim đập trong một phút). Mạch được phát hiện dễ dàng trên các động mạch ngoại biên như động mạch quay ở gần cổ tay và động mạch ở cổ. Tần số mạch trung bình là 60-90 một phút, nhưng khi luyện tập thể thao, tổn thương, bệnh và xúc động, mạch có thể nhanh hơn nhiều. Một tháng một lần, hãy đo nhịp mạch vào buổi sáng trước khi bạn ra khỏi giường ngủ. Nếu như bạn có thói quen tập thể dục buổi sáng, hãy đo mạch sau khi tập để có thể kiểm tra được nhịp mạch chính xác và bình thường nhất.

Quốc Triệu


   Trong: Sức khoẻ
 

Các loại nước ép từ trái cây không chỉ mang lại vẻ đẹp cho làn da phụ nữ mà còn bổ khuyết cho những thiếu hụt do đặc điểm giới tính của họ, thậm chí làm tăng hưng phấn nơi khuê phòng.

Nước cà rốt

 

 

Nước cà rốt rất giàu kali, magiê và canxi - ba khoáng chất dễ bị thiếu nhất trong thực đơn của người phụ nữ.

Nước cà rốt là một trong những loại nước quả hữu ích nhất đối với phụ nữ bởi ngoài sắt ra thì canxi, kali và magiê (có nhiều trong cà rốt) là những chất dễ bị thiếu nhất. Cà rốt còn là nguồn beta-caroten và carotenoid tuyệt hảo để cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp tăng cường thị lực, đẩy mạnh khả năng hấp thụ vitamin A, C, E và đẩy nhanh quá trình đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Nước cam

Nước cam cung cấp nhiều vitamin C

Một ly nước cam nhỏ cung cấp phần lớn nhu cầu vitamin C mà một phụ nữ cần trong ngày. Flavanoid hiện diện trong nước cam kết hợp với vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm chắc khỏe mao mạch, phòng ngừa hiện tượng mạch máu dưới da mặt bị vỡ.

Nước cam tươi còn là nguồn cung cấp phong phú thiamin và folat. Thiamin hay vitamin B1 tham gia vào tiến trình giải phóng năng lượng. Folat là một vitamin nhóm B, có công dụng xây dựng chất lượng của máu huyết.

Nước dứa

Nước ép dứa chứa rất nhiều vitamin C. Enzym bromelain trong dứa trợ giúp tiêu hóa, giảm triệu chứng sổ mũi, giúp mau lành một số chấn thương nhỏ, đặc biệt là căng nhức cơ, bong gân.

Bromelain còn làm giảm hiện tượng sưng phồng và đau đớn ở sản phụ khi trở dạ, giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn, đau thắt ngực và viêm phế quản.

Nước nho đỏ

Nước nho đỏ có công năng chống lão hóa. Nó có chứa những flavanoid tương tự như trong rượu vang đỏ, giúp mở rộng mạch máu và tăng cường lượng máu chảy đến bề mặt da.

Chất quenetin trong nước nho giúp ngăn ngừa sự kết tụ máu, ngừa bệnh tim mạch. Còn chất resveratrol có khả năng chống lại bệnh ung thư.

Theo SK&ĐS


   Trong: Sức khoẻ
 

Bệnh trong giai đoạn chuyển mùa

Giới thiệu

Ở trẻ em có nhiều bệnh thường xảy ra nhiều hơn vào giai đoạn chuyển mùa nhất là giai đoạn mùa nắng chuyển sang mùa mưa. Ðó là các bệnh: sốt và sốt cao co giật, bệnh viêm đường hô hấp cấp, bệnh sốt xuất huyết, bệnh hen suyễn.

Tại sao trẻ dễ mắc những bệnh này?

  • Thời tiết thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm làm cho trẻ khó thích nghi, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh.

  • Thời tiết lạnh, ẩm mưa nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn, siêu vi phát triển mạnh: siêu vi gây bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp, siêu vi Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

  • Các thói quen tại gia đình: nằm quạt quá nhiều, sử dụng máy lạnh với nhiệt độ thấp làm trẻ dễ nhiễm lạnh.

 

Các bệnh thường gặp trong giai đoạn chuyền mùa

Sốt và sốt cao co giật

Sốt là một biểu hiện thường gặp của nhiều tình trạng bệnh lý và sinh lý ở trẻ em. Sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể do đó cần phải theo dõi tình trạng sốt của bé, chỉ dùng thuốc khi trẻ sốt cao khó chịu hay có biến chứng.

  • Khi bé có nhiệt độ # 37,5oC cần cho bé mặc đồ thoáng mát uống nhiều nước hơn bình thường.

  • Khi bé sốt trên 38oC cần cho bé uống thêm thuốc hạ sốt, Cetamol với liều 10 mg/ 1Kg cân nặng ( Ví dụ: trẻ 10 Kg cho uống viên bé nóng 100 mg).

  • Khi bé sốt cao > 39o C cần phải hạ sốt khẩn cấp bằng thuốc với liều 15 mg/ 1Kg cân nặng ( Ví dụ: trẻ 10 KG cho uống thuốc Efferalgan 150 mg) kèm theo lau mát bằng nước ấm.

  • Khi trẻ sốt cao dọa co giật các cha mẹ phải lau mát hạ sốt tại nhà, cần chú ý các bước như sau:

    1. Ðặt bé nằm đầu nghiêng một bên cho đàm nhớt thoát ra.

    2. Lấy cán muỗng hay cây đè lưỡi quấn khăn chận giữa 2 hàm răng đề phòng bé cắn lưỡi.

    3. Hạ sốt cho bé bằng thuốc đặt hậu môn ( trẻ 10 Kg Efferalgan 150 mg viên đạn).

    4. Lau mát tích cực theo phương pháp sau đây:

    • Ðặt 4 khăn: 2 ở nách, 2 ở bẹn thay đổi 2-3 phút.

    • Dùng 1 khăn lau khắp người bé trong vòng dưới 15 phút.

    • Ngưng lau khi nhiệt độ giảm còn 38,5oC sau đó lau khô và mặc quần áo mỏng cho bé.

    5. Khi bé hết co giật hay bé vẫn còn giật sau 5 phút lau mát cần đưa đến ngay cơ sở Y tế gần nhất.

 

Viêm đường hô hấp do siêu vi

Ðịnh nghĩa: là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do tác nhân siêu vi: siêu vi cúm ( A, B), RSV.

Triệu chứng:

  • Viêm đường hô hấp trên: viên họng, viêm mũi họng, sốt, ho, sổ mũi, đau họng.

  • Viêm đường hô hấp dưới có thêm triệu chứng: thường sốt cao kèm khó thở, thở nhanh ( viêm phổi).

Trẻ cần khám ở cơ sở Y tế gần nhà khi bắt đầu có triệu chứng, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay:

  • Trẻ lừ đừ, bỏ ăn uống.

  • Khó thở.

  • Thở nhanh

  • Tím tái

Cách phòng bệnh:

  • Mặc áo ấm cho trẻ khi trời lạnh.

  • Ðeo khẩu trang khi ra đường.

  • Tránh cho trẻ đến nơi đông đúc, chật chội như chợ búa, tránh cho trẻ tiếp xúc người đang bệnh.

  • Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.

  • Chích ngừa đầy đủ các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt.

 

Bệnh sốt xuất huyết

Ðịnh nghĩa: là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.

Triệu chứng

  • Trẻ thường sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên và khó hạ nhiệt.

  • Xuất huyết da niêm: nổi chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói máu, tiêu phân đen.  

  • Trẻ có thể bị sốc, trụy mạch, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt.

Khi trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên cần được đến khám ở cơ sở Y tế gần nhà, cần cho trẻ uống nhiều nước vì máu trẻ thường bị cô đặc và phần dịch (huyết tương) thất thoát ra ngoài mạch làm trẻ dễ bị sốc, trụy mạch.      

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến khám ngay:

  • Trẻ lừ đừ

  • Nôn ói nhiều

  • Ói ra máu, tiêu phân đen, chảy máu cam nhiều.

  • Tay chân nổi bông tím, mát lạnh.

Phòng bệnh: chưa có vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết.

  • Tránh muỗi chích: ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo dài tay, không nên quá tin tưởng vào nhang muỗi, thuốc bôi chống muỗi.

  • Vệ sinh môi trường: phát quang môi trừong xung quanh, dọn dẹp những vật dụng chứa nước đọng, dọn dẹp sạch sẽ nhất là góc nhà, gầm giường, tủ áo nơi có nhiều muỗi., diệt lăng quăng.

 

Bệnh suyễn

Ðịnh nghĩa:

Suyễn hay còn gọi là hen phế quản xảy ra khi có hiện tượng có thắt phế quản được khởi phát bởi các yếu tố bên ngoài (dị nguyên) gây ra.

  • Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, không lây, thường có tính gia đình.

  • Trong giai đoạn chuyển mùa, ngoài những yếu tố khởi phát như lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc lá, bụi bặm, thức ăn, gắng sức thì sự thay đổi thời tiết và những bệnh cảm cúm cũng là nguyên nhân gây ra cơn suyễn.

Triệu chứng:

Trẻ thường có tiền căn ho và khò khè.

Khi cơn suyễn đến thường có triệu chứng báo trước: hắt hơi, sổ mũi, nổi mề đay sau đó trẻ bắt đầu ho, khò khè, khó thở.

 Xử trí:

  • Nếu là cơn suyễn tái phát trẻ nên được dùng thuốc xịt giãn phế quản tại nhà, nếu sau khi xịt thuốc 2 lần mà trẻ còn khó thở thì cần đưa ngay trẻ đến Bệnh viện gần nhất.

  • Nếu nghi ngờ trẻ bị cơn suyễn đầu tiên thì cần đưa ngay trẻ đi khám khi trẻ khò khè nhiều hoặc bắt đầu khó thở. + Sau cơn suyễn trẻ vẫn cần được khám và theo dõi để ngừa cơn suyễn tái phát.  

Phòng ngừa:

  • Trẻ cần tránh xa những yếu tố có thể gây khởi phát cơn suyển nêu trên.

  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Bác sĩ .

  • Những trường hợp cần thiết trẻ được dùng thuốc phòng ngừa cơn suyễn tái phát.

    (BV Nhi đồng 1)


   Trong: Sức khoẻ
 

Việc duy trì một cơ thể cân đối, tinh thần sảng khoái kèm theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý hoàn toàn không dễ dàng. Hãy khám phá 9 cách đơn giản dưới đây để tìm ra bí quyết đẩy lùi bệnh tật và sống khoẻ mỗi ngày

























Không sử dụng thuốc giảm cân. Theo một nghiên cứu mới đây của trường ĐH Georgetown, Mỹ các loại thuốc giảm cân có chứa thành phần chính là Citruss auratinum (một giống cam đắng) và cây ma hoàng sẽ làm nhão cơ bắp, tăng huyết áp và trong nhiều trường hợp sự tương tác của chúng với các loại thuốc khác có thể gây hại cho cơ thể. Vì vậy, hãy ăn uống lành mạnh và tập luyện để giảm cân.

Bảo vệ men răng bằng cách hạn chế các đồ uống có chứa axit citric như soda, nước ngọt có ga hoặc các loại nước hoa quả đóng hộp. Các chất phụ gia trong những thức uống này thậm chí còn tác hại đến răng của bạn hơn cả đường. Chúng làm tăng nồng độ axit trong miệng bạn và phá huỷ lớp men trắng.

Đừng quá lạm dụng các thực phẩm có thành phần rau quả. Theo các nhà khoa học của trường ĐH Boston, Mỹ, đa phần các nhà sản xuất không có nhiều chủng loại rau quả để tạo nên sự khác biệt trong các sản phẩm của họ như đã quảng cáo. Thêm vào đó, thời gian bảo quản càng lâu thì các vitamin trong các rau quả chế biến sẵn càng bị mất đi. Rau quả tươi luôn là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và chứa ít calo.

Cố gắng kiềm chế những cơn giận. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, sự giận dữ sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hoóc-môn stress dẫn đến chứng nghẽn động mạch. Để giúp cơ thể quân bình và ngăn chặn chứng cao huyết áp, bạn hãy làm theo cách sau: nhắm mắt lại, hít sâu vào trong 5 giây, thở ra từ từ, và hãy hình dung mọi bực tức đang thoát ra khỏi bạn.

Bảo vệ đôi chân của bạn bằng cách luôn thoa kem chống nắng mỗi khi bạn mặc quần short hoặc váy ở ngoài trời nắng. Bạn thường không để ý đến đôi chân của mình, nhưng trên thực tế, các khối u hắc tố dưới da thường xuất hiện ở chân và đặc biệt là mặt sau của chân, nơi bạn nghĩ là ít bị phơi nắng nhất. Hãy thường xuyên kiểm tra đôi chân của bạn và hãy đến bác sĩ nếu bạn phát hiện những đốm lạ, sẫm màu hoặc có màu sắc khác lạ.

Hãy tránh những tiếng ồn, nếu bạn muốn mình thon thả, mảnh mai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi khi phụ nữ bị tác động bởi những tiếng ồn, với mức độ ồn ngang tiếng máy khoan, họ thường có xu hướng muốn ăn nhiều. Thậm chí tiếng những âm thanh của vô tuyến truyền hình hoặc một bản nhạc bật to cũng có thể khiến bạn muốn ăn nhiều chất béo hơn.

Giữ cho xương sống thẳng đứng là cách đơn giản để chống lại chứng đau lưng và mỏi cổ. Nó cũng tốt cho hệ tiêu hoá của bạn và duy trì sự săn chắc của cơ bắp. Nếu công việc của bạn phải ngồi suốt 8 tiếng, thỉnh thoảng hãy đứng dậy và vận động nhẹ trong vòng 2-3 phút để giãn cơ bắp.

Đi dạo ngoài trời. Đây là cách hữu hiệu giúp cho tinh thần của bạn sảng khoái, phấn chấn, đặc biệt là đi dạo vào những ngày trời nắng đẹp. Một nghiên cứu mới của trường ĐH Michigan cho thấy nếu bạn đi dạo ngoài trời khoảng 30 phút vào những ngày nắng đẹp, cơ thể giúp bạn tăng trí nhớ và nảy sinh những ý tưởng tốt. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người phải ngồi trong nhà nhiều dễ cảm thấy trì trệ, chán nản.

1.000 miligram canxi mỗi ngày là cách hữu hiệu nhất để giúp bạn ngăn ngừa chứng loãng xương. Nhưng đối với các bạn trẻ, tập luyện là phương pháp tốt nhất khiến xương của bạn vững chắc, dẻo dai. Tất cả các loại sữa trên thế giới cũng không thể giúp bạn chống lại được chứng loãng xương sau này nếu không kết hợp với việc tập luyện. Những bài tập tốt nhất cho xương bao gồm leo cầu thang, đạp xe, đi bộ.

Minh Tú (tổng hợp)


   Trong: Sức khoẻ
 

Chúng ta thường nghĩ rằng ô nhiễm không khí cục bộ là vấn đề gây ra bởi công nghiệp hoặc giao thông – và điều đó đúng – nhưng thế còn vấn đề ô nhiễm trong nhà thì sao? Trong khoảng 30 năm trở lại đây, người ta đã quan tâm nhiều hơn đến việc giảm ô nhiễm trong nhà, nhưng chỉ gần đây cộng đồng khoa học quốc tế lo lắng về việc giảm ô nhiễm không khí của những môi trường khép kín. Nếu biết thời gian mà một người sử dụng trong một môi trường kín là rất lớn (90%), chúng ta sẽ hiểu vấn đề ô nhiễm trong nhà có tầm quan trọng hàng đầu. Các nghiên cứu của Mỹ và châu Âu cho thấy con người ở các nước công nghiệp dành hơn 90% thời gian của họ ở trong nhà. Nồng độ của nhiều chất ô nhiễm trong nhà vượt nồng độ của chúng ở ngoài trời. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ nghiên cứu sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí chỉ ra rằng nồng độ trong nhà của các chất ô nhiễm có thể cao hơn 2-5 lần và đôi khi cao hơn 100 lần so với nồng độ ngoài trời. Các địa điểm được quan tâm nhiều nhất là những khu vực mà sự phơi nhiễm kéo dài, liên tục – đó là nhà ở, trường học và nơi làm việc. Phổi là vị trí bị thương tổn phổ biến nhất bởi các chất ô nhiễm trong không khí. Tuy nhiên, ảnh hưởng cấp tính cũng có thể bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng phi-hô hấp, phụ thuộc vào độc tính của các chất ô nhiễm và các yếu tố liên quan đến người bị nhiễm các chất này. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu gây ra bởi việc đốt nhiên liệu rắn, được ước tính làm chết hơn 50.000 trẻ em hằng năm (dưới 4 tuổi) tại châu Âu.

 

Vậy ô nhiễm trong nhà là gì? Ô nhiễm trong nhà là sự ô nhiễm khi “có sự hiện diện của các chất ô nhiễm có tính chất vật lý, hóa học hoặc sinh học trong không khí của các môi trường bị giới hạn, mà các chất này không hiện diện một cách tự nhiên với số lượng lớn trong không khí ngoài trời của hệ sinh thái” (Bộ Môi trường Ý, 1991).

 

Thành phần không khí bên trong một căn nhà cơ bản cũng giống như thành phần không khí bên ngoài, nhưng khác về số lượng và loại chất ô nhiễm.  Đối với những chất ô nhiễm bên ngoài, phải tính thêm tất cả những tác nhân gây ô nhiễm phát sinh bên trong ngôi nhà. Các chất ô nhiễm trong nhà có nguồn gốc chủ yếu từ: vật liệu xây dựng, thiết bị sưởi ấm, máy lạnh, hoạt động đun nấu, đồ đạc; vật liệu che phủ (sơn tường, véc-ni, tấm lót nền nhà, v.v); sản phẩm bảo trì và tẩy rửa (bột giặt, thuốc trừ sâu, v.v); sử dụng không gian và các hoạt động đã thực hiện trong không gian đó; khói thuốc lá; bụi và lông từ thú vật; phấn hoa, mạt, mốc, nấm và vi khuẩn. Nhiệt độ và độ ẩm cao cũng có thể làm tăng nồng độ của một số chất ô nhiễm. Chất ô nhiễm không khí ngoài trời cũng có thể gây vấn đề cho không khí bên trong, đặc biệt vào những ngày đẹp trời hoặc nắng nóng khi các cửa sổ được mở ra.

 

Sự phơi nhiễm (exposure) diễn ra nếu các chất ô nhiễm đi vào cơ thể bằng con đường: hô hấp (thở), tiêu hóa (ăn, uống) hoặc tiếp xúc (sờ mó) vào các chất ô nhiễm hoặc những đồ vật, nguyên liệu đã bị nhiễm các chất này.

 

Có nhiều yếu tố để xác định khi nào thì một hóa chất, một tác nhân có thể gây hại đến sức khỏe con người, các yếu tố gồm: Loại hóa chất/tác nhân; Hình thức tiếp xúc: hô hấp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp; Thời gian tiếp xúc với hóa chất này và lượng chất này đi vào cơ thể. Một hóa chất, một tác nhân tác động được đến sức khỏe của một người nào còn phụ thuộc vào chính các điều kiện của bản thân người đó: giới tính, tuổi tác; điều kiện sức khỏe; cấu trúc di truyền, thói quen cá nhân.

 

Các vị trí các chất ô nhiễm không khí có thể được tìm thấy trong nhà: phòng khách (khói thuốc lá, bụi từ thú nuôi trong nhà như chó, mèo,..; dung môi phát thải từ đồ đạc, bụi, mốc từ máy lạnh; phòng tắm (nấm mốc, vi khuẩn); phòng ngủ (bụi mạt, mốc); nhà bếp (khí thải do đốt nhiên liệu); nhà kho hay góc nhà, góc cầu thang nơi dùng để chứa các hóa phẩm gia dụng (chất tẩy rửa, xi đánh giày, nước hoa xịt phòng, sơn, dầu nhớt, …), vách tường (khí hiếm nếu nhà sử dụng đá hoa cương để ốp tường), máng xối (amiăng rò rỉ theo nước mưa chảy xuống máng xối…).

 

Thông thường không dễ xác định nếu không khí trong nhà bạn đang ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Triệu chứng thông thường của sự phơi nhiễm với nồng độ cao của chất ô nhiễm trong nhà bao gồm: nhức đầu, mệt.

 

Ảnh hưởng thông thường đến sức khỏe của các tác nhân có bản chất sinh học là gây dị ứng và những phản ứng khác trong hệ thống miễn dịch dẫn đến hen suyễn, viêm da…Trong số các chất/tác nhân sinh học gây ô nhiễm trong nhà, đáng chú ý nhất là mốc. Những triệu chứng quan trọng về ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra do mốc xếp theo thứ tự: dị ứng, hen suyễn, chảy máu phổi, khó thở, ung thư, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương, lạnh, giảm sức đề kháng với các loại bệnh nhiễm trùng, ho và dẫn đến đau phổi/ngực từ việc ho quá mức; ho ra máu; Tóc có gàu (mãn tính) không khỏi dù đã sử dụng dầu gội trị gàu, viêm da và da nổi mụn; tiêuchảy; có vấn đề về mắt và thị lực; mệt và một số triệu chứng khác. Những nơi mốc dễ sinh trưởng như: nền nhà, mái nhà, tường nhà dơ bẩn và ẩm thấp; sách, báo, tạp chí; thảm và vật liệu đệm; trần nhà (từ những lỗ dột của mái nhà); đằng sau và dưới vòi sen, bồn tắm, tường nhà vệ sinh và nhà tắm; gạch lót trền; quần áo; chỗ nuôi cá; tường và trần nhà khô; chỗ đổ rác; rèm cửa; sơn; vật dụng bằng da; giấy, giấy carton, và các sản phẩm bằng giấy; cây trồng trong nhà; đồ đạc không được che phủ; thiết bị sưởi ấm, máy lạnh và ống dẫn; máy làm ẩm…

 

Tác nhân gây ô nhiễm có bản chất vật lý đáng quan tâm là ánh sáng. Ánh sáng có cường độ quá cao hoặc quang phổ ánh sáng không phù hợp sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giảm chức năng tình dục và tăng cảm giác lo âu. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự phơi nhiễm hằng ngày trong thời gian dài với ánh sáng có độ sáng trung bình dẫn đến suy giảm khả năng tình dục. Đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tìm ra các bằng chứng cho thấy mức độ chiếu sáng trong môi trường làm việc ở các văn phòng dẩn đến căng thẳng cũng như công nhân mắc nhiều lỗi hơn trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu đã xuất bản cho cũng nêu lên một mối liên kết giữa sự phơi nhiễm với ánh sáng và rủi ro về bệnh ung thư vú do sự suy giảm trong việc sản xuất bình thường về đêm của nội tiết tố melatonin.

 

Tác nhân gây ô nhiễm trong nhà có bản chất hóa học gồm các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC-volantile organic compounds), thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Các VOC làm hủy tế bào máu, tế bào gan, thận; gây ung thư, viêm da, tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, buồn nôn, mất phương hướng; mệt mỏi; ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (hiếm muộn, vô sinh) và giảm tỉ lệ sinh sản (khó đậu thai, sinh ít con); gây chết nếu hít vào với lượng lớn ở nồng độ cao. Các VOC có thể tìm thấy trong các sản phẩm như sơn, khói thuốc lá, khói bếp do đốt nhiên liệu (than, củi) hoặc khói nhang, thuốc xịt muỗi, nước hoa xịt phòng, mỹ phẩm, khăn giấy, bột giặt, nước làm mềm vải, giấy dán tường, xi đánh giày, keo dán tổng hợp, hóa chất bảo quản đồ nội thất,  … Thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng chứa lân hữu cơ và cạc-bô-nát có ảnh hưởng và làm tổn hại đến hệ thần kinh (không phục hồi được) và có thể gây ung thư. Một chế phẩm có chứa hoạt chất thuốc trừ sâu vẫn thường sử dụng trong gia đình là dầu gội trị chí. Dầu gội trị chí chứa một liều lượng thuốc trừ sâu độc hại như organophosphates hoặc ngay cả lindane; khi nuốt phải hoặc ngấm vào da, có thể làm ói hoặc tiêu chảy; các chất này còn gây tổn hại cho gan, chết non, quái thai và ung thư. Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu gia dụng để diệt mối, vòng cổ trừ bọ chét cho chó (mèo), thuốc xịt muỗi hoặc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, v.v. làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em. Mỹ phẩm cũng chứa rất nhiều hóa chất và dung môi hữu cơ, đáng lưu ý là nước hoa.. Nhiều hóa chất có trong nước hoa dễ hấp thu vào da để từ đó tích lũy trong các cơ quan chính của cơ thể. Trong khi chưa có nghiên cứu y khoa nghiêm túc nào được thực hiện về ảnh hưởng của nước hoa, một số bác sĩ và nhà khoa học tin rằng nước hoa có thể gây hại cho sức khỏe như khói thuốc lá, phần nào do 95% hóa chất sử dụng trong hương liệu là những hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các hợp chất này bao gồm dẫn xuất của benzene, aldehydes và nhiều chất độc khác có khả năng gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và dị ứng.

 

10 Cách Để Giảm Ô Nhiễm Trong Nhà.

 

Cách hiệu quả nhất để kiểm soát ô nhiễm trong nhà là phải loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm và cải thiện tình trạng thông gió của căn phòng bằng cách đưa không khí sạch bên ngoài vào.

(1)   Dọn vệ sinh nhà cửa: tiệt trừ những nguồn làm phát sinh bụi, mốc, nấm; hút bụi hoặc giặt rèm cửa hằng tuần, quét hoặc hút bụi nhà hằng ngày. Giặt thú nhồi bông 2 tuần/lần; dùng tấm nhựa che giường vào ban ngày. Nên mua máy hút bụi không sử dụng túi lọc bên trong (vì dễ làm phát tán bụi ra ngoài khi thao tác). Làm sạch và giặt đồ đạc, rèm cửa, chăn, gối, nệm, ra giường và thú nhồi bông thường xuyên.

(2)   Trang bị bộ lọc không khí có chất lượng tốt: bộ lọc khí trong các máy điều hòa không khí hoạt động hiệu quả giúp cho bầu không khí trong phòng có chất lượng cao hơn.Việc thông gió đầy đủ là một cách hiệu quả để duy trì chất lượng không khí trong nhà được tốt, mặc dù đây cũng là con đường cho phép không khí bên ngoài có chứa các chất ô nhiễm xâm nhập vào trong nhà trong lúc đưa không khí tươi vào. Vì vậy cần thường xuyên làm vệ sinh bộ lọc không khí và các quạt hút, ít nhất 2 tháng/lần.

(3)   Trang bị máy tạo  khí ôzôn: khí Ozôn ở nồng độ thấp sẽ diệt mùi hôi gây ra bởi những chất ô nhiễm như mốc, khói thuốc lá, phọoc-môn (formaldehyde), ben-zen hoặc axêtôn. Tuy nhiên, nồng độ ozôn cao lại có hại cho sức khỏe.

(4)   Tận dụng khí trời: mở cửa sổ và để không khí trong lành bên ngoài vào phòng và do đó có tác dụng pha loãng các chất ô nhiễm có trong phòng. Tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu như quanh nhà chúng ta có nguồn khí thải ô nhiễm, nguồn mốc hoặc phấn hoa ở gần đấy. Không nên phơi quần áo ngoài trời khi có sự hiện diện của phấn hoa hoặc mốc trong không khí.

(5)   Chiếu xạ: tia cực tím (UV-ultra violet) tiêu diệt các chất ô nhiễm trong nhà. Lưu ý rằng tia UV chỉ có tác dụng đối với chất ô nhiễm trong một khoảng cách nhất định từ nguồn sáng.

(6)   Chỉ chiếu sáng nơi cần sử dụng. Không cần thiết mở đèn sáng khắp nhà. Sử dụng bóng đèn có ánh sáng dịu mắt và nên có chụp đèn.

(7)  Đừng hút thuốc trong nhà. Đừng vận hành xe ô tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong gara. Khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ờ ngoài trời. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói.

(8)  Đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí và đây là các dung môi rất độc hại, cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi này hoặc dùng dấm để khử mùi bằng cách để vài dĩa dấm trong phòng đóng kín cửa, qua 1 đêm sẽ giảm mùi. Nếu phải sơn mới ngôi nhà hoặc đồ đạc, nên sơn chủ yếu ở bên ngoài càng nhiều càng tốt và chọn loại sơn có nồng độ chất hữu cơ bay hơi thấp.

(9)  Trồng nhiều cây xanh trong nhà (chúng giúp loại bỏ chất ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà), nhưng cần chọn loại cây phù hợp và phủi bụi chúng thường xuyên.

(10) Đừng dùng thảm. Thảm là nơi ẩn náu của bụi, các chất gây dị ứng và chất ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải dùng thảm, bạn nên dùng thảm len thay vì thảm bằng sợi tổng hợp và hút bụi thường xuyên.

 

 

 

 

 


Vi khuẩn và nấm mốc – tác nhân gây ô nhiễm trong nhà có bản chất sinh học

Th.S Đỗ Hoàng Oanh 

 
CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thông tin cá nhân

vminh
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
Rất vui khi nhận đươc các ý kiến, bình luận của các bạn gần xa!




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Xem theo danh mục
Xem theo danh mục:
     


Tìm kiếm:
     

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2025   VnVista.com