dienbich2881979

8 Trang « < 2 3 4 5 6 > » 

Các bài viết vào Tuesday 12th December 2006

 
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy


QUYỂN 10
HỒ QUÝ LY (1400 )

Cướp ngôi vua, chuyên quyền quá quắc
Đổi niên hiệu thành nước Đại Ngu (1400)
Nhận mình con cháu Thuấn Ngu ?
Bỏ họ Lê, đổi họ Hồ từ đây

Thuở bấy giờ có nhiều ẩn sĩ
Cũng nhiều phường quái quỉ lưu manh
Như là Đồng Thức, Hối Khanh (1401)
Dâng thư xàm tấu mong giành tranh công

Vương Nhữ Chu có công chế tác (1396)
Làm ra đồng giấy bạc lưu thương
Định ra tỷ lệ rõ ràng
Quan hai tiền giấy bằng quan tiền đồng

Ông cũng từng đặt ra triều phục
Quy định màu, hia mão các quan
Tùy theo chức tước mà mang
Khi vào triều kiến thêm phần trang nghiêm

Hoàng Hối Khanh dâng lên kế sách (1404)
Lập Hộ Tịch rồi bắt kê khai
Ghi danh từ tuổi lên hai
Chép vào sổ bộ sai người thống kê

Lịnh đuổi về những người lưu lạc
Ra quyết định hạn chế gia nô
Cho mua thóc lúa vào kho
Đắp đường thiên lý để cho dễ dàng (1402)

Nguyễn Đại Năng có tài châm cứu (1403)
Dùng kim châm để chữa cho người
Đặt chức Quảng tế khắp nơi
Chăm nom sức khỏe trông coi giữ gìn

Về hành chính đổi tên các lộ
Đặt lại chức chánh phó ban cho
Định ra mức thuế điền tô
Đặt chức Liêm phóng để dò xét dân (1400)

Hồ Quý Ly dùng trăm biện pháp
Mục đích là đàn áp nhân dân
Sau là để diệt nhà Trần
Thi hành bạo lực chẳng cần nhân tâm

Chỉ trong vòng bảy năm thống trị
Hồ Quý Ly đã thí nhiều người
Xuất vua, giết rể và rồi (1389)
Giết luôn đồng đội, con thầy chẳng thương

Dựng quán xá dọc đường sơn cốc (1402)
Chằng dây thừng để giúp thuyền qua (1399)
Lập thêm trường học nơi xa (1397)
Quan điền chục mẫu để mà trả lương

Dùng chữ Nôm thay luôn chữ Hán (1396)
Lần đầu tiên môn toán ra thi
Khảo hạch có đến bốn kỳ
Chọn ra ngày tháng định kỳ mỗi khoa

Bày ra cách : "Cầu lời nói thẳng" (1392, 1405)
Thực chất là cái bẫy giăng qua
Nghề này học được của cha
Đã làm trước đó mười ba năm rồi

Lại dời đô ra ngoài Thanh Hóa (1397)
Lấy An Tôn làm chỗ đóng đô
Người can thì để ý thù
Tính tình nhỏ nhặt như trò trẻ con

"Cốt ở đức không hơn ở hiểm"
Đó là lời Như Thuyết căn ngăn (1402)
Ngụy Thức, Nguyển Bẩm tâu rằng :
"Sống cho phải đạo hiếu trung với người" (1397)

HỒ HÁN THƯƠNG ( 1401 - 1407 )

Hồ Hán Thương thay ngôi Quốc Tổ
Đem đại quân phủ dụ Chiêm Thành
Bồ Điền sứ giả nói quanh(1402)
Dân đất Chiêm Động xin mình lui quân

Quý Ly ép dâng luôn Cổ Lũy
Đặt đất nầy thành lộ Thăng Hoa
Cảnh Chân lại được điều qua
Làm An Phủ sứ đất ta bấy giờ

vua nhà Minh thừa cơ rối loạn
Vì gian thần soán đoạt ngôi vua
Nhiều lần sách nhiễu thăm dò(1403,1404,1405)
Lúc bắt triều cống, khi cho người vào

Đầu tháng tư vào năm Bính Tuất
Quân nhà Minh đánh thốc Lãnh Kinh (1406)
Đem sang mười vạn tinh binh
Nguyên Trừng tướng quốc suýt thành tù nhân

Đến tháng chín thêm lần xâm lược
Tân thành hầu Trương Phụ tướng quân
Đem theo bốn chục vạn quân
Đánh vào Pha Lũy tiến dần kinh sư

Một cánh khác thì do Mộc Thạnh (1406)
Mở đường vào tiến đánh tạt qua
Hán Thương ra lệnh quân ta
Trải dài dàn trận để mà nghênh quân

Giặc đánh úp tấn công như chớp
Tướng nhà Hồ đang mải vui chơi
Tả thần Dực Nguyễn Công Khôi
Chết ngay tại trận không lời trối trăn

Quân Thiên Trường không ngăn được giặc
Chúng tràn vào ở khắp Thăng Long
Ra tay vét hết tiền đồng
Thiêu con trai nhỏ, sục lùng gái tơ

Quân nhà Hồ rút về Thanh Hóa
Còn lòng dân thì quá chán chê
Nhà Hồ ác đức quá ghê
Cho nên giặc đến lại về theo phe

Hồ Qúy Ly bị Tầu bắt sống
Trói gô rồi giải thẳng Kim Lăng
Đặt quan cai trị dần dần
Đổi thành Giao Chỉ, chia là Phủ Châu (1407)

48 Phủ, 5 Châu áp đặt
Lập ra ty Án sát Đô ty
Đặt quan bố chính chỉ vì
Dễ bề cai trị đất chi thành vùng

Tổng kết chung giặc thu tất cả :
Chín nghìn thuyền, chiến mã bốn trăm
Hơn ba triệu mốt hộ dân
Một trăm voi chiến, băm lăm nghìn bò

GIẢN ĐỊNH ĐẾ ( 1407 - 1409 )

Giản Định Đế hiện giờ đang ở
Châu Trường Yên Mộ Độ lên ngôi
"Diệt Minh" treo bảng cầu người
Đặng Tất nghe được tới nơi hội cùng

Vua phong Tất quốc công đại tướng
Khắp quân dân hưởng ứng rần rần
Bô Cô một trận oai hùng
Đánh cho Mộc Thạnh cong lưng chạy về

Giết Lưu Tuấn, Đô Ty Lữ Nghị
Quân nhà Trần như thế chẻ tre
Tiếc thay vua vốn hay nghe
Mộng Trang sàm tấu giết đi đại thần

Chém Cảnh Chân, bóp hầu Đặng Tất (1409)
Khiến bao người phẫn uất chán chê
Nghĩa quân tan vỡ tức thì
Mặc cho Trương Phụ ra uy vẫy vùng

Phụ tới đâu, gươm vung tới đó(1409)
Xác người phơi thành núi thảm thay
Có một ruột quấn vào cây
Hoặc đem rán lấy mở nầy đốt chơi

Lại có đứa moi thai, mổ bụng(1409)
Có đứa thì móc họng, cắt tai
Hoặc đem thiến hoạn bé trai
Lùa theo gái đẹp khắp nơi đem về

Đói thê thảm, dân quê mất trắng
Khắp ruộng đồng lúa chẳng trổ bông
Lại thêm dịch bệnh quá chừng(1407,1409)
Xác người vất vưởng nằm chồng lên nhau

Mấy tháng sau suy tôn Quý Khoáng (1409)
Lên làm vua thống quản quyền uy
Khắp nơi hào kiệt theo về
Chỉnh trang binh mã, chỉ huy mọi người

Trong khi đó lắm nơi trong nước
Nhiều người như Hà Mạc nổi lên
Giết tên Tả Dịch đương quyền(1410)
Quân không thống nhất nên đành bại vong

Vua Trùng Quang hòa trong thế yếu
Sai sứ thần Nguyễn Biểu cầu phong
Giữa triều xem giặc như không
Đem thân thuyết khách một lòng vì dân

Nguyễn Biểu đem chí nhân, đại nghĩa
Cùng luận bàn ở giữa hành dinh
Mắt nhìn Trương Phụ tổng binh
Buông lời đanh thép nên danh kẻ thù

Trương Phụ cho dọn ngay bàn tiệc
Cổ đầu người để thếch Nguyễn quân
Đầu lâu luộc chín bày mâm
Nhe răng như dọa quỉ thần cũng kinh

Môi Nguyễn Biểu cạn bình rượu đỏ
Vung tay người vừa gõ vừa ngâm :
"Ngọc thiệt, trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cổ đầu người

Nem công, chả phượng còn thua béo
Thịt gấu, gan lân cũng kém tươi
Có lối lộc ninh so cũng một
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười

Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
Còn ta thì đối với ngươi
Anh hùng hảo hớn ai người hơn nhau

Phụ giận quá cột đầu Nguyễn Biểu
Dưới chân cầu dìm chết mới thôi
Đặng Dung hận kẻ ác này
Quyết bắt cho được tên này mới thôi (1413)

Kênh soái Già khi trời đã tối
Đột nhập vào thuyền của quân Minh
Định tâm bắt Phụ một mình
Vì không biết mặt nên đành chịu thua

Dân và vua hết lòng phục quốc
Đường ngập nghềnh những bước gian nan
Còn đâu thuở ấy huy hoàng
Nước non Đại Việt vô vàn nguy nan

Hết Đặng Dung lại sang Cảnh Dị
Đến vua Trần cũng bị giặc vây
Vua quan bị lọt vào tay
Tổng Binh Trương Phụ giết ngay mấy người(1413)

Mười hai đời , khởi công dựng nước
Triều nhà Trần chấm dứt từ đây
Một trăm bảy bốn năm dài
Hậu trần thêm bảy năm rồi thay ngôi

Các bài viết vào Monday 11th December 2006

 






18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục

Nguyên Nguyên

Bài này được chuẩn bị viết cách đây cũng 3-4 tháng. Nhưng bận chuyện này chuyện nọ nên cứ bị đình hoãn hoài. Hay cũng không bằng hên. Chính nhờ ở việc trì hoãn đó, nhiều chứng liệu rất quan trọng liên tiếp đập vào mắt người viết. Đặc biệt qua những phim kung fu thời 60-70 của Shaw Brothers, ngày nay được tung ra lại thị trường dưới dạng DVD.



Đề tài chính của bài này: Chuyện 18 đời vua Hùng Vương có thật hay không? Con số 18 có chính xác chỉ 18 đời vua hay không? Hoặc giả được ghi sai chép trật? Từ 80 đời hoặc 180 đời, chép lộn ra thành 18 đời? Hoặc không có gì hết.



Sau đây xin quan sát 'chuyện 18 đời' dưới một góc độ tương đối mới, và sẽ cố gắng tránh đề cập đến những vấn đề liên hệ, như: trăm con, gốc gác Âu Cơ và Lạc Long Quân, Hùng Vương, Văn Lang, v.v. Xin để dành cho những dịp khác.



Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [1] có chép:



'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.



Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.



Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.



Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.''



Sau đó vẫn theo 'truyền thuyết' Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc, đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công Nguyên (TCN).



Theo sách vở cũ, các đời vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào 258 TCN. Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường, nếu nhớ: (i) Các triều đại vua chúa bên Tàu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc kéo dài trung bình khoảng 10-20 năm, như Châu Trang Vương (696-682 TCN), 14 năm chẳng hạn; và (ii) Đời sống con người thời đó trung bình chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Hơn thời sống trong hang động chừng 20 năm.



Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [2], xuất hiện khoảng 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tôn, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào sử sách nước Việt. Trước thời Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có 2 bộ sử nữa, nhưng hoàn toàn không đề cập đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, xuất hiện năm 1272, và Đại Việt Sử Lược với tác giả khuyết danh, ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 14 dưới đời nhà Trần. Bộ sách của Lê Văn Hưu, tuy thất truyền từ lâu nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên xử dụng khi soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Đại Việt Sử Lược thất lạc nhiều năm, nhưng về sau được một vị quan nhà Thanh tìm được ở một thư khố bên Tàu.



Chuyện tích vua Hùng với 18 đời, cùng những truyền tích khác như: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh,..., thật ra được Ngô Sĩ Liên nhập vào bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, từ những sách thuật chuyện u linh hoang đường như: 'Việt Điện U Linh Tập', và 'Lĩnh Nam Chích Quái', xuất hiện trong khoảng thế kỷ 14. Đặc biệt 'Lĩnh Nam Chích Quái', do tiến sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại ở khu vực phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), tức phía Nam của nước Sở ở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa (722-221 TCN).



Trở lại với năm đầu và năm cuối của thời Hồng Bàng. Trần Trọng Kim dùng thẳng tài liệu của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2879-258 TCN) - nhưng đặt thêm một dấu hỏi (?) sau năm khởi đầu: 2879 TCN. Bởi thật ra, chính Ngô Sĩ Liên cũng chỉ đề cập đến 18 đời ở bên ngoài phần 'Ngoại Kỷ' (từ thời Hồng Bàng đến Ngô sứ quân). Đặc biệt Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối 'chương' về thời Hồng Bàng [2], bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: 'Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế'. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: 'rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi'.



Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi nhét các truyền tích vào cổ sử, ông đã tiếp tục gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: 'tin sách chẳng bằng không có sách' (tận tín thư bất như vô thư) [7].



Mãi cho đến cuối thế kỷ 20, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa đến một số điều chỉnh về năm tháng. Trong đó niên đại kết thúc đời Hồng Bàng (và bắt đầu thời Thục Phán) được dời về năm 208 TCN (xem ghi chú trong [3]). Đặc biệt, gần đây, họ phối hợp những luận cứ dựa trên các khám phá khảo cổ học về thời đại văn minh Đông Sơn với một đoạn ngắn của quyển Đại Việt Sử Lược [2], thất truyền lâu năm nhưng về sau tìm lại được ở thời Mãn Thanh (bên Tàu):



'Đền đời Trang Vương nhà Châu [4] (696-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương'.



Xin chú ý đến một vài điểm:

(i) Đại Việt Sử Lược vẫn cho thời đại Hùng Vương kéo dài 18 đời.

(ii) Không có ghi chi tiết Cha Mẹ của Hùng Vương. Tức 'giấy khai sinh' của Hùng Vương không có tên Lạc Long Quân và Âu Cơ.

(iii) Vua Hùng thứ nhất khởi đầu 'sự nghiệp' vào khoảng năm 688 TCN, và kết thúc vào năm 208 TCN. Bình quân 26 năm cho mỗi một đời vua.

(iv) Chính sự dùng dây kết nút để... truyền thông với nhau. Tức không có chữ viết. Không có sử sách gì hết. Tức không giống như văn minh Hoa Hạ ở khu vực bình nguyên sông Hoàng Hà.



Tóm tắt:

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 18 đời vua Hùng: 2879-258 TCN

- Theo nhiều tài liệu sử hiện nay, dựa trên tài liệu khai quật và Đại Việt Sử Lược, 18 đời Hùng Vương: khoảng 688-208 TCN



Thế nhưng vẫn có nhiều người hãy còn ... 'ấm ức' không đồng ý, bởi làm như vậy số năm văn hiến của nước Việt sẽ bị rút xuống còn dưới 3000 năm, thay vì 4000 năm văn hiến như xưa. (Xem [8]). Tức trong khi văn minh Hoa Hạ đã nở rộ, đời sống con người ở nước Nam hãy còn khá ...man di.



Sau đây chúng ta thử nhìn vấn đề dưới một góc độ khác. Một góc nhìn chịu ảnh hưởng của toán học. Trong đó có số âm, số dương, số thực và ... số ảo. Có hệ thống đếm số 10, hệ thống đếm số 5 (như dân Khmer ở cổ thời [11]), hệ thống đếm số 2 (như trong máy điện toán). Cũng như ý niệm về tập hợp.



Những con số 18



Để ý con số 18 hầu hết trên toàn thế giới ngày nay thường được dùng để định mức tuổi trưởng thành của người công dân. Tuổi công dân. Bất cứ mọi dân tộc nào trên thế giới cũng biết đến số 18 này.



Đối với văn hoá miền Hoa Nam, nhất là đối với người Quảng Đông và Hongkong, số 18 là một con số hên. Phát âm số 18 theo kiểu Quảng Đông: /xập bát/ (mười tám, thập bát). Âm điệu rất giống với /xật phát/ (tất phát), mang nghĩa ‘thế nào cũng phát tài’.



Số 18 cho tuổi công dân, và số hên của người Quảng Đông không có liên hệ gì hết đối với 18 đời vua Hùng. Tuy nhiên, nếu nhìn trở lại cội nguồn của lịch sử nước Tàu chúng ta sẽ thấy ngay con số 18 đã xuất hiện khi người Hoa bắt đầu viết sử sách. Trước hết họ thêu dệt câu chuyện ông Bàn Cổ, thủy tổ loài người, tức dân Trung Quốc.



‘Theo tục truyền’, thuở ban đầu trời đất lẫn lộn với nhau thành một khối, rất hỗn độn. Vũ trụ là một cái trứng khổng lồ chứa Bàn Cổ trong đó [13]. Bàn Cổ ngủ trong trứng đến ‘18 ngàn’ năm, rồi mới thức dậy. Thấy ngột ngạt, Bàn Cổ mới lấy cây rìu rộng đập vỡ vỏ trứng. Ánh sáng và khí thoát lên trên tạo thành Trời, và phần lạnh và đục như chất bùn lắng xuống phía dưới tạo thành Đất. Bàn Cổ đứng chính giữa, đầu đội trời chân đạp đất. Cả ba thực thể đó đều tăng trưởng với mức độ mỗi ngày dài thêm một trượng, tức chừng 3.3 thước (mét) tây. Rồi 18 ngàn năm nữa trôi qua, Bàn Cổ vẫn đứng chính giữa, ngăn cách Trời và Đất. Đến lúc Bàn Cổ mất, chiều cao của Bàn Cổ đã đạt đến 9 triệu lí (xin để ý 18 chia cho 2 ra 9). Hơi thở Bàn Cổ trở thành gió và mây, tiếng thành sấm. Một con mắt trở thành mặt trời, con mắt kia thành mặt trăng. Thân và tay chân biến thành 5 ngọn núi lớn. Máu thành sông biển. Râu tóc trở nên bao nhiêu ngôi sao và tinh tú ở trên trời. Vân vân và vân vân.



Xin để ý, con số 18 trong chuyện Bàn Cổ có vẻ thuần nhất chỉ một chuỗi trình liên tục, một thứ chu kỳ [4]. Những sự kiện hay sự vật trong đó mang cùng chung một số đặc tính. Trong 18 ngàn năm đầu: Bàn Cổ chìm trong giấc ngủ. Một liên tục: Ngủ. Liên tục kế tiếp: Thức, trong thế đứng, thế chổng, đầu đội trời chân đạp đất. ‘Liên tục’ này cũng kéo dài 18 ngàn năm. Cuối cùng, khi kết thúc liên tục ‘thức’, hay chu kỳ ‘thức’, Bàn Cổ cao được 9 triệu lí (1 lí = 600 thước). Con số 9 thật ra chỉ là 18 chia cho 2.



Sau Bàn Cổ một ít lâu, xã hội của chủng Hoa nguyên thuỷ bên sông Hoàng Hà có 3 vị vua trứ danh (Tam Hoàng), và 5 đế nổi tiếng (Ngũ Đế). Tuy nhiên có chừng 5-8 giả thiết khác nhau về tên họ của những vị này. Danh sách Tam Hoàng đáng kể và thường thấy nhất chính là: Phục Hi, Thần Nông và Hoàng Đế [14] [18]. Bà Nữ Oa cũng có tên trong một số danh sách Tam Hoàng. Trong số các danh sách Ngũ Đế, một số có tên vua Nghiêu và vua Thuấn. Theo thiển ý, những vị Tam Hoàng – Ngũ Đế kiểu này chỉ mang tính chất biểu tượng cho khối chủng tộc. Thí dụ: Vua Thần Nông chỉ mang nghĩa: dân Hoa thời đó bắt đầu sinh sống bằng nghề Nông. Bà Nữ Oa đội đá vá Trời: Hoa chủng thuở xa xưa mang Mẫu Hệ.



Chỉ có vua Nghiêu (Yao) và Thuấn (Shun) là có vẻ ‘bán-huyền-thoại’ [12]. Thuấn sau cùng truyền ngôi lại cho ông Yũ (Vũ), khởi đầu triều đại đầu tiên của nước Tàu: nhà HẠ. Nhà Hạ kéo dài được 18 đời với vua cuối là Kiệt. Vua Kiệt là một bạo chúa, ham mê trụy lạc, nên bị Thành Thang hội chư hầu lật đổ và thiết lập nên nhà Thang hay Thương (còn gọi Ân (Yin), 1070-1027 trước Công Nguyên). Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu khai quật để minh chứng hiện diện của nhà Hạ. Nhưng có rất nhiều chứng tích về nhà Thương [9] [12] [17].



Một lần nữa, con số 18 xuất hiện chỉ 18 đời vua nhà Hạ. Có thể để ý:

- Sử gia Trung quốc biết rất ít về nhà Hạ, ngoài những truyền tích trong dân gian. Đặc biệt vua Kiệt vì mê nàng Muội Hỷ nên mất nước.

- 18 đời vua Hạ một lần nữa lại chỉ một liên tục có cùng chung một số đặc tính. Đó là chu kỳ đời nhà Hạ. Chi tiết không được rõ!

- Số 18 do đó có thể hàm ý một ẩn số. Một ẩn số khá hoa mỹ trong ngôn ngữ và văn minh Hoa Hạ, thay vì ‘x’ như trong toán học ngày nay.



Xin quan sát tiếp.



Vào một dịp tình cờ, trong những ngày nghỉ nhân dịp Giáng Sinh và đầu năm 2005, tại hạ tìm ra được một tiệm chuyên cho mướn đĩa DVD chuyên về phim Hongkong, phim Hàn quốc, nhất là loại kiếm hiệp trữ tình. Loạt phim kiếm hiệp thuộc thời vàng son điện ảnh Hongkong, của Shaw Brothers (Run Run Shaw và Runme Shaw), vào thập niên 1960-70 được cho in lại vào dạng DVD. Thế là liên tiếp nhiều hôm, tại hạ cho đĩa DVD vào máy rồi ngồi xem lại những phim kungfu cũ do các tài tử gạo cội thời đó thủ diễn. Như: Trần Quan Đại, La Liệt, Trần Tinh, Vương Yũ, Khương Đại Vệ (David Chiang), Phó Thanh, … Phải nhìn nhận phim kiếm hiệp Hongkong thời đó thật hay. Hay đến nỗi nhà đạo diễn lừng danh Mỹ Quentin Tarantino gần đây đã làm 2 phim Kill Bill với Uma Thurman, để vinh danh thời vàng son của điện ảnh Hương cảng.



Liên tiếp hai phim Hongkong đã xử dụng ý niệm ‘18’ để chỉ một liên tục, một chu kỳ. Thứ nhất, bộ phim 3 điã DVD về ‘Xạ Điêu Anh Hùng Truyện’ phóng tác theo tiểu thuyết của Kim Dung, với tài tử đoản mệnh Phó Thanh trong vai Quách Tĩnh. Và thứ hai, phim ‘Thế võ Bọ Ngựa’ (Shaolin Mantis) do David Chiang (Khương Đại Vệ, Kang Da Wei) đóng vai chính.



Ở phim ‘Xạ Điêu Anh Hùng’, đoạn Bắc Cái bị rắn của Tây Độc cắn, tàn phế võ công. Bắc Cái Hồng Thất Công mới truyền ngôi Bang chủ Cái Bang cho Hoàng Dung. Lúc truyền chức vụ Bang chủ, Hồng Thất Công có nói với Hoàng Dung, đại khái:’Bây giờ thầy xin truyền lại cho con chức vụ Bang Chủ của Cái Bang. Từ khi Bang ta được thành lập, đến đời của Thầy là đời thứ 18,…’



Cũng lại con số 18, trong một câu chuyện hoàn toàn hư cấu. Một con số ảo, trong một bối cảnh với nhân vật ảo. Nhưng trên một nền tảng văn minh…có thật và thứ thiệt. Con số 18 ở đây lại đánh dấu kết thúc 1 chu kỳ, một liên tục trong chiều thời gian. Chu kỳ đó là một chu kỳ của các Bang Chủ thuộc nam phái. Nó kết thúc bởi Hoàng Dung là một người nữ, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, trở thành một Bang chủ mới.



Phim thứ hai kế tiếp, cũng dùng con số 18, đã cuối cùng thuyết phục được tại hạ và đem lại hứng khởi viết nên bài này. Đó là phim ‘Thế võ Bọ Ngựa Thiếu Lâm’ (Shaolin Mantis) do Khương Đại Vệ thủ vai chính. Chuyện phim nói về vụ người Hán lúc nào cũng lén lút tụ tập lo bài Mãn phục Minh. Vua Mãn Thanh ngày nọ mới phái đại hiệp Wai Fong (David Chiang) văn võ toàn tài đi truy tầm một đám phục quốc lợi hại ở miền Giang Nam. Wai Fong phải trá hình làm một ông đồ ngốc nghếch, để len vào một gia đình vọng tộc, có tinh thần phục quốc cao, với võ nghệ rất siêu quần. Gia đình ấy có một người con gái rất khoái võ nhưng không chịu học chữ. Thầy đồ nào đến nhà dạy dỗ cho cô ta thường chỉ chịu được năm bảy ngày, rồi cũng phải cuốn gói chuồn êm. Lúc Wai Fong đến thị trấn, y gặp thị đang đánh đập và đuổi ông Thầy đồ già bởi không được vừa ý với lối dạy của ông. Thấy Wai Fong đẹp trai, nho nhã, cô ta mới mời dọn về nhà để làm lão sư mới cho cô. Trước khi cho việc thầy Wai Fong, cô này báo động trước, đại khái: ‘Anh có chắc đủ sức làm thầy tôi không. Anh coi chừng rồi cũng như ông thầy già, ban nãy bị tôi đuổi việc. Anh biết hôn, ông Thầy đó là ông Thầy thứ 18 rồi đó.’



Thật quá rõ: số 18 được dùng để chỉ một tập hợp, một liên tục, hay chu kỳ. Trong trường hợp phim ‘Quyền Bọ ngựa’ nói trên, nó chỉ một chu kỳ hay tập hợp những ông thầy đồ già, có mạng ngũ hành không khắc được cô học trò ngỗ nghịch hư hỏng kia. ‘Liên tục’ đó sẽ được khép kín lại sau khi thầy Wai Fong nhận việc. Bởi thầy Wai Fong sẽ mở màn cho một ‘liên tục’ mới. Một liên tục, tràn đầy những ca khúc tình yêu, dẫn đến tình vợ chồng giữa cô học trò tinh ý và ông thầy Wai Fong.



Ta để ý, trong tất cả các trường hợp dùng 18 - từ 18 đời vua nhà Hạ cho đến 18 ông thầy không trị được học trò – danh tánh và chi tiết về 18 vị đó hoàn toàn mang tính cách… không quan trọng. Không thành vấn đề. Người phát ngôn ra con số 18 đó có vẻ chỉ muốn chúng ta biết ‘đó là một con số nào đó’, có thể lớn hơn 2, hoặc nhiều hơn 3. Và cũng có thể là một con số Không (0). Số chính xác không quan trọng. Bởi thực chất của nó chẳng có quan trọng. Nhưng quan trọng hơn chỉ ở chỗ những phần tử trong ‘tập hợp’ đó mang cùng một số đặc tính chung. Xin được lập lại, số 18 trong văn minh Hoa Hạ có vẻ mang chung một ý nghĩa như ‘ẩn số X’ trong toán học. X= 0,1, 2, 3,…. Nhưng ký hiệu ‘18’ đó có vẻ hoa mỹ hơn, chải chuốt hơn X. Và cũng có ý của một số bán xác định hay bất chợt, tương đương với N trong toán học. Với ngụ ý: không cần tìm hiểu rõ chi tiết về đặc tính của những nhân vật mang số từ 1 đến 18 làm gì. Chỉ cần hiểu đó là một tập hợp, một liên tục, chu kỳ, hay chuỗi trình kín, nay đã hoàn toàn kết thúc.



Bội số của 18 và 9



Bất cứ ai cũng đều biết rõ 18 chính là: 9 nhân cho 2. Khoảng cách từ mặt đất đến trời xanh, theo ý niệm người Hoa thời cổ đại, bằng chiều cao của Bàn Cổ, tức 9 triệu lý (= 4600000 km). Cũng dùng con số 9.



Rất nhiều số đếm của văn minh Trung quốc vẫn dùng đến 9 hoặc 18, và bội số của chúng.



Về võ nghệ, ta có ‘thập bát ban võ nghệ’ tức 18 kiểu đánh võ khác nhau. Gồm: đánh côn, đi quyền, v.v. Nhưng thật sự ít khi thấy sách vở Tàu ghi lại đầy đủ 18 lối đánh võ khác nhau đó.



Nếu đọc truyện Tàu xưa, ta cũng thường thấy: ‘tam thập lục kế yĩ đào vi thượng’: trong 36 kế, kế chạy trốn là hay nhất. 36 chính là = 18 nhân 2. Cũng ít thấy ai cho biết chi tiết của từng mưu kế trong con số 36 kế đó. Chùa Thiếu Lâm cũng vậy. Nhiều phim kungfu hư cấu cho thấy phái Thiếu Lâm có đến 36 phòng luyện võ. Mỗi phòng một kiểu luyện khác nhau. Nhưng cũng ít khi quay cho thấy đầy đủ 36 phòng đó.



Đọc Tây Du Ký, ta để ý hai nhân vật có bùa phép thần thông quảng đại nhất. Người thứ nhất là Tôn Ngộ Không, tức Tề Thiên Đại Thánh. Người thứ hai, Dương Tiễn tức Nhị Lang. Cả hai đều có đến 72 thứ phép tắc thần tiên. Thường gọi: thất thập nhị huyền công. Xin kể vài thứ phép. Tôn Ngộ Không có thể bứt một cọng tóc thổi phù một cái. Presto! Cọng tóc biến ngay ra thành một Clone Tôn Ngộ Không khác, với khả năng bùa phép, võ nghệ y hệt như Tôn Ngộ Không thiệt. Tôn Ngộ Không cũng có thể uốn người nhảy lên không trung một cái, lập tức biến thành con chim. Nhị Lang Dương Tiễn cũng vậy. Cũng đầy đủ 72 thứ bùa phép y như Tôn Ngộ Không. Nhưng có lẽ vì y thuộc loại quan ở trên Trời, đi đâu cũng có chó theo, nên tác giả cho y thuộc phe chánh đạo, phải trên cơ phe tà đạo đại diện bằng Tề Thiên. Cũng có thể y mang mạng Kim, phía Tây, nên có vẻ trên cơ hơn một chút và khắc được Tôn Ngộ Không, mạng Mộc, phía Đông. Tuy cả hai cùng có ‘thất thập nhị huyền công’ như nhau.



Nhưng đặc biệt để ý, tác giả Ngô Thừa Ân không bao giờ liệt kê đầy đủ 72 thứ phép thần thông đó gồm những thứ phép nào. Ta chỉ biết 72 là một bội số của 18, và tất nhiên của 9: 72= 18 x 4; 72= 9 x 8.



Như vậy có thể tóm tắt: Trong văn minh người Hoa, họ rất thích dùng những con số như 9, 18, 36, 72, 108 (108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong ‘Thủy Hử’),… Tất cả đều là bội số của 18, đặc biệt cũng là bội số con số 9.



Thế tại sao họ lại thích con số 9? Có nhiều lý do, và xin để lý do chính qua phần sau. Lý do thông thường: số 9 là số dùng để chỉ vua chúa.



Người Trung quốc từ thời xa xưa đã dành số lẻ để chỉ đàn ông, và số chẵn chỉ đàn bà. Con số 9 tượng trưng cho người đàn ông có uy quyền nhất. Số 9 do đó dùng để chỉ các bậc đế vương.



Theo chuyện kể của Ngọc Phương [10], ‘những toà điện trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh gồm 9900 gian nhà. Các tháp canh ở bốn góc cung điện đều có 9 xà và 18 cột. Còn trên các bức từơng bình phong có trạm khắc 9 con rồng…



Một ví dụ điển hình nhất về con số 9 huyền thoại là bệ thờ ở Thiên Đàn Bắc Kinh – nơi các hoàng đế thời Minh và Thanh hàng năm thường tế Trời để cầu cho quốc thái dân an. Bệ thờ có hình tròn, xây thành 3 cấp. Mặt trên của bệ thờ ghép bằng 9 vòng đá đồng tâm. Vòng đá trong cùng gồm 9 phiến đá hình quạt, vòng thứ hai gồm 18 phiến (9x2), vòng thứ ba 27 phiến (9x3), … cho đến vòng ngoài cùng, vòng thứ 9 gồm 81 phiến (9x9) ghép lại.’



Hệ số đếm dùng con số 9



Giải đáp số 9 là số của vua chúa, tuy tiến thêm 1 bước nhưng vẫn chưa giải thích được toàn diện tại sao người Hoa từ xưa vẫn ưa dùng các bội số của 9, như 36, 72, 108, và nhất là 18. Mặc dù rằng chúng ta đã khá đủ tư liệu, kể trên, để chứng minh rằng: số 18 trong ‘18 đời vua Hùng’ chỉ là một con số quy về ý niệm của một liên tục, một châu kì, một tập hợp kín.



Đóng góp quan trọng thứ hai của bài này chính là giả thuyết: Người Hoa nguyên thủy, kể luôn cả chủng Yueh (Việt) ở phía Nam sông Dương Tử, vào thuở khai thiên lập địa, tạo dựng nên xã hội, đã dùng hệ thống đếm dựa trên con số 9, chứ không phải con số 10 theo hệ thống thập phân hiện nay. Phát hiện này, mặc dù còn trong dạng giả thuyết, có lẽ từ xưa đến nay chưa thấy bàn đến trong sách vở. Và có lẽ chính người Hoa cũng không ngờ tới chuyện này.



Thế nào là hệ thống đếm số 9? Muốn hiểu hệ thống đếm số 9 ta thử nhờ một em bé đếm thử từ 1 đến 20. Em đếm, bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới:

1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 rồi 10. Tức con số lớn nhất trong hệ thống thập phân. Sau đó, em đếm tiếp: 10+1, em gọi tắt ‘mười một’, rồi 10+2, gọi tắt 12, 10+3, gọi tắt 13,… tuốt đến 19 (tức 10+9). Sau đó, em đếm 10+10. Nhưng 10+10, em nghĩ có vẻ bất tiện, nên thế bằng: 2 lần 10, gọi tắt thành ‘hai mười’, tức ‘hai mươi=20’. Tiếp theo đó: 20+1, tức 21; 20+2, tức 22, v.v.



Như đã phân tích kỹ trong bài viết về hệ thống đếm số của người Mường (hệ 9) [11], ở thời cổ đại có nhiều hệ thống đếm số khác nhau. Thí dụ, người Khờ-Me tức Cam Bốt ngày nay, dùng hệ thống đếm số 5. Tức khi đếm tới số 5 là hết. Họ phải đếm lại dùng số 1 ban đầu. Nghĩa là họ xem số 6 như là 5+1. Tiếp tục: 7=5+2,…



Phát âm về số đếm trong tiếng Cam Bốt, từ 1-12, xin liệt kê như sau:



0 = son {đọc như: /sohn/} => không

1 = múay /mooeh/ => một

2 = bpii /bpee/ => hai

3 = bey /bay/ => ba

4 = buan /booan/ => bốn

5 = bram /blam/ => năm => Số lớn nhất trong hệ 5.



Muốn đếm tiếp, phải dùng đến số 5, rồi cộng thêm:



6 = bram-múay /blam-mooeh/ => sáu => sáu (6)= bram (5)+muay (1): bram-muay

7 = bram-bpil /bram-bpee/ => bảy=> bảy (7)= bram (5)+bpil (2): bram-bpil

8 = bram-bey /bram-bay/ => tám => 8= bram (5)+bey (3)

9 = bram-búan /bram-booan/ => chín => 9= bram (5)+buan (4)

10 = dop /dup/ => mười => một tên gọi mới có nghĩa 2x5

11 = dop-muay /dup-mooeh/ => 11= dop (10)+muay (1), mười một

12 = dop-bpii /dup-bpie/ => 12= dop (10)+bpie (2), mười hai

……………………

16 = dop-brammuay /dup-blammơoeh/ => 16= dop (10)+bram(5)+muay(1)



Như vậy, đối với hệ đếm số 5, số 5 là số lớn nhất. Hệ đếm này dựa vào lối đếm dùng bàn tay 5 ngón.



Đối với hệ thống đếm số 10 như toàn cầu xử dụng hiện nay, số 10 là số lớn nhất. Hệ đếm số 10 xử dụng cả 10 ngón tay.



Đối với hệ thống đếm số 9, số 9 là số lớn nhất. Trong hệ đếm đó, số 9 lớn nhất đã được dùng để chỉ vua chúa. Hệ thống đếm số 9, theo thiển ý, đã dành 1 ngón tay để chỉ số không (0). Còn lại 9 ngón kia dành cho số đếm từ 1 đến 9. Tuy nhiên bất cứ giả thuyết nào nói về số {0} cũng giống như việc khui một hũ mắm. Hết sức rắc rối trên phương diện ý niệm trong tóan học (xem [16]).



Hệ thống đếm số 9 vận hành ra sao? Như thường, đếm từ 1 đến 9. Số 10 đã được đếm như 9+1. Mười một: 9+2, v.v. cho đến 17= 9+8.



Rồi 18 sẽ được gọi như= 2 lần 9. Tức 29. Số 19 sẽ trở thành ‘2 lần 9 + 1’.



Đếm tuốt đến 27 ta sẽ đếm theo hệ thống 9 thành 39, tức 3 lần 9. Ba lần chin = 39 = 3x9 = 27. Đúng là những con số Bình Nguyên Lộc [5] đã nêu lên thắc mắc không hiểu tại sao người Mường lại đếm số khác với Việt. Việt gọi số đếm 27, trong khi Mường gọi đó 39. Số 39 của Mường mang nghĩa 3 lần 9, thuộc hệ thống đếm số 9. Việt 27 = Mường 39. Hai mươi bảy bằng vơí ba nhân cho chin lần, 27= 3x9. Mường đọc ‘ba chỉn’, tức 39. Muốn biết rõ về người Mường, và nếp sống cùng văn hoá của họ xin xem tác phẩm của Jeanne Cuisinier về xã hội Mường xuất bản vào năm 1946 [15].



Rất có thể người Hoa ở thời mới tạo dựng xã hội đã dùng hệ thống đếm 9, bởi những lý do sau:



(i) Họ đã dùng số 9 để chỉ người đàn ông có quyền lực nhất. Số 9 là số lớn nhất trong hệ thống đếm số 9. Chứ không phải trong hệ thống đếm số 10 như Ngọc Phương đã trình bày [10].

(ii) Vào thời cổ đại, thật cổ, văn minh Trung Đông chưa truyền đến Trung Quốc. Người Hoa chắc chắn phải có một hệ thống đếm hơi khác với hệ đếm số 10, của Trung Đông. Mặc dù rằng có thể đến đời nhà Thương, hoặc đầu đời nhà Châu (khoảng năm 1000 trước Công Nguyên), hệ thống đếm số 10 đã du nhập đến Khu vực sông Hoàng Hà.

(iii) Người Hoa vẫn thích dùng bội số của 9, như 18, 36, 72,… Y như những người quen hệ thống 10, sẽ thích dùng: 10, 20, 30, 40…

(iv) Người Mường cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn dùng hệ thống đếm số 9, họ đã mang theo khi di cư về phía Nam. Người Mường là ai? Đại khái họ cũng cùng chung chủng Yueh (Việt), nhưng thuộc chi Thái. Khi xưa họ tập trung ở vùng phía Nam sông Dương Tử, đặc biệt tại nước Ba và Thục, giáp giới với nhà Tây Châu (770-476 TCN). Sau khi nước Thục bị nhà Tần dứt điểm, họ thiên cư về Nam, và gia nhập cộng đồng Tây Âu ở khu vực Quảng Tây, Quí Châu, ngày nay. Bởi những gì họ còn giữ, rất có khả năng đã được chia xẻ qua lại với Hoa chủng bên nước Châu ngày trước. Nên nếu họ còn giữ hệ thống đếm số 9, người Hoa thứ thiệt tại nước Châu ngày xưa chắc cũng đã dùng hệ đếm số 9 đó.

(v) Nếu ở cổ thời, lúc văn minh phương Tây chưa mang sang hệ đếm số 10, rất có khả năng cả hai vùng Hoa Nam và Hoa Bắc đều xử dụng và quen thuộc với hệ đếm theo số 9. Từ đó họ sẽ quen dùng những bội số như 18, 27, 36, 72, v.v.

(vi) 18 đời vua nhà Hạ, triều đại khởi thủy của nước Tàu, đã xử dụng con số 18 theo thói quen của hệ thống đếm số 9 đó. Và từ đó việc vay mượn ý niệm triều đại Hồng Bàng của Tàu đưa vào truyền thuyết dựng nước ở phía Nam, chắc cũng không có gì lạ cả.



Tóm tắt



Bài này thử nhìn vấn đề ’18 đời vua Hùng’ dưới góc độ toán học và văn minh Hoa Hạ. Kết quả cho thấy con số 18 thật ra chỉ là một con số bất chợt, không liên hệ đến chi tiết lịch sử.



Số 18, trong văn hoá Trung quốc, thông thường được dùng để chỉ một chu kỳ. Hoặc một liên tục, một tập hợp, mà những phần tử trong tập hợp đó có cùng chung một số đặc tính. Ở một mặt khác, nó là một con số che lấp những thiếu thốn về hiểu biết và chi tiết về tính chất của từng phần tử trong tập hợp đó. Nói một cách khác, số 18 chỉ là một lối nói cho văn vẻ, dùng toán số (2x9= 18) của giới sĩ phu Trung quốc. Có lẽ với mục đích… để hù những người không biết chữ, và cũng để cho bài viết, bài văn cho được trôi chảy, không có những điều ‘không biết’. Số 18 là một con số dùng để…che mắt, lấp loát những cái không biết.



Số 18 hoặc 36, 72, hay về sau ‘Bách’ tức 100, như dùng để chỉ khối chủng Yueh (Bách Việt), đã được xử dụng hết sức tiện nghi. ‘Bách’ dùng để chỉ số nhiều, đếm không hết, chứ không phải 100. Bởi vào thời Xuân Thu, ở phía Bắc sông Dương Tử có đến trên dưới 1000 nước [12]. Khối Yueh ở phía Nam chắc cũng tương tự, vượt trên 100 rất xa. Do đó nếu ‘Bách’ (100) là một con số bất chợt, thì ‘thập bát’ (18) cũng chỉ như vậy mà thôi.



Nhìn lại công trình của Ngô Sĩ Liên dười góc độ của thế kỷ 21 hiện nay, bắt buộc ta phải có một cái nhìn khác. Trong góc nhìn đó, chúng ta phải nhớ, Ngô Sĩ Liên và cộng sự đã có tư duy rất khó vượt khỏi lối suy nghĩ, lối viết lách của những sư phụ ở Bắc phương. Họ phải theo một khuôn khổ định trước để chứng tỏ tri thức đã đạt tới mức chuẩn của giới khoa bảng ở phương Bắc. Từ đó ta có thể thấy:

(i) Truyền thuyết viết ra sao, họ chép y lại như vậy. Chỉ được phép than thở hoài nghi trong phần luận bàn mà thôi. Đặc biệt nhất, Ngô Sĩ Liên đã căn dặn hậu bối: ‘Hoàn toàn tin vào sách chẳng bằng không có sách’.

(ii) Lối viết sử kiểu Tàu ra sao, họ sẽ theo y như vậy. Tàu không biết nhiều về nhà Hạ, nên phải gom góp các chuyện cổ tích, các truyền thuyết, rồi đưa vào con số 18 rất phổ thông, để gói ghém một trang sử cổ cho được đẹp mắt. Không có cách gì khác, phía bên An-nam cũng làm theo y như vậy. Họ làm việc qua nhiều tác phẩm và nhiều năm tháng, để rồi sau cùng, Ngô Sĩ Liên và các cộng sự thu thập tất cả, đặc biệt 18 đời vua Hồng Bàng, rồi đưa vào bộ Sử Ký có tầm vóc đầu tiên của nước Nam.

(iii) Đặc biệt 18 đời vua Hồng Bàng Việt Nam, rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại hồng bàng ở bên Tàu. Để ý rất nhiều bài viết trong vài thập kỷ qua ưa liệt kê danh sách các đời vua Hùng. Khổ nỗi tất cả đều viết tên hiệu bằng…chữ Hán ròng. Thí dụ, Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương, v.v. Y như là cái nước của mấy ông vua Hùng giống như mấy cái nước chư hầu ở đời nhà Châu phía bắc sông Dương Tử, thời Xuân Thu Chiến quốc. Và những vua Hùng này có lẽ nói với thần dân của các ông bằng tiếng Tàu, trước khi người Tàu đến nước đó cả ngàn năm.

(iv) Truyền thuyết dựng nước đó, ở mặt cội nguồn, cũng không quên lôi thêm một trong những biểu tượng xã hội nguyên thủy của Tàu là ‘vua’ Thần Nông. Theo thiển ý, Thần Nông chỉ là một biểu tượng, chỉ một xã hội đã tiến lên ngành canh nông để kiếm ăn, sinh sống. Nó cũng giống như thời bây giờ, người ta dùng ‘Thế Kỷ 18’ để chỉ thời đại con người đạt đến cách mạng công nghệ. Hoặc, trong một tương lai nào đó, có thể người ta dùng ‘thời đại Bill Gates’ để chỉ thời đại điện toán, và internet. Chứ không phải Bill Gates là ông tổng thống toàn cầu ở vào thế kỷ 21, đối với hậu thế 4 ngàn năm sau, có thể đoán nhầm, v.v.

(v) Con số 18, thường dùng trong văn hoá Trung quốc để chỉ một chuỗi trình nào đó theo với chiều thời gian, mà chi tiết thường không biết rõ. Như một tập hợp, như một liên tục nay đã khép kín. Bản chất chi tiết của từng phần tử trong tập hợp hay liên tục đó vẫn là ẩn số cho đến ngày nay.



Trong một bài sau, chúng ta sẽ thấy cổ sử nước Hàn (Triều Tiên) cũng có đề cập đến con số 18, để chỉ 18 đời vua Bai-dal ở thời Hồng Bàng của nước họ.



Tháng 3, 2005

N.N.



Ghi Chú



[1] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ.

[2] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1697). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite

[3] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nxb Thành Phố HCM. Bộ Môn Á Châu Á Học. Đại Học Tổng Hợp, TP HCM.

[4] Họ Châu và họ Chu là hai họ hoàn toàn khác nhau. Từ phát âm, ý nghĩa, lối viết chữ Hán. Họ Châu có: Châu Nhuận Phát, Châu Ân Lai, nhà Châu bên Tàu (Đông Châu liệt quốc), Châu Chỉ Nhược (Ỷ Thiên Đồ Long Ký), v.v.. Họ Chu có: Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ), Chu Dung Cơ (cựu Tổng Lý), v.v. Từ ‘châu’ và ‘chu’ cũng vậy. ‘Châu báu, Trân Châu Cảng,…’ đáng nhẽ phải được viết và phát âm ‘chu báu, Trân Chu Cảng,…’. Ngược lại ‘Chu kỳ, Đông Chu liệt quốc,…’ đúng ra phải được viết và đọc ‘châu kỳ, Đông Châu liệt quốc,…’. Người Việt ưa lẫn lộn hai thứ họ và từ 'châu' và 'chu', do việc kị húy chúa Nguyễn Phúc Chu. Xin xem [6].

[5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản.

[6] Nguyên Nguyên (2004) Loạt bài: ‘Từ chữ Nôm đến quốc ngữ’ (tổng cộng 8 bài). Có đây đủ.tại các mạng: Khoahoc.net, Aihưucongchanh.com, honque.net, perso.wanadoo.fr/charite.

[7] Ở một đoạn bàn luận về Lạc Long Quân, Ngô Sĩ Liên [2] cho thấy ông cũng có một viễn kiến đi trước Charles Darwin khá lâu: 'Trong buổi trời đất mới mở mang có người do khỉ mà hoá ra...'

[8] Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2002) Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại. Nxb Văn Hoá Thông Tin.

[9] Arthur Cotterell (1995) China – A History. Pimlico (Random House)

[10] Ngọc Phương (2003) Kể chuyện Văn Hoá Truyền Thống Trung Quốc. Nhà Xuất Bản Thế Giới (Hànội)

[11] Nguyên Nguyên (2004) Thử tìm hiểu số đếm 1-10 trong văn minh Đông Sơn. Xem các báo mạng: khoahoc.net, honque.net, aihuucongchanh.com, perso.wanadoo.fr/charite,...

[12] Nguyễn Hiến Lê (2002) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá

[13] Janet McRae & Peg White (1984) The Chinese Way. Brooks Waterloo

[14] Phục Hy, đặt ra bát quái, căn bản của Kinh Dịch. Thần Nông: tổ nghề nông và dược thảo. Hoàng Đế: biểu tượng của vua đất màu vàng (Hoàng). Đất vàng có tên khoa học là loess, chính là đất bồi do gió mang đến. Ở Trung thổ có lớp dày đến 3 thước. Rất phì nhiêu bởi nước thẫm dễ dàng. Người Hoa cho dân tộc họ mang mạng Thổ, màu vàng, ở miền chính giữa: Trung. Bởi vậy nước của họ gọi Trung Hoa hay Trung Quốc. Thời xưa, nếu đối chiếu với bên ngoài họ vẫn gọi đất của họ: Trung nguyên. Thí dụ, trong truyện của Kim Dung, giới giang hồ ưa hỏi nhau: ‘Không biết tin đồn Tạ Tốn đã trở lại Trung nguyên có thật hay không’. Hiện diện của bà Nữ Oa, được sắp xếp rất lộn xộn, chỉ chứng tỏ giai đoạn cổ thời theo Mẫu hệ của Hoa chủng. Theo đó bà Nữ Oa đáng lẽ phải được sắp xếp trước tiên. Điển hình, Thái Dương Thần Nữ của dân tộc Phù Tang bị kẹt cứng thành mẫu tổ của dân Nhật. Dân Trung Hoa xưa sau khi chuyển qua Phụ hệ đã thay đổi thứ tự và đưa bà Nữ Oa xuống.

[15] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie humaine et sociologie. Institut d’Ethnologie. Paris

[16] Cũng có thể ‘tá’ ở thời thượng cổ dùng để chỉ ‘hai chục’ theo hệ 9. Hai chục trong hệ 9 tức là 2x9 = 18. Bởi ‘tá‘ (= 打 /da/ = ‘đôi’(?) = đôi chín = đôi chục?) ngày xưa tại Viêt Nam, có nơi chính là 18. Một tá xoài= 18 trái xoài = 2 x 9 trái xoài. Tất nhiên khi văn minh các nơi khác đến, ‘tá’ được đem ra dùng để dịch ‘dozen’, rồi trở thành 12. Nhưng đây chỉ là tản mạn mà thôi.

Xem trang mạng về số KHÔNG: http://www.mathmojo.com/interestinglessons...iginofzero.html

[17] Xin để ý ngoài cái mốt 18 cho một liên tục về thời đại, cổ sử Hoa ưa cho việc mất nước vì đàn bà đẹp. Có lẽ ‘suy diễn ngược’ từ vụ Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi. Đầu tiên vua Kiệt nhà Hạ vì mê nàng Muội Hỉ nên bị Thành Thang diệt. Kế đó vua Trụ nhà Thang vì sủng ái Đắt Kỉ nên mất nước với nhà Châu. Tiếp theo đó, vua nhà Châu vì mê Bao Tự nên thua giặc rợ Khuyển Nhung và bị giết. Sau đò phải di đô về phía Đông: Đông Châu.

[18] Sử Việt Nam có vẻ mang khuynh hướng dễ dãi xem những vị Tam Hoàng Ngũ Đế này có thật. Người Tây Phương lại khác. Họ ưa xem những vị thần thánh nguyên thủy này như những biểu tượng xã hội.


(NGUỒN DUNGLAC.NET)

Các bài viết vào Sunday 10th December 2006

 
Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (3): Nước Xích Quỷ

Nguyên Nguyên



THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN CỦA TRUYỀN THUYẾT



Như những bài đầu đã phân tích, truyền thuyết 'Âu Cơ' thoạt nhìn có vẻ như rất giản đơn, không có gì có thể gây thắc mắc, nhưng thật sự nếu quan sát kỹ, nó giống như các quyển võ công bí kíp trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tràn đầy những lối nói ẩn dụ, lối 'fast forward' (quây băng video nhanh), các ý niệm rất sâu sắc trong đó có ý niệm giống như 'nhảy vọt quantum' của Max Planck, và những thông điệp ẩn tàng khá kỳ bí. Nó ghi lại hết nguồn gốc dân tộc Việt Nam, cũng như những vấn đề khó khăn ở thời buổi ban đầu.



Cái gút lớn và phức tạp nhất của truyền thuyết kì bí này nằm trọn ở chỗ 'phải xác định cho thật đúng thời gian và không gian của diễn biến câu chuyện'.



Chúng tôi đã minh chứng bằng một bảng đối chiếu trình bày trong bài thứ 2, thời điểm xảy ra câu chuyện chính là thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (770-221 TCN), và chốn không gian của truyền tích ban đầu được dựng nên tại nước Sở, hoặc địa bàn sinh hoạt của hai chủng Thái-cổ và Việt-cổ, cả hai đều thuộc vào một khối thường được người Hoa gọi nôm na: khối Bách Việt (Bai Yue).



Qua hai bài trước, chúng ta đã thấy:



1. Có một khế ước bất thành văn thảo tại nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, kêu gọi sự hợp chủng giữa Âu và Lạc, cùng toàn thể các chủng thuộc khối Bách Việt khác, để cùng chống lại chủng Hoa. Chủng Âu (Thái), đại diện bằng Âu Cơ, sẽ nắm vai trò lãnh đạo. Tương ứng với truyền thuyết, các chủng 'rợ' thuở đó còn theo mẫu hệ.



2. 'Minh chủ' của khối Bách Việt chính là nước Sở, một nước do nhà Châu thành lập với đông đảo dân chúng thuộc khối rợ Yueh (Việt), nhưng 'chính quyền' của nước Sở do đa số người thuộc chủng Hoa lãnh đạo. Một vài đời vua Sở có lai chủng Yueh [1] [2]. Chính sách của nước Sở cũng khá phức tạp. Một mặt làm 'phên dậu' cho nhà Châu, đàn áp và tiêu diệt các bộ tộc rợ Yueh ở trong nước và chung quanh để bành trướng lãnh thổ. Mặt khác, dựa vào lực lượng dân quân phần lớn là rợ Yueh, ra sức cạnh tranh với các nước khác thuộc chủng Hoa, nhất là Tần, và dòm ngó 9 cái đỉnh của nhà Châu [3] [4].



3. Thành phần chủ lực của nước Sở thời mới dựng nước chính là chủng Thái (Âu). Vài trăm năm sau, nước Thục, một nước lớn cũng thuộc chủng Thái ở phía Tây bị nhà Tần tiêu diệt. Người chủng Âu tức Thái từ Thục di cư về Sở, và xuống phía Nam hội nhập với dân Tây Âu. Lẫn lộn trong các đoàn người di tản đó, hoặc từ chốn khác đổ xuống, cũng có một số thuộc tộc Lạc Việt, tiểu chi Đông Di, thường gọi nhóm Bộc Việt hay Bách Bộc. Nhóm Bách Bộc này chính là nhóm chủng Lạc có mặt lâu đời tại miền Hoa Bắc (phía Bắc sông Dương Tử).



4. Nước Sở về sau trở nên hùng mạnh, nới rộng lãnh thổ đến tận bờ biển phía Đông - bao gồm 2 nước Việt (của Câu Tiễn) và Ngô (của Hạp Lư / Phù Sai). Phần đất ban đầu của Sở gọi là đất Kinh (tức Kinh Việt hay Kinh Man). Và phần đất phía Đông, tức vùng đất của hai nước Ngô Việt hồi trước, bao gồm phần lớn chủng Lạc có tên đất Dương. Từ đó truyền thuyết dựng nên nhân vật Kinh Dương Vương dùng để chỉ người xứ Kinh và Dương hợp lại với nhau.



5. Hai chủng Thái - Việt này nắm tay nhau chạy giặc và đàn áp khủng bố gây nên bởi chủng Hoa, bởi chính quyền nước Sở, bởi chiến tranh khắp nơi,... xuống tuốt đến đồng bằng sông Hồng rồi định cư tại đó. Diễn biến từ lúc có khế ước hợp chủng đoàn kết cho đến lúc tới bình nguyên sông Hồng xảy ra trên dưới 1000 năm, trước Công Nguyên. Đúng vào thời điểm nhà Châu thay thế nhà Ân (Thang), kéo dài qua thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221TCN), cho đến lúc nước Nam Việt bao gồm 2 chủng nói trên bị nhà Hán dứt điểm vào năm 111 TCN.



6. Cao điểm của cuộc chiến tranh chống xâm lược và đồng hoá của chủng Hoa chính là cuộc chiến 'anh dũng' của quân dân chủng Thái tại xứ Tây Âu, với địa bàn tỉnh Quảng Tây ngày nay và các vùng lân cận. Cuộc chiến này đã được ghi đầy đủ trong sách sử cổ của Tàu, nhất là quyển Hoài Nam Tử của Lưu An, cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang.



7. Hợp đồng hợp chủng và đoàn kết giữa hai chủng Thái và Việt cuối cùng bị xé bỏ. Đó chính là lúc Âu Cơ ly hôn với Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền núi và Lạc Long Quân dẫn 50 người con kia xuôi về miền đồng bằng gần sông gần biển. Trên chiều hướng dùng nhân vật và hành động nhân vật để thay, hoặc biểu tượng cho sự kiện, ta có thể thấy việc cãi vã giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, rồi dẫn đến chia ly, cũng giống như việc gia đình phải phân tán khi phải di tản hay chạy giặc. Âu Cơ đại diện cho khuynh hướng bảo thủ đem con trở về quê hương của mình, tức địa bàn rừng núi của chủng Thái-cổ. Lạc Long Quân dẫn đám con kia xuống vùng đồng bằng để 'dựng nước', chạy theo trào lưu 'phụ hệ' của Hoa chủng, và truyền 'chính quyền' theo lối thế tập.



8. Cũng có thể giải mã sự chia tay giữa bà Âu và ông Lạc theo dạng: Thế lực đô hộ Bắc phương sau khi đã bình định được xứ sở của hai chủng Âu và Lạc, đã chia cắt nước Nam Việt ra làm hai. Phía Bắc bao gồm chủng Âu chủ lực, gọi Quảng Châu. Phía Nam mang tên Giao Châu, gồm đa số dân chủng Lạc. Riêng tại Giao Châu, việc chia ly cũng được thể hiện bằng chuyện có rất đông một số người, với chủng Âu (Thái cổ) chủ lực, kéo lên miền núi rừng sinh sống, rồi lâu năm hợp với các chủng địa phương như Negrito (dân lùn tóc quắn) và Melanesian (dân đảo da đen), trở thành người Mường. Phần còn lại ở vùng đồng bằng trở thành người Kinh.



9. Cả hai bản của truyện tích Mường và Việt đều ghi rõ hai chủng Thái và Việt cổ đều theo mẫu hệ. Điều này rất hợp lý, bởi khi di tản xuôi Nam, cả hai chủng đều đi một lượt với nhau. Chủng Âu, tức Thái cổ, còn theo mẫu hệ, với chứng tích các con trai đều không theo họ cha lẫn họ mẹ, như Sùng Lãm con của Lộc Tục (xem bài số 2). Hai bộ tộc, một Âu một Lạc cùng di tản với nhau thì không cách gì chỉ có bộ Âu còn giữ mẫu hệ mà thôi. Chỉ ở đoạn cuối của bản Việt, các tác giả đã gượng ép thay đổi một số chi tiết để ám chỉ chủng Việt đổi ngay sang phụ hệ, vào lúc chia tay. Bằng cách cho con trường, mang hai giòng máu Thái-Việt, lên ngôi vua xưng là Hùng Vương và truyền lại 18 đời theo lối thế tập của phụ hệ. Có lẽ dưới sức ép phải minh chứng với người nghe kể chuyện là đám con theo Cha cũng tiến lên phụ hệ một lượt với các thầy Bắc phương, từ thời nhà Hạ bên Tàu.



10. Để tránh lộn xộn, xin tóm lược vài 'đẳng thức cơ bản' của loạt bài này, như sau:

* Bách Việt = Nhiều chủng tộc có các ngôn ngữ gần giống nhau, nhưng khác Hoa ngữ

* Việt (Nam) = Thái (cổ) + Việt (cổ) + Một số các chủng có sẵn bản địa (như Negrito,

Melanesian, Môn, Khmer, v.v.), từ đây gọi tắt 'các chủng khác', CCK.

* Việt (Nam) = Thái-cổ + Việt-cổ + CCK = Âu + Lạc + CCK

* Thái (cổ) = Nhiều chi chủng Thái (Âu) khác nhau (> 7)

* Việt (cổ) = Nhiều chi chủng Lạc (Việt cổ) khác nhau (> 5)

* Người Việt Nam thời sơ khai = Mẹ Thái + Cha Việt

* Người Thái Lan, xưa và nay = Mẹ Thái + Cha Thái

* Hmong (Miêu) tộc = hậu duệ của đám Cửu Lê (Jiu Li), với lãnh tụ Xy Yâu (Vưu) - từng

đại bại trước phe Hoa chủng của Hiên Viên 'Hoàng Đế', trong thời huyền sử. Ngày trước, chủng Hmong thường được gộp chung với khối Bách Việt. Bây giờ họ được tách ra khỏi khối này bởi có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, chỉ số sọ và có lẽ DNA.



Chúng ta có thể thấy rõ, một khi giải mã được truyền thuyết như một câu chuyện đời xưa liên hệ đến cuộc di tản hằng khối của 2 tộc Âu và Lạc, kết thúc bằng chia ly, tất cả những vấn đề liên hệ đều có thể nhanh chóng được sắp xếp trở lại, 'đâu vào đó' rất êm xuôi.



Phần sau đây chúng ta sẽ phân tích riêng về nước Xích Quỷ.



Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [5] có chép:



'Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.



Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.



Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.



Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.''



Sau đó vẫn theo 'truyền thuyết' Lạc Long quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.



XÍCH QUỶ



'Quốc hiệu' nguyên thủy của nước Nam chính là Xích Quỷ. Theo 'truyền thuyết giải mã', địa bàn 'nước' Xích Quỷ chính là địa bàn của khối Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử. Không kể đến những chủng Việt khác đã sinh sống hàng trăm hàng ngàn năm trước ở miền Hoa Bắc. Để ý thêm, bởi các tác giả truyền thuyết thuộc chủng Âu (Thái-cổ), ta thấy toàn bộ truyền thuyết đã được viết riêng theo quan điểm chủng Âu, tức gốc tổ người Mường. Viết y theo gia phả bên vợ của Lạc Long Quân, đại diện chủng Lạc tức Việt-cổ.



Xin phép nhấn mạnh thêm một lần nữa: Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc. Tác giả mập mờ không cho biết địa bàn phương Bắc gồm những vùng đất nào, nhưng đến khi được biết 'ranh giới' Xích Quỷ chúng ta có thể đoán ngay 'phương Bắc' bao gồm nhiều lắm là địa bàn tỉnh Hồ Bắc ngày nay, tức phần lớn đất Kinh Việt, tức châu Kinh của nước Sở. Phương Nam của nước Xích Quỷ do đó chỉ là một sản phẩm tiểu thuyết, của một truyện cổ tích lâm ly. Bởi một khi đã xác định thời gian và không gian nhằm vào nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta có thể thu thập các dữ kiện lịch sử rất chắc chắn như sau:



(i) Vào thời đó, ở miền Bắc sông Dương Tử, có đến trên 1000 nước lớn nhỏ khác nhau, bao gồm nhiều bộ tộc chủng tộc khác nhau. Với tiếng nói và phong tục khác nhau. Chỉ đến khi nước Tần trở nên hùng cường, diệt được Sở cùng với Hàn, Triệu, Ngụy, Tề và Yên và nhất thống được nước Tàu, lúc đó hãy còn loanh quanh ở Hoa Bắc, họ mới bắt đầu công cuộc Nam chinh, đánh vào các bộ tộc rợ miền Hoa Nam.



(ii) Miền Hoa Bắc trước khi nhà Tần nhất thống đã là một hỗn hợp rất nhiều bộ tộc và 'quốc gia'. Miền Hoa Nam của khối Bách Việt chắc chắn cũng y như vậy. Sử sách chính thức của Tàu không bao giờ đề cập đến 1 nước nhất thống được tất cả hằng trăm bộ tộc khác nhau của khối Bách Việt, ở Hoa Nam, trước và sau khi nhà Tần, nhà Hán khởi động chiến tranh xâm lược miền Hoa Nam. Bởi ở lý do hết sức đơn giản: Họ mãi lo chinh chiến ở miền Hoa Bắc nên hiểu biết rất ít về đám rợ ở Hoa Nam.



Như vậy tên gọi Xích Quỷ chỉ là một sản phẩm của chuyện cổ tích, với một mục đích đơn giản ghi lại cội nguồn của các chủng Bách Việt, đặc biệt hai chủng 'chủ lực' đã cuối cùng định cư tại đất Bắc Việt ngày nay: Âu và Lạc.



Sau đây chúng ta thử phân tích những lý do nào đã khiến tác giả chọn tên Xích Quỷ cho 'quốc hiệu' đầu tiên của nước Nam.



Tên nước 'Xích Quỷ' xuất hiện chính thức và đầu tiên với bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [6], vào đời vua Lê Thánh Tôn, khoảng năm 1479. Trước đó, nước Nam có hai bộ sử, với đặc điểm không có chép về truyền thuyết dựng nước của Hùng Vương, con trai trưởng của Sùng Lãm tức Lạc Long Quân, và Âu Cơ. Thứ nhất, Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, soạn năm 1272, thất truyền từ lâu. Thứ hai, Đại Việt Sử Lươc [7], khuyết danh, ra đời vào khoảng 1377-1388, dưới thời nhà Trần.



Cả hai bộ Sử Ký và Sử Lược đều không có ghi chép gì hết về cái danh xưng 'Xích Quỷ'. Như đã tóm lược phía trên, toàn bộ truyền thuyết xuất phát từ một chuyện cổ tích của người Mường. Chuyện đó chỉ bắt đầu vào đoạn 'Có một nàng công chúa Mường tên Ngu Kơ (Âu Cơ) lấy thái tử con bua Yịt là Long Wang (Lạc Long Quân)', chứ không có các tổ tiên như Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương, hoặc lãnh thổ như 'Xích Quỷ', ... Và kết thúc ở chỗ Ngu Kơ dẫn 50 đứa con trai và gái lên miền rừng núi, trong khi Long Wang đưa 50 người con trai và gái xuôi về miền đồng bằng gần sông biển. Hai bên tạo dựng nên các gia đình vua chúa. Ngụ ý những bộ tộc hai phe đều do các người con đứng vào vị thế lãnh đạo. Tức bản Mường không hề có Hùng Vương, hoặc hình thái nhà nước như nước Văn Lang.



Nói về tên nước Xích Quỷ, chúng ta có thể để ý đến các điểm chính như sau:



(i) Địa bàn của nước Xích Quỷ rất rộng lớn, nằm ở giữa khu vực Hoa Nam bên Tàu. Tức phiá Nam sông Dương Tử. Nhượng Tống, dịch giả đầu tiên của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [6], theo trích dẫn của Bình Nguyên Lộc [1] cho rằng tên Xích Quỷ ... quá xấu nên không có gì đáng tin cậy. Bình Nguyên Lộc, mặc dù lăng xê thuyết Mã Lai bằng tiếng Việt nhưng vẫn tin có Xích Quỷ và Văn Lang, đã ra sức biện giải cho tên Xích Quỷ và cho rằng có thể nằm đâu đó phía Nam tỉnh Quí Châu ngày nay. Quí Châu nằm ở phía Bắc và giáp giới tỉnh Vân Nam. Phía Đông của Quí Châu là tỉnh Hồ Nam. Khi xưa tỉnh Quí Châu có tên Quỷ Phương, cũng chứa từ 'Quỷ' trong đó, nằm ở phía Nam nước Sở thuộc khu vực Hồ Động Đình, cạnh sông Dương Tử.



(ii) Đọc sử Trung quốc, chúng ta cũng thấy vào thời Xuân Thu (770-476 TCN) có một bộ tộc rất 'man di' mang tên 'Xích Địch' quấy nhiễu nhà Châu, sau nhờ Tấn Văn Công hội chư hầu đánh dẹp [4]. Dân Xích Địch cũng có 'choảng' với các nước chư hầu khác, trong đó có nước Sở, đang chạy theo văn minh Hoa Hạ [3]. Nên để ý, mặc dù người Tàu thời cổ đại bày đặt phân biệt các đám rợ gọi theo phương hướng: Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Yi, và Nam Man, chúng ta thấy rất thường họ gọi lẫn lộn lung tung. Dân rợ phía Nam, thỉnh thoảng họ cũng gọi chung 'Man Di'. Lý do? Bởi ban đầu họ đã sắp xếp phân loại một đám rợ thuộc chủng này ở miền này, nhưng về sau họ lại gặp một đám rợ khác, ở hướng khác miền khác, có dáng dấp, phong tục và màu da y hệt như đám cũ trước kia. Thí dụ, người Hoa đầu tiên có thể gặp đám rợ Yueh ở khu vực Sơn Đông (nước Tề xưa), họ gọi đó là rợ Di, Lai Di. Đôi khi họ gọi đám Yueh đó Bách Bộc, tức nhiều bộ tộc mang tên Bộc giống giống với nhau. Cũng có lúc họ gọi một đám nào trong đó Yueh (Việt), như Việt Thường chẳng hạn [10]. Về sau họ gặp lại những nhóm rợ tương tự ở phía Nam sông Dương Tử, sống chung hay gần gũi các đám Nam Man khác, nên họ vẫn có thể gọi đám rợ phía Nam là 'Di'. Tức mặc dù đã đặt tên mới nhóm rợ Nam sông Dương Tử là Bách Việt hay Nam Man. Đôi khi họ vẫn lẫn lộn Di với Man cho cả hai đám. Bởi thật ra về chủng tộc rất có khả năng, hai khối thuộc chung một chủng lớn. Tương tự cho Xích Địch, mang nghĩa 'rợ có da màu đỏ'. Rất có khả năng, đầu tiên họ biết đám rợ này từ phương Bắc (nên mang tên Địch), nhưng hoàn toàn không có nghĩa dân Xích Địch không có ở phía Nam sông Dương Tử. Đây là một điểm khá gút mắt của đầu óc người Hoa.



(iii) Ta cũng để ý đầu óc mấy ông Tàu cũng rất phức tạp và tinh vi ở chỗ hết dùng phương hướng họ lại dùng đến màu sắc để phân biệt đám rợ này với nhóm rợ kia. Y hệt như cái thuyết Ngũ Hành. Theo ngũ hành họ có Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tương ứng với Tậy Đông Bắc Nam Trung, và với các màu Trắng Xanh Đen Đỏ Vàng. Đủ kiểu dáng để tha hồ phân biệt. Đối với 'Xích Địch' họ gọi đó đám rợ da màu thổ chu (đất đỏ) để phân biệt với các đám U Man (Wu man), tức rợ da màu đen đen - có lẽ chỉ Thái đen, và đám Bạch Man hay Bạch Di, tức rợ da hơi trắng. Đám U man, có tài liệu [11] cho biết, cư ngụ tại địa bàn Nam Chiếu (Vân Nam) và Dạ Lang (Quí Châu), cũng thuộc địa bàn chủng Thái, chứ không phải chủng Lạc. Đặc biệt nước rợ Việt của Câu Tiễn cũng từng được gọi U Việt, có lẽ người 'Việt' ở đó hồi xưa có da ngâm ngâm đen, trừ nàng Tây Thi? Theo Lăng Thuần Thanh, thư tịch Trung Hoa cổ thời gọi hai khối Yi (Di) và Yueh (Việt), là đám rợ đen (U man) [12]. Rất lộn xộn, nhưng theo thiển ý, có vẻ cả hai khối Đông Yi ở miệt Sơn Đông và Bách Việt phía Nam sông Dương Tử đều có các nhóm da màu đen đen



(iv) Phân biệt 'U man', 'Xích địch' cũng là phân biệt với 'Bạch Man' hay 'Bạch Yi'. một đám quỷ, đám rợ, có da trăng trắng. Bạch Man có lẽ được người Hoa dùng để chỉ đám rợ Nguyệt Chi (còn gọi Nhục Chi) tức Turkistan hay Tokhares hoặc Tocharians, mà ngày nay họ ưa gọi Tujia (Thổ gia) - gốc da trắng. Ngày xưa có thể họ là chủ nhân nước Ba [15], nằm cạnh nước Thục. Đám Thổ gia (Tocharians) chính là đóng góp của chủng da trắng đối với chủng Tàu nguyên thủy [1]. Họ xuất phát từ Trung Á, và thiết lập nên nhiều tiểu quốc trên con đường Tơ Lụa (Silk Road). Sau cùng có một nhóm về định cư ở Trung Đông, trở thành nước Thổ Nhị Kỳ (Turkey) ngày nay. Đây chỉ một trong nhiều giả thuyết.



(v) 'Xích Quỷ' mang nghĩa loài quỷ có da màu đỏ, và ở cuối 'quyển Mã Lai' [1], tác giả có mô tả một loại người dân tộc (người Kha Lá Vàng ở biên giới Việt Lào) nói thứ tiếng Việt rất cổ có da màu đất đỏ, màu 'thổ chu'. Với hàm ý, rất có thể người Kha là hậu duệ của dân ‘Xích Quỷ’. Ở một đoạn khác tác giả 'Mã Lai' cho biết dân Khả Lá Vàng có rất nhiều đặc tính cổ thời của dân Việt, mà chúng tôi mạo muội bắt đầu phác hoạ sự phân biệt giữa chủng Thái-cổ và Việt-cổ. Dân Kha có đủ thứ sắc thái của chủng Yueh-cổ: xâm mình, nhuộm răng, ăn trầu, và điêu đề (xâm trán), cũng như nói tiếng Việt rất cổ [13]. Tuy nhiên, tiếng Việt cổ của dân Kha gần với tiếng Mường hơn tiếng Việt. Điều này cho biết, theo với thuyết giải mã ở đây, người Kha thuộc chủng Thái cổ chứ không phải Việt cổ. Thuộc đám theo Âu Cơ, với chủng Âu (Thái-cổ).



(vi) 'Xích Quỷ' là một tên gọi thuần Hán. Do các tác giả Việt có thể thân-Mường, hay thân-Thái-cổ tức nghiêng về 'phe' của vua Lê Lợi (gốc Mường), đặt ra nhằm đề cao vai trò lãnh đạo của chủng Thái-cổ trong cuộc di tản về Nam hay dựng nước. Hoặc vinh danh chính triều đại nhà Lê vào lúc các bộ truyện như 'Việt Điện U Linh' hay 'Lĩnh Nam Chích Quái' ra đời. Nó đi đôi với tên xưng và địa danh của toàn bộ truyền tích con rồng cháu tiên. Đặc biệt những chuyện tích thơm danh chủng Việt như những cây gươm báu của Việt Vương Câu Tiễn, hai thanh kiếm Mạc Da và Can Tương ở nước Ngô (chủng Việt) [4], hoặc truyện tích Tây Thi gái nước Việt, đã 'bị' hoàn toàn gạt ra khỏi các truyền tích nằm trong cổ sử Việt. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này trong một bài khác.



(vii) Trở lại với chuyện chủng Thái-cổ có thể có một số mang da màu thổ chu (đất đỏ), nhiều tài liệu về việc khai quật các ngôi mộ cổ ở Bắc Bộ (thí dụ: xem [8]) cho thấy người chết được chôn cất, co gấp hai tay hai chân trong thế bó gối, giống như dân ở hải đảo Thái Bình Dương [14]. Ngoài ra ở chung quanh 'ngôi mộ còn thấy dấu vết của thổ hoàng màu đỏ như màu máu và càng về sau, người ta thấy cùng chôn với người chết còn có những dụng cụ như rìu, nạo và sau có cả đồ gốm thì người ta hiểu rằng có thể những người tối cổ đã tin tưởng là con người còn có linh hồn và khi chết thì linh hồn sẽ đi sang một thế giới khác để có một đời sống khác,.. [8]'.


(viii) Đọc lại sử sách hoặc địa lý Trung quốc (thí dụ [4]) chúng ta sẽ thấy vùng đất ở khu vực Trùng Khánh Tứ Xuyên, tức nước Thục cổ xưa với chủng Thái chủ lực, gồm toàn đất ... đỏ. Như vậy, khá rõ, chủng Hoa ngày xưa dùng chữ 'Xích địch' để chỉ đám rợ có da màu thổ chu của đất đỏ.



Xin thử ghi lại các sự kiện liên quan đến 'Xích Quỷ' ở trên:

- Tác giả chính hay nguyên thủy của truyền thuyết là người Việt chủng Thái-cổ;

- Xích Quỷ là quốc hiệu đầu tiên của truyền thuyết rồng tiên;

- Xích Quỷ mang nghĩa chính: giống Rợ có da màu đỏ. Một thứ từ do Hoa chủng đặt ra;

- Khối dân tộc chủ lực của Xích Quỷ chính là dân chủng Âu, tức Thái cổ;

- Người Kha Lá Vàng ở biên giới Việt-Lào có da màu thổ chu;

- Một số ngôi mộ của người Việt-cổ đã khai quật cho thấy dấu vết của đất đỏ;

- Nước Thục, chủng Thái, ở vùng Tứ Xuyên ngày nay, có rất nhiều đất đỏ;

- Thục bị Tần tiêu diệt vào khoảng năm 316 TCN;

- Dân Thục chủng Thái di tản sang Sở, và một số xuôi về Nam gia nhập cộng đồng ở

Tây Âu (tức Âu Việt), Điền Việt (Nam Chiếu) và sau cùng, bình nguyên sông Hồng.



Như vậy chúng ta có thể tổng hợp lại như sau: Xích Quỷ chính là một 'nước' trong trí tưởng tượng rất phong phú của các tác giả truyền thuyết - người Việt thuộc chủng Thái-cổ hay thân-Thái-cổ. Những người 'lãnh đạo' nước Xích Quỷ đó bao gồm những người di tản Việt chủng Thái, xuất phát từ một xứ có nhiều đất đỏ mang tên Thục. Nước Thục đã bị nước Tần tiêu diệt vào khoảng năm 316 TCN.



'Nước Xích Quỷ' do đó được đặt ra và nhét vào truyền thuyết con rồng cháu tiên, để tự an ủi việc mất lãnh thổ vào tay Hoa chủng - có lẽ khởi đầu bằng nước Thục (316 TCN). Sau đó đến lượt nước Sở rồi Tây Âu. Cũng có thể để ghi lại lý lịch ban đầu cho thật rõ: dân Việt có nguồn gốc dân từ những nước đã bị mất về tay Hoa chủng. Đặc biệt Thục và Sở.



Câu chuyện di tản do ở chuyện mất nước kết thúc khi một người nước Thục mang tên Phán (Thục Phán) lãnh đạo được đoàn người di tản - đa số xuất phát từ những nước đã mất về tay Hoa chủng - đến vùng bình nguyên sông Hồng và thiết lập nên xứ Âu Lạc, bao gồm hai chủng nòng cốt Âu và Lạc. Đó cũng là lúc Âu Cơ thành hôn với Lạc Long Quân.



KẾT



Qua loạt bài về giải mã truyền thuyết con rồng cháu tiên, đến đây chúng ta đã thấy, mặc dù câu chuyện bắt đầu với Thần Nông, Đế Minh, và Đế Nghi - nhưng đến lúc Lộc Tục xuất hiện với danh xưng Kinh Dương Vương, câu chuyện đã bị 'fast forward' theo kiểu bấm nút cho băng video quay nhanh sang đến thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu với địa điểm xảy ra câu chuyện là nước Sở.



Nước Sở là một nước được thành lập theo kiểu chư hầu phên dậu cho nhà Châu. Thành phần dân chúng chủ lực của Sở chính là chủng Thái-cổ, thường gọi Âu vào thời đó. Từ đó câu chuyện giới thiệu bà Âu Cơ, tiêu biểu cho chủng Âu, con gái theo họ mẹ y như mô hình mẫu hệ. Nhân vật Kinh Dương Vương cũng là một cái đinh của câu chuyện, bởi Kinh Dương Vương biểu tượng cho những người dân ở châu Kinh và châu Dương. Cả hai đất Kinh và Dương cũng đều thuộc nước Sở ở vào thời cực thịnh trong thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên. Đất Kinh còn gọi Kinh Cức hay Kinh Việt, hoặc Kinh Man. Kinh chỉ núi Kinh, và Cức là một loại cây có gai ở vùng đó. Đất Kinh là địa bàn ban đầu của Sở chứa đa số dân Việt thuộc chủng Thái. Đất Dương nằm về phía Đông Nam của đất Kinh, ra tận tới biển, bao gồm những vùng đất quân Sở đã thôn tính được từ đám dân Việt chủng Lạc ở hai nước Ngô và Việt xa xưa.



Bởi trong tên Kinh Dương Vương có chữ 'Dương', chỉ chủng Lạc tức Việt-cổ, con của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân mới mang được huyết thống của chủng Việt-cổ 100%. Phối hợp với Âu Cơ, chủng Âu tức Thái-cổ 100%. Hôn nhân giữa Âu và Lạc sinh ra 100 người con mang hai giòng máu Thái và Việt. Cuộc hôn nhân dị chủng đầu tiên nổi tiếng nhất của Á Châu đã nhằm vào mục đích nhất thống hai chủng tộc lớn và kiên cường nhất của khối Bách Việt để chống lại chủng Hoa rất hung hăn và dữ tợn. Cuối cùng đành phải thua, và hai chủng dắt tay nhau thối chạy về phương Nam. Họ dựng 'nước' nhưng rồi ý kiến bất đồng nàng Âu và chàng Lạc đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Mỗi người dẫn nửa đám con về trở lại địa bàn nguyên thủy của chủng họ.



Việc chia tay giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ xảy ra cùng lúc với việc nhà Hán thừa hưởng di sản 'tinh thần nhất thống và đế quốc' của nhà Tần, đưa quân xuống tiến chiếm hết miền Hoa Nam, đặc biệt khối chủng Việt (Lạc) ở vùng đồng bằng ven biển hướng Đông. Trong đó có phần đất Dương của nước Sở xa xưa, nước Mân Việt (Phúc Kiến ngày nay), và Nam Việt của Triệu Đà. Thế lực đô hộ sau đó tách rời phần đất chủng Âu (tức Thái-cổ) ra khỏi vùng đất chủng Lạc (tức Việt-cổ). Rồi ở tại nước Âu Lạc (cũ), đổi tên thành Giao Châu, nhiều người địa phương không thích chung sống với các quan trên người Tàu, đã di tản một lần nữa về miền rừng núi (cùng với Âu Cơ). Nhiều thế kỷ sau, qua quá trình hợp chủng với các sắc dân địa phương như Negrito, Melanesian, Môn-Khmer, v.v. họ trở thành người Mường.



Truyền thuyết còn mang rất nhiều điểm gút mắt và bí ẩn chúng tôi hy vọng sẽ lần lượt giải mã trong những bài tới. Nhưng ở đây chúng tôi xin mạo muội đưa ra vài đề nghị về đổi chác lịch sử, hiện thức được từ việc giải mã truyền thuyết.



Trước hết xin tóm tắt lại một vài điểm cao về nước Sở, cái nôi của dân tộc Việt.



(i) Sở mặc dù mang tiếng rợ thuở ban đầu, đã nhanh chóng thu nhập và rượt theo văn minh Hoa Hạ rất nhanh. Sở suýt một chút có thể thay thế vai trò nước Tần, nhất thống nước Tàu và thay đổi toàn bộ lịch sử. Chủng Việt (Yueh) thay chủng Hoa làm xếp nước Tàu và Hoa chủng có thể di cư xuống Đông Nam Á.



(ii) Xin để ý đến 3 câu ngạn ngữ sau, cho thấy người Sở rất 'nổi' (dân xịn) ở thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu:

- Tần phì Việt sấu: người Tần ưa ăn thịt mỡ nên mập béo. Người Việt (Thái+Việt) ở Sở thích ăn rau cá nên người thon thả hơn.

- Gỏi Sở nem Tần: giống như trên, dân Tần ưa ăn thịt hơn dân Sở. Theo [1] Tản Đà rất thích câu ngạn ngữ này.

- Đầu Ngô mình Sở: câu này cho biết lý trí thiên về chủng Việt (nước Ngô), và tình cảm (trái tim, thân mình) nằm ở chủng Thái (dân chủ lực của nước Sở). Cũng có thể mang nghĩa một người lai giống (Việt + Thái), không giống ai.



(iii) Sở có những sinh hoạt văn hoá rất đậm nét. Văn minh của Sở đã đóng góp rất nhiều vào văn minh Trung quốc, và cũng là một tiền thân của văn minh Việt Nam và Thái Lan. Tông giáo 'đồng bóng' (shamanism) đã có với chủng Yueh (chi Thái và Việt) ngay từ lúc họ còn sinh sống tại đất Kinh và Dương thuộc nước Sở..



(iv) Nổi bật nhất trong lĩnh vực văn minh và văn hoá chính là trống đồng (đã có tại Sở), và thể thi ca Sở Từ, một lối thơ gieo vần của dân Sở. Theo [4], so với Kinh Thi của Hoa chủng ở phía Bắc:

- Sở Từ dài trường thiên, trong khi Kinh Thi chỉ gồm những bài ca ngắn;

- Sở Từ dùng nhiều thần thoại, Kinh Thi nghiêng về nhân sự;

- Sở Từ lãng mạn, Kinh Thi tả chân;

- Sở Từ tác phẩm văn nhân, Kinh Thi thuộc giới bình dân.

Tác giả nổi tiếng nhất về Sở Từ chính là Khuất Nguyên (343-277 TCN) - đã sáng tác bản Cửu Ca trên bước đường lưu vong về phía Nam (xem bài số 2). Khuất Nguyên cũng rất nổi tiếng với thiên Ly Tao, bày tỏ tâm sự nỗi lòng của ông.



(v) Hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, ngày xưa từng là địa bàn nước Sở, ngày nay được xem như trung tâm văn hoá số một của Trung quốc [1].



Đề nghị thô thiển đổi chác lịch sử xin trình bày như sau:



(a) Tạm quên 4000 năm văn hiến.

(b) Chú ý nhiều hơn với 3000 năm văn hiến: Từ năm 1000 TCN đến ngày nay (2005).

© Để đổi: Nguồn gốc dân Việt Nam khởi từ nước Sở, thành lập khoảng 1000TCN

(d) Từ đó, tự nhiên dân Việt Nam sẽ là thừa kế và hậu duệ của chủ nhân tất cả trống đồng và quan trọng nhất: Sở Từ, một thể thi ca bất hủ ngang ngửa với Kinh Thi của Hoa chủng. Khuất Nguyên cũng có thể là một kiếp trước nào đó của Nguyễn Du.

(e) Nhìn xa xa, rất có thể Hán Cao Tổ Lưu Bang mang ít nhiều giòng máu Việt, bởi ông này dùng đất Hán sông Hán, nằm trong địa bàn nước Sở để đặt tên triều đại đầu tiên huy hoàng của Hoa chủng. Ấn tượng của triều nhà Hán mạnh mẽ đến độ người Hoa từ dạo đó về sau ưa gọi mình Hán tộc.



Ghi Chú


[1] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản.

[2] Bửu Cầm (1971) Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài 'Đồng Quân' trong Sở Từ. Tập san SỬ ĐỊA, năm thứ VIII, số 25, tháng 1-3, 1971.

[3] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM

[4] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung quốc. Nxb Văn Hoá.

[5] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ.

[6] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite

[7] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM.

[8] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nhà xuất bản Tư Tưởng. Sydney - Australia

[9] http://www.chinaknowledge.de/History/Altera/south.html#ba

[10] 'Việt Thường' có thể là một tên sớm nhất người Hoa đặt cho một nhóm thuộc Bách Bộc, hay Bách Việt sau này. Xin xem bài 'Văn Lang'.

[11] http://www.chinaknowledge.de/History/Altera/south.html#ba

[12] http://www.geocities.com/Tokyo/Bay/7051/DRAVIDIANS.html

[13] Bình Nguyên Lộc cũng như tất cả các tiền bối đều tiện nghi hợp hai chủng Âu và Lạc lại thành một nhóm trong những phân tích khó khăn. Những đặc tính chủ lực của chủng Yueh thời sơ khai bao gồm: nhuộm răng, ăn trầu, văn thân (xâm mình), điêu đề (xâm trán), lên đồng (shamanism), ... đều có thể tạm thời quy hết về chủng Âu, tức Thái-cổ. Chủng Lạc (Việt), như đám Bộc Việt ở miệt Sơn Đông, cũng có những đặc tính giống như vậy. Tuy nhiên, có lẽ việc lên đồng (shamanism) chỉ đặc trưng thuộc chủng Thái-cổ mà thôi.

[14] Việc tìm thấy xương và sọ của chủng Polynesian (dân đa đảo) và Melanesian (dân da đen hải đảo) không những tại các ngôi mộ ở Bắc Bộ mà còn lan rộng tận miền Hoa Bắc. Tài liệu internet ghi trong [11] cho biết những người cổ ở Ngưỡng Thiều đã biết trồng kê, lúa, nuôi ngựa, dê và cừu. Họ sản xuất đồ gốm (đen và đỏ) truy về khoảng niên đại 3000-1800 TCN. Tuy nhiên xương họ để lại, giống xương người Polynesian hoặc Melanesian nhiều hơn là giống chủng Mongoloid (gần chủng Hoa). Rất có thể người Hoa thời cổ đại cũng dùng 'U Man' để chỉ người Melanesian này.

[15] Người nước Tần thuở ban đầu cũng giống như Sở, làm nước phên dậu cho nhà Châu. Cũng một giống rợ nhưng lai bọn Tây Nhung rất nhiều. Tây Nhung có thể bao gồm đám Thổ gia, tức Turkistan.

(NGUỒN DUNGLAC.NET)

 
PHÁT XÍT ĐỨC VÀ CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ II (tt)
Trong các kế hoạch ấy có kế hoạch ám sát mà người ta thường gọi là cuộc ám sát ba người khổng lồ của đội biệt kích Nazi: S.S. Vậy ba người đó là ai? Không ai khác đó chính là ba nhân vật số một của ba nước lớn: Thống Soái tối cao Liên Xô - Iosif Vissarionovich Stalini; tổng thống Mỹ - Franklin D. Roosevelt; và thủ tướng Anh - Vinston Spencer Chirchill.
Ngày 28-11-1943, khi chiến tranh thế giới lần thứ II đang ở trong giai đoạn gay cấn và ác liệt nhất. Trước đó ngày 8-11-1942 liên quân Anh - Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi, và chiếm được Angiêri, Marốc rồi chiếm luôn Tuynidi. Quân Đức - Italia lâm vào bước đường cùng bèn phải hạ khí giới vào ngày 12-5-1943.
Sang ngày 10-7-1943 Anh, Mỹ đánh vào Xixilia của Ý và đến ngày 17-8-1943 Xixilia của Ý thất thủ và chính quyền phát xít bị tan rã, với sự kiện ngày 25-7-1943 thế lực dân chủ đã tống giam thủ tướng độc tài Mussolini.
Phát xít Đức bại trận trên chiến trường Liên Xô (7-7-1943) và tiếp đó bại trận tại Đông Âu. Tình hình chiến tranh đang diễn ra có phần thất bại cho đạo quân phát xít. Hitler muốn xoay chuyển tình thế có lợi về mình. Nên muốn làm một việc gì đó làm lung lay các nước. Và cơ hội đã đến khi ngày 28-11-1943 lãnh đạo ba nước lớn họp tại Tehran thủ đô Iran bàn về mở một mặt trận mới thứ hai tại lục địa châu Âu.
Người đảm nhận trách nhiệm ám sát là đội trưởng đội xung kích S.S. tên là Scorzne, là một tên xảo quyệt đã làm mưa làm gió và là người chuyên tiến hành các cuộc ám sát các nhà lãnh đạo quốc gia. Trước khi thực hiện cuộc ám sát quan trọng này, Scorzne đã thực hiện các cuộc ám sát thành công như: cuộc ám sát thủ tướng Áo Dollfuss năm 1934, bắt tổng thống Mikras và thủ tướng Schzniger của Áo năm 1936, giải cứu thành công Benito Mussolini bị giam cầm tại vùng núi Abruzzi. Kế hoạch bắt và ám sát các nhà lãnh đạo các quốc gia như sau:
Theo kế hoạch, nhiệm vụ đầu tiên của Corzner làm cách nào đó chặn bắt cóc Roosevelt trên đoạn đường từ đại sứ quán Mỹ đến đại sứ quán Liên Xô là nơi mà theo dự định sẽ diễn ra cuộc họp ba nguyên thủ quốc gia, phương án hai là phục kích, gài mìn hoặc là dội pháo từ xa và phóng hỏa tiêu diệt cả ba. Phương án ba là thu thập nội dung cuộc hội đàm và hiệp định đã ký kết để kịp thời đối phó.
Sau nhiều ngày đội biệt kích S.S. mà đứng đầu là SCorzne phối hợp với bọn gián điệp dò la tin tức có liên quan đến cuộc hội đàm Tehran. Và tại đây kế hoạch rút ngắn lại còn hai bước, thứ nhất là bắt cóc Roosevelt và chở ông này đến đảo Crimean của Liên Xô để nhằm che mắt mọi người và sau đó bí mật đưa về Berlin. Tiếp theo là tiêu diệt Chirchill và Stalin. Vì chúng nghĩ nếu bắt được Roosevelt thì Stalin và Churchill sẽ sợ hãi và lên máy bay về nước. Lợi dụng tình hình này, Đức sẽ dùng tàu lượn tập kích sân bay, dùng lửa thiêu rụi cả máy bay và người.
Nhưng mọi kế hoạch tốt đẹp mà bọn phát xít Đức đề ra thì đã bị bại lộ. Mà không ai khác, chính là tên cầm đầu cuộc tập kích này - Scorzne. Một lần uống rượu say bí tỉ đã tiết lộ âm mưu này cho một tình báo Liên Xô trong vai một trung úy Đức và tin tức này ngay lập tức được chuyển về Liên Xô. Và để đối phó Liên Xô đã mời Roosevelt ở lại hẳn trong đại sứ quán. Vậy là bước thứ nhất đã thất bại. Nhưng chúng vẫn không chịu thua, để lập công chuộc tội tên này đã liều mạng thực hiện luôn kế hoạch hai. Tức là đợi đến ngày cuộc họp "ba người khổng lồ" đáp máy bay rời Tehran sẽ dùng súng phun lửa thiêu sống cả ba bằng cách tập kích mãnh liệt sân bay.
Kế hoạch đó tưởng đâu diễn ra thuận lợi, nhưng không, "ông trời" lại không cho phép khi khí hậu lại thay đổi đột ngột, khiến Roosevelt vốn là một người đa bệnh, mà trước khi lên làm tổng thống đã bị liệt, đến lúc này thì đau buốt xương, nên ông muốn mau chóng rời khỏi đây. Và chính vì vậy mà việc ký điều ước dự định diễn ra vào ngày 2-12, thì làm sớm hơn dự định, và đã ký ngày 1-12 và ngay sáng hôm sau từ rất sớm cả ba về nước an toàn.
Chính vì vậy mà mọi âm mưu tính toán của bọn chúng không thể thực hiện được vì diễn biến thay đổi quá đột ngột làm chúng không kịp trở tay.
Thiết nghĩ, nếu mà Scorzne không say và không tiết lộ bí mật này thì sự việc sẽ thành công chăng. Nếu vậy thì cục diện chiến tranh sẽ thay đổi và tình hình thế giới lâm nguy. Nhưng may mà không phải vậy. Dù sao thì lịch sử cũng đã qua đi ta không thể thay đổi được.
Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, có một sự kiện, một bóng đen của chiến tranh, đó là sự tàn sát người Do Thái mà phát xít Đức đã tiến hành. Cuộc thảm sát này như thế nào?
Với thuyết "chủng tộc ưu việt" mà Hitler đã nêu ra "người Gierman là một chủng tộc thượng đẳng, có quyền cai quản thế giới, còn người Do Thái là dân tộc thấp hèn, cần phải tiêu diệt tận gốc". Chính vì vậy mà chúng đã ra tay tàn sát tất cả những ai chống đối mà đặt biệt là người Do Thái.
Theo thống kê, từ năm 1939 đến khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, chúng đã tàn sát 12 triệu người, trong đó có khoảng 6 triệu người Do Thái, nó chiếm 2/4 số dân Do Thái ở Châu Âu.
Vào thời cổ đại tổ tiên của người Do Thái là người Hebrew. Vào khoảng thế kỷ III B.C họ sống tập trung ở Palestine và đã lập nên vương quốc Israel và vương quốc Do Thái.
Sang thời hiện đại, sau nhiều lần bị lưu đày bởi các thế lực xâm lăng, như lưu đày ở Ai Cập, lưu đày tại Babylon, rồi bị Đế Quốc Roma cai trị...Họ sống rãi rác tại các miền Châu Âu và có thế lực về kinh tế rất lớn, mà chủ yếu là nhờ kinh doanh thương nghiệp. Khi vừa lên nắm chính quyền thì bọn phát xít đã chèn ép thương nhân Do Thái, và chúng đã cướp tài sản của họ để làm giàu cho giai cấp tư sản lủng đoạn Đức. Để thực hiện điều đó chúng đã thông qua việc bài xích Do Thái. Những tên trùm phát xít như Hitler, rồi Goring, Goebbels đã trở nên giàu có.
Sau khi chiếm Ba Lan chúng đã lập nên trại tập trung Auschiwitz, nhưng thực chất là lò sát sinh. Chúng tập trung hàng vạn công dân Châu Âu mà đặc biệt là Do Thái, Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô bị tàn sát ở đây. Trong trại "tập trung này" chúng dựng nên lò thiêu người, lò hơi ngạc. Không những chúng bắt người để giết mà chúng chọn khoảng 20% trong số đó đưa đi làm khổ sai. Con số nêu trên rất lớn, có ngày lên tới 6.000 người bị chết trong phòng mà chúng gọi là "phòng tắm". Có điều là chúng phân thành hai hạng người: Những tù chính trị chúng đánh hình tam giác màu đỏ, còn dấu tam giác vàng là người Do Thái. Ai đến đây là chết, nếu muốn sống chỉ còn cách trốn. Trong số 12 triệu người bị giết thì ở trại Auschwitz có đến 4 triệu người.
Mỹ đã biết đến trại này nhưng tại sao Mỹ không tìm cách phá hủy nó? nếu trong hai năm 1944 - 1945, mà Mỹ can thiệp thì đã cứu được 400.000 người hunggari gốc Do Thái bị giam ở đây. Đó là giai đoạn mà tổng thống Franking Delan Roosevelt nắm quyền. Ông đã ra lệnh ngày 22-6-1944 giao cho chính phủ Mỹ bằng mọi biện pháp cần thiết để cứu người Do Thái ở Châu Âu. Nhưng tại sao lệnh này không được thực hiện? Đến nay vẫn còn nằm trong uẩn khuất, mặc dù biết rằng không quân Mỹ có thể phá hủy chúng khi nào cũng được.
Trong cuộc chiến tranh này có một cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh và sẽ làm cho quân Đức suy giảm nghiêm trọng. Đó là trận Normandie.
Normandie nằm phía Bắc nước Pháp. Nước Pháp bị chiếm đóng từ ngày 1-9-1939. Chúng đã bố phòng dọc bờ biển Normandie 50 vạn quân dọc bờ biển dài 800 dặm Anh, do nguyên soái Đức Erwin Rommel chỉ huy. Và ở đây đã xây dựng một hệ thống phòng thủ mệnh danh là "Bức tường thép Đại Tây Dương". Để ngăn chặn quân Đồng Minh vào.
Vào một ngày âm u mù mịt, gió điên cuồng gào thét. Điều này như muốn báo hiệu ngày tàn của phát xít. Tiếng gió thét gào như tiếng chuông báo tử. 1h30' sáng quân Đồng Minh nhảy vào với 36 sư đoàn, 6.483 tàu chiến và 10.068 máy bay các loại phối hợp với du kích Pháp giải phóng các thành phố làng mạc. Đó là ngày 6.6.1944. Đến ngày 25.8 quân Đồng Minh vào Pari, Pháp được giải phóng hoàn toàn.
Quân Đức bị thiệt hại nặng nề: 45 vạn quân bị tiêu diệt, 3.500 may bay bị bắn hạ, cùng 1.500 xe tăng và 3.500 đại bác.
16-4-1945 sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức tại Berlin bị Liên Xô tấn công với 22.000 đại bác, 68 sư đoàn pháo binh, 3.115 xe tăng. Để tiến công dễ dàng qua các con sông, Liên Xô đã xây 23 cây cầu, cũng như hoàn thành 25 phà. Ngày 30-4-1945 Hồng Quân Liên Xô chiếm được nhà Quốc Hội Đức. 15h30' cùng ngày Hitler tự sát. Hồng Quân Liên Xô chiếm thành phố vào ngày 2-5-1945. Vậy là phát xít Đức nền kiêu hãnh của Hitler bị tiêu diệt từ đây.
Về Chủ nghĩa phát xít, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Phát xít là một hình thức phản động nhất, hung ác nhất của nền chuyên chính tư bản đế quốc. Vì chúng không thể cai trị bằng cách giả nhân, giả nghĩa như thời xa xưa nữa. Chúng khủng bố một cách cực kỳ ghê gớm, cực kỳ dã man tất cả những người và những đoàn thể tiến bộ, dân chủ và yêu chuộng hòa bình, chúng đặt ra cái thuyết "nòi giống": Những người Đức là nòi giống cao quý, trời sinh ra họ để cai trị thiên hạ."
Ngày 9-5-1945 phát xít Đức đã đầu hàng vô điều kiện.

Các bài viết vào Tuesday 28th November 2006

 
NẮM VỮNG NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam. Đó là bài học được Đại hội lần thứ IV của Đảng rút ra từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta, được các Đại hội lần thứ V, VI của Đảng tiếp tục khẳng định và đặc biệt được Đại hội lần thứ VII của Đảng phát triển với nội dung mới qua tổng kết kinh nghiệm 15 năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.

Bài học trên là sự phản ánh sinh động xu thế cách mạng của thời đại cũng như của nước ta, không những chỉ ra nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước đây, mà còn chỉ ra những yếu tố bảo đảm tính đúng đắn của đường lối và sự thắng lợi của cách mạng trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

I- NĂM VỮNG NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ CẢ NƯỚC TIẾN HÀNH CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ NHÂN DÂN (1930 - 1954)

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Vấn đề dân tộc bao giờ cũng mang tính giai cấp. Mỗi giai cấp đều có quan điểm riêng về vấn đề dân tộc. Vào những thế kỷ XVI, XVII, XVIII, dân tộc gắn với giai cấp tư sản. Lúc đó, giai cấp tư sản giương cao ngọn cờ dân tộc chống chế độ phong kiến lỗi thời. Thắng lợi của phong trào dân tộc lúc đó là thắng lợi của chủ nghĩa dân tộc tư sản, thắng lợi của chủ nghĩa tư bản.

Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản chẳng những là kẻ bóc lột nhân dân trong nước, mà còn là kẻ thống trị, áp bức, bóc lột lớn nhất đối với nhiều dân tộc trên thế giới. Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, giai cấp công nhân, đại biểu cho phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, là giai cấp duy nhất có khả năng giải quyết vấn đề dân tộc, kết hợp đúng đắn lợi ích giai cấp với lợi ích chân chính của dân tộc. Ngày nay, dân tộc gắn liền với giai cấp công nhân, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nước ta cũng chịu sự tác động của xu thế chung đó.

Xác định đúng địa vị lịch sử của giai cấp công nhân là điều kiện cốt yếu để kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố giai cấp theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sớm điều đó. Trong bài báo Cuộc kháng Pháp, Người viết: Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới".

Vào những năm 20 của thế kỷ này, ở Việt Nam đã có cuộc đấu tranh giữa tổ chức tiền thân của Đảng với phong trào yêu nước mang tư tưởng quốc gia về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.

Nhận rõ nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu và các lãnh tụ nông dân, biết những hạn chế của những cuộc cách mạng dân chủ tư sản, hơn nữa với sức mạnh thuyết phục của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng kiểu mới, qua cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa quốc gia, phần lớn hội viên, đảng viên của Tâm Tâm Xã, Tân Việt đã hăng hái tiếp thu tư tưởng cứu nước của đồng chí Nguyễn ái Quốc. Vì vậy, phong trào công nhân nhanh chóng trở thành phong trào chính trị độc lập và phong trào yêu nước với nội dung mới đã phát triển mạnh mẽ vào năm 1929 dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930.

Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời là biểu hiện đầy đủ về sự thống nhất giữa xu hướng phát triển chung của thời đại và của riêng nước ta; đáp ứng đúng đòi hỏi của tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau, đồng thời là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo thực hiện thắng lợi tư tưởng đó.

Ngay sau khi ra đời, trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, tiếp đó là Luận cương chính trị , Đảng đã xác định đường lối cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa, mục đích cuối cùng của Đảng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở nước ta.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn luôn nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì vậy đã giải quyết đúng đắn hàng loạt vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam và đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Với đường lối chiến lược đó, Đảng đã nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về tính liên tục và tính giai đoạn của cách mạng, khéo giải quyết mối quan hệ giữa hai giai đoạn cách mạng.

Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, trong khi tập trung sức người, sức của để hoàn thành nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, Đảng vẫn không quên tuyên truyền phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội và khi có điều kiện (lúc có vùng giải phóng ổn định), Đảng bắt tay ngay xây dựng một số cơ sở kinh tế, vừa phục vụ giai đoạn trước, vừa gây mầm mống thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa thuộc giai đoạn cách mạng sau. Phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội tuy là việc làm trong tương lai, nhưng tuyên truyền và quán triệt tư tưởng đó lại có tác dụng làm tăng thêm sức mạnh cho hiện tại vì nó đáp ứng từng bước yêu cầu của quần chúng đông đảo là kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, mà trước hết là công nhân và nông dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Sức mạnh của cách mạng dân tộc dân chủ bắt nguồn từ những nhân tố đó và chính những nhân tố đó giữ vai trò quyết định thắng lợi của cách mạng.

Đường lối nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng đã khắc phục những hạn chế của nhiều nhà yêu nước trước đây là chưa thấy rõ con đường tiến lên của dân tộc. Chính hạn chế đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của phong trào giải phóng dân tộc kiểu cũ ở nước ta.

Nhiệm vụ dân tộc dân chủ được giải quyết càng triệt để thì những điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội càng được tạo ra đầy đủ. Bởi vì, như Lênin nói, "không thể có một chủ nghĩa xã hội thắng lợi mà lại không thực hiện dân chủ hoàn toàn, giai cấp vô sản cũng không thể nào chuẩn bị để chiến thắng giai cấp tư sản được nếu nó không tiến hành một cuộc đấu tranh toàn diện, triệt để và cách mạng để giành dân chủ".

Giải quyết mối quan hệ giữa hai giai đoạn cách mạng là một vấn đề quan trọng nhưng chưa phải là vấn đề khó nhất. Việc giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến để có thể phát huy cao độ yếu tố dân tộc mới là vấn đề phức tạp. Đảng phải mất một thời gian tương đối dài mới đạt được sự nhất trí cao.
Về mặt chiến lược, nhiều văn kiện của Đảng viết: Dưới thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc và mâu thuẫn giữa nhân dân ta, chủ yếu là nông dân, với giai cấp địa chủ phong kiến.

Cụ thể hơn, Đảng nhận định nước ta là nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 90% số dân, chủ nghĩa đế quốc dựa vào chế độ phong kiến để bóc lột nhân dân, chủ yếu là bóc lột nông dân. Nguyện vọng tha thiết và trực tiếp của nông dân là dân tộc độc lập, người cày có ruộng.

Từ sự phân tích trên, Đảng vạch rõ cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược: đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược và thống trị, giành độc lập dân tộc, xoá bỏ chế độ phong kiến giành ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ đó phải được tiến hành khăng khít với nhau, không được tách rời. Đó là tư tưởng đúng đắn.

Về chỉ đạo chiến lược, Đảng phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, với khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết" để phát huy cao độ sức mạnh dân tộc nhưng không coi nhẹ những nhiệm vụ dân chủ.

Trong các văn kiện có tính chất cương lĩnh, chỉ có Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là đáp ứng được điều đó. Trong khi không xa rời mục tiêu chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tập trung lực lượng toàn dân chống đế quốc và đại địa chủ, còn đối với "trung tiểu địa chủ... thì phải lợi dụng, chí ít làm cho họ trung lập". Về sau, Đảng còn thu hẹp hơn diện đấu tranh để thực hiện sách lược thêm bạn, bớt thù.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh đúng mâu thuẫn chủ yếu nhất của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân ta với chủ nghĩa đế quốc và tay sai.

Tư tưởng đó đã đáp ứng yêu cầu nắm vững ngọn cờ dân tộc để tập hợp lực lượng đánh mạnh vào âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, sử dụng chủ nghĩa quốc gia chia rẽ dân tộc, chống lại đường lối đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng đúng đắn và sáng tạo nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc khéo kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố giai cấp để xem xét vấn đề xã hội. Sự ra đời một tư duy mới thường gặp trắc trở. Trong mấy nǎm đầu của lịch sử Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được nhiều đồng chí ở trong cũng như ở ngoài nước chấp nhận và bị thay thế bằng một đường lối "cứng rắn" dựa trên cơ sở đơn thuần vận dụng hay quá nhấn mạnh lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Thực tiễn ngày càng chỉ rõ quan điểm "cứng rắn" đó không phù hợp với lý luận và thực tiễn của cách mạng nước ta. Vừa mới ra đời, Đảng đã có thành tích lớn là phát động được cao trào cách mạng của công - nông trong cả nước kéo dài hơn một năm, nhưng cao trào đó cũng bộc lộ tính hẹp hòi, "tả" khuynh trong công tác vận động cách mạng.

Từ năm 1939 trở đi, tư tưởng chiến lược cách mạng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn Đảng chấp nhận và phát triển thêm.

Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa ra một luận điểm mới: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Từ đây, Mặt trận Việt Minh được thành lập, Mặt trận có lực lượng lớn và ảnh hưởng mạnh, đã góp phần quan trọng vào việc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa mang tính toàn dân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tiếp đến Mặt trận Liên Việt, một trong những lực lượng bảo vệ thắng lợi chính quyền non trẻ và là cơ sở của cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn chống thực dân Pháp xâm lược.

Để phản ánh đúng tư tưởng chiến lược về tính không tách rời của hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, phản ánh nhận thức của Đảng muốn giữ quyền lãnh đạo dân tộc phải thực hiện những yêu cầu dân chủ đối với nông dân, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) đã định rõ "nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm nhiệm vụ phản phong kiến", và thay khái niệm "cách mạng tư sản dân quyền" bằng khái niệm "cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân".

Nhận thức của Đảng đã rõ ràng. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện, Đảng đã phạm sai lầm hữu khuynh, có lúc quá chú trọng tranh thủ tầng lớp trên, coi nhẹ phát triển lực lượng công nhân, và sai lầm tả khuynh trong cải cách ruộng đất.

Từ những thành công cũng như sai lầm nghiêm trọng dù là tạm thời, Đảng đã rút ra bài học quan trọng về mối quan hệ giữa chiến lược và sự chỉ đạo chiến lược. Đó là: "nắm vững và giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ với hai khẩu hiệu chiến lược "dân tộc độc lập" và "người cày có ruộng", Đảng ta đã lôi cuốn được đông đảo nông dân đi theo giai cấp công nhân, động viên được các tầng lớp nhân dân khác cùng với công, nông bước lên trận tuyến cách mạng chống đế quốc và phong kiến. Trong quá trình cách mạng, những nhiệm vụ chiến lược đó đã được cụ thể hoá bằng những mục tiêu thích hợp với từng thời kỳ, dựa trên sự phân tích những mối quan hệ giai cấp cụ thể và khả năng phân hoá hàng ngũ kẻ thù đế quốc và phong kiến, nhằm tập trung ngọn lửa cách mạng vào kẻ thù nguy hại nhất trong từng lúc một. Song, dù ở bất cứ thời kỳ nào, những mục tiêu và nhiệm vụ chính trị cụ thể do Đảng đề ra, về cơ bản đều bao hàm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, về cơ bản đều gắn liền hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến".

Như vậy về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng đã nhận thức đầy đủ hơn, diễn đạt rõ ràng hơn, có tính lý luận sâu sắc và bảo đảm cho Đảng tránh mắc sai lầm tả hữu khuynh trong việc lãnh đạo hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ.

II- NẮM VỮNG NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ CẢ NƯỚC TIẾN HÀNH ĐỒNG THỜI HAI CHIẾN LƯỢC CÁCH MẠNG (1954-1975)

Từ năm 1954, hoà bình được lập lại, đặc điểm lớn nhất của nước ta là tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ chính trị đối lập.

Đảng ta nhận định rằng nếu trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, việc kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến có tác dụng góp phần quyết định thắng lợi, thì trong thời kỳ mới, việc kết hợp đúng đắn giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước cũng có tác dụng quyết định đến thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Đảng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cách mạng ở hai miền trong lúc trên thế giới chưa có tiền lệ giải quyết thành công vấn đề này. Đó cũng là vấn đề quan hệ giữa hoà bình và cách mạng nổi lên thành vấn đề lý luận và thực tiễn nóng hổi, trong lúc chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân tộc đang làm cho tình hình thêm phức tạp.

Bên cạnh những khó khăn, cách mạng Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi cơ bản: cách mạng nước ta đang ở thế thắng, phong trào giải phóng dân tộc đã đánh đổ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; lúc đó hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang là lực lượng hùng mạnh.

Trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, với lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, Đảng ta đã từng bước giải quyết mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) đã quyết định đường lối cách mạng chung của cả nước:

- "Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

- Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau".

Về vị trí chiến lược cách mạng của từng miền, Đảng ta xác định miền Bắc xã hội chủ nghĩa giữ vai trò quyết định nhất của sự nghiệp cách mạng cả nước và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, còn cách mạng miền Nam giữ vai trò quyết định trực tiếp đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai. Thông qua thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mỗi miền mà góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của cả nước là hoàn thành độc lập, thống nhất đất nước.

Bởi vậy, Đảng ta coi quan điểm chờ miền Nam hoàn toàn giải phóng, rồi cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội là không đúng.

Đường lối trên biểu hiện tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng ta. Lý luận cũng như thực tiễn chứng minh đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền là đúng đắn. Hai chiến lược đó chẳng những không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Quá trình chỉ đạo cách mạng ở hai miền cũng là quá trình Đảng ta cụ thể hoá thêm tư tưởng chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Trong khi đề ra nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng không chỉ căn cứ vào tình hình miền Bắc, mà còn căn cứ cả vào tình hình miền Nam. Đảng đề ra những chủ trương chẳng những đáp ứng nguyện vọng của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam, mà còn tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của tầng lớp trên ở miền Nam có tinh thần dân tộc, mở rộng mặt trận dân tộc giải phóng. Bằng công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ở miền Bắc, vừa bảo đảm đời sống cho nhân dân miền Bắc, vừa tăng cường lực lượng làm hậu thuẫn và chi viện cho cách mạng miền Nam.

Đảng lãnh đạo nhân dân miền Bắc phối hợp với nhân dân miền Nam đấu tranh chống những thủ đoạn xâm lược, chiến tranh chống phá của đế quốc Mỹ ở miền Nam và cả ở miền Bắc.

Đảng giáo dục nhân dân miền Nam nhận rõ vị trí quan trọng của cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam là: trực tiếp làm thất bại mọi chính sách xâm lược và nô dịch của đế quốc Mỹ và góp phần tích cực bảo vệ miền Bắc, bảo vệ cǎn cứ địa cách mạng của cả nước, tạo điều kiện cho miền Bắc giữ được hoà bình để tiến hành thắng lợi sự nghiệp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong khi đề ra nhiệm vụ, phương pháp cách mạng ở miền Nam cũng như khi quyết định mở những trận quyết chiến chiến lược, Đảng phải căn cứ vào tình hình miền Nam và cả tình hình miền Bắc, xem xét tác động của những thắng lợi sẽ giành được có ảnh hưởng đối với miền Nam và cả đối với miền Bắc.

Tiến lên chủ nghĩa xã hội, lực lượng mọi mặt của miền Bắc sẽ được tăng cường nhanh chóng. Đảng có thể lãnh đạo nền kinh tế theo hướng giải quyết khéo mâu thuẫn giữa sức người, sức của có hạn với yêu cầu ngày càng lớn của sự nghiệp cách mạng của hai miền.

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa có lực lượng vững mạnh mới đủ sức làm tròn nhiệm vụ căn cứ địa của cả nước, đủ sức tự bảo vệ, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại rất ác liệt của đế quốc Mỹ, có đủ điều kiện chi viện cho cách mạng miền Nam, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với hai nước Lào và Campuchia anh em.

Sự gắn bó chặt chẽ giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam làm cho thế và lực của cách mạng cả nước cũng như của miền Nam không ngừng tăng lên. Nhờ vậy, cách mạng miền Nam đã sử dụng được sức mạnh tổng hợp của cả nước để tiến công địch, đánh bại mọi chiến lược, chiến thuật của đế quốc Mỹ và tay sai.

Kẻ địch cũng thấy được mối quan hệ giữa cách mạng hai miền. Chúng đánh phá miền Bắc, đặc biệt là đánh vào các đường giao thông, các cơ sở kinh tế; xuyên tạc và lu loa rằng miền Bắc "xâm lược miền Nam", v.v. chính là vì chúng nhận rõ vai trò của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chúng phải đối phó trong thế thua ở miền Nam.

Đảng nhận định rằng, âm mưu và hành động phá hoại miền Bắc của địch chỉ có thể chấm dứt chừng nào miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Nhờ nhận định đúng đắn đó, Đảng ta luôn luôn sáng suốt, chủ động trong mọi tình huống.

Trong quá trình chỉ đạo cách mạng, Đảng đưa ra nhiều nhận định, trong đó có hai nhận định thể hiện sâu sắc nhất việc Đảng nắm vững mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.

Một là, tháng 3-1964, trong Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: "Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt".

Hai là, cuối năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam, Nghị quyết lần thứ 12 của Trung ương Đảng nêu cao quyết tâm giữ vững chiến lược tiến công, giữ thế chủ động trên chiến trường và nhất là kiềm chế và thắng địch ở miền Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho phép Đảng ta rút ra những kết luận quan trọng:

- "Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của cả hai chiến lược cách mạng được tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ với nhau".

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đảng khẳng định: "Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt mười sáu năm qua, luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược". Dù có những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo thực hiện do hạn chế lịch sử, chúng ta vẫn thấy kết luận trên của Đảng là thoả đáng.

Đảng cũng kết luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai.

Đi đôi với việc coi trọng củng cố và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, Đảng hết sức coi trọng việc xây dựng và phát triển thực lực cách mạng ở miền Nam.

Nhờ đường lối cứu nước đúng đắn, tinh thần hy sinh anh dũng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng ta đã phát huy cao độ nghị lực chiến đấu phi thường và sức sáng tạo vô tận của nhân dân ta, khai thác những tinh hoa trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc.

Từ việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng, Đảng ta đã giải quyết sáng tạo một loạt vấn đề lớn như đẩy mạnh cách mạng và bảo vệ hoà bình thế giới, ở khu vực và hoà bình tương đối ở ngay miền Bắc; giữa tiến công và bảo vệ...; bác bỏ những quan điểm hữu khuynh và phiêu lưu.

Đảng ta có khả năng và có điều kiện giải quyết vấn đề trên do đã từng hoạt động trong những hoàn cảnh đặc biệt. "Một Đảng thống nhất lãnh đạo một nước tạm thời bị chia cắt làm đôi, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, đó là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 5 năm 1975".

Cách mạng Việt Nam đã chứng minh một tư tưởng lớn của thời đại ngày nay là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau và bằng kinh nghiệm của mình, cách mạng nước ta đã góp phần làm giàu thêm nội dung kết luận trên.

Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học quan trọng của Đảng. Đảng tiếp tục quán triệt bài học đó trong giai đoạn lịch sử mới.

III-NẮM VỮNG NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ CẢ NƯỚC QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng đã xác định cả nước chuyển sang giai đoạn mới.

Việc chuyển giai đoạn cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng việc làm đó không đơn giản. Mỗi nước có cách giải quyết riêng, không có một khuôn mẫu định trước. Tất cả tuỳ thuộc vào tương quan lực lượng giữa cách mạng và các thế lực cản trở.

Lênin nói: Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ chiếu đúng theo lực lượng của chúng ta, theo lực lượng của giai cấp vô sản giác ngộ và có tổ chức mà tiến ngay lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa". Người lại nói: Chúng ta chỉ có thể nói và chỉ nói một điểm là: chúng ta sẽ dốc toàn lực lượng ra giúp đỡ nông dân thực hiện cách mạng dân chủ để cho chúng ta, chính đảng của giai cấp vô sản chúng ta ngày càng được dễ dàng hơn trong việc chuyển hết sức nhanh sang một nhiệm vụ mới và cao hơn là: cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin, dựa vào thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng nhận định: "Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau, và ở nước ta, khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự bắt đầu của thời kỳ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản ".

Tất nhiên, việc chuyển cách mạng sang giai đoạn mới và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội với quy mô lớn không đồng nghĩa với nhau.

Những năm gần đây, tình hình quốc tế chuyển biến rất phức tạp. Trước sau như một, Đảng ta và nhân dân ta kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa và nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đổi mới.

Đại hội lần thứ VII của Đảng nêu quyết tâm: "Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Bởi vì: "Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc".

Để thực hiện quyết tâm đó, việc làm đầu tiên của Đảng là đánh giá một cách khách quan những thuận lợi và khó khăn của tình hình đất nước và tình hình thế giới. Đảng phải mất một thời gian mới đi đến những nhận định tương đối đầy đủ.

Sức mạnh của thời đại trong giai đoạn hiện nay là sức mạnh của quy luật tiến hoá lịch sử; là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; là xu thế quốc tế hoá đời sống kinh tế thế giới; là các lực lượng đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, v.v.. Loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, dù lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co.

Sức mạnh của dân tộc là: chính quyền thuộc về nhân dân; nước nhà đi vào giai đoạn hoà bình xây dựng; dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt, nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, cần cù lao động và sáng tạo; chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở vật chất ban đầu; tài nguyên thiên nhiên nước ta tương đối phong phú, đa dạng; nước ta ở vào khu vực phát triển kinh tế năng động, lại nằm trên các tuyến giao thông quốc tế quan trọng.

Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định mục tiêu và giải pháp chiến lược, những điều kiện tiên quyết để biến tiềm năng thành hiện thực, trong đó có nhiều điểm đổi mới phải quán triệt.

Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng.

Xoá bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác.

Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền và các thành quả cách mạng.

Xây dựng một nền văn hoá mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú, đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ.

Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, kết hợp tốt giữa các lợi ích: cá nhân, tập thể và xã hội.

Hình thành một cộng đồng xã hội Việt Nam, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng.

Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Thực hiện chính sách đối ngoại nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và giải quyết nhiều vấn đề khác có lợi ích toàn cầu.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là điều kiện quan trọng nhất của việc kết hợp, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Những tư tưởng chiến lược nói trên của Đảng là đúng đắn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cụ thể hoá và hoàn chỉnh những tư tưởng đó nhằm khai thác đầy đủ nhất sức mạnh của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đường lối kết hợp giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một bài học lớn của Đảng ta. Với đường lối đó, Đảng ta góp phần bảo vệ tính trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân tộc sôvanh. Nhờ lực lượng hùng hậu do đường lối này đưa lại, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi trọn vẹn trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ngày nay, tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với nội dung mới, Đảng sẽ tiếp tục tạo ra lực lượng lớn mạnh bảo đảm cho Đảng làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn cách mạng hiện nay là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Nguồn báo điện tử Đảng Cộng Sản)

8 Trang « < 2 3 4 5 6 > »  
Thông tin cá nhân

thanhhuyen13051979
Họ tên: TRẦN CÔNG ĐIỀN BÍCH
Nghề nghiệp: giáo viên
Sinh nhật: 28 Tháng 8 - 1979
Nơi ở: Huế
Yahoo: thanhhuyen13051979  
Trạng thái: User is offline (Vắng mặt)
Thêm vào nhóm bạn bè
Gửi tin nhắn
các bạn ơi hãy vao xem đi. và hãy giúp mình hoàn thiện nha

Bạn bè
/-/u]/[9hung]/[u/-/
/-/u]/[9hung]/[u/-/
 
Xem tất cả

CHBTNSB
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30




(♥ Góc Thơ ♥)

Tik Tik Tak

Truyện cười

Xem theo danh mục
Xem theo danh mục:
     


Tìm kiếm:
     

Thời tiết

Tin nhanh

Tỷ giá

Giá Vàng

Lượt xem thứ:





Mạng xã hội của người Việt Nam.
VnVista I-Shine © 2005 - 2024   VnVista.com