Những “hạt sạn” trên truyền hình Khi xem Người dẫn chương trình trên HTV 9 tối 21/ 8/ 06, tôi nghe một thành viên của ban giám khào phê bình một người dự thi là phải chú ý đến từ ngữ khi dẫn chương trình. Vấn đề này “ chạm” đến bức xúc của tôi từ bấy lâu nay.
Thật ra, trên TV có rất nhiều “hạt sạn” chữ nghĩa mà nhà đài thường cho bạn xem đài “ăn”. Và khi nghe thường xuyên thì trở thành quen tai. Bởi vậy chẳng trách gì người dự thi nói sai từ ngữ.( Họ nhập tâm bởi cái sai của người đi trước.( Chứ có học trường lớp nào đâu?) Chứng tỏ là người đã từng dẫn chương trình vừa mới phê bình thí sinh xong thì ngay lúc ấy ông ta cũng sai liên tiếp mấy lần chính cái lỗi anh ta vừa mới phê bình thí sinh)
Sau đây là vài “ hạt sạn” trong nhiều “hạt sạn” mà tôi thường phải “ăn” trên TV:
Phương án & Đáp án:
Theo từ điển tiếng Việt của UB-KHXH Việt Nam do nhà xuất bản KHXH- Hà Nội xuất bản năm 1980:
Phương án: Dự kiến về cách thức, trình tự tiến hành công việc trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định nào đó.
Đáp án: Bản giải đáp được chuẩn bị trước cho một vấn đề, thường là cho chủ đề thi.
Như vậy phương án có thể là một công trình, một dự án, một ý tưởng, một hoạch định được phát thảo để bàn bạc, thực hiện và nó có thể có hiệu quả hoặc không có hiệu quả, hợp lý hoặc bất hợp lý, thành công hoặc không thành công. Còn đáp án là một vấn đề cụ thể được xác định và khẳng định đúng. Trong câu hỏi có nhiều đáp án theo dạng A,B,C,D thì có đáp án đúng hoặc đáp án sai. Khi trả lời giống với vấn đề mà ban tổ chức đã xác định chính xác từ trước thì gọi là đáp án đúng. Không giống thì đáp án sai.
Rõ ràng phương án và đáp án có ngữ nghĩa khác nhau hoàn toàn. Thế mà người dẫn chương trình trên VTV thường hay nhầm lẫn cặp từ này từ lâu mà chẳng có ai nói năng gì cả. Kể cả chương trình có tính giáo dục.
Ví dụ: Lê Hoàn quê gốc ở đâu?
Người dẫn trình nói:
Phương án A: Hà Nam
Phương án B: Thanh Hóa
Phương án C: Ninh Bình
Phương án D: Hà Nội
Người dự thi trả lời phương án A là phương án đúng.
( Một điều cụ thể được khẳng định như thế mà gọi là phương án?! )
Phạm lỗi & Bị phạm lỗi:
Cầu thủ A đá cầu thủ B què giò. Trọng tài rút thẻ đỏ đuổi cầu thủ A ra sân. Người dẫn chương trình nói: A là người phạm lỗi. Còn B bị phạm lỗi và đội của B được hưởng cú đá phạt. Tại sao lại có kiểu nói theo dạng” Passive voice” của tiếng anh như vậy? Trong trường hợp muốn nhắc lại đến cầu thủ B là tác nhân làm cho cầu thủ A phạm lỗi thì phải nói B làm cho A phạm lỗi mới đúng chứ!
Phạm lỗi: Mắc phải điều cần tránh. Phạm khuyết điểm, phạm sai lầm.( tự điển UB-KHXH)
Bị: Từ hiển thị chủ thể chịu sự tác động của việc không hay, là đối tượng của động tác,hành vi không có lợi đối với mình. ( tự điển UB-KHXH)
A phạm lỗi: A là chủ thể mắc phải điều cần tránh ( phạm lỗi)
A là chủ ngữ
Phạm lỗi là động từ ( vị ngữ), là định ngữ cho chủ thể đứng trước nó.
B bị phạm lỗi: B phải chịu trách nhiệm của hành động phạm lỗi
B là chủ ngữ
Bị phạm lỗi là vị ngữ
Bị phạm lỗi là định ngữ cho chủ thể (B) đứng trước nó.
(Nhưng B có phạm lỗi đâu mà người dẫn chương trình gán trách nhiệm cho B.)
Trong trường hợp này, phạm lỗi hay bị phạm lỗi thì chỉ có cáo buộc cho A mà thôi.
V hay D:
“ Mời quí dị nghe dự báo thời tiết hôm nay dà ngày mai. Dùng bắc bộ có mưa dài nơi. Dùng…” Đó là tin dự báo thời tiết của HTV. Có thể dễ nghe đối với người dân sinh ra ở miền Nam nhưng thật là khó chịu với những người dân sinh ra ở xứ khác. Có thể nhà đài cho rằng như thế mới bình dân hoặc để dân địa phương dễ hiểu. Nhưng chẳng lẽ đài truyền hình Huế thì phải đem nhưng từ chi, mô, răng, rứa…Còn một số đài ở phía Bắc thì phải nà(là), nộn(lộn), no(lo), lào(nào), đất nước Việt Lam(đất nuớc Việt Nam) lên TV hay sao? Nếu nghĩ như thế thì biết ngày nào VN nói tiếng Việt chuẩn mực có tính pháp lý, tính ổn định cao? Và Cứ hướng người dân ăn nói một cách bình dân không quy ước như thế thì biết ngày nào mức dân trí tiếng Việt ( nói đúng, hiểu đúng ) của người dân được nâng lên.
Phải cần để người dân quen dần với cách nói đúng và hiểu đúng chuẩn tiếng Việt càng nhiều càng tốt. Phương tiện truyền thông đại chúng - nhất là truyền hình – là phương tiện giáo dục nhanh nhất dễ đi vào tiềm thức của mỗi người một cách tự nhiên. Đừng để hằng ngày người ta cứ nghe quen những kiểu nói sai và mỗi đài nói mỗi kiểu ( vd: WTO.org.vn = VTV thì nói: Vê kép tê ô chấm o rờ gờ chấm vi en ( vừa tây vừa ta; vừa âm vừa tên; vừa Anh vừa Pháp); còn HTV thì đúp lờ vê tê ô chấm o erờ rê chấm vê ennờ) thì dần dần chúng ta sẽ có những thế hệ không phân biệt được chữ nghĩa tiếng Việt và sẽ còn dài dài “ Những bài văn…dễ sợ” những “…con chết dồi ai chả nợ cho cha” hoặc “ Mỹ giận chồng, uống gụ, đi chơi dề khuya...”của những cô tú, cậu tú.( Bài: Ước chỉ là giấc mơ của tác giả Tố Tâm đăng trên báo tuổi trẻ số ra ngày 30 -7-2006)
Trung Kim
http://vnvista.com/trungkim 22/8/2006