Tiểu Thanh không gọi đây là một bài thơ. Chỉ là một câu hỏi bất chợt đến trong đầu. Nay xin được tỏ bày cùng...
Cuộc đời có phải một hoạ sỹ tồi? Không hề biết sắp đặt những mảng màu sáng tối Khi tức tưởi, khi tươi cười Cuộc đời có tô đúng những gam màu tâm trạng?
Nhiều khi muốn dạy lại cuộc đời Cách trao công bằng cho những gam màu tối sẫm Thế nhưng có những điều ta còn mang nặng mà cuộc đời kia là một khối vô cùng!...
Cuộc đời có phải một hoạ sỹ tồi? Không hề biết sắp đặt những mảng màu sáng tối Khi tức tưởi, khi tươi cười Cuộc đời có tô đúng những gam màu tâm trạng?
Nhiều khi muốn dạy lại cuộc đời Cách trao công bằng cho những gam màu tối sẫm Thế nhưng có những điều ta còn mang nặng mà cuộc đời kia là một khối vô cùng!...
Ai muốn dạy lại đời thay vì Thượng đế Nhưng, Chúa cũng đâu toàn vẹn khi tạo khối vô cùng
Người đàn ông vô vọng thấy mình còn thiếu thốn Mãi muôn đời đi tìm đốt xương rơi Bỗng một mai thấy nửa hồn nơi yếu đuối Ráp vào mình thấy khấp khiễng đớn đau
Người đàn bà muôn đời cứ khát khao Cái quyền năng chiếm hữu trọn hồn người Bỗng một mai thấy mình như chới với Vẫn tưởng đời chưa đủ nghĩa yêu đương
Sinh động đời họa màu sáng tối Sinh động người họa nét buồn vui Thượng đế phủi tay lấm lem dầu cọ Thất vọng cười:" Thế gian này toàn mỹ phải thế nào?"
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi trungkim: Oct 13 2006, 07:41 PM
Tôi và anh cùng đi trên cánh đồng xanh Ngang dọc là bầu trời Mênh mông là sương khói Rực rỡ là ánh mặt trời chói lọi... Anh có còn thấy gì trên những bước anh qua?
Để tôi chỉ anh xem những thứ rạ rơm Anh vẫn nghĩ đã là quá khứ...
Là lẫm chẫm, là lon ton Là vết quỳ gối đầy âu lo, khấp khởi Ngày đầu tiên anh chập chững trên đồng Là ngày thứ bao nhiêu mẹ anh cười trong khóc?
Là đau xót, là ngược xuôi Là mặn chát...những khi gạo hết Anh có thấy gì trên những bước chân rớm máu Của vợ anh đi mót lúa trên đồng?
Là vững chãi, là hiên ngang Là bất khuất trước lũ diều bọn quạ Anh có bao giờ trông vào vết chân cha chưa từng đổi hướng Để vẽ nên một mũi tên cho hướng thẳng cuộc đời?
Là câm nín, là lặng thinh Là hốc hác, gầy gò, đau khổ Vết chân mẹ anh còn đó Người chẳng biết khóc-cười bên một nhúm nhau con...
Tôi và anh cùng đi trên cánh đồng xanh Bóng tôi bé nhỏ bên bóng anh to lớn Cái bóng lớn có che mờ tất thảy Những vết bàn chân rơi vãi trên đồng?
Bài thơ lạ quá, Tiểu Thanh à! Đọc nó, ta chợt như bỗng hụt hẫng bàn chân giữa phố đông người...Mọi người cứ đi qua như một giấc mơ và ta đứng lại đó, nghĩ về một bầu trời khác, một nơi chốn khác ...lãng đãng trong khói lam chiều, trong sương mơ của màn đêm đang dần buông...
Hôm nay đọc bài thơ mà Tiểu Thanh post lên trong chủ đề này, dù không rõ tựa đề là gì, tác giả thì chắc là cái nick mà Tiểu Thanh post ở cuối bài khungcuasongaynangdep...nhưng NT bỗng thấy lòng bật lên nhiều xúc cảm ! Như mấy dòng vắn tắt trên đây, có một cảm giác thật khó xác định, cứ như ta chợt như hụt hẫng bàn chân giữa một phố đông người...Mọi người cứ đi qua như một giấc mơ và ta đứng lại đó, nghĩ về một bầu trời khác, một nơi chốn khác ...lãng đãng trong khói lam chiều, trong sương mơ của màn đêm đang dần buông...Bài thơ có nhắc đến " ánh mặt trời chói lọi" , vậy mà kì không, NT lại không cảm nhận được cái chói lọi nầy, lại lan man nghĩ đến chiều tà, hoàng hôn trên cánh đồng trơ gốc rạ... Thử cảm nhận một lần về những tâm tình tác giả gửi gắm trong bài thơ vậy...
Mở đầu bài, một hình ảnh thật bình thường, lời thơ cũng giản dị:
"Tôi và anh cùng đi trên cánh đồng xanh Ngang dọc là bầu trời Mênh mông là sương khói Rực rỡ là ánh mặt trời chói lọi...
Anh có còn thấy gì trên những bước anh qua?"
Tự dưng trong tâm thế chuẩn bị để đọc những câu thơ cũng " bình thường" với cái tứ thơ đều đều về một không gian, một tình yêu của đời thường, ta thảng thốt vì một cái gì là lạ đang len đến, xuất hiện từ trong sương khói:
"Để tôi chỉ anh xem những thứ rạ rơm Anh vẫn nghĩ đã là quá khứ..."
Hai câu thơ ngắn ngủi nhưng gợi ngay nhiều liên tưởng về một cái gì đó ...thật có " vấn đề", tò mò, người ta đọc tiếp , trong một sự chú ý khá đặc biệt!
"Là lẫm chẫm, là lon ton Là vết quỳ gối đầy âu lo, khấp khởi Ngày đầu tiên anh chập chững trên đồng Là ngày thứ bao nhiêu mẹ anh cười trong khóc?"
Gì thế này, hình ảnh sao thật quá mà kỳ diệu quá? Một quá khứ vừa bắt đầu được tái hiện, không ở đâu xa mà trên cánh đồng làng còn thoảng thơm mùa rạ đâu đây...Anh ngày xưa đó ư? Bài thơ gợi ta hình dung tiếp: một khuôn mặt bé thơ ngây, nụ cười dễ thương, ánh mắt sáng nhìn chăm vào gương mặt rạng rỡ của mẹ thân yêu...Và ta bỗng hiểu ra: vì sao mẹ lại "cười trong khóc"!
"Là đau xót, là ngược xuôi Là mặn chát...những khi gạo hết Anh có thấy gì trên những bước chân rớm máu Của vợ anh đi mót lúa trên đồng?"
Tứ thơ chuyển nhanh quá, ta chợt bồi hồi...Vòng đời ơi sao quay nhanh đến thế? Một thế hệ nữa lại bắt đầu...(hay đã bắt đầu rồi ? ) trên cánh đồng năm xưa...Những dấu chân lẫm chẫm hôm nay có trùng khít những dấu chân xưa không vậy? Giọt nước mắt mừng vui nhìn con thơ của mẹ năm nào trên cánh đồng làng, nay có chăng lập lại trong một trường biến ảo nhất định: " trên bước chân rướm máu" của người vợ trẻ?
Hình ảnh nào sẽ được tái hiện tiếp theo đây? Một vòng quay mới nữa chăng trên cánh đồng làng? Cảm xúc tiếp theo có làm người ta thấy lòng thắt lại như khổ thơ vừa rồi đã chớm gợi những xót xa? Oh không! Lần này là một vết chân mạnh mẽ, tự tin dù đó cũng chỉ là một quá khứ:
"Là vững chãi, là hiên ngang Là bất khuất trước lũ diều bọn quạ Anh có bao giờ trông vào vết chân cha chưa từng đổi hướng Để vẽ nên một mũi tên cho hướng thẳng cuộc đời?"
Bước chân ta đang khựng lại lúc này...Sao nhiều thế những bủa vây của cuộc đời quanh một phút giây bất chợt? Cứ sống, cứ vui cười, cứ quẩn quanh, cứ miệt mài với đời riêng, với cái tôi đặc quánh...hình như ta đang ngày càng trôi xa với cái gốc gác mộc mạc , thân thương của chính lòng mình?!
Hình ảnh mẹ lại hiện lên, thật rõ, thật gần, tưởng như chỉ cần đưa tay lên, khỏa qua cái lớp sương mờ lãng đãng của quá khứ, ta có thể chạm tay ngay vào gương mặt mẹ, dò dẫm trên những nếp nhăn khắc khổ hằn sâu, để thấy mười đầu ngón tay bỗng nhiên nhói buốt!
"Là câm nín, là lặng thinh Là hốc hác, gầy gò, đau khổ Vết chân mẹ anh còn đó Người chẳng biết khóc-cười bên một nhúm nhau con..."
Có một giọt nước mắt nào bỗng nhiên lăn dài trên gò má, khiến người đi đường lạ lẫm ngoái lại nhìn ta? Không dưng lòng tha thiết muốn quay về...
"Tôi và anh cùng đi trên cánh đồng xanh Bóng tôi bé nhỏ bên bóng anh to lớn Cái bóng lớn có che mờ tất thảy Những vết bàn chân rơi vãi trên đồng?"
Và tôi tin người sẽ quay về...để ít nhất có một lần được bước những bước chân trần trên đất đồng làng, cảm nhận từ nơi gan bàn chân vị ấm nóng của đất mẹ...Tuổi thơ, tình yêu sẽ không mai một đi mà phải chăng lại sống dậy, làm tươi xanh ít nhất một cuộc đời!
Thay mặt tác giả bài viết, tôi cảm ơn Nguyệt Thu rất nhiều. Có những khi, tôi đã được người ta trao cho cái cảm giác, cuộc đời thật hoàn thiện. Vẻ hoàn thiện của tình yêu và những tia sáng xanh hạnh phúc...
Khi viết bài thơ này, tác giả của nó muốn nhắc nhở. Nhắc nhở "anh", và cũng là nhắc nhở chính tôi. Sương khói mênh mông, bầu trời ngang doc cùng những thứ ánh sáng chói lọi của một ngày dài...tất cả có thể rồi sẽ che mờ đi nhiều thứ, và những bước chân có phải chăng là hình ảnh nổi bật nhất mà tác giả muốn nhấn mạnh? Những bước chân ấy, anh không có quyền, và cũng chẳng có tư cách gì để đứng nhìn nó phai nhạt dần trong tâm khảm anh. Anh phải trân trọng nó, bởi vì đấy là quá khứ của anh, là khởi đầu cho một tương lai ngập tràn "ánh mặt trời chói lọi". Sương khói có là gì đâu một khi con người ta luôn muốn lưu giữ những bước chân vào cánh đồng cuộc đời. Không phải là những bước chân rơi vãi, mà là những bước chân được trải ra trên chặng đường anh đã đi qua...
Chao ôi! Đáng buồn thay, chính cái bóng quá to lớn của anh đã che mờ chính những bước chân trong quá khứ. Nghĩ lại buồn thay...