
Hiện
nay, Hurst 26 tuổi, là chủ tịch công ty tư vấn thương mại điện tử Good
Creative có trụ sở tại New York, và đã cộng tác với các khách hàng như
Gateway 2000, Time Inc. New Media, Travelocity, và American Express.
Cuối tháng 2 vừa qua, Phil Terry 33 tuổi, cựu giám đốc truyền thông của
hãng McKinsey & Co., đã được mời làm giám đốc điều hành của
Creative Good.
Trong một cuộc phỏng vấn với Net Company, Hurst và Terry đã đưa ra
những lời khuyên rất thuyết phục về việc loại bỏ những phiền toái
thường gặp cho khách hàng khi lên mạng và cách để tránh cái họ gọi là
"những cản trở ngay ở mặt tiền".
Quy tắc thứ nhất: Bạn không phải là khách hàng
Theo Terry, những người mua sắm trên mạng hoàn toàn khác với những
người đã tạo ra các website. Các nhà thiết kế web biết sự khác nhau
giữa Java và javascript, và họ thích tải về các trình hỗ trợ. Khách
hàng thường chỉ vào một trang web và hỏi "Tôi đặt vé máy bay ở đâu và
khi nào nhận được?". Sau đó việc tìm kiếm lại chẳng dễ dàng gì. Khi tìm
kiếm sẽ thấy có rất nhiều website liên quan đến vấn đề này nhưng lại
không thực hiện được yêu cầu đơn giản đó. Và nhiều trang web trong công
cụ tìm kiếm còn không xử lý được một cụm từ dài, chẳng hạn như "áo cộc
tay Ralph Lauren màu xanh", hay đưa ra một loạt trang không thích hợp
với kết quả tìm kiếm.
Chẳng hạn, Hurst nói, khi bạn vào trang drugstore.com, và bạn gõ từ
Tylenol, công cụ tìm kiếm sẽ đưa ra 6 trang kết quả. Đây thực sự là vấn
đề đau đầu với khách hàng. Chính vì vậy, vấn đề rất quan trọng là phải
tạo ra phương tiện tìm kiếm thật chính xác, chặt chẽ. Các website nên
làm các công cụ tìm kiếm thật phổ thông. Hurst giới thiệu một phương
pháp có tên gọi "cách sắp xếp từ khoá": mỗi tuần, xác định những hàng
hoá mà khách hàng thường xuyên tìm kiếm nhất, sau lập trình để công cụ
search của bạn giới thiệu trực tiếp khách hàng vào các trang có những
sản phẩm đó, thay vì buộc họ phải lựa chọn, tìm kiếm trong hàng đống dữ
liệu không chọn lọc.
Quy tắc thứ hai: Tổ chức theo cách nghĩ của khách hàng
Nhiều công ty sử dụng luôn cách tổ chức nội bộ của họ như là một khuôn
mẫu để thiết kế website. Mỗi dòng sản phẩm có một khu vực riêng. Theo
Terry, đó là một sai lầm. Bạn cần phải sắp xếp cơ cấu hàng hoá dựa trên
cách mua hàng của khách. Khi mua hàng, họ thường muốn có luôn các phụ
kiện hay các vật dụng liên quan kèm theo, mà các công ty lại thường hay
sắp xếp ở những trang khác nhau. Mà khách hàng lại không muốn lần mò từ
trang này đến trang khác để tìm cho đủ các phụ kiện của một món hàng,
chẳng hạn như khi mua một dàn âm thanh, họ cần tìm mua cả loa, dây loa,
đầu đĩa,...
Quy tắc thứ ba: Nghĩ nhỏ, và nghĩ đơn giản
Các khách hàng tham quan website nhiều khi phát mệt bởi các nhà thiết
kế quá hǎng hái, các chuyên viên công nghệ quá tham vọng. Hurst nói
"Tất cả chúng ta (những người tạo ra các website) đều có các đường
truyền tốc độ cao và những máy tính lớn, nhưng đa số khách hàng của
chúng ta dùng các máy tính cũ, modem kết nối chậm và màn hình nhỏ. Web,
dù sao cũng chỉ là phương tiện trung gian miễn cưỡng mà thôi". Vì vậy,
điều rất quan trọng là phải giảm sự e ngại của khách hàng bằng môi
trường hình ảnh và chữ viết cần thiết nhất.
Việc nhồi nhét quá nhiều biểu tượng, lời quảng cáo, tệp tin âm thanh,
hay những ứng dụng Java nhúng vào trang web sẽ khiến khách hàng nản
lòng, mất kiên nhẫn để tìm kiếm món hàng mình cần.
Quy tắc thứ tư: Giải thích rõ ý định của mình
Rất nhiều website đề nghị khách hàng phải kích chuột vào những nút nhấn
rất là khó hiểu. Hurst lấy ví dụ về một nút nhấn trên trang web
Starbucks có cái tên rất ngớ ngẩn là "Beyond the Bean". Anh nói: "Khách
hàng sẽ nghĩ rằng tôi thiếu gì những thứ hay ho để làm mà phải ngồi
nhấn vào cái nút Beyond the Bean. Cho nên, bạn cần phải làm sao để
người ta hiểu tại sao họ phải kích chuột vào trang này, vào nút nhấn
này..."
Đây cũng là một quy tắc hàng đầu trong tư vấn của Creative Good: "Để
thành công trong thương mại điện tử, phải làm sao cho khách hàng mua
sắm thật dễ dàng".