Không phải chuông báo thức, không có điện thoại reo, và bên ngoài yên lặng. – Tôi thức giấc không vì bị đánh thức bởi một tiếng động nào. Tôi thức giấc, lặng im.
Trước mặt là trần nhà.
Trên đầu là cửa sổ.
Nằm, tôi với tay lên chiếc tủ thấp đặt cạnh đầu giường để tìm đồng hồ.
– Tôi không có đồng hồ đặt trên nóc tủ, và bàn tay tôi không tìm thấy đồng hồ.
Tôi nhìn lòng bàn tay mình, nhưng không thấy giờ. Căn phòng tối.
Ngồi dậy, xếp chăn xuống phía cuối giường, tôi đưa chân xuống đất, lần xỏ chân vào dép và đứng lên. Tôi có một chiếc đồng hồ đeo tay, mỗi khi không đeo trên tay, tôi tháo ra và đặt trên bàn viết. Tôi bước lại bàn viết.
Đồng hồ đeo tay của tôi là đồng hồ kim, và trên kim không có chất phát quang. Tôi vẫn chưa thấy thời gian.
– 2 giờ 15 phút, sáng.
Tôi đi ngủ vào khoảng 12 giờ, tức là tôi mới chỉ ngủ chừng 2 tiếng, 15 phút. Không ngủ trưa, tôi luôn cố gắng để có được 7 đến 8 tiếng cho giấc ngủ đêm, vậy mà tôi lại thức giấc khi mới chỉ ngủ được chừng 2 tiếng, 15 phút.
Tôi kéo rèm và nhìn ra. Bên ngoài cửa sổ, dòng thời gian vẫn chảy.
“Có lẽ nào, người ta không chỉ sống trong một dòng chảy thời gian?” – Tôi – “Nếu có nhiều hơn một dòng thời gian đang chảy...”
Và có một tôi cho mỗi dòng thời gian ấy.
Tôi đi ngủ vào khoảng 12 giờ, tức là tôi mới chỉ ngủ chừng 2 tiếng, 15 phút. Nhưng, ở một dòng chảy khác, một tôi đã ngủ hơn 5 tiếng. Và khi tôi ngủ, vì lý do nào đó, đã có một sự hoán đổi vị trí. Tôi trở thành tôi đã ngủ hơn 5 tiếng, và với 2 tiếng 15 phút ngủ nữa, tôi thức giấc, thỏa mãn khoảng thời gian 7 đến 8 tiếng đã đặt ra.
Tôi đã ngủ hơn 5 tiếng, nếu là tôi mới ngủ 2 tiếng 15 phút, sẽ ngủ thêm hơn 5 tiếng nữa. Tổng cộng thời gian tôi ngủ sẽ là 11 tiếng.
Nhưng liệu có phải chỉ là sự đổi chỗ một – một, anh trở thành tôi – tôi trở thành anh? Sẽ thế nào nếu là một sự xáo trộn tất cả tôi và sắp xếp lại một cách ngẫu nhiên – tất cả?
– Sẽ có tôi ngủ 26 tiếng.
– Sẽ có tôi thức đến tàn canh.
– 17,520 tiếng trở thành...
– 17,522 tiếng, 15 phút.
...
“Tôi đã ngủ trong 2 năm, 2 tiếng, 15 phút!”
2 năm, 2 tiếng, phút thứ 17 – Và tôi bắt đầu khóc.
* * *
Tôi ngồi trên xe, và bắt đầu khóc.
Đó là chuyến xe buýt tôi đã đón. Tôi đón xe ở một bến, để đi đến một bến khác, và đi đến một bến khác. Tôi ngồi trên xe, và bắt đầu khóc.
Nước mắt đến từ những con đường chạy ngoài ô cửa kính cạnh chỗ ngồi của tôi. Chiếc xe rất đông, người đứng, kẻ ngồi. Tôi khóc, nước mắt trào theo những con đường, lăn dài trên kính. Một vài người nhìn tôi. Nước mắt rơi. Người từng người xuống bến dừng của họ. Gió vẽ nước mắt thành bóng mờ của những con đường đã vội. Khoảng trống trên xe chỉ còn tôi, người tài xế tan vào khoang lái.
Chiếc xe vẫn chạy, và tôi vẫn khóc.
* * *
Vẫn khóc.
* * *
“Mười mấy năm rồi, ta vẫn khóc vì mi, chim sẻ”...
Khi còn nhỏ, tôi quen chim sẻ. Anh chị em họ, bạn bè – tôi không quý ai hơn chim sẻ, không ai thân tôi hơn chim sẻ.
Nhà chim sẻ trong lồng, nhưng tôi chỉ đóng cửa vào ban đêm. Ban ngày, cửa lồng mở, chim sẻ có thể nhảy ra ngoài chơi. Tôi dùng một mảnh trong bộ xếp hình bằng nhựa làm khay thức ăn, thả vào vài hạt gạo, để trong lồng, khi nào chim sẻ đói thì có thể vào ăn. Tôi cũng đặt một khay nước cho chim sẻ uống.
Mỗi lần tôi đi học về, chỉ cần nghe tiếng tôi là dù có đang ở đâu chim sẻ cũng nhảy ra đón. Chim sẻ không bay vì đã tỉa lông cánh. Tôi biết, dù có đủ lông cánh, chim sẻ cũng chẳng bỏ tôi đi, nhưng tôi sợ chim sẻ bay lên sẽ bị quạt trần đánh trúng.
Tôi thường đi bắt sâu về cho chim sẻ. Ngày ấy, khu phố tôi ở, phía trước mỗi nhà thường có một cây phượng. Trên cây phượng, có nhiều sâu nằm trong những cái kén nhỏ, gọi là sâu kèn. Chim sẻ thích ăn sâu kèn, có thể dùng chân giữ kén còn mỏ kéo sâu trong kén ra ăn. Chim sẻ cũng ăn cả kiến. Mỗi khi có kiến trong nhà, tôi chỉ cần chỉ cho chim sẻ là một loáng sau, cả đàn kiến đã sạch bong.
Chim sẻ và tôi ở bên nhau suốt ngày. Trong ngày cuối cùng ấy cũng vậy...
Hôm ấy, em họ, con dì út, em gái mẹ tôi lên chơi. Như mọi ngày, từ lúc tôi đi học về, chim sẻ luôn quanh quẩn bên tôi. Nhưng, chỉ một thoáng tôi lơ đãng, chim sẻ đã xa tôi, mãi mãi...
Đứa em họ tôi vô tình dẫm trúng.......
Tôi khóc thét lên, mang vội chim sẻ đến cho mẹ tôi xem liệu có còn cứu được, nhưng chim sẻ nhỏ bé, làm sao chịu nổi sức nặng của một thân người.....
Chim sẻ chết. Tôi mất chim sẻ rồi, mãi mãi.
Suốt những tuần sau đó, chẳng ngày nào tôi không khóc. Tôi khóc trong lớp học, về nhà lại khóc. Giữa bữa ăn, nhớ chim sẻ mọi ngày nhảy quanh, giờ không còn nữa, nước mắt lại trào ra.
Cây phượng có sâu...
Trong nhà có kiến...
Tôi trách mình tại sao lại tỉa lông cánh chim sẻ, để chim sẻ chẳng thể bay. Nếu chim sẻ có thể bay thì biết đâu đã chẳng phải chết. Tôi trách mình lẽ ra nên để chim sẻ trong lồng...
Ít lâu sau, dì tôi mua một con chim én. Vài ngày, chim én chết, tôi lại khóc cho chim sẻ.
Rồi chim yểng, chim ri...
"Mười mấy năm rồi. Ta lại khóc, vì mi, chim sẻ"...
* * *
Khóc.
* * *
2 năm đó ư?
* * *
Tôi thả rèm rồi bước về giường.
Ngồi xuống, tuột dép, tôi rút chân lên, kéo chăn từ phía cuối giường lên đắp và ngả mình.
Trên đầu là cửa sổ.
Trước mặt là trần nhà.
Không phải chuông báo thức, không có điện thoại reo, và bên ngoài yên lặng – Không một tiếng động nào. Tôi chìm vào giấc ngủ, lặng im.
* * *
Sau 2 năm, nơi bình minh còn là chủ nhật?
NVC
Bài viết đã được chỉnh sửa bởi NVC: May 23 2010, 04:12 PM
--------------------
Nhóm bạn bè:
Thành viên này chưa có người bạn nào trong mạng VnVista, nếu bạn muốn trở thành người bạn đầu tiên của thành viên này, hãy click vào đây
Trên chuyến bay vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp lại một người từng là bạn cùng lớp trong những năm cấp III – và giờ là tiếp viên hàng không.
Tiếp viên hàng không?
Nghĩ đến tiếp viên hàng không, cụ thể hơn là nữ tiếp viên hàng không, tôi thường nghĩ đến tấm hình một nữ tiếp viên hàng không bằng bìa cứng vẫn được dựng ở các sân bay của Việt Nam trong suốt nhiều năm liền. Trong hình, nữ tiếp viên hàng không mặc áo dài đồng phục, hai tay khẽ xếp lại phía trước người, và cười. Tôi đã có thời gian quen với cô gái trong hình ấy ngoài đời thực – và như tôi biết thì – cô ấy không phải một tiếp viên hàng không.
Giờ thì tấm hình ấy đã được thay bằng tấm hình một cô gái khác.
Vẫn là bộ áo dài đồng phục và một nụ cười, nhưng tôi không nhớ được chi tiết về đôi tay của cô gái mới. Và tôi cũng không quen cô.
***
Những năm cấp III, đã có thời gian tôi ngồi cùng bàn với cô bạn mà hiện tại là tiếp viên hàng không. Theo sơ đồ lớp thì lẽ ra là ngồi cạnh nhau, nhưng tôi đổi chỗ nên trở thành ngồi cách một người.
Đại khái là như vậy.
Hoặc tất cả là như vậy.
***
Cô bạn là người nhận ra tôi trước – đứng ở cửa máy bay để đón khách, cô nhận ra tôi ngay khi tôi vừa bước lên. Cô gọi tên tôi, và vì là người có khả năng lơ đãng nên tôi không có phản ứng gì. Mất thêm vài lần gọi nữa trước khi tôi nhìn về phía ấy, và không nhận ra cô là ai. Vậy là cô lại mất công nhắc thêm một chút nữa về quá trình “học tập và rèn luyện” thời cấp III, cho đến khi cuối cùng tôi cũng có thể “à, à” vài tiếng và chào cô, rồi đi về ghế của mình. Nói thật thì tôi vẫn chưa thực sự nhớ ra, nhưng đứng ở ngay cửa máy bay mà hỏi qua hỏi lại nhiều quá, cản trở người khác lên máy bay thì không nên và không tốt, cho cả tôi và cô.
Tôi tìm ghế của mình, tháo ba-lô để xuống dưới gầm ghế phía trước, ngồi xuống và cài dây an toàn, tắt điện thoại di động và nhớ ra cô là ai. Tôi nhớ được họ tên đầy đủ của cô, nhưng sinh nhật thì không.
Tôi đoán là hẳn tôi cũng chưa từng biết.
***
Trên chuyến bay, chúng tôi có trò chuyện vài câu, ví dụ như:
– Xin hỏi quý khách dùng món gì ạ?
– Cho tôi cơm gà, cảm ơn.
– Quý khách dùng nước gì ạ?
– …
***
Khi hạ cánh, bước ra khỏi máy bay, tôi chào cô, và cô chào tôi.
***
Tôi mua một cây vợt tennis – cây thứ 3, và tôi đã tập được hơn một tháng. Origami Book, Rubik's Cube, Yoyo, Tarot Deck, Cast Puzzle, và nhiều thứ khác nữa – Ý tôi là, không phải tự nhiên mà số lượng những thứ ấy của tôi luôn là – ít thì 5, 6, nhiều thì trên 10. Luôn có một cái gì đó.
Luôn có một cái gì đó.
***
Tôi đi vườn thú, trời mưa, tôi toát mồ hôi, và tôi bị cúm. Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Tôi cũng có thể đi ăn lẩu, trời mưa, tôi toát mồ hôi, và tôi bị cúm.
Chẳng có gì ngạc nhiên cả.
Dưới những chiếc ô.
***
Tôi chưa bao giờ khóc khi nghe “Một mình” của Thanh Tùng, cho đến khi tôi nhìn thấy khuôn mặt ấy.
Khuôn mặt một người phụ nữ.
***
Thế thôi.
NVC
--------------------
Nhóm bạn bè:
Thành viên này chưa có người bạn nào trong mạng VnVista, nếu bạn muốn trở thành người bạn đầu tiên của thành viên này, hãy click vào đây