hồ tĩnh tâm

   Trong: Ký Tĩnh Tâm
 
CHÚNG TA GẦN NHAU HƠN TRONG NỖI ĐAU NÀY
Hồ Tĩnh Tâm

 Sáng ngày 26 tháng  9 định mệnh ấy, không hiểu tại sao tôi bỏ thói quen đạp xe đến trường, mà lại đi dạy bằng honda. Hết giờ, sẵn xe máy tôi tranh thủ chạy ngay tới phòng Tổng biên tập tạp chí văn nghệ Cửu Long. Tại đây, tôi nói An Phương điện cho chú Mười Sao Vàng, hỏi xem kế hoạch viết Địa chí Vĩnh Long đã triển khai tới đâu. Đầu dây bên kia, chú Mười thông tin: cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn phía Bình Minh, chết nhiều lắm. An Phương đứng ngẩn ra một lúc, rồi gọi cho Nguyễn Sang ở Ban Tuyên Giáo tỉnh. Sang cũng chỉ cho biết vắn tắt: sập hai nhịp phía Mỹ Hòa, hàng trăm công nhân đang thi công tại đó, Ban Tuyên Giáo đã cử người xuống hiện trường, điện ngay cho Đức để biết thêm cụ thể. An Phương lại gọi. Đức trả lời: chưa tiếp cận được hiện trường. Nóng ruột như nuốt phải hòn than, tôi điện gọi Hà Ngọc Trảng, bảo đem caméra đến để cùng đi Mỹ Hòa- Bình Minh. Trảng hẹn tôi ra quán cà phê Dòng sông Xanh ngồi đợi. Bấy giờ đã gần 12g00 trưa. Bồn chồn không yên, tôi chạy về nhà lấy cái bóp đựng giấy tờ tùy thân, ngậm một lát sâm thay cho ăn cơm, nhét hai cái máy ảnh, hai cái máy ghi âm vào túi xách, rồi đến ngay cơ quan Hà Ngọc Trảng. Chúng tôi hai người một xe, trực chỉ Bình Minh mà lao tới.

 TẤT CẢ CHÌM TRONG IM LẶNG CĂNG NHỨC NỖI ĐAU

 Biết trước là không thể vào được hiện trường theo hướng từ thị trấn Cái Vồn, tôi với Hà Ngọc Trảng chạy thẳng xuống Bắc Bình Minh, hỏi thăm người dân cách qua sông Mỹ Hòa để đến nơi vừa xãy ra sự cố. Trời vừa mưa rất to vào đêm qua, sáng nay lại cũng vừa mưa, con đường nhỏ lầy lội, trơn trợt và hê hủng ổ gà ngập nước. Phải mất gần 30 phút, hai chúng tôi mới đến được vòng rào bảo vệ nghiêm ngặt bên ngoài, nơi mọi người đang tập trung cứu nạn.

Hàng trăm, không, phải trên cả  ngàn người chen nhau trên vuông đất chật, căng mắt dõi về hai trụ cầu, nơi hai nhịp cầu dẫn vừa đổ sụp vào lúc gần 8g00 sáng nay. Đông lắm, nhưng sao lại im lặng kỳ lạ! Tất cả như căng nhức nỗi đau thắt hướng về nơi những nạn nhân còn bị vùi lấp dưới hàng ngàn tấn bê tông và sắt thép. Bộ đội, công an, cảnh sát cơ động, quân y, dân phòng và lực lượng vệ sĩ còn đông hơn. Họ có nhiệm vụ ngăn chặn dòng người đang mỗi lúc mỗi ùn ùn đổ tới, theo con đường nhỏ độc đạo xuyên ngọn nếnqua các liếp vườn xanh ngăn ngắt màu xanh bưởi năm roi. Một trung tá quân y của Quân khu 9 cho tôi biết, từ 8g00 quân khu đã điều động đến hiện trường cả tiểu đoàn quân y; rồi cũng chính anh chỉ cho tôi biết cách vào hiện trường, theo con đường nhỏ cặp hàng rào B40.

Tôi phải móc thẻ cầm tay mới qua được mấy trạm ngăn vòng ngoài. Vậy mà khi đến được con đường đất chạy dọc vòng rào, đã thấy ở đây hàng ngàn người chen chúc bám víu vào lưới thép. Đông là thế, nhưng tất cả vẫn chìm trong im lặng căng nhức nỗi đau cháy lòng cháy dạ. Chỉ có tiếng khóc nấc, tiếng rên nghẹn ngào là từng lúc, từng lúc cứ bật dội ra từ những ai đó đang quỵ xuống trong vòng tay người thân. Họ là mẹ, là vợ, là chị, là em gái, là người yêu của những công nhân còn kẹt lại trong đống đổ nát, đồ sộ như cả núi bê tông lù lù ngay trước mắt.

Vượt qua được trạm gác cuối cùng của cảnh sát cơ động, tôi với Hà Ngọc Trảng đã vào được hiện trường. Trời ạ, cái máy ảnh cơ chỉ còn hơn chục kiểu, máy số thì cả pin sơ cua cũng đã gần hết điện. Thói quen trực chiến nghề nghiệp lần này đã phản lại chính tôi.

 HIỆN TRƯỜNG CỨU NẠN CĂNG NHƯ SỢI DÂY ĐÀN

 Không biết từ bao giờ, các đội cứu hộ, cứu nạn của quân sự, dân sự đã dựng lên rất nhiều lều bạt. Lủ khủ trong đó y cụ, quân cụ, với rất nhiều thùng nước khoáng, nước tinh khiết, cơm hộp, bánh bao, bánh mì và… hàng đống mền vải (chăn) dành cho thi thể nạn nhân. Trên diện tích rộng mấy héc ta đang được bảo vệ nghiêm ngặt này, có không biết bao nhiêu là người, mà nhiều nhất vẫn là sắc phục của bộ đội, công an, quân y và dân y, vệ sĩ và những đội quân cứu hộ, cứu nạn. Tất cả đều lặng lẽ trong công việc. Nhiều phóng viên tất bật cầm máy, xách máy, đeo máy chạy tới chạy lui. Lúc này thì không thể phỏng vấn ai được, bởi không thể làm chậm bước của ai được. Họ có nhiệm vụ số 1 là sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn từng giây, từng phút.

Tôi bấm Hà Ngọc Trảng chạy ra bến tàu trực chiến ngoài sông Hậu. Có rất nhiều tàu và ca nô. Cờ quân y, cờ dây y, cờ chữ thập đỏ, cờ TKN san sát mặt sông. Rất nhiều hobo vẫn tiếp tục từ bờ Cần Thơ lao qua, tiếp tế những gì mà hiện trường đang khẩn báo. Một cô gái thuộc Công ty vệ sĩ Tây Sơn cho tôi biết: lúc 12g00 Cần Thơ báo qua là đã có 33 người tử nạn. 33 người. Vâng, đã 33 người của công trình cầu trọng điểm quốc gia này không còn sống với chúng ta! Cầu mong cho con số 33 người này bị đóng băng, để hàng ngàn người đang căng mắt dõi vào từ ngoài vòng rào che chắn kia, sẽ còn được nuôi hy vọng.

14g32, tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Hải ngay bên lều cứu thương của Khoa Y – Dược đại học Cần thơ, anh cho biết: 52 người chết, 91 người bị thương. Anh nói thêm: “chiến trường” bây giờ đã tạm ổn nhiều lắm, chứ từ lối 10g00 về trước, tất cả cứ căng như dây đàn, băng ca cứu thương chạy rầm rập. Lúc bình ga bị nén bởi áp lực lớn của đống đổ nát phát nổ, hoảng loạn tăng cực độ, là họ lo cho công nhân còn bị kẹt bên dưới. Anh còn khuyên chúng tôi không nên tiếp cận gần hai chân trụ cầu nơi hai nhịp cầu dẫn bị sập, do nguy cơ tại nạn vẫn còn tiềm ẩn. Nhưng làm sao mà tôi không đến được, khi mà tôi đã lọt qua hàng chục trạm kiểm soát để vào được nơi này. Tôi nói Hà Ngọc Trảng tản ra, mỗi người tiếp cận một điểm, ráng lắng nghe và ghi nhớ thật kỹ, chứ tôi không dám mở máy ghi âm và phỏng vấn bất cứ ai, bởi với tôi, làm vậy là qua bất nhẫn với những thân nhân công nhân đang hoảng loạn cực độ, với những người đang chú tâm vào công việc cứu nạn, cứu hộ.

 DƯỜNG NHƯ THẾ GIỚI ĐANG CÓ MẶT TẠI HAI NHỊP CẦU GÃY TRỤ 14, 15.

 Buổi trưa và buổi chiều ngày 27 định mệnh ấy, tôi đã nhiều lần có mặt tại hai nhịp cầu dẫn vừa bị đổ sụp xuống, nhưng tôi thì làm được gì, khi mà việc cứu nạn, cứu hộ đòi hỏi phải có các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia cứu nạn, cứu hộ to khỏe, dày dạn kinh nghiệm và dư thừa lòng dũng cảm. Tôi chỉ biết đứng nhìn chiếc cần cẩu Kobeko lặng lẽ làm việc. Người ta thả từ trên cao xuống lồng cứu hộ với những “dũng sĩ” cứu nạn thực thụ. Họ sẽ phải tìm cách chui vào “huyệt mộ” khổng lồ, để lần tìm trong tối đen bộn bề bê tông, sắt thép những con người đang cần phải cứu hộ, những thi thể dập bầm, nát gãy ra ngoài. Ở trong đó chắc chắn đang thiếu ô xi, những hố sâu chắc chắn đang ngập nước. Cái chết chắc chắn vẫn còn đang rình rập với cả những người đang làm công việc khẩn cứu nạn nhân. Ai mà biết hàng ngàn tấn nặng kia có còn tiếp tục đổ sập xuống vào bất cứ lúc nào. Tôi nhìn thấy rất nhiều người tham gia cứu nạn, cứu hộ là người nước ngoài. Hà Ngọc Trảng cho tôi hay, những nhân viên cứu nạn cứu hộ đội nón Mike, với lủ khủ dây nhợ, móc xích trên người là của Thái Lan, mấy ông mắt xanh vận đồ bảo hộ đứng sát đống đổ nát là người Đức, mấy ông nói nhanh liến thoắng vào máy bộ đàm là người Nhật, người Trung Quốc. Vậy ra bạn bè thế giới đã có mặt cùng chúng ta rất nhanh vậy sao? Cảm động tới trào nước mắt.

Hai bên hai chiếc cần cẩu Kobeko có rất nhiều người đội nón bảo hiểm màu trắng, màu vàng. Họ là người Việt hay người nước ngoài? Hỏi chỉ thừa, bởi lúc này là con người đang đến với con người. Trái đất là mái nhà chung của tất cả chúng ta. Chúng ta là công dân của hành tinh trái đất. Chúng ta đến với nhau thật lòng trong cơn nguy nạn. Đó là tất cả. Là tất cả. Hỏi để làm gì, khi mà đèn hiệu xanh và tín hiệu pip pip của cần cẩu Kobeko vẫn liên tục phát ra khẩn báo về công việc.

 CHÌM TRONG NỖI ĐAU CÀNG THẤU HIỂU LÒNG NHAU

 Như đã hợp đồng với Hà Ngọc Trảng, chúng tôi mỗi người tản ra một nơi để thâu lượm những gì nhìn được, nghe được. Và chúng tôi đã thấy gi? Một người mẹ không biết bằng cách nào đã vào được hiện trường, quỳ xuống ôm chân cột lều y tế tại điểm nóng, dõi mắt vào đống núi bê tông rên khóc: “Con ơi, mẹ đợi con từ sáng giờ nè con! Ra đi con! Ra với mẹ đi con!”. Và rồi người mẹ ấy đã gục xưống, ngất lịm trong vòng tay những cô gái Khoa Y - Dược đại học Cần Thơ. Một anh công nhân xây cầu lấm lem bùn đất, nói vào điện thoại: “Mày yên tâm! Tao sẽ điện báo ngay cho vợ mày biết: mày còn sống”. Rất nhiều, rất nhiều người luôn gắn điện thoại áp vào tai mà thông báo tin tức từ điểm nóng hiện trường cho nhau. Bản thân tôi cũng nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn từ người nhà, người thân và bạn bè cả nước; đến mức tôi đã phải hai lần xóa tin nhắn để giải phóng bộ nhớ ngay tại điểm nóng hiện trường. Cảm động nhất là cuộc gọi của Huỳnh Thúy Kiều từ Cà Mau, lúc hơn 17g00: “Anh, cả ngày em bồn chồn không thể làm việc. Em đọc anh nghe sự sẻ chia bằng thơ nghen! (Thúy Kiều đọc bài “Nỗi đau chiều sông Hậu”). Em lên mạng nãy giờ chỉ tìm kiếm thông tin về cầu Cần Thơ. Đêm nay bình tỉnh trở lại, em sẽ viết cảm xúc của mình, sẽ post cả thơ và bài viết lên vnweblog của em để chia sẻ với anh, chia sẻ với bà con mình”.

Khi trở ra tìm kiếm thông tin ở vòng ngoài, tôi bắt gặp hàng trăm gương mặt bơ phờ với hàng trăm cặp mắt đã sưng mọng, đã đỏ ứa vì rượm lệ. “Tui vừa từ viện 121 về, tui nhận ra được bốn đứa là dân Mỹ Hòa ở nhà Vĩnh biệt. Trời ơi, thằng Lực vừa cưới vợ hồi tháng 6 này. Nó bầm dập hết hà! Hic hic! Còn… thằng con tui giờ sao rồi? Con ơi”. “Nhà ông Khanh (Lưu Hoàng Khanh- Mỹ Hòa), thằng Phúc đi rồi, thằng Khoa anh nó đang hấp hối. Chúng nó chưa đứa nào tới tuổi 20”. Đâu đó, bỗng dội lên tiếng khóc nấc nghẹn ngào: “Trời ơi là trời, sao nó hổng sập lúc 6 g00 sáng hả trời! Sao nó lại lựa lúc người ta ăn cơm xong lên công trường mà sập hả trời!” Có ai đó nói rất gần, nghe rất rõ: “Cái thằng vệ sĩ thấy cầu nứt kịp nhảy qua hàng rào ra ngoài, bị thanh sắt đập bể mặt, nó sống rồi”.

Sống rồi” đó là tiếng reo vui nhói lên từ nỗi đau quá lớn giữa biển người đang đau đáu dõi mắt hướng về điểm nóng của hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Người ta đồn rằng, dưới đống bê tông sắt thép ấy, vẫn còn có người gõ vào đà thép, dưới đó vẫn còn có người bấm di động phát tín hiệu ra ngoài, dưới đó vẫn còn có tiếng người đang rên rỉ… Người ta đồn, bởi người ta còn hy vọng. Và còn hy vọng, người ta còn ùn ùn kéo tới đen đặc ngoài vòng rào, bất chấp hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống, bất chấp những đám mây đen cuồn cuộn, báo trước môt cơn mưa đêm sắp chụp xuống.

Tôi và Hà Ngọc Trảng lên xe qua chiếc chẹt (phà nhỏ), cùng với thông tin từ một người đàn bà lớn tuổi, đã gần như tuyệt vọng, bởi từ sáng đến giờ đợi tin tức đứa cháu: “Nhà tui còn may, chứ nhà ông Vượng, bốn cha con cùng là công nhân xây cầu, một đứa thoát chết, còn ông và đứa nửa đang hôn mê trong viện. Đau lắm mấy chú ơi!”.

 VÀI DÒNG THAY LỜI CẢM TẠ

 Rời khỏi điểm nóng hiện trường, tôi không về nhà ngay mà tìm đến với bạn bè chia sẻ cảm xúc đang ngún cháy của mình. Họ đang chờ đợi tin tức qua truyền hình và qua mạng. Anh Tánh cho tôi biết: “Hồi sáng này, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn THÀNH TÍN, chuyên sản xuất kinh doanh thép tại khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), đã cử đại diện đến Đài Phát thanh Truyền hình, ủng hộ những người bị nạn 100 triệu đồng”. Anh Dũng thì cho biết thêm, bà Hồng, chủ vựa trái cây Hoa Cúc ở Bình Minh, ngay buổi trưa ngày 27, đã cùng con trai và chín người bạn, đem vào hiện trường 1400 phần cơm hộp cùng 1200 chai nước suối; tại đây, khi thấy một người phụ nữ khóc ngất vì chồng con bị nạn, đã tặng ngay 2 triệu đồng cùng câu nói: “Ráng vượt qua chị ơi! Hai đứa con gái nhỏ chị cứ gởi cho tôi, giúp phụ tôi buôn bán, tôi thay ảnh nuôi con cho chị!”.

Tôi sẽ không nói gì thêm được nữa, khi mà tất cả thông tin đều được cập nhật từng giờ, từng ngày trên mạng và trên báo chí. Tôi chỉ còn biết cám ơn Huỳnh Thúy Kiều, ngay sáng sớm ngày 28 đã có hai bài viết đầy cảm động trên vnweblog của mình! Cám ơn  Minh Nguyệt từ Hà Nội, đã viết vào comments weblog của tôi lời kêu gọi hành động, mà chính Minh Nguyệt đã hành động, kêu gọi cơ quan mình gởi khẩn cấp dịch truyền và thuốc men vào cho những người lâm nạn!
 

1.                     Minh Nguyệt said: MÁU CHẢY RUỘT MỀM - HÃY CỨU TRỢ

28/09/2007, at 10:57 [ Trả lời ] Chúng ta nói nhiều về nỗi đau, những bài thơ cảm động có thể chia sẻ vợi một phần đau buồn với gia đình các nạn nhân. Nhưng chưa đủ - chúng ta cần phải hành động!Các hành động hiến máu nhân đạo, quyên góp đã được diễn ra trong khắp mọi tầng lớp nhân dân.
MÁU CHẢY RUỘT MỀM, hơn lúc nào hết sự giúp đỡ của mỗi chúng ta tùy theo khả năng của mình là vô cùng CẦN THIẾT!
Sáng nay tôi đã bò ra khỏi cái giường của mình bề bệt đến công ty và hô hào QUYÊN GÓP. Xin lãnh đạo ủng hộ thuốc và dịch truyền cho cấp cứu
Hãy góp gió thành bão để giúp đồng bào ta qua cơn tang thương này hỡi các bạn yêu quý
HÃY DÙNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ ĐỂ CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO




HTT 27 tháng 9 năm 2007


 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Tin nhanh

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2024   VnVista.com