5 biện pháp có thể cho biết khả năng của bạn trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh tim. Hãy viết những con số này ra giấy và luôn nhớ thực hiện, chúng sẽ cho biết sức khoẻ quả tim chúng ta hiện tại như thế nào?
1 - Số đo vòng eo: trong tất cả những biện pháp nhằm xác định xem trọng lượng cơ thể có ảnh hưởng đến sức khoẻ tim bạn không thì đo số đo vòng eo là cách hữu hiệu. Cách đo chính xác nhất là xác định tỷ lệ kích thước eo tới hông (tính bằng cách chia chu vi eo tại điểm nhỏ nhất và chu vi hông tại điểm to nhất). Nếu kết quả đạt được với tỷ lệ hơn 0,90 ở nam và 0,85 ở nữ sẽ cho thấy bạn đang bị béo phì và những rối loạn chuyển hoá chất. Một khi các tế bào mỡ được tích tụ tại bụng và xung quanh một số nội tạng, chúng sẽ sản sinh ra những hoá chất gây viêm nhiễm và protein kích thích chứng thèm ăn. Kết quả là nguy cơ bệnh tim của bạn sẽ tăng cao và chứng viêm nhiễm sẽ kéo theo chứng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, những rối loạn trong chuyển hoá và sự đề kháng của insulin sẽ trực tiếp can thiệp vào chức năng các tế bào gan và cơ trong khi hệ thống kiềm chế sự thèm ăn của bạn bị bẻ gãy, dẫn đến việc bạn ăn một cách vô tội vạ và bụng sẽ ngày một to ra. Đối với các bạn nữ, nguy cơ sức khoẻ bắt đầu tăng cao khi vòng eo lớn hơn 80cm. Hãy thường xuyên kiểm tra số đo vòng eo hai tuần mỗi lần.
2 - Tính nồng độ cholesterol: nồng độ trong máu thường là 130-300mg/100ml (3,6-7,8 mmol/l). Để đo được nồng độ cholesterol trong máu cách tốt nhất là từ 8-12 tiếng trước khi thử máu. Nếu như tổng cholesterol trong máu bạn cao từ 6-6,5mmol/l, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị những liệu pháp chữa trị và kiểm tra thường xuyên.
3 - Huyết áp: huyết áp luôn tăng giảm thất thường trong ngày. Tuy nhiên, một khi máu liên tục tăng tức là bạn đang bị chứng cao huyết áp và điều này dễ dàng kéo theo nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Nếu huyết áp ở mức 140/90mmHg (milimet thuỷ ngân) hoặc hơn được xem là cao, còn nếu đọc được ở mức 120/80 đến 139/89mmHg, bạn có thể nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh tim. Thường đến các trung tâm y tế để kiểm tra huyết áp và lấy lời khuyên của bác sĩ về liệu pháp điều trị cũng như các loại thuốc thích hợp. Bạn cũng có thể sắm một dụng cụ đo huyết áp sử dụng tại nhà để kiểm soát thường xuyên.
4 - Triglyceride: Triglyceride được hình thành từ các loại chất béo và carbohydrate mà bạn ăn hằng ngày, được chuyển hoá thành một dạng tồn trữ trong các tế bào mỡ. Triglyceride còn có thể được sản sinh từ mô mỡ khi cơ thể cần một lượng năng lượng phụ giữa các bữa ăn. Việc triglyceride hiện diện trong dòng máu là rất bình thường nhưng khi ở một nồng độ cao sẽ gây nên bệnh động mạch vành – đặc biệt thường thấy ở phụ nữ. Khi bạn có lượng triglyceride cao mà cholesterol HDL thấp, nguy cơ rối loạn chuyển hoá và tính đề kháng insulin sẽ gia tăng. Mức triglyceride được xem là bình thường khi dưới 1,5mmol/l.
5 - Tầng số mạch: một loạt các sóng áp suất trong một động mạch gây ra do co bóp ở tâm thất trái và tương ứng với nhịp tim (số lần tim đập trong một phút). Mạch được phát hiện dễ dàng trên các động mạch ngoại biên như động mạch quay ở gần cổ tay và động mạch ở cổ. Tần số mạch trung bình là 60-90 một phút, nhưng khi luyện tập thể thao, tổn thương, bệnh và xúc động, mạch có thể nhanh hơn nhiều. Một tháng một lần, hãy đo nhịp mạch vào buổi sáng trước khi bạn ra khỏi giường ngủ. Nếu như bạn có thói quen tập thể dục buổi sáng, hãy đo mạch sau khi tập để có thể kiểm tra được nhịp mạch chính xác và bình thường nhất.
Quốc Triệu
|