hồ tĩnh tâm

   Trong: Ký Tĩnh Tâm
 

THIẾU TƯỚNG SA PÔ

Hồ Tĩnh  Tâm

 

Tay công an huyện trẻ măng rất lém. Biết tôi là dân văn nghệ, anh ta dẫn ngay tôi đến nhà Bảy  Hùng Sanh.

 

- Thiếu tướng sa pô đó ông. Ổng có hai sĩ quan thuộc cấp hết ý.

 

Thiếu tướng cởi trần, nằm khểnh  đọc báo trên chiếc ghế  phô tơi ngoài vườn. Ông ta béo  tốt, đầu bóng lưỡng, tay  trái tháo khớp  tới  cùi chỏ. Tuổi ngoài bảy  chục, nhưng đọc báo không cần đeo  kiếng, giọng nói rổn rảng.

 

- Mấy chả trên huyện gọi tao  là thiếu tướng sa pô, bởi tao  có tới ba chục công vườn trồng sa pô chê. Chú mày đi  thực tế sáng tác hả? Yên trí! Láng giềng của tao toàn dân chịu chơi mát trời  ông  địa.

 

Thuộc cấp của ông đãi  tiệc ngay trong vườn. Rượu chuối cơm nướng, gỏi khô sặc rằn.  Đã nhất là dĩa trứng cá vàng ngậy. Buồng trứng nào  cũng bành bành như ngón tay trỏ.

 

- Chú mày trúng  số, xuống ngay mùa sặc rằn. Hồi  trước, dân xứ này  tát được sặc rằn, lựa hết cá sặc cái bán lên thành phố, chỉ dám ăn sặc đực. Mấy năm nay tao  đứng  ra thầu mua  cá sặc làm khô, trứng cá tao tách ra  làm đặc sản. Ngu  gì không  ăn thứ ngon cho sướng đời!

 

Rượu ngon, mồi ngon, lại thêm  hai cô cháu lui  tới tiếp mồi, bữa tiệc ngon không kể đâu cho thấu. Bởi vậy, ngay buổi chiều  đầu  tiên, tôi  đã say lịm, ngủ vùi ngon lành ngay trong khu vườn sa pô chê rợp mát.

 

Tôi tỉnh dậy lối chín giờ tối. Cô Ba đẹp chết người, nói như rót mật.

 

- Anh  Ba tắm rửa cho  mát, rồi ăn  cháo cho khỏe.

 

Trời ạ, cháo rắn. Rắn ri voi nặng hơn hai ký, thịt ngọt lừ, ăn tới đâu  tỉnh tới đó. Cơ này, tôi phải làm đơn xin đầu quân xin làm lính  vườn cho ông  thiếu tướng. Có mà chạy thoát đằng trời đôi  mắt lung liêng lúng  liếng ấy. To đen và ngời ngời  như lửa đốt.

 

Ông  thiếu tướng thời chín năm là lính tiểu đoàn Cửu Long. Ông là Việt  kiều  trở về  từ Thái Lan. Chưa kịp đánh đấm trận nào,  đã có lệnh  điều  trở lại đất Thái, quyên  góp tiềng, vàng mua vũ khí. Vũ khí và thuốc men được đưa về Nam Bộ bằng xe bò và mấy thớt voi đi xuyên  rừng xuống biển, sau đó dùng ghe máy chở về nước bằng đường biển. Sau chuyến hàng đặc biệt ấy, Bảy  Hùng Sanh thành cán bộ ngân hàng.

 

Khi hiệp  định  Giơ Neo năm 1954 ký kết, Bảy Hùng Sanh tập kết ra Bắc,  nhờ có học hành thời ở Thái,  ông  được cử sang  Liên Xô học ngành ngân hàng ngoại thương. Về nước, ông công  tác tại một ban đặc biệt của ngân  hàng trung ương, có nhiệm vụ chuyển  tiền  viện trợ của các nước vào miền Nam, bằng  con  đường  hợp pháp, biến chúng thành tài  khoản  trong các ngân hàng Sài Gòn, rồi dùng  tiền đó mua hàng tại  chỗ, chuyển vào  vùng giải phóng.

 

Năm 1966, Bảy  Hùng  Sanh được bí  mật đưa vào sài Gòn, chui vào làm việc trong ngân  hàng ngoại thương của chính  quyền Việt Nam Cộng hòa, hoạt động hợp pháp  trong lòng địch.

 

- Bả là tư sản chánh hiệu đó  mầy. Nhờ gia đình bả mà tao  leo vù vù hết ngạch trật này  tới  ngạch trật khác, trong hệ thống ngân hàng  tụi nó. Nghĩ tức cười. Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Bả sống với  cộng sản mà đâu có  hay. Chừng bả hay thì đã có với  tao  ba mặt con. Khi tao bị lộ, phải thoát ly vô vùng, bả cũng phải giã biệt đô thành, ẳm con theo  tao  kháng chiến. Hai  đứa này  là con thằng út. Tía má nó cùng hy  sinh một lượt hồi  đầu năm 1975 ở miền Đông. Hai đứa con gái  lớn của tao, ông bà ngoại đem qua Mỹ từ cuối  1974. Chiến tranh rắc rối vậy. Một gia đình mà bên này bên kia tùm lum.

 

Bảy Hùng Sanh khi thoát ly vô vùng, được chuyển hẳn sang hoạt động bên tuyến đường Trường Sơn trên biển. Con tàu không số của ông hai lần vượt biển ra Bắc, chở vũ khí vào Nam an toàn. Đến chuyến thứ ba thì bị địch  phát hiện. Thủy thủ trên tàu chống trả quyết liệt. Sau  cùng biết  chống  trả không lại, họ đã cho nổ mìn, nhận chìm toàn bộ con tàu và vũ khí xuống biển. Bảy Hùng Sanh may mắn thoát được vô bờ, nong theo rừng  đước, rừng tràm, móc nối tìm gặp được cơ sở. Vết thương tay trái nhiễm trùng sưng tấy, phải tháo  khớp đến tận khuỷu.

 

- Hổng  thuốc gây mê, thuốc gây tê gì ráo  trọi nghen mầy. Anh em dùng dao cắt như xẻo  thịt ngoài chợ. Đau  quá, tao vừa nghiến răng vùa chửi  đụ bà tùm lum. Xong việc, tụi nó biểu tao khôn róc tổ, chửi bậy cũng lựa mấy bà lôi ra cho kì được.

 

Chừng  giải  phóng miền Nam, Bảy  Hùng Sanh được điều trở lại ngành ngân hàng, tham gia tiếp quản ngân hàng  quốc gia Sài Gòn.

 

- Cười thấy mụ nội. Về sài  Gòn, tao gặp lại  mấy người bạn ở Nha  Hành chánh Sài Gòn cũ, ai cũng trố mắt ra mà dòm. Họ nói, Việt  cộng nằm ngay trong bao tử, hèn chi  tiền bạc cứ chui  tuồn tuột vô vùng giải phóng. Mỹ Ngụy thua  là phải.

 

Còn một cánh tay, nhưng Bảy  Hùng  Sanh lái vỏ lải ve vé. Hầu như ông là người chở tôi đi đây đi đó trong  xã, gặp nơi  này nơi  khác. Đi với  ông rất ấm bụng, tới đâu cũng được tiếp đãi  ngon lành. Dân trong xã ai  cũng gọi ông là thầy Bảy. Hỏi mới biết, năm 1977, Bảy Hùng Sanh xin nghỉ mất sức, về xứ mua đất lập vườn. Ông  vừa làm vườn, vừa dạy chữ cho dân trong vùng. Dạy theo lối bình dân học vụ hồi  chín năm kháng Pháp.

 

- Mởi đầu bả đâu có chịu về quê, bả cứ khăng khăng đòi ở Sài Gòn, đặng hai đứa cháu đích tôn được học hành tử tế; nhưng tao bỏ về xứ chưa được hai năm, bả đã nhào theo cái  rụp. Con nhà giàu làm vườn không quen, tao phải kiếm miếng đất ngoài chợ xã cho bả buôn bán. Nhờ bả làm  nên ăn  ra, tao mới có tiền mua thếm đất vườn đất ruộng, lần hồi trở thành thiếu tướng sa pô, trở thành địa chủ Việt Minh chánh hiệu nghen mầy. Giờ tao lãnh thêm chức chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến nông của xã. Hết  dạy  chữ lại xoay qua dạy bà con làm vườn, làm  ruộng. Tài liệu kĩ thuật, trên tỉnh rót về hàng  đống. Tao  là lão  nông tri thức nghen mầy. Họ gọi tao là thầy Bảy cũng  đâu có sai.

 

Hai sĩ quan thuộc cấp của Bảy Hùng Sanh đều là giáo viên trường làng. Đẹp như Thúy Kiều, Thúy Vân, vậy  mà vẫn còn độc thân mới khổ cho tôi, người đang lâm cảnh xa nhà, ăn dầm nằm dề xứ vườn thơ mộng bên dòng sông Bassac. Có lẽ thanh niên xứ này còn ít chữ quá, nên hai chị em mới kén không ra, mới ở vậy. Tôi tá túc trong nhà Bảy Hùng Sanh, đi vô đi  ra luôn đụng mặt hai cô, bụng dạ cứ cuống cả lên, không dám chắc cô chị với cô em, ai  đẹp hơn  ai, bởi họ cứ mơn mởn như bông chanh bông bưởi, thơm như trái  xoài trái ổi. Nhất nhất nói gì tôi cũng  phải cất nhắc, tính tới tính lui, sợ được lòng cô này thì mất lòng cô kia. Chỉ là anh em vui đùa với nhau mà cũng  khổ. Bởi  vậy, hết chuyến công tác, tôi với hai nàng Kiều thuộc cấp của thiếu tướng, chẳng có gì đáng để bận lòng ràng buộc với nhau.

 

Đêm trước ngày chuẩn  bị chia tay ra về, thiếu tướng sa  pô nói với tôi:

 

- Sáng mai hai chị em  nó đi học nghị  quyết  trên huyện, chú mầy quá giang  luôn thể. Tới huyện, con Ba nó chở mầy đi tiếp lên  tỉnh  bằng đường  sông. Chịu vậy nhen!

 

Vậy mà tới sáng chỉ mình cô  Hai đi học nghị quyết. Tôi  vừa tiếc vừa mừng. Nghĩ cho  cùng, cô Ba vừa đẹp vừa tình  tứ, nhưng cô Hai cũng không hề kém cạnh một  dem nào cả. Chị em họ y trang nhau  như hai  giọt nước, đi với  ai cũng vậy. Thế một một, tốt hơn một hai nhiều chứ.

 

Chiếc vỏ lải chạy máy yanma, ngốn đường  sông  vùn vụt. Tôi ngồi giữa vỏ, bụng nhăm nhắm cái máy chết tiệt hỏng phứt cho rồi, ấy  vậy  mà nó khỏe  hơn ngựa, càng chạy càng lồng  lên, vượt sóng ve vé mắc ghét.

 

Tới huyện, tôi  bày đặt nói với cô Hai.

 

- Tôi muốn chụp tấm hình gởi tặng thiếu tướng sa pô, hay  cô Hai vô chụp chung với  tôi  một kiểu  cho vui.

 

Chưa kịp nghe cô  Hai ừ hứ  gì, tay cán  bộ công an huyện trẻ măng măng ấy, đã ở đâu ló ra, chụp tay tôi  kéo lên yên xe.

 

- Lẹ ông ơi! Nhà Chủ tịch huyện hôm nay có  đám  giỗ.

 

Mưu kế của tôi thành ra trớt nguớt. Trời  đánh  thằng chả. Có đám  giỗ đám giếc gì đâu. Anh ta lôi tuột tôi  vào quán lẩu mắm với mấy  thằng bạn công tác bên ngành lương thực.

 

Thấy mặt tôi cứ  thuỗn ra như mặt thằng mất của, anh ta cười hì hì.

 

- Bả học trên này tới  ba ngày. Ông uống xỉn xỉn, tối gặp bả mới đủ dũng khí mà xả ga. Bữa trước ông thiếu tướng lên đây mua phân lạnh, ổng chê ông nhát gái rậm rề. Nhưng tui biết ngay chóc, ông  kẹt thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai cô chứ gì. Thôi, như vầy. Ông  để cô Ba đó tui giải quyết giùm. Sau này, ông có về đầu quân  thiếu tướng sa pô, ông có tui làm trợ thủ, làm điểm tập kết. Nhậu vui vẻ xả láng, cha ơi!

 

Hôm đó tôi vui vẻ tới quắt cần câu, tới chìm  xuồng tại bến. Sáng ngày  có xe huyện ủy đi họp  trên tỉnh, người ta bố trí cho tôi tháp tùng luôn  thể.

 

Đường  sá gồ ghề ổ chó ổ voi, chiếc xe nhảy dissco chồm chồm, tôi  bị quăng quật tới bử bả. Bí thư huyện ủy nói với tôi.

 

- Thiếu tướng sa  pô có thuyết cho ông  nghe về dự án vay  vốn ngân hàng, biến xã  ổng thành  xã du  lịch miệt  vườn không? Ổng lớn tuổi chớ còn hăng lắm, gọi ổng là thiếu  tướng  sa pô hổng sai  chút nào. Chuyến  này về,  ngoài việc sáng tác, ông ráng viết thêm bài báo cho ngon, đăng  báo tỉnh, dám  ổng nhận ông  làm trợ thủ trong nhà  lắm à nghen!

 

Chiếc jeep chồm lên cây cầu  gỗ, nảy một cú  ra trò. Trán tôi  đập vào thanh sắt đỡ mui vải bạt, nổi u một cục như hột  gà.

 

Bí thư bật cười  thành tiếng:

 

- Kỉ niệm nhớ đời hả ông. Hèn chi  người ta nói,  cố đấm ăn xôi cũng phải. Chịu làm lính thiếu  tướng sa pô đâu có dễ.

 

HTT


 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2025   VnVista.com