hồ tĩnh tâm

   Trong: Ký Tĩnh Tâm
 

TÌNH TỰ VỚI SÔNG TIỀN

Hồ Tĩnh Tâm

 

Sự trở lại của đời tôi với  nhánh sông hò hẹn, trong chín nhánh sông hẹn hò, sao mà nao lòng đến thế!

 

Ai đã nhắc tôi nhớ về tiếng chim bìm bịp? Không! Tiếng gọi đò đêm ấy của bạn tôi, mới thật sự nao lòng tới tận hôm nay. Đó là lúc tôi còn cách xa dòng Tiền Giang hơn một ngàn năm trăm cây số. Tôi với Nguyễn Tấn Hiệp bên bờ sông Chu(trăng hạ huyền còn chứng kiến). Bấy giờ, tôi chỉ muốn khóc nấc lên vì đêm quá đẹp, mà sự thanh vắng của một đêm chiến tranh đang đe dọa, còn đẹp hơn rất nhiều. Một  tiếng ới đáp lời bên kia sông. Một sự xao lòng, vì chớm sợ đêm yên tĩnh sẽ bị vỡ tan tành, bởi tiếng mái chèo quẫy sóng. Sự thật là tôi sợ vầng trăng lung linh trong sóng nước bị òa vỡ, bởi vầng  trăng đang in đáy nước, đẹp hơn vầng trăng trên vòm trời lồng lộng cao xanh kia nhiều lắm.

 

Người lái đò trên  sông Chu đêm ấy, lại là một cô học trò trạc tuổi như tôi. Áo cánh gụ vải  phin. Hai bím  tóc  vắt vẻo. Dáng nghiêng  theo nhịp chèo dẻo sao mà dẻo. Tôi chia tay sông Chu vào chiến trường B2 Nam Bộ, chỉ với một kỉ niệm nhỏ nhoi như thế, nhưng suốt cả đời, dễ gì tôi  quên được.

 

Hành trang trong ba lô vượt Trường Sơn của tôi, là những bài thơ, những lưu  bút tuổi học trò chép vội. Toàn thơ của những người tôi  ngưỡng mộ. Toàn lưu bút của những người tôi thương yêu. Giữa những chặng  hành quân đi như gió cuốn, tôi vẫn thường đào bới những ý tưởng cho riêng tôi trong đó, bằng đầu óc mộng mơ của một chàng sinh viên địa chất, đang hăm hở ra chiến trường. Tôi yêu đến tận cùng sướng vui và đau khổ, tất cả những dòng chữ đã trở thành kỉ niệm và hoài bảo, mà tôi hằng ấp ủ. Với tôi, tất cả các nhà thơ đều là những người khổng lồ, tất cả bạn bè đều là người thân ruột thịt. Những dòng sông. Những cánh đồng. Những  lung sâu. Từng con thác. Từng vạt cỏ triền đê. Từng viến đá nhỏ. Tất cả sao  mà thân thương thân  thuộc. Nhưng khi được thấy tận mắt dòng Tiền Giang chở nặng phù sa mở đất, tôi mới chợt nhận ra rằng: con người luôn nhỏ bé rước thiên nhiên vốn đã tồn  tại hàng triệu triệu năm đến dường nào.

 

Mẹ Suốt ở Quảng Bình, với bà má ở Hậu Giang, giống hệt nhau như hai giọt nước. Khác chăng chỉ là giọng nói, mà thiên nhiên đã hào phóng ban phát cho con người, theo dáng hình sông núi, theo địa thế đồng ruộng, bưng biền. Sóng Rạch Gầm với sóng Bạch Đằng, sở dĩ trường tồn cùng đất trời trong lịch sử, cũng bởi hào khí của con người Đại Việt tạo ra thôi. Tôi  đã đến viếng chùa Vĩnh Tràng. Tôi đã đến nghiêng mình trước lăng  Hoàng Gia, thăm quê hương của Nam Phương hoàng hậu. Đất Gò Công xưa là đất của công của phượng, vậy mà biết dâng cho đời mắm tôm chua, tôm chà, rất mực bình dân mà ngon đến mức, không thể chê vào  đâu được nữa.

 

Với tôi, đêm 28 tháng tư của năm lịch sử mùa xuân đại thắng, đã đời đời khắc tạc trong tâm. Tôi cúi xuống vuốt mắt cho thằng bạn trung đội trưởng, cùng C2 của tiểu đoàn bộ binh D1- E5- F8, tôi có ngờ đâu, chỉ hai ngày sau, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Nhưng còn trước bạn tôi, đã biết bao đồng đội của tôi, vĩnh viễn nằm xuống trên vành đai Bình Đức.

 

Xa hơn trong lịch sử chống ngoại xâm của miền đất trái vàng nơi này, là Trương  Công Định. Tôi đọc và tôi ghi khắc vào tim lời hịch của ông, gởi tướng sĩ vào tháng  8 năm 1864: “Lòng dân đã muốn ta làm nguyên nhung  ba tỉnh, ta trông vào lòng yêu  thương không phai lạt của mọi người đối với ta, thế là xong, bất dung tha giặc cướp”. Và giáo mác. Và gậy tầm vông. Và những lồng ngực căng vồng sức Việt lao lên, bất chấp bời bời khói lửa của súng to súng nhỏ, của tàu  sắt tàu đồng. Bất chấp. Bởi  vì họ có cả triệu triệu tấm lòng yêu nước luôn dõi nhìn  theo. Bất chấp. Bởi vì họ luôn sống trong vòng tay chở che của sông Tiền nâng đỡ. Bấy giờ, thần dân phương Nam bất chấp cả triều đình, bởi triều đình án binh bất động. Bởi vậy, câu trả  lời của Trương  Công Định, tôi kính cẩn nghiêng người xin được chép vào đây: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ tổ quốc của chúng ta”.

 

Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi lần theo sông Tiền tìm về thăm cụ, tim tôi vẫn rung lên buốt thắt, nhói đau biết bao niềm cảm phục, trước sự ra đi của người anh hùng cứu quốc anh vinh. Bởi tôi cảm khái một câu, mà người tuyên ngôn cho cuộc chiến không hề cân sức, và không hề được phê chuẩn của bề trên: “Muốn trả lại như thuở xưa(triều đình- ý của tác giả), dân chúng ba tỉnh yêu cầu tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm gì được khác. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu, và hướng đông cũng như hướng  tây, chúng tôi chống đối và chiến đấu. Chúng tôi  sẽ đánh bại bọn giặc cướp”. (trích thư của Trương Định gửi các quan ở Vĩnh Long tuyên bố ly khai Nam Triều, tháng 2 năm 1863).

 

Người anh hùng Trương Định đã nằm xuống, để con cháu chúng ta hiểu ra sự thật giản đơn của chân lý: THÀ HY SINH TẤT CẢ, CHỨ  NHẤT ĐỊNH  KHÔNG CHỊU MẤT NƯỚC, NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU  LÀM NÔ LỆ- Hồ Chí Minh. Và cũng bởi điều thiêng liêng đó, chúng ta đã anh dũng đứng lên, cùng Tiền Giang, và  cùng cả chín nhánh sông rồng, dâng sóng lên cuồn cuộn.

 

Tôi nhớ một tháng mùa mưa, năm 1974, Kiệm vĩnh viễn nằm xuống trên lộ bốn, trong trận đánh cầu Bà Tồn ở Cái Bè. Hai chiếc xe nồi đồng của  tụi sư đoàn 7 bắn như vãi đạn. Kiệm ôm khẩu  DKZ57 lao lên, ngồi quỳ chân, ngắm thẳng một chiếc xe bóp cò. Viên đạn đỏ lừ bay vọt lên phía trên chiếc xe chỉ chừng gang tấc. Kiệm bị đạn 12ly7 của chúng xuyên qua ngực, vỡ toác phía sau lưng, gục ngay tại trận. Chúng tôi chôn cất Kiệm ngay trên bờ sông Tiền quanh năm cuồn cuộn sóng. Tôi  nhớ trận đánh Vàm Đất Sét, tôi đứng thẳng lưng, thổi armonica bài tiểu đoàn 307 vào chiếc loa điện, khi quân ta ào ào vượt qua dòng kinh truy kích địch. Và… tôi cũng đã từng đứng  bằng đôi chân của mình trên cánh đồng Ấp Bắc, nơi  lần đầu tiên, quân giải phóng của ta, đánh bại chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của kẻ thù. Với Tiền Giang, nơi đâu cũng in đậm dấu ấn những chiến sĩ giải phóng quân, chân đất đầu  trần xông lên  giành chiến thắng.

 

Trở lại Tiền Giang, tôi  được về thăm Cái Bè, quê hương của Hoàng Việt. Lá còn xanh. Lá còn xanh và lá mãi còn xanh. Bài ca âm vang hào hùng qua năm tháng, loang dài theo sóng  nước Tiền Giang mà thấm vào ruột đất.

 

Rạch Gầm Xoài Mút là đây. Cù lao Rồng là đây.  Từ chân cầu Rạch Miễu về Đồng Tâm, cả một vùng công nghiệp trẻ trung đang rùng rùng chuyển động. Còn Long Định ở ngoài kia, nơi khởi nguồn của những giống cây ăn trái phương Nam, từng làm nên biết bao kì tích của gieo trồng.

 

Chợt nao lòng mấy câu thơ viết tự thuở nào.

 

Trái quýt vàng xốn xang hương bè bạn

Ai đưa thơm vào tận đáy lòng

Chợt thấy lệ sương gieo từng giọt thấm

Tiền Giang ơi miền đất hứa chờ mong.

 

Tháng chớm mùa mưa bay

HTT


 

 Trả lời nhanh
Nhập vào tên của bạn:
Nhập mã số xác nhận (bắt buộc):
» Hiển thị cửa sổ mặt cười       » Download bộ gõ tiếng Việt Unikey
 Bạn có muốn chuyển các ký hiệu như :) :( :D ...thành mặt cười trong bài viết này?
 Bạn có muốn chèn thêm chữ ký vào bài viết này ?
 


 
Thông tin cá nhân

tinhtam
Họ tên: Hồ Xuân Tâm
Nghề nghiệp: nhà văn
Sinh nhật: : 11 Tháng 11 - 1952
Nơi ở: thị xã Vĩnh Long
Yahoo: hotinhtam52  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
xin gởi con Người tình yêu bỏng cháy của tôi

Bạn bè
thanhquoc
thanhquoc
baomuahe
baomuahe
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
Nguyễn Ý Lan-SKHCN
le_phi47
le_phi47
[email protected]
hoang_lan_20042002@hopthu.com
Hoa Bách Hợp
Hoa Bách Hợp
anh dại khờ
anh dại khờ
_.MTk_
_.MTk_
Link17493
Link17493
meocon_1990
meocon_1990
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá
thời tiết, tin nhanh, vàng, tỉ giá

Thời tiết

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2025   VnVista.com