500 ngàn đồng trong nháy mắt
Nơi tôi - một đứa sinh viên vừa tốt nghiệp với mảnh bằng Cao đẳng
chuyên ngành kế toán loại khá - làm việc là một công ty nhỏ, chuyên
nhận làm kế toán cho các công ty khác. Ra trường có việc ngay, lại đúng
chuyên ngành, thế là tôi đi làm. Thời gian biểu gần như hành chính, tôi
vẫn có thể học lớp hoàn thiện Đại học buổi tối.
Một buổi, sếp gọi tôi vào phòng, hỏi có mang chứng minh thư đi không.
Tôi gật đầu. Sếp giao cho tôi đi làm thủ tục mua hoá đơn tài chính
(VAT) cho một doanh nghiệp mới thành lập. Vì tôi mới làm lần đầu, nên
có thêm một nhân viên cũ "hộ tống".
Tôi đến Chi cục thuế nơi công ty mới mở kia "đóng đô". Cực kỳ đơn giản,
chỉ việc vào nộp hồ sơ, ghi số chứng minh thư và lấy giấy hẹn 10 ngày
sau đến mua hoá đơn. Trong 10 ngày ấy chi cục thuế tiến hành kiểm tra
tư cách pháp nhân cũng như tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Nếu
cho phép doanh nghiệp mua hoá đơn, là tôi đến mua. Vậy là xong.
Vài hôm sau, chị làm cùng công ty hỏi tôi một câu rất lạ: "Thế vụ này
được bao nhiêu hả em?". Tôi tròn mắt: "Vụ nào cơ?" "Thì cái vụ mua hoá
đơn lần trước em làm ấy...". Tôi tá hoả lên khi nghe bà chị kia buông
một câu gọn lỏn: "Thế sếp không nói gì với em trước sao?". Quá hoang
mang, tôi cố gặng hỏi bà đồng nghiệp. Nhưng tôi càng sốt ruột, mấy bà
này càng dửng dưng kiểu "không liên quan" và không muốn "dây" vào.
Mãi một tuần sau, khi đã có được vài người thân thân trong phòng, tôi
mới hiểu ngọn nguồn công việc vừa làm của mình là gì. Hầu như người nào
trong công ty cũng từng làm một lần, sau đó ý thức được sự nguy hiểm
nên không ai làm nữa. Và đương nhiên, sếp phải... lừa những nhân viên
mới như tôi!
Một tuần sau, sếp đưa tôi phong bì tiền "thưởng vì làm việc tốt". Cầm
500.000đ, số tiền được hưởng sau "vụ" này mà người tôi run lên, chẳng
còn đâu tâm trí mà làm việc. Nhớ lại cái nháy mắt của sếp: "Sau này em
còn kiếm được nhiều hơn thế nếu chịu khó làm cho anh", tôi thấy sống
lưng ớn lạnh.
Và nỗi ám ảnh của kẻ vô tình phạm tội
Tôi đã làm gì ư? Đại khái là thế này: Giám đốc công ty tôi thông đồng
với công ty thứ hai kia (tạm gọi là công ty B). Công ty B lập nên với
đăng ký kinh doanh gồm nhiều ngành nghề khác nhau, mục đích là để được
quyền mua hoá đơn đỏ. Trên thực tế, công ty B không hề hoạt động mà chỉ
đứng tên để cho hoá đơn có giá trị pháp lý.
Nói đến hoá đơn đỏ thì dân tài chính ai cũng biết rõ nó là tờ giấy có
giá trị pháp lý với cơ quan thuế và doanh nghiệp, có tác dụng thanh
toán tiền. Tờ hoá đơn đỏ được dùng để hợp pháp hoá chứng từ với những
cơ quan làm ăn phi pháp.
Khi đã có hoá đơn đỏ trong tay, công ty B sẽ bán hoá đơn này cho những
người có nhu cầu mua, thường là các doanh nghiệp. Sau đó các doanh
nghiệp sẽ hợp thức hoá đầu vào (hóa đơn nhập khẩu) để gian lận trong kê
khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT, nhằm làm thất thoát tiền thuế của ngân
sách nhà nước.
Thực tế, tờ hoá đơn đỏ có thể bị bán qua tay nhiều công ty và mục đích
sử dụng thì có trời mới biết! Chỉ có điều, nếu vụ lậu thuế vỡ lở, cơ
quan điều tra sẽ bắt đầu từ người đi mua hoá đơn để lần ra manh mối. Và
nguy cơ bị truy tố hình sự trước pháp luật rất cao dù người mua có thể
vô tình hay cố ý liên quan.
Người ngốc nghếch đó là tôi. 500.000đ "lại quả" của sếp có cứu tôi khi
tôi bị truy tố và hoàn toàn có nguy cơ ngồi tù không? Những ngày đó,
đọc tin báo đưa về đường dây mua bán hoá đơn thuế bị phanh phui, tôi
gần như gục ngã: khi nào sẽ đến lượt mình?
Sau lần ấy, tôi cũng như các đồng nghiệp không bao giờ nhận làm những
việc như vậy nữa. Cho dù là khoản lợi lộc thu được có thể khiến họ thay
đổi được cuộc sống, nhưng họ không thể đánh đổi cả một cuộc đời...
Khi không lôi kéo được nhân viên công ty, các sếp bắt đầu tìm những
người bên ngoài: có khi là ông xe ôm, hoặc một người lao động nào đó.
Nhưng vì họ quá ngờ nghệch, chẳng biết gì ngoài việc chìa chứng minh
thư nên không thể khiến cho Chi cục thuế tin tưởng mà cấp phép mua. Thế
là các sếp bắt đầu "tung chiêu" đến các sinh viên năm 3, 4.
Với mức lương "học việc" 500.000đ - 700.000đ/ tháng, các sinh viên chỉ
việc cầm chứng minh thư tiến hành đi giao dịch. Họ cũng như tôi, không
biết gì và cũng không ai trong công ty dám nói với họ rằng họ đang bị
nguy hiểm, vì ai cũng muốn yên thân mình. Cuối cùng, không chịu nổi
căng thẳng và sự day dứt, tôi bỏ việc.
Theo Nguyễn Hoa
Sinh Viên Việt Nam